Làm chủ SOLID: Open-Closed Principle - Phần 2
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 5 năm
Open-Closed Principle là gì ?
Open-Closed Principle được hiểu là nguyên tắc Mở Nhưng Đóng. Tức là mỗi thành phần của hướng đối tượng đều nên được mở trong việc mở rộng nhưng đóng trong việc sửa đổi. Một số blog lập trình tiếng Việt phát biểu đầy đủ nguyên lý này như sau:
Class nên được ƯU TIÊN MỞ RỘNG, nhưng cần HẠN CHẾ SỬA ĐỔI
(Objects or entities should be open for extension, but closed for modification)
Giải thích nguyên tắc này
Một cô gái ngoại hình chưa được đẹp lắm, cô ấy nên dùng mỹ phẩm trang điểm để trở nên đẹp hơn hay là sang Hàn Quốc phẫu thuật để sửa đổi ngoại hình ? Tôi sẽ khuyên cô ấy dùng mỹ phẩm hơn là đi phẫu thuật. Có lẽ bạn cũng sẽ đồng ý với tôi.
Việc phẫu thuật có những ảnh hưởng gì ?
- Tốn kém tiền bạc, thời gian
- Phải chịu đau đớn
- Có thể xảy ra biến chứng
Trong khi đó, nếu dùng mỹ phẩm. Sau khi không cần nữa, ta có thể tẩy trang. Ta không nhất thiết phải sửa đổi cơ thể mình để có thể trở nên đẹp hơn và cũng tránh những ảnh hưởng đến kinh tế cũng như sức khỏe lâu dài. (Tất nhiên đây là quyền của mỗi người nhưng tôi chỉ đưa vào đây như một ví dụ minh họa.)
Trong lập trình hướng đối tượng, một class có thể được triển khai ở rất nhiều nơi trong toàn hệ thống. Vì vậy ta không nên sửa đổi nó để tránh gây ảnh hưởng tới logic cũng như duy trì tính ổn định của toàn hệ thống. Ta chỉ nên mở rộng thêm các tính năng của nó khi cần mà thôi.
Áp dụng nguyên lý này cho các class
Ở phần trước tôi đã lấy ví dụ về class ConBò
nên lần này tôi sẽ tiếp tục lấy ví dụ về nó. ConBò
có một thuộc tính là tuổi
. Và giả sử mọi con bò dưới 1 tuổi thì đều ăn bằng cách bú sữa mẹ, những con lớn hơn thì sẽ luôn chỉ ăn cỏ. Cách thông thường thì ta sẽ viết hàm kiểm tra tuổi của bò để thực hiện việc ăn tương ứng.
boolean đã_lớn_chưa() {
if(tuổi > 1.0) {
return true;
}
return false;
}
void ăn() {
boolean lớn_rồi = đã_lớn_chưa();
if (lớn_rồi) {
// ăn cỏ
} else {
// bú sữa
}
}
Giả sử bây giờ yêu cầu của nông trại là nếu bò già (trên 10 tuổi) thì phải có chế độ ăn riêng (ăn cám) thì ta phải làm sao ?? Có lẽ là phải sửa lại phương thức ăn, thêm một lần kiểm tra đã già chưa để thực hiện ăn cám như sau:
boolean đã_lớn_chưa() {
if (tuổi > 1.0) {
return true;
}
return false;
}
boolean đã_già_chưa() {
if(tuổi > 10.0) {
return true;
}
return false;
}
void ăn() {
boolean lớn_rồi = đã_lớn_chưa();
boolean già_rồi = đã_già_chưa();
if (già rồi) {
// ăn cám
} else if (lớn_rồi) {
// ăn cỏ
} else {
// bú sữa
}
}
Trong trường hợp bò có nhiều chế độ ăn nữa như bò ốm, bò gầy cần tẩm bổ, bò béo cần ăn bớt đi thì việc xử lý sẽ ngày một phức tạp và tốn kém.
Do vậy ta cần hạn chế việc sửa đổi class mà hãy mở rộng nó. Bằng cách kế thừa lại class ConBò
với các class ConBê
, BòGià
, BòỐm
..., ta có thể ghi đè phương thức ăn()
của ConBò
để mỗi con có một cách ăn uống riêng, việc xử lý logic sẽ đơn giản hơn và cũng giúp chương trình của ta hoạt động ổn định hơn.
class ConBò {
// ...
void ăn() {
// ăn cỏ
}
}
class ConBê extends ConBò {
// ...
@Override
void ăn() {
// bú sữa
}
}
class BòGià extends ConBò {
// ...
@Override
void ăn() {
// ăn cám
}
}
Bằng việc tạo ra nhiều class mở rộng từ class ConBò
, ta cũng dễ dàng thêm các phương thức khác cho từng kiểu bò cụ thể mà không cần phải thay đổi bất kỳ dòng code nào trong class ConBò
.
Áp dụng cho cả các phương thức
Một ví dụ khác từ con bò đó là con bò có phương thức chạy()
. Ban đầu ta chỉ muốn nó thực hiện một hành động chạy bình thường. Nhưng sau đó, giả sử ta muốn chia trường hợp bò chạy bình thường và bò lồng (chạy mất kiểm soát). Thì ta sẽ nghĩ đến việc truyền thêm một tham số boolean có_lồng_không
và sửa phương thức chạy()
thành phương thức chạy(boolean có_lồng_không)
, nếu lồng thì thực hiện thêm việc gì đó chẳng hạn. Việc đó sẽ ảnh hưởng tới tất cả những nơi nào phương thức chạy()
đang được gọi.
Thay vì thế, ta có thể overload phương thức này bằng cách viết thêm một phương thức chạy(boolean có_lồng_không)
chẳng hạn. Hoặc đơn giản hơn (nên vậy), viết hẳn một phương thức lồng()
dành riêng cho việc lồng. Nhớ đặt tên chính xác chứ đừng thiếu chữ g
.
Ta hoàn toàn không phải đau đầu cho việc sửa code, sửa logic những chỗ mà phương thức này đang được gọi trong chương trình nữa.
Ví dụ trong thực tế
Một ví dụ trong thực tế đó là trong business logic của chương trình có 3 cấp bậc người dùng là user, moderator và administrator:
- User: có các quyền của người dùng như đăng bài, bình luận
- Mod: có tất cả các quyền của user + quyền xoá bài người khác
- Admin: có tất cả các quyền của mod + quyền khoá tài khoản, thiết lập quyền cho các user
Thay vì tạo duy nhất một class User
duy nhất với thuộc tính privilege
. Sau đó với mỗi thao tác đều kiểm tra quyền của User
là gì để quyết định có thực hiện các hàm đó không, ta nên tạo ra class Moderator
kế thừa class User
, sau đó tạo ra class Administrator
kế thừa class Moderator
. Như vậy, class Moderator
có thể kế thừa lại hết các phương thức của User, class Administrator
có thể kế thừa lại hết các phương thức của Moderator
. Việc xử lý logic sẽ đơn giản hơn.
Ta cũng có thể thoải mái thêm các cấp bậc khác bằng cách mở rộng các lớp mới từ các lớp đã có, không cần phải chỉnh sửa class đã có mỗi khi một cấp bậc mới mới được thêm vào nữa.
Tổng kết
Các cụ ta đã có những câu:
- Rút dây động rừng
- Rút gạch chân tường
để nói rằng việc sửa đổi một thứ gì đó dù nhỏ nhưng nằm ở vị trí quan trọng cũng sẽ ảnh hưởng tới cả một hệ thống to lớn hơn dính dáng tới nó. Ta không nên sửa chữa những thứ đã có nếu nó đã hoạt động đúng và tốt. Thay vào đó ta nên mở rộng chúng bằng cách viết thêm. Hãy hiểu rõ ý nghĩa của chữ O trong SOLID và áp dụng nó khi xây dựng phần mềm.
Class nên được ưu tiên mở rộng và hạn chế sửa đổi
All rights reserved