Vay mượn trong DeFi có gì khác?
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 4 năm
Nếu quan tâm đến tài chính, có lẽ ít nhiều gì bạn cũng đã nghe crypto lending (cho vay tiền điện tử) - xu hướng mới đang thu hút hàng tỷ đô và mở ra cơ hội mới cho nhà đầu tư.
Vậy nên bài viết này sẽ giải thích câu hỏi: Crypto lending có gì khác vay mượn bình thường mà lại thu hút được nhiều sự quan tâm vậy?
Tại thời điểm bài viết, số tiền đổ vào crypto lending là $3.72B tham khảo từ defipulse.
1.Crypto lending là gì?
Về cốt lõi, crypto lending là một khái niệm khá đơn giản: Người đi vay sử dụng tiền điện tử làm tài sản thế chấp để có được khoản vay tiền fiat (hoặc một đồng tiền điện tử khác) và người còn lại đáp ứng khoản vay với lãi suất được thỏa thuận. Điều này cũng có thể hoạt động theo cách khác, khi người vay sử dụng tiền fiat làm tài sản thế chấp để vay một đồng tiền điện tử.
Bạn có thể sẽ nhận thấy rằng không có gì đột phá ở đây - chúng chỉ đơn giản là các khoản vay thế chấp, nhưng lại đang mở ra các cơ hội kiếm tiền mới cho các nhà đầu tư trong hệ sinh thái DeFi đang phát triển. Với DeFi, việc tiếp cận các khoản vay không còn cần thông qua KYC nữa, và nhiều cách kiếm tiền mới cũng dần xuất hiện như: trao đổi lệch giá, margin trading, flash loan,...
2. Lending quan trọng như thế nào đối với thị trường ?
Về cơ bản, thị trường tín dụng và vay mượn làm tăng lượng tiền cho công việc sản xuất bằng cách phân bổ tiền từ những người chưa có nhu cầu sử dụng cho những người đang cần tiền. Nhờ đó đôi bên đều có lợi, cho phép người đi vay tiếp cận vốn và người cho vay có lãi.
Sự ra đời của crypto lending mang đến cơ hội lớn cho thị trường tiền điện tử và người dùng, vốn theo truyền thống chỉ có hai lựa chọn: hold hoặc trade tiền điện tử. Nhiều cách sinh lời mới với crypto lending đã xuất hiện. Người cho vay crypto có thể nhận được khoản lãi suất cao hơn (~8%) so với lãi suất tiết kiệm ở Mỹ (~1%). Còn người vay sinh lời bằng cách dùng khoản tiền đó kinh doanh, trading lấy chênh lệch tỷ giá, market-making, hoặc tránh thuế bằng cách giao dịch với tiền điện tử,...
Mặc dù đây là một cải tiến lớn đối với hệ sinh thái tiền điện tử, nhưng nó không mang lại điểm mạnh của tín dụng - như hiện tại, tất cả các khoản vay tiền điện tử đang bị "thế chấp hoá" quá mức, có nghĩa là bạn phải có sẵn vốn để có thể vay vốn.
3. Hai nền tảng lending: Tập trung và phi tập trung
Kể từ năm 2018, các nền tảng cho vay đã sinh sôi trong ngành công nghiệp tiền điện tử với nhiều mô hình khác nhau nhưng về bản chất, có thể được chia thành 2 nhóm: tập trung và phi tập trung. Cốt lõi sự khác biệt ở chỗ: ai/cái gì đang xử lý quy trình vay mượn? - một doanh nghiệp hoặc một giao thức.
Các nền tảng cho vay tập trung hoạt động giống như các công ty fintech truyền thống - họ tuân theo các quy trình của KYC, có hệ thống giám sát để bảo vệ tài sản và có thể hình thành quan hệ đối tác kinh doanh (nhằm đàm phán các thỏa thuận cho vay cụ thể). Các nền tảng này có xu hướng đưa ra lãi suất được xác định trước, và thường đem về khoản lợi nhuận cao hơn cho lender khi so sánh với các nền tảng phi tập trung.
Các nền tảng cho vay phi tập trung, ví dụ như Compound, Maker và dYdX, hoạt động như các giao thức có thể được truy cập bởi bất kỳ ai và bất kỳ lúc nào mà không cần KYC hoặc sự giám sát (ngoại trừ Maker, có hệ thống quản trị phi tập trung xác định lãi suất). Các nền tảng này có lãi suất thay đổi dựa trên cung/cầu (đối với một tài sản) và công thức tính lãi suất.
Fact: Điều này đôi khi có thể dẫn đến sự thay đổi lãi suất lớn, với dYdX có lúc đã tăng vọt trên 30%.
4. Những rủi ro của crypto lending là gì?
Mặc dù crypto lending thường được so sánh với mô hình cho vay truyền thống về nhiều mặt, nhưng phải thừa nhận rằng đây là mô hình mới hơn và rủi ro hơn nhiều vì sự quản lý các khoản vay chưa tốt.
- Thứ nhất, người vay phải gánh chịu rủi ro sẵn có là giá trị tài sản thế chấp của họ có thể giảm xuống dưới giá trị cần thiết (mức giá trị mà đảm bảo rằng người cho vay luôn luôn nhận được lãi), dẫn đến chúng bị thanh lý.
- Trong hệ sinh thái Defi, smart contract được coi là luật, vậy nên mỗi bug khi lập trình đều có thể bị khai thác để tấn công nền tảng cho vay.
- Vấn để về tính thanh khoản (ví dụ: một lượng lớn tiền được đổ vào hoặc rút ra) có thể gây biến động lên lãi suất cho vay. Mặc dù, các hàm tính lãi suất được thiết kế để chống lại sự thay đổi lớn này, nhưng vẫn chưa thể chắc chắn là không xảy ra.
- Cuối cùng, crypto lending có thể vướng phải những quy định, thuế, chính sách KYC,.. và cho đến nay, nhiều khu vực vẫn chưa có quy định về sử dụng tiền điện tử (ngay cả stablecoin).
Những công nghệ, giao thức mới liên tục ra đời, hứa hẹn sớm lấp đầy những rủi ro và đưa crypto lending (hay rộng hơn là DeFi) trở nên đáng kỳ vọng hơn bao giờ hết!!!
5. Các usecase của crypto lending
Có lẽ cách tốt nhất để hiểu cách các nền tảng và thị trường này hoạt động là điểm qua những cách mà chúng ta có thể tham gia vào, từ phổ thông đến nâng cao.
5.1. Vay-mượn tiền điện tử
Đương nhiên, đây là lĩnh vực cơ bản nhất của crypto lending. Hiện nay, nhiều nền tảng đang cung cấp dịch vụ này với những mức lãi suất khác nhau.
Có thể tham khảo ở CoinMarketCap bao gồm mức lãi suất của nhiều nền tảng crypto lending khác nhau.
5.2. Tăng thanh khoản và tránh thuế
Với những holder, tiền điện tử chính là một phần tài sản của họ. Theo chính sách nhiều nơi, bán thứ tài sản này đi có thể phát sinh thuế thu nhập. Vậy trong trường hợp cần tiền mặt (trong ngắn hạn), holder hoàn toàn có thể thay vì bán tiền điện tử đi (sẽ phát sinh thuế và mất cơ hội đầu tư), mà chọn cách khác là thế chấp tài sản này cho một khoản vay.
5.3. Rate arbitrage - Trao đổi chênh lệch giá
Nếu đã truy cập CoinMarketCap, bạn sẽ nhận ra cơ hội kiếm tiền từ chênh lệch lãi suất giữa các nền tảng. Ví dụ: tại thời điểm bài viết, bạn có thể vay ETH trên Aave với lãi 0,55% và cho vay trên Crypto.com với 6,0% để thu về lợi nhuận ETH là 5,45% (trung bình theo năm). Tuy nhiên, cách kiếm tiền này đòi hỏi nhiều kinh nghiệm vì một khi Aave và Crypto.com thay đổi tỷ giá có thể khiến bạn chịu lỗ.
5.4. Margin trading / leverage
Sự gia tăng của crypto lending cũng dẫn đến việc margin trading dễ dàng hơn, không còn phải thông qua sàn giao dịch tập trung. Người dùng có thể đi vay, mua thêm tài sản thế chấp và tăng số tiền vay của họ theo vòng lặp cho đến khi đạt đến giới hạn. Đây giống như cách đầu tư “dài hạn” vào tài sản thế chấp đã được chọn.
Ví dụ: nếu tôi sử dụng ETH làm tài sản thế chấp vay DAI rồi bán DAI đi để vay thêm ETH và giá ETH tăng, tôi vẫn chỉ phải trả lại số tiền ban đầu - mặc dù ETH đã tăng giá trị. Điều này cho phép tôi thu thêm lợi nhuận. Các nền tảng như dYdX làm cho điều này trở nên đơn giản, cho phép bạn mua hoặc bán với mức leverage lên đến 5 lần. Nhưng rõ ràng là rủi ro cao nếu giá ETH đi xuống, tài sản thế chấp của bạn có thể bị thanh lý (để bảo vệ người cho vay).
5.5. Flash loan - Các khoản vay nhanh
Flash loan gần đây đang nhận được nhiều sự chú ý sau sự kiện bZx DeFi hack. Tận dụng smart contract của Ethereum, người dùng có thẻ vay toàn bộ khoản tiền mong muốn mà không cần đến tín dụng hay tài sản thế chấp, rồi sử dụng khoản vay, và cuối cùng trả lại khoản . Tất cả 3 bước trên đều gói lại trong 1 giao dịch, vậy nên nếu không thể trả lại khoản vay, thì việc sử dụng khoản vay trước đó cũng không thành công. Bạn có thể đọc thêm tại đây.
5.6. Thanh lý
Với những người có hiểu biết nhiều về công nghệ, vẫn còn nhiều cơ hội khác trong hệ sinh thái DeFi ví dụ như Liquidator (người thanh lý). Liquidator sẽ chạy bot để xác định những khoản nợ có giá trị tài sản thế chấp dưới mức quy định, sau đó thanh lý chúng để trả lãi cho người cho vay và nhận về cho mình một khoản phí dịch vụ.
6. Tương lai của crypto-lending là gì?
Có thể nhận thấy điểm mấu chốt của crypto lending nằm ở việc thanh lý mà tiền điển tử đóng vai trò làm vật thế chấp. Không như mô hình truyền thống, thanh lý tài sản như nhà đất, xe với tính thanh khoản thấp là quá trình dài và khó khăn. Trái lại, với tiền điện tử, việc này hết sức nhanh gọn chỉ trong vài giây, biến crypto lending thành thị trường tiềm năng để sinh lời dù vẫn là còn một số hạn chế.
Reference
All rights reserved