Tối giản, tối giản, tối giản - WYSWYW
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 3 năm
Tôi luôn nghĩ rằng quá trình phát triển là một vòng xoáy trôn ốc, chứ không phải là một đường thẳng. Trên đường xoáy trôn ốc đó thì ta luôn thấy có những sự vật cũ, phong cách cũ được thể hiện dưới hình thái mới được cải tiến cho hợp với thời đại. Ví dụ ư, đơn giản có ngay: phong cách vintage, retro của thể kỉ trước đang trở lại rầm rộ từ quán ăn tới quần áo với diện mạo sạch sẽ và tinh tế hơn. Trong lĩnh vực công nghệ, quy luật đó cũng không ngoại lệ. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu về xu hướng thiết kế tối giản và định nghĩa thế nào là tối giản dưới góc nhìn ngây thơ nhất. 1. “Simplicity is the ultimate sophistication” – Leonardo da Vinci Tư tưởng về sự tối giản đã ra đời và phát triển từ lâu trong lịch sử, từ nghệ thuật, lối sống tới các ngành nghề sản xuất. Ngay cả thì hiện tại thì trào lưu sống tối giản, nghệ thuật tranh ảnh minimalism vẫn đang sống và phát triển mạnh. Trong lĩnh vực công nghệ và phát triển các sản phẩm cho người dùng đại chúng, tôi rất hâm mộ Apple, là công ty đã làm sống dậy xu hướng tối giản và định nghĩa một chu kỳ phát triển mới về UI/UX cho các sản phẩm và là đầu tàu cho các hãng khác đi theo con đường này về sau như Google, Facebook hay cả Microsoft (và tất nhiên là toàn bộ thế hệ software engineer thời đại này). Trước hết cần nói rằng Apple không phải là người phát minh ra xu hướng tối giản cho các sản phẩm công nghệ, bởi nó đã được các nhà thiết kế hàng đầu như Dieter Rams định hình từ những năm 50 thế kỉ trước (bạn có thể tham khảo qua các sản phẩm của hãng Braun chẳng hạn – và đây cũng là hãng ưa thích của Steve Jobs). Tuy nhiên cái giỏi (hoặc may mắn) của Apple, chính là việc làm sống dậy đúng thời điểm xu hướng thiết kế này, khi mà các hãng khác đang trong cuộc đua về nhồi nhét tính năng và cấu hình thay vì quan tâm tới trải nghiệm và cảm xúc người dùng. Kể từ khi hệ điều hành Windows ra đời và bá chủ thiên hạ, có một tôn chỉ mà Microsoft và các công ty công nghệ thường noi theo là What you see is what you get, nôm na là những gì mày thấy thì sẽ lấy sử dụng được. Và ngay trong tôn chỉ này thì chúng ta cũng thấy vị trí người dùng đang ở thứ yếu, tức là nhà sản xuất cho người dùng nhìn thấy gì thì cho, người dùng không có quyền quyết định. Vì thế trong cả giai đoạn này, các hãng thường tập trung vào việc nhồi nhét tính năng, mẫu mã, cấu hình hơn là chú trọng vào việc thỏa mãn nhu cầu thực sự của người dùng. Và khi Apple ra đời các sản phẩm như iPod, iPhone hay iTunes đặt trọng tâm người dùng lên hàng đầu với tiêu chí đơn giản từ mẫu mã đến cách sử dụng phần mềm, nó đã vượt lên hàng trăm sản phẩm của các hãng khác để tạo nên thành công lớn. Tôi gọi tiêu chí mới này của Apple là What you see is what you want What You See Is What You Get <-> What You See Is What You Want
2. Công thức thành công của Apple Apple lấy sự đơn giản hóa về design làm độc chiêu tối thượng để đánh bại các cao thủ đương thời, bởi vì nó thỏa mãn được tính “Lười” – đặc tính cố hữu trong bản chất con người: lười suy nghĩ, lười vận động, lười thay đổi, lười học…. Vậy làm thế nào để Apple có thể tạo ra các sản phẩm đơn giản, chúng ta có thể xem xét 3 công thức mà Steve Jobs đã chia sẻ
Công thức 1: Đơn giản = focus vào cái người dùng muốn nhất
Cái này hiểu đơn giản là việc sản phẩm của bạn giải quyết vấn đề gì cho tôi thì hãy focus vào đó, đừng đánh lạc hướng tôi. Và trong lịch sử làng công nghệ, chúng ta có thể thấy các công ty tí hon đi sau nhờ vào chiêu này đã đánh bại các gã khổng lồ đi trước
Công thức 2: Đơn giản = Less is more
Đừng làm nhiều, hãy nói KHÔNG với tất cả mọi thứ mà bạn nghĩ là tôi sẽ chỉ THỈNH THOẢNG dùng, để focus vào làm tốt cái tôi THƯỜNG XUYÊN dùng
Công thức 3: Đơn giản = Nhanh
Loại bỏ tất cả các thao tác không cần thiết để tôi có được kết quả NHANH NHẤT. Có thể, hãy dùng nguyên tắc 3-click của Apple làm chuẩn mực. Và như lịch sử đã diễn ra, Instagram bùng nổ với chiêu Nhanh này
3. Và hành động của chúng ta Bạn, tôi và cả thế giới này đều có thể đã, đang và sẽ biết các công thức trên của Apple, lẫn tất cả các công thức khác của các gã khổng lồ đương đại. Bài toán của chúng ta là Ctrl + P vào sản phẩm của mình. Và đây là cách giải quyết của tôi, thử hoặc không là do bạn, who care Khẩu quyết: Hãy đặt trọng tâm vào người dùng, và hãy nếm thử món của bạn trước khi ném ra
Chiêu 1: Who is Ohw?
Sản phẩm của bạn làm ra là để dùng, không phải để trưng bày, và bạn đừng bao giờ ảo tưởng rằng nó sẽ thỏa mãn cho tất cả mọi thể loại người dùng (tổng thống hay hoa hậu đều được chọn thông qua tỉ lệ phiếu bầu đa số, chứ không phải tất cả mọi người). Vì vậy, hãy xác định rõ đâu là đối tượng khách hàng bạn muốn hướng tới và hãy chăm sóc như ông hoàng
Chiêu 2: When it is used?
Hãy đặt mình vào vị trí người dùng và vẽ ra các scenario sử dụng sản phẩm một cách cụ thể nhất. Có thể sản phẩm của bạn chỉ có đúng một chức năng thôi, nhưng nó làm cái đó tốt nhất. Và hoàn hảo nhất, hãy lấy xe chạy đi chở khách trước khi đầu quân cho Uber.
Chiêu 3: How it works?
Đến đây các bạn có thể nhận ra tôi muốn đề cập đến vấn đề gì. Vâng, đó chính là cách hoạt động của sản phẩm của bạn. Hãy đơn giản nhất có thể, để người dùng tập trung vào kết quả thay vì cách làm. Flappy bird là người thầy tốt cho bạn trong chiêu này, chỉ với tap và tap. Bạn có dám thử làm sản phẩm chỉ cần mỗi tap là hoạt động được không?
OK, vậy là tôi đã nói sơ qua cho các bạn về các công thức và chiêu thức để làm sản phẩm tối giản hóa một cách ngắn gọn và hy vọng là dễ hiểu. Tuy nhiên thế giới sản phẩm phần mềm nó nhiều khi cũng không đơn giản được như vậy, nên hẹn các bạn trong một bài khác, tôi sẽ nói thêm về các yếu tố cơ bản mà người dùng muốn có nhưng nhiều khi chúng ta lại hay quên. Keep moving \m/ (PS: các hình ảnh trong bài đều được lấy trên Internet)
All rights reserved