+2

Tôi trên con đường nỗ lực trở thành Agile Leader - Phần I

Mong muốn chia sẻ với mọi người về những trăn trở, những niềm vui, những bài học tích lũy, những mảnh kiến thức hay góp nhặt được trên con đường phấn đấu trở thành một Agile leader.

Ước mơ mọi developers có thể tìm thấy cảm hứng trong guồng quay tạo ra sản phẩm có giá trị cho KH, có thể tìm kiếm và khai phá năng lực tiềm ẩn của bản thân, giúp mọi stakholder trong dự án thấu hiểu nhau, cùng hòa vào nhịp điệu sáng tạo ra những giá trị (sản phẩm, dịch vụ)

Phần đầu này tôi muốn chia sẻ về định hướng, hay nói cách khác là điều gì cá nhân cần tập trung để trở thành một Agile Leader.

Tôi chưa là một nhà lãnh đạo nào cả, bản thân cũng đang phải tự tìm một con đường biến ước mơ thành hiện thực. Nên những chia sẻ ở đây sẽ mang tính chủ quan, những lời khuyên có thể đúng có thể sai, do chưa được đầy đủ kiểm nghiệm. Đây là hoàn toàn là những niềm tin và kế hoạch tôi tự vạch ra cho bản thân mình.

3 điều kiện để trở thành một nhà lãnh đạo kiểu Agile.

Theo lý thuyết, một nhà lãnh đạo kiểu Agile được yêu cầu phải là một Servant Leader (nhà lãnh đạo phục vụ)

Trước đây tôi hình dung một nhà lãnh đạo là một người "nắm mọi quyền lực" - mọi người phải lắng nghe ông ấy vì đơn giản ông ta là người "làm chủ"; là một người "đưa ra các các quyết định" và mọi người phải tuân theo quyết định đó. Và người đó chắc chắn sẽ là người nổi bật nhất là hình ảnh đại diện của một tập thể, đội nhóm.

Đến với Agile mọi khái niệm trên sẽ không còn đúng nữa, đại loại từng khái niệm mà tôi lầm tưởng trước đây giờ sẽ trông như thế này

  1. Lãnh đạo sẽ không làm chủ, mà tự team sẽ phải tự quản lý team của mình (self-management team)
  2. Lãnh đạo sẽ không đưa ra quyết định, mà team sẽ phải tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đã thống nhất. (self-directing)
  3. Lãnh đạo sẽ không phải là người nổi bất nhất, mà sẽ là người đứng sau team, làm mọi việc cần thiết để hỗ trợ, giúp cá nhân trong team/ team tỏa sáng! (empower people)

Lý thuyết thì nhiều lắm, việc cần làm để trở thành Agile leader; tư duy nào của bản thân cần phải sửa đổi sao cho phù hợp với Agile thì nhiều lắm. Cá nhân tôi (sau khi được rất nhiều cảm hứng từ cuốn sách Coaching Agile Teams - Lyssa Adkins) đã mường tượng ra cho bản thân các nhiệm vụ chính cần quan tâm trong vài năm tới đó là:

  1. Rèn luyện để "Being Agile", hay trở thành một hình mẫu Agile
  2. Trau dồi trí tuệ cảm xúc
  3. Thực hành huấn luyện Agile cho người khác.

1. Là một hình mẫu Agile

Tại sao trở thành một hình mẫu Agile lại quan trọng?

Bạn là leader trong dự án, vai trò của bạn gồm nhiều những công việc có tính chất phải giao tiếp với hầu hết mọi thành viên trong dự án. Mọi người tiếp xúc với bạn: lắng nghe câu chuyện của bạn, trông thấy những cử chỉ hành động mà bạn làm; Cảm nhận được thậm chí là những nếp nhăn trên trán của bạn khi dự án gặp vấn đề...

Các thành viên trong dự án vận hành theo quy trình mà người lãnh đạo chỉ dẫn; (với một team còn non trẻ) sẽ tuân theo rất nhiều những quyết định mà người Leader đưa ra; và tiếp thu vô số những thông điệp, câu chuyện mà người Leader chia sẻ. Vậy sẽ ra sao nếu người Leader đó không có trong mình một hình mẫu của Servant leader hay hình mẫu Leadership kiểu mới (kiểu 4.0).

Một xác xuất rất cao, team đó sẽ được hình thành những tư duy, những lề thói không đúng chất Agile; hoạt động theo một quy trình không hiệu quả không đúng đắn do chịu tác động từ một người lãnh đạo "kiểu cũ" - chuyên quyền - hay ra lệnh.. và rất nhiều lối ứng xử tiêu cực khác.

Những phương pháp rèn luyện để "being Agile"

Đọc.

Chắc chắn chúng ta sẽ phải đọc rất nhiều. Những tài liệu học thuật về phương pháp thực hành Agile, các sách dạy về các kĩ năng huấn luyện Agile, điều phối các hoạt động Agile, dạy về kĩ quản lý dự án với Agile... sẽ là nguồn tri thức chính giúp cá nhân xây dựng nền tảng Agile thuần khiết (core Agile) cho bản thân mình.

Thực hành.

Học lý thuyết rồi, có trong đầu một cơ sở lý thuyết rồi, thì song hành với đó ta cần tham gia trực tiếp vào dự án và vận dụng những kĩ năng, hiểu biết về Agile của mình.

học mà không áp dụng thì chắc mấy chốc ta sẽ quên mà thôi. Hành để khắc ghi sâu những kiên thức ta đã học, đưa nó vào tiềm thức (nơi sâu thẳm, nguồn gốc của suy nghĩ hành động) để những kiến thức ta được đọc, được nghe từ người khác thật sự là của bản thân mình.

Tìm thầy.

Nếu mắn, ta sẽ gặp được người thầy - một người nắm rõ, một người đã already being Agile. Để giúp đỡ, cố vấn chúng ta những lúc mà ta gặp thử thách, hay không biết nên làm gì.

Những người có kiến thức, và đứng ở ngoài cuộc sẽ cho ta nhiều quan điểm mới mẻ, cho ta thêm nhiều ý tưởng để giải quyết bài toán của cá nhân mình.

2. Làm chủ trí tuệ cảm xúc

Vấn đề của cá nhân, vấn đề giữa các thành viên trong/ ngoài dự án đòi hỏi người lãnh đạo trang bị cho mình nhiều kĩ năng.

Có thể kể đến: Giải quyết/ điều hướng mâu thuẫn (Navigate Conflict); Đàm phán (Negotiation) ; Thúc đẩy động lực cá nhân trong team/ cả team (Motivate people); Lắng nghe chủ động (Active listening).

Tất cả những kĩ năng này lại đòi hỏi người leader cần phải phát triển bản thân mình một loại trí tuệ: Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligent).

Hiểu bản thân mình và kiểm soát được suy nghĩ của bản thân mình là 2 level đầu tiên mà các bạn cần chinh phục trên hành trình trau đồi trí tuệ cảm xúc.

Làm chủ được cảm xúc (nôm na là "giữ cái đầu lạnh) là điều kiện tối quan trọng để cá nhân có thể đưa ra được quyết định, thái độ hành xử đúng đắn.

Sau khi đã hiểu và làm chủ được bản thân, 2 level tiếp theo để ta tiến thêm đó là nhận thức xã hội (hay khả năng thấu hiểu được người khác) và quản lý mối quan hệ xã hội (hay khả năng truyền cảm hứng, gây ảnh hưởng, các kĩ năng khi quản lý xung đột)

Ví dụ: Kĩ năng lắng nghe chủ động đỏi hỏi ta phải tập trung vào thông điệp chính trong câu từ mà người nói đang muốn truyền đạt. Người nói chia sẻ câu chuyện qua lăng kính, góc nhìn của họ. Sẽ ra sao nếu ta lắng nghe câu chuyện của họ thông qua góc nhìn của ta. Chắc chắn ta sẽ hiểu thiếu chính xác. Hiểu được hoàn cảnh người nói, hiểu tại sao họ lại có vấn đề này chính là một năng lực của trí tuệ cảm xúc!

3. Thực hành làm huấn luyện viên Agile

Một tổ chức được hợp thành từ các cá thể với các tính cách, lối tư duy khác nhau. Mỗi cá nhân sẽ có những điều quan tâm, mục tiêu, ước mơ, nỗi sợ, điều lo lắng, niềm hạnh phúc khác nhau.

Thấu hiểu, giúp các cá thể khác nhau đó tìm được giá trị của họ trong tập thể/ dự án; tìm được điểm chung giữa mục tiêu của họ với mục tiêu chung của dự án; hướng dẫn họ rèn luyện để trở thành một người có tư duy đúng đắn trong dự án Agile là một trong các nhiệm vụ của một huấn luyện viên Agile (Agile coach).

Có nghiên cứu chỉ ra, chỉ dẫn cho người khác là phương pháp hiệu quả nhất giúp ta ghi nhớ, hiểu sâu sắc những kiến thức của mình.

Trong những ngành nghề mà đòi hỏi mỗi cá nhân cần phát huy sự sáng tạo, chủ động trong công việc như công nghệ thông tin. Việc mỗi cá nhân làm chủ công việc, làm chủ cách thức làm việc, làm chủ không gian sáng tạo và phát triển không ngừng về năng lực của bản thân là việc quan trọng bậc nhất. Huấn luyện viên Agile chính là người hỗ trợ để các thành viên nâng cao năng lực lên mức kế tiếp của bản thân thông qua những sự tư vấn, những câu chuyện truyền cảm hứng, sự lắng nghe tích cực và thấu hiểu của người huấn luyện viên Agile.

Chính bằng nỗ lực không ngừng nghỉ của người Agile Leader khiến mọi thành viên của team tỏa sáng. Người Leader xây dựng một đội ngũ tinh nhuệ, đủ phẩm chất, kĩ năng cần thiết để chinh phục bất kì những vấn đề phức tạp nào, qua đó đem lại những gía trị tốt đẹp cho từng cá nhân, tập thể, khách hàng, công ty và xã hội.


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí