Giới thiệu về gem AASM
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 3 năm
Bài toán
Đã bao giờ bạn gặp tình huống phải xử lý việc chuyển trạng thái của các đối tượng, mà việc thay đổi trạng thái ấy có tính ràng buộc, có điều kiện, lại kèm theo một đống hook cần phải thực hiện với nó. Ví dụ một khóa học đang init
(khởi tạo) bạn muốn cho nó sẵn sàng chạy thì chuyển trạng thái pending
(chờ), sau khi khai giảng khóa học thì trạng thái cần chuyển sang in_progress
(đang chạy), muốn kết thúc khóa học thì phải chuyển về trạng thái finished
(kết thúc), muốn đóng khóa học trước khi kết thúc thì phải đưa trạng thái về closed
(đóng). Ở đây về tính logic, rõ ràng bạn chỉ có thể cho chạy lớp học khi lớp đó đang chờ hoặc đang đóng. Bạn có thể kết thúc hay đóng, hoặc cho một lớp học vào trạng thái chờ nếu lớp đó đang chạy. Thêm nữa, mỗi khi chuyển trạng thái của khóa học, thông báo sẽ được gửi đến những người có vai trò nhất định trong khóa học đó (ví dụ như trainer và trainee cùng với giáo vụ). Khi kết thúc khóa học phải lưu lại thông tin về kết quả học tập của trainee.v.v Nếu bạn đang cố gắng thực hiện bài toán này bằng cách tạo ra một đống hàm, một chuỗi các biểu thức điều kiện và tạo ra callback ở khắp mọi nơi, thì mình tin rằng code của bạn sẽ trở thành một đống mess và chính bạn cũng tự nhận thấy rằng đó không phải là cách làm đúng.
Đây là lúc Máy trạng thái (State machine) xuất hiện và thể hiện những đặc điểm lợi thế của mình.
Bài toán ví dụ ở trên có thể được diễn tả lại bằng máy trạng thái như hình:
Trong đó:
init
, pending
, in_progress
, finished
, closed
là các trạng thái của khóa học
ready
, start
, stop
, finish
, close
là các sự kiện (event). Các sự kiện này phát sinh khi nhận các input như click lên button, hoặc được kích hoạt bằng job… Các sự kiện sẽ gây ra sự thay đổi trạng thái (ví dụ sự kiện start
sẽ là từ pending
-> in_progress
), còn được gọi là quá trình chuyển đổi (transition)
Phần tiếp theo mình sẽ giới thiệu về việc áp dụng máy trạng thái để giải quyết bài toán chuyển đổi phức tạp này với gem aasm
.
Gem aasm
Gem này chứa gói AASM, một thư viện cho phép chúng ta thêm vào các class của Ruby một máy trạng thái hữu hạn (finite-state machine FSM). AASM là viết tắt của plugin acts_as_state_machine trước đây, hiện nay đã không còn sử dụng riêng cho ActiveRecord mà còn được tích hợp cho nhiều ORM khác. Một điều chắc chắn là nó có thể sử dụng cho bất cứ Ruby class nào dù cho parent class có là gì đi nữa.
Cài đặt gem
gem install aasm
Hoặc là sử dụng Bundler
gem "aasm"
bundle install
Generators
Sau khi cài đặt xong bạn có thể sử dụng generator
rails generate aasm NAME [COLUMN_NAME]
Nếu bạn đã có một trường để lưu trạng thái của model rồi thì không cần thực hiện bước này nữa. Nếu chưa thì bạn cần thực hiện câu lệnh trên và thay NAME là tên model. COLUMN_NAME là tên của trường trạng thái bạn cần dùng, có thể tùy chọn, vì mặc định nếu để trống thì nó sẽ được đăt là “aasm_state”. Câu lệnh sẽ sinh ra model (nếu nó chưa tồn tại) và generate tự động đoạn block aasm (bạn sẽ thấy ở phần sau). Nếu bạn sử dụng Active Record thì nó sẽ đồng thời tạo một file migration để thêm trường trạng thái vào trong bảng.
Cách dùng
Giờ ta sẽ áp dụng máy trạng thái sử dụng gem aasm, bằng cách include module AASM, định nghĩa các state (trạng thái), events (sự kiện) cùng với các transitions (chuyển dịch) tương ứng.
class Course
include AASM
aasm do
state :init, initial: true
state :pending, :in_progress, :finished, :closed
event :ready do
transitions from: :init, to: :pending
end
event :start do
transitions from: :pending, to: :in_progress
end
event :stop do
transitions from: :in_progress, to: :pending
end
event :finish do
transitions from: :in_progress, to: :finished
end
event :close do
transitions from: :pending, to: :closed
transitions from: :in_progress, to: :closed
# có thể viết gộp lại như dưới đây
# transitions from: [:pending, :in_progress], to: :closed
end
end
end
Từ đây bạn có thể nhận thấy rằng chúng ta đang khai báo một máy trạng thái với khả năng cung cấp một cơ chế để quản lý ràng buộc các trạng thái, các sự kiện và chuyển đổi rất rõ ràng và tường minh. Khối lệnh trên sẽ cung cấp cho class Course một vài public methods như sau:
course = Course.new
course.init? # => true
course.may_ready? # => true
course.ready
course.pending? # => true
course.init? # => false
course.may_ready? # => false
course.ready # => raises AASM::InvalidTransition
Khá là dễ để hiểu được ý nghĩa của các phương thức này, nên mình sẽ không giải thích quá nhiều. Để ý ở dòng cuối cùng, khi course đang ở trạng thái pending thì nó không thể thực hiện event ready, theo mặc định thì việc gọi đến một sự kiện mà không được phép sẽ raise ra lỗi AASM::InvalidTransition
.
Tuy nhiên nếu bạn không thích exceptions mà muốn kết quả đơn giản là true hay false, thì chỉ cần thêm:
class Course
...
aasm whiny_transitions: false do
...
end
end
whiny
có nghĩa là càu nhàu, như vậy là bạn hiểu ý của option này là gì rồi đấy 😄. Kết quả sau trả về sẽ như chúng ta muốn:
course.pending? # => true
course.may_ready? # => false
course.ready # => false
Khi chạy một event, bạn có thể truyền vào phương thức của nó một block, và block ấy sẽ được gọi chỉ khi transition thành công:
course.ready do
notify_all_users # ví dụ như vậy
end
Callbacks
Callbacks là cách tuyệt vời để thực hiện các tác vụ đi kèm với quá trình chuyển đổi trạng thái. Bạn có thể định nghĩa callbacks cho events, transitions hoặc states dưới dạng các phương thức, Procs hay classes. Callbacks được gọi tại các thời điểm khác nhau trong vòng đời của quá trình chuyển đổi trạng thái. Bảng sau mô tả một life cycle hoàn chỉnh kèm theo các callback được sắp xếp theo thứ tự tương ứng:
begin
event before_all_events
event before
event guards
transition guards
old_state before_exit
old_state exit
after_all_transitions
transition after
new_state before_enter
new_state enter
...update state...
event before_success # if persist successful
transition success # if persist successful
event success # if persist successful
old_state after_exit
new_state after_enter
event after
event after_all_events
rescue
event error
event error_on_all_events
ensure
event ensure
event ensure_on_all_events
end
Giờ chúng ta sẽ thử áp dụng vào bài toán mẫu để khiến nó trở nên thực tế hơn một chút.
class Course
include AASM
aasm do
state :init, initial: true
state :pending, before_enter: :save_progress
state :in_progress, :finished, :closed
after_all_events Proc.new { |*args| notify_somebody(*args) }
event :ready do
transitions from: :init, to: :pending
end
event :start do
transitions from: :pending, to: :in_progress
end
event :stop do
transitions from: :in_progress, to: :pending
end
event :finish, success: :dump_trainee_data do
transitions from: :in_progress, to: :finished
end
event :close do
transitions from: :pending, to: :closed
transitions from: :in_progress, to: :closed
end
end
private
# Lưu quá trình học
def save_progress
...
end
# Lưu dữ liệu học của trainee
def dump_trainee_data
...
end
# Gửi thông báo đến đối tượng nào đó
def notify_somebody(subjects)
...
end
end
OK, ví dụ vài callbacks như vậy thôi nhé. Dưới đây là giải thích ngắn gọn về cách dùng:
state :pending, before_enter: :save_progress
->:save_progress
thực hiện khi course bắt đầu vào trạng thái:pending
.event :finish, success: :dump_trainee_data
->:dump_trainee_data
thực hiện khi course thực hiện thành côngevent :finish
after_all_events Proc.new { |*args| notify_somebody(*args) }
-> callback dạng proc được sử dụng để truyền tham số cho event (*), thực hiện sau mỗi khi event kết thúc.
(*) Chúng ta có thể truyền tham số cho event bằng cú pháp như sau:
course.ready(:pending, managers)
Trong đó tham số đầu tiên xác định trạng thái kết thúc của transition, phần còn lại chính là tham số truyền vào cho event. Cụ thể trong trường hợp này, notify_somebody
sẽ nhận đối số truyền vào là managers
. Bạn cũng có thể truyền vào tham số đầu tiên cho event là nil, khi đó AASM sẽ thực hiện transition đầu tiên định nghĩa cho event đó.
Trong trường hợp một lỗi xảy ra khi diễn ra event, nó sẽ được rescued và truyền vào callback :error
, do đó chúng ta có thể dùng nó để xử lý tùy ý.
event :close do
error do |e|
...
end
transitions from: :pending, to: :closed
transitions from: :in_progress, to: :closed
end
Trong quá trình callback diễn ra bạn cũng có thể kiểm tra các thông tin về state hoặc event đang chạy:
def dump_trainee_data
...
logger.info "from #{aasm.from_state} to #{aasm.to_state}"
...
puts "triggered #{aasm.current_event}"
end
Guards
Giả sử bạn muốn ràng buộc các transition, cho phép chúng được thực hiện chỉ khi thỏa mãn một điều kiện cho trước. Lúc này chúng ta cần sử dụng guard (lính canh) cho transition. Nếu guard trả về false
thì transition sẽ bị denied (raise AASM::InvalidTransition
hoặc trả về false
). Ví dụ:
event :finish, success: :dump_trainee_data do
transitions from: :in_progress, to: :finished, guard: :evaluations_finished?
end
course = Course.new
course.may_finish? # => false nếu :evaluations_finished? trả về false và ngược lại
Tuy nhiên thì có vẻ như bạn sẽ thích ràng buộc transition bằng if
, unless
hơn vì nó khá gần Ruby:
NOTE: Khi một event có nhiều transitions, transition đầu tiên thực hiện thành công sẽ ngăn các transitions tiếp theo trong cùng event được thực hiện.
ActiveRecord
Như đã nói ở phần trước, aasm sẽ sinh ra cho model một trường trạng thái mặc định là aasm_state, tuy nhiên ta có thể custom tên trường trạng thái theo ý sử dụng như sau:
aasm column: :status do
...
end
Thường trong thực tế chúng ta sẽ ưa dùng trường trạng thái với kiểu enum hơn dựa trên những ưu điểm của nó. Để sử dụng enum, chúng ta chỉ cần áp dụng đơn giản như dưới đây:
class Course < ActiveRecord::Base
include AASM
enum status: {
init: 1,
pending: 2,
in_progress: 3,
finished: 4,
closed: 5
}
aasm column: :status, enum: true do
state :init, initial: true
state :pending, before_enter: :save_progress
state :in_progress, :finished, :closed
end
end
Kết luận
Trên đây mình đã trình bày sơ qua về khái niệm của một máy trạng thái và đưa ra cách áp dụng nó vào một bài toán thực tế, sử dụng gem aasm. Còn rất nhiều chi tiết nâng cao liên quan đến việc sử dụng aasm để giúp bạn có thể xử lý bài toán của mình một cách tinh tế hơn, tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết mình chỉ trình bày những đặc điểm đặc trưng và cơ bản để áp dụng với bài toán thường gặp. Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn, hãy đọc thêm ở đây. Cảm ơn sự chú ý theo dõi!
All rights reserved