UX chém gió - Dữ liệu đến từ đâu
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 3 năm
Cách đây vài ngày, tôi có đọc được một bài viết hay ho về những thay đổi trong tư duy về design UI/UX cho các hệ thống AR/VR, những sản phẩm chắc chắn sẽ xuất hiện rầm rộ trong tương lai gần. Các bạn có thể xem bài viết tại đây http://tapbut.ngochieu.com/vr-ar-design/. Nội dung bài viết chủ yếu đề cập một số gợi mở về cách thay đổi các yếu tố design khi chuyển từ các app thông thường sang các app trong môi trường AR/VR. Các bạn có thấy kích thích khi xem ảnh dưới không?
Sau khi đọc xong bài viết, tự nhiên tôi tự hỏi để có bước chuyển biến này, thì liệu chúng ta có nên nghĩ dần tới việc thay đổi cách nhập liệu cho các sản phẩm hiện tại hay không. Và tôi xin liệt kê một vài cách nhập liệu dưới đây, hy vọng các bạn sẽ thấy thú vị để chúng ta chia sẻ nhiều hơn, cũng như sẽ có thêm các ý tưởng mới
1. Hello Siri
Cách nhập liệu đầu tiên tôi muốn đề cập chính là tiếng nói, mà chúng ta thấy đã được áp dụng rất nhiều trong những năm gần đây. Hiện tại thì tất cả các ông lớn từ Google, Amazon, Apple hay Microsoft đều đã phát triển các trợ lý ảo sử dụng cách giao tiếp bằng tiếng nói, và trong tương lai thì có thể đây sẽ là cách nhập liệu phổ biến nhất cho các ứng dụng.
Rõ ràng, cách nhập liệu bằng tiếng nói có rất nhiều ưu điểm so với cách dùng text như đang phổ biến hiện tại như
- Tốc độ nhập liệu nhanh
- Phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng hơn, đặc biệt là người già hay trẻ nhỏ
- Phù hợp với nhiều loại công việc hơn, đặc biệt là các công việc cần giao tiếp với các thiết bị máy móc khác hay các robot Ở thời điểm hiện tại thì cách nhập liệu này chỉ đang được áp dụng vào các ứng dụng đơn giản bởi hai yếu tố:
- Việc xử lý tín hiệu âm thanh cho những câu lệnh phức tạp vẫn cần nhiều nỗ lực để cải tiến cho chính xác hơn, cũng như có thể áp dụng cho nhiều loại ngôn ngữ khác nhau trên thế giới
- Các sản phẩm truyền thống vẫn chưa thúc đẩy để chuyển đổi theo cách mới. Ví dụ bây giờ bạn đang sử dụng một ứng dụng quản lý nhân sự, và để nhập liệu thông tin cá nhân của ai đó, thì rõ ràng nếu bạn đọc từng thông tin một rồi chờ hệ thống yêu cầu tiếp thì sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như cảm hứng làm việc, vì thế chúng ta cần phải thay đổi cách thức, như là cho phép đọc liên tục các thông tin, có ngắt quãng giữa các trường khác nhau. Ngoài ra, một điểm yếu nữa trong cách nhập liệu bằng âm thanh chính là việc nó sử dụng âm thanh, bạn có hiểu ý tôi không, trường hợp mà rất nhiều người dùng sản phẩm tại một địa điểm (ví dụ trong công ty, nhà ga, sân bay…) thì đúng là chợ vỡ. Vậy thì ý tưởng của chúng ta ở đây là gì? Trong trí tưởng tượng thì tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tạo nên thiết bị có thể giảm hoặc triệt tiêu âm thanh hay định hướng sóng âm về một điểm là ổn.
2. Camera
Ở thời điểm hiện tại, có thể các bạn không để ý, nhưng việc nhập liệu thông qua camera đã manh nha phát triển, và chắc chắn sẽ nở rộ trong tương lai. Đối với hình thức này, hiện có một số dạng áp dụng cho sản phẩm như sau
- Scan dữ liệu text: Các giải thuật nhận dạng chữ viết tay hay in máy OCR (Optical Character Recognition) đã được nghiên cứu từ rất lâu và đã có những thành quả nhất định. Chính vì thế, hiện tại đã xuất hiện rất nhiều các ứng dụng để có thể scan nhanh chóng các dữ liệu viết tay hay từ các trang sách. Và tôi nghĩ rằng hình thức nhập liệu này sẽ còn phát triển một thời gian khá dài trong tương lai nữa, khi mà nguồn dữ liệu trên giấy cần chuyển đổi sang số vẫn còn rất nhiều, đặc biệt trong hệ thống doanh nghiệp và hành chính ở các quốc gia. Đó là chưa kể về tiềm năng được sử dụng trong ngành du lịch khi kết hợp với các công cụ dịch thuật tự động
- Scan các dạng dữ liệu khác: Một trong những dữ liệu dạng này đã bắt đầu làm quen với chúng ta chính là hình ảnh về khuôn mặt, và bài toán áp dụng đầu tiên chính là việc mở khóa máy tính. Tuy nhiên, trong tương lai không xa thì hình ảnh khuôn mặt là thông tin rất quan trọng để có thể kết nối với rất nhiều dữ liệu cá nhân khác, từ các thông tin cá nhân lí lịch thông thường, tới các thông tin cần bảo mật hơn như sức khỏe, công việc và thậm chí cả các tương tác của bạn trong thế giới ảo
Ngoài ra, tất cả những thứ mà có thể thu lại hình ảnh được thì sẽ đều là nguồn nhập liệu được sử dụng nhiều trong tương lai. Đó có thể là một loạt hình ảnh của một vật để nhập liệu cho máy in 3D, đó có thể là hình ảnh của một địa điểm, phong cảnh để từ đó hiển thị lên các thông tin liên quan tới địa điểm đó, hay đơn giản khi bạn soi camera vào một món hàng thì các thông tin về giá hay thuộc tính sẽ hiện ra. Và các bạn vẫn còn nhớ Google Glass chứ, đối với thiết bị này thì nhập liệu bằng camera là quá hợp lý rồi
3. Dữ liệu từ cảm biến và các hệ thống camera tracking
“Tương lai sắp tới sẽ là thời đại của IoT”, chắc các bạn đã nghe câu này rất nhiều và ở khắp mọi nơi. Và tôi thấy đúng là như vậy, ở thời điểm hiện tại thì số lượng các sản phẩm áp dụng IoT đã rất là nhiều, từ mọi lĩnh vực khác nhau: công nghiệp, nông nghiệp, smart home, fitness, healthcare,… Và chắc chắn là các cảm biến và các hệ thống camera tracking để thu thập dữ liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nên tôi đang tưởng tượng trong một vài năm tới, khi mà việc kết nối giữa các thiết bị đơn giản và nhanh hơn rất nhiều, thì thay vì việc phải nhập liệu thông thường hay thực hiện kết nối phức tạp, mọi thứ đều sẽ được thu thập một cách tự động và realtime
Lúc đó, việc của các developer khi thiết kế chỉ là lựa chọn các loại cảm biến khác nhau (cảm biến chuyển động, cảm biến âm thanh, cảm biến ánh sáng, màu sắc, dao động, hay cảm biến hơi thở, mùi…) cho các đầu vào của chương trình, sau đó khi chạy chương trình thì các thiết bị tương ứng sẽ tự động kết nối và cung cấp dữ liệu. Về hệ thống tracking thì hiện tại trên thế giới cũng đã phát triển nhiều hệ thống để theo dõi chuyển động hay các cử chỉ, hành động của bàn tay hay mắt, ví dụ các ứng dụng CGI trong điện ảnh hay các hệ thống tracking cử chỉ như LeapMotion. Và trong tương lai, khi mà các hệ thống tương tác VR/AR ngày càng phát triển, thì việc phân tích các cử chỉ sẽ ngày càng quan trọng.
4. Nhập liệu từ ứng dụng khác
Cách đây khá lâu, khi có tin hệ điều hành iOS cho phép có sự chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng với nhau, tôi đã nghĩ rằng sẽ có một sự thay đổi lớn trong việc nhập liệu. Tuy nhiên thì có vẻ quá trình chuyển biến chưa được nhanh như tôi hình dung. Nhưng tôi vẫn nghĩ là trong tương lai, khi mà nhu cầu sử dụng nhiều các loại thông tin khác nhau để phân tích, thì việc lấy dữ liệu từ ứng dụng này để sử dụng trọng ứng dụng khác là việc rất thường xuyên. Ngay cả lúc này, chắc các bạn cũng đang có những nhu cầu như thế. Ví dụ như trong một ứng dụng về du lịch, rõ ràng nếu bạn chỉ cần có một control mà dùng luôn được tất cả các thông tin của ứng dụng thời tiết mặc định của iOS hay Android thì tốt quá.
Hoặc một ví dụ khác, nếu tôi có một control có thể tìm kiếm và sử dụng toàn bộ thông tin các contact trong thiết bị của tôi để có thể đặt Uber hay Foody hộ cho bạn tôi thì tuyệt vời. Chưa kể, nếu các ứng dụng tư vấn sức khỏe có thể sử dụng luôn được các dữ liệu từ ứng dụng theo dõi các chỉ số cơ thể hàng ngày của tôi thì hay quá.
5. Sóng não
Hiện tại thì tôi có khá ít các thông tin liên quan tới các công nghệ về việc phát triển các xử lý về tín hiệu não đã tiến tới đâu, chỉ thỉnh thoảng có một số ít thông tin từ các công ty đang nghiên cứu công nghệ này như Emotiv (https://www.emotiv.com) hay Neuralink (https://www.neuralink.com/). Nhưng như Elon Musk đã tuyên bố là có thể cấy chip vào não để sử dụng trong vòng 8 – 10 năm nữa, thì rõ ràng tương lai bạn có thể nhập liệu bằng ý nghĩ là không xa rồi. Và như chúng ta đều biết cả cơ thể là một mạng lưới dây thần kinh không lồ và dùng điện sinh học để trao đổi thông tin chứ không phải chỉ có não, thì chúng ta có nhiều cách thức khác nhau để nhập liệu: có thể là nhập liệu bằng suy nghĩ, bằng các tín hiệu sinh học khi vận động tay chân hay các tín hiệu khi tiếp xúc qua da
Lời kết
Rõ ràng những kỳ tích mà chúng ta chỉ có thể xem và tưởng tượng qua các bộ phim xem từ bé tới giờ đang dần dần hình thành và trở nên gần gũi trên thực tế. Các bạn hãy sẵn sàng đón nhận và mở rộng trí tưởng tượng để tạo nên các sản phẩm tuyệt vời và không thể tin được đi.
Keep moving \m/
All rights reserved