+9

Luận về UI trên smartphone : làm theo tất cả những gì user và khách hàng yêu cầu, 99% sẽ dẫn đến việc phá tan tành một ứng dụng

Nguồn : http://fladdict.net/blog/2013/08/client-user-request.html

Người dịch : Phan Hoàng Minh

Việc liên tục làm theo những yêu cầu dựa vào cảm quan của khách hàng, cấp trên hay user sẽ khiến 1 ứng dụng trên smartphone trở thành đồ bỏ đi, mặc dù những yêu cầu đó là hợp lí đi chăng nữa.

Tại sao lại như vậy?

Bởi vì trên smartphone, diện tích màn hình là hữu hạn và số nút, số chức năng trên 1 màn hình liên quan mật thiết đến chất lượng và tính thân thiện của ứng dụng.

Gần đây, công việc của tôi là thuyết trình về điều nói trên cho những người có chức sắc trong các công ty khác nhau. Ngày nào cũng nói đi nói lại quả nhiên là rất mệt, nên tôi nghĩ là mình nên tóm tắt lại trên blog hay gì đó để mọi người tiện theo dõi.

Chúng ta hãy cùng làm một thí nghiệm giả tưởng, với 1 ví dụ cũng giả tưởng là app Twitter.

Giả sử Twitter bị mua lại bởi 1 doanh nghiệp lớn nào đó của Nhật và các UI designer của doanh nghiệp đó không có chính kiến thì 99% là nó sẽ thành ra như dưới đây.

Đây là Twitter hiện giờ

original.jpg

Yêu cầu thứ nhất : từ trang Home có thể xem được message người khác inbox cho mình

Một yêu cầu rất chính đáng từ phía user. Dù đây không phải là chức năng thiết yếu của ứng dụng này nhưng chắc chắn là yêu cầu như trên không phải là hiếm.

Ở trang top đã có chức năng mention, tweet vốn khá giống với message rồi nên không nhăt thiết phải đưa message lên trang top cũng được. Tuy nhiên, khách hàng là thượng đế nên đành phải thêm một nút message vào tab thôi.

Độ bỏ đi + 0.1

kusoapp2.jpg

Yêu cầu thứ 2 : cần có badge hiển thị số mục chưa đọc cho từng tab

Lí do là vì cấp trên muốn app phải sinh động hơn nữa.

Với 1 app có tính stream và người dùng thường xuyên sử dụng như app này thì chức năng trên thực sự không cần thiết một chút nào – một yêu cầu không ổn lắm…

Nhưng nó “không khiến user phải làm thêm thao tác nào, mà lại có thêm thông tin”. Hmmm, app sẽ khó nhìn hơn một chút nhưng thôi cũng được.

Từ thời điểm này, cộng đồng developer sẽ bắt đầu có những phản hồi như “app Twitter nâng cấp chán nhỉ?”.

Độ bỏ đi + 5

kusoapp3.jpg

Yêu cầu thứ 3 : có thể RT (Retweet) và fav (favorite) ngay trên trang Home

“Giữ tay một lúc thì các lựa chọn đó sẽ hiện ra, nhưng như vậy thì đánh đố người dùng quá”.

“Phải làm thế này thì mới thống nhất với thao tác của bên Web”.

Nhưng về bản chất, thao tác nói trên “không có cũng được nhưng vì nghĩ đến người dùng nên thêm vào như hàng khuyến mãi” thôi – đâu thể tư duy theo kiểu nó là một chức năng bắt buộc như vậy?

Sở dĩ trên web có nhiều nút điều hướng, thao tác là vì web có rollover. Smartphone thì không có, nên việc sửa như vậy về mặt diện tích màn hình là bất hợp lí.

Những ô tweet, vốn là bản chất của app sẽ phải nhường một phần diện tích cho việc hiển thị các nút chức năng. Layout của timeline sẽ trở nên rất hỗn loạn.

Sau khi nâng cấp theo yêu cầu này, những chuyên gia về công nghệ sẽ bắt đầu coi thường Twitter.

Độ bỏ đi + 5

kusoapp4.jpg

Yêu cầu thứ 4 : từ trang home có thể follow được

“Ngay khi nhìn thấy 1 cái RT trên trang Home, tôi muốn follow để theo dõi câu chuyện đó ngay lập tức”.

Yêu cầu như trên hoàn toàn có lí và để đáp ứng, nút Follow sẽ được thêm vào màn hình home.

Từng yêu cầu một tuy không có gì quá đáng nhưng cả project thì lại bắt đầu trở nên nguy kịch.

Độ bỏ đi + 5

kusoapp5.jpg

Yêu cầu thứ 5 : ảnh đính kèm của từng tweet cần được hiển thị trên trang home

“Có ảnh vào nhìn mới thích”, “có ảnh thì trang này mới sinh động” – những yêu cầu trực quan như vậy cũng sẽ tới như một lẽ đương nhiên.

Việc này không ổn, diện tích màn hình là có hạn nên mới cố tình không hiển thị ảnh để giúp người dùng đọc text thoải mái hơn mà…

“Nhưng có thêm ảnh thì trông sẽ đẹp như Instagram!” – và thế là lại thay đổi, khiến cho trên màn hình chỉ hiển thị được tối đa 2 đến 3 tweet một lúc. Bản sắc của Twitter lại một lần nữa đi xuống.

Độ bỏ đi + 15

kusoapp6.jpg

Yêu cầu thứ 6 : cần đưa nút Tweet vào chính giữa tab navi để nhấn mạnh, giống như Instagram

Đây gọi là suy nghĩ “cỏ vườn hàng xóm bao giờ cũng xanh hơn cỏ nhà mình”.

“App nó làm được thì có gì mà app mình không làm được!” là điều mà khách hàng rất thích đề xuất.

Tuy nhiên việc thêm tab message vào theo yêu cầu thứ nhất, giờ đây đã thực sự trở thành thảm họa. Số tab tối đa chỉ có thể là 5, làm sao thêm vào được nữa? Đành phải đưa nút Tweet vào giữa, nút hashtag thì đưa lên header cũng được vì “hashtag thì khác gì chức năng search”.

Trong khi đó badge hiển thị số mục chưa đọc nhìn rất lằng nhằng, nhưng vì đó là chức năng mới thêm vào theo yêu cầu nên chẳng có ai ho he gì.

Sau khi thay đổi 1 nút quan trọng và có tính cố định từ đầu như trên thì trên cộng đồng mạng sẽ có những review đại loại như “xóa đi, khó dùng quá”.

Trong khi đó, các lãnh đạo của project này sẽ cãi lộn và đưa ra kết luận “không được phép thay đổi các chức năng đã có nữa”.

Độ bỏ đi + 20

kusoapp7.jpg

Yêu cầu thứ 7 : chức năng Twitter music đã được release nên cần đưa luôn vào trang Home

Đây cũng là một yêu cầu thường gặp : quảng bá dịch vụ mới. Với mục đích đó, phải làm hẳn 1 widget có đầy đủ các nút tua nhanh, tua chậm, đếm giờ… vân vân.

Tạm biệt Twitter! Đến nước này thì 1 team bình thường sẽ khó mà cứu nổi project này.

Độ bỏ đi + 30

kusoapp8.jpg

Từ thời điểm này, đây đã là 1 app bỏ đi nên những yêu cầu còn lại tôi sẽ tóm tắt.

Hiển thị số lượng RT, fav, reply trên timeline

kusoapp9.jpg

Chức năng kéo màn hình xuống dưới để reload khó nhận biết, nên cần làm một nút reload thật minh bạch

kusoapp10.jpg

Một màn hình có ít tweet quá nên cần mở rộng vùng hiển thị text

kusoapp11.jpg

Sau này sẽ mở rộng thêm thật nhiều chức năng nữa nên cần chuẩn bị sẵn side menu

kusoapp12.jpg

Cuối cùng, nhìn thế nào cũng chỉ giống 1 cái app rác. Cám ơn project team rất nhiều!

Điều thú vị ở đây là từng yêu cầu một đều không mấy lệch lạc, nói đúng hơn là nghe rất có lí. Nếu ta áp dụng A/B test cho từng yêu cầu một, có thể quá nửa trong số đó sẽ cho kết quả là app sẽ sinh động hơn.

Mặc dù vậy, “những cải thiện hợp lí, những yêu cầu chính đáng đi nữa cũng sẽ trở thành thảm họa nếu số lượng tăng lên”.

Nghe có vẻ nghịch lí nhưng đây là một hiện tượng.

Vậy thì nguyên nhân của hiện tượng đó là gì? Làm cách nào để tránh được? Mời các bạn xem tiếp phần sau vì entry dài quá rồi.

Bonus

Giao diện quá rối rắm nên cần có chức năng HELP siêu tiện dụng.

kusoapp13.jpg

Chú thích:

Dialogue : “Bạn đang tìm kiếm điều gì?”

Ô nhập text : “Cách làm cho mày biến mất.”


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí