20 điều quan trọng cần biết nếu kỹ sư muốn kiếm tiền
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 5 năm
Bài viết được dịch từ bài エンジニアで稼ぐために大切な20のコト của tác giả Kazukichi. Chú ý với mọi người là bài viết mang nặng tư tưởng tư bản, đặt mục tiêu là lợi nhuận, kiếm tiền là trên hết nên sẽ có những lời lẽ khá gay gắt. Cái gì đúng, cái gì hay thì ta tiếp nhận, cái gì sai thì xem như nghe tai này mà lọt qua tai kia vậy.
Lời tựa
Từ một người chuyên kinh doanh bất động sản, bán bảo hiểm không biết đến HTML là gì, tôi đã tự học lập trình và design trong 3 tháng, làm việc cho doanh nghiệp IT để tích lũy kinh nghiệm trong vòng 1 năm và giờ mức lương của tôi là trên 10 triệu yên/1 năm (khoảng 2 tỷ đồng) với tư cách là nhà khởi nghiệp đang vận hành các dịch vụ bất động sản.
Trong những kỹ sư IT, có nhiều người không biết phải làm thế nào để kiếm được nhiều tiền, nhiều người trong số đó đi làm chỉ vì đồng lương tháng. Để có thể kiếm tiền dựa trên chính kinh nghiệm của bản thân, tôi xin tổng hợp những suy nghĩ quan trọng của mình ở đây.
Nhân tiện thì bây giờ với tư cách là kỹ sư quản lý với 1 tuần 3 buổi làm việc tôi nhận được mức lương là 150 man/ 1 tháng. Có lẽ đây là mức lương mà chỉ 1% các kỹ sư Nhật mới có thể nhận được.
Bài viết này không chỉ dành cho các kỹ sư mà còn cho những ai đang có ý định khởi nghiệp.
1. Trong lập trình “biết viết code” và “biết sử dụng” là hoàn toàn khác nhau.
Theo tôi, lập trình dẫu sao cũng chỉ là xây dựng công cụ có thể tự tạo ra “vật gì đó”. Nếu sử dụng công cụ mà bạn tạo ra, không thể tự do tự tại tạo ra được “vật gì đó” theo mong muốn của người sử dụng thì không thể nói là “bạn có năng lực lập trình”. Tuy nhiên, khi tôi tham gia phỏng vấn tuyển dụng, vẫn có những người chỉ biết đến HTML, CSS vẫn nói là họ “có thể lập trình”.
Nếu muốn kiếm được tiền, hãy sử dụng các ngôn ngữ phía frontend như html, CSS, js và sử dụng ngôn ngữ phía backend để như ruby, java, php để tự xây dựng một dịch vụ cho riêng mình. Nếu bạn có thể tự mình xây dựng 1 dịch vụ hoặc 1 ứng dụng thì bạn cũng có thể làm tốt trong kinh doanh thực tế và đó là điều rất đáng quý.Hơn nữa, nếu ứng dụng mà bạn xây dựng thực sự tiện dụng tôi nghĩ nó còn có giá trị cao hơn. Tốt nhất là bạn có kiến thức, hiểu biết về “chi phí” thông qua việc xây dựng và vận hành các dịch vụ có lợi nhuận.
2. Nếu việc gì có vẻ không kiếm được tiền, hãy từ bỏ việc hoàn thành nó và đi tiếp
Đã có rất nhiều người ở lại công ty vì cho rằng người khác sẽ đánh giá họ là người có trách nhiệm. Trên trang web mà tôi đang vận hành, có rất nhiều người làm việc muộn hàng đêm với mức lương rẻ mạt. Khi nhìn thấy họ tôi đã nghĩ “họ thật là ngốc”, hãy suy nghĩ rằng bạn đang mất đi thời gian của cuộc sống chỉ có một lần.
Hãy tự mình quyết định xem thời gian của bản thân đáng giá bao nhiêu.
3. Đừng tin mấy lời của ông sếp nói
Suy nghĩ của những người cả đời chỉ sống theo lối mòn không đáng 1 xu.
Khi còn làm kinh doanh bảo hiểm, sếp của tôi đã nói rằng “nếu cứ thế này, mày sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì đâu”, và tôi nghĩ là “nếu chỉ biết dựa vào công ty thì có thể làm được gì chứ?”. Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy.
4. Đừng bao giờ bán rẻ bản thân
Trong trường hợp bạn là kỹ sư, kỹ thuật của bản thân bạn sẽ là món hàng. Nếu bạn làm việc với mức lương rẻ, điều đó tương đương với việc bạn đang bán hàng với giá rẻ giống như là đem cho không.
Khi tôi nhận ra tôi đang làm việc với mức lương rẻ tại công ty cũ, tôi đã yêu cầu mức lương cao hơn và nếu trong trường hợp phải OT thì tôi cũng sẽ làm các task đúng với số tiền mà tôi nhận được. PM thường nói với bạn rằng “nếu chỉ làm việc với thời gian giống nhau, hãy làm việc cẩn thận hơn, bạn sẽ thu được kết quả tốt hơn. Đó là điều cơ bản nhất của business phải không?”, nhưng ngay lập tức lại thoái thác trách nhiệm cho các thành viên. Nếu bạn không mạnh dạn bảo vệ bản thân mình, bạn sẽ tiếp tục bị bóc lột.
5. Đừng hành động chỉ bằng quan hệ hoặc là nhân tình nghĩa lý
Không chỉ là câu chuyện của kỹ sư, có không ít người đang làm việc với mức lương rẻ mạt, bị bóc lột vì họ cho rằng đã được dạy bảo rất nhiều tại công ty. Nhân tiện đây, tôi cũng có một người quen, anh ấy đã có con nhỏ và nói về năng lực của người kỹ sư thì anh ấy hơn tôi rất nhiều. Tuy nhiên, chỉ vì lý do là “công ty do tiền bối giới thiệu” mà anh ấy đã chấp nhận làm việc ở một công ty với mức lương 25 man/ 1 tháng.
Trong cuộc sống thì cái gì mới là điều quan trọng?
6. Bạn có kiếm được tiền hay không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực mà còn phải hiểu được mọi thứ tuỳ vào môi trường, tự đặt bản thân vào môi trường có thể kiếm lợi nhuận
Đây là điều thường được nói trong giới kinh doanh bảo hiểm nhưng ở Nhật bóng chày cũng là ví dụ điển hình.Có những trường hợp lương của tuyển thủ bóng chày tăng lên nhiều lần khi họ tiến vào giải đấu chuyên nghiệp. Mức lương tăng lên nhiều lần nhưng không có nghĩa là nỗ lực cũng tăng nhiều lần như thế. Ý tôi muốn nói ở đây chỉ đơn giản là việc chuyển sang một môi trường có thể kiếm được tiền.
Điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ rằng nỗ lực và thu nhập không bằng nhau. Để có thể kiếm được tiền thì điều quan trọng là phải tìm được môi trường mà bản thân có thể thể hiện năng lực và phải tự đặt mình vào môi trường có thể kiếm được tiền.
7. Hãy hành động dù cho thứ được tạo ra không hoàn hảo
Trong hầu hết các trường hợp, người theo chủ nghĩa hoàn hảo kết cục cũng chẳng làm được gì. Đặc biệt là có rất nhiều kỹ sư có khí chất như vậy. Ví dụ khi nói về khởi nghiệp từ việc xây dựng các dịch vụ web, các kỹ sư thường có suy nghĩ theo hướng “chức năng này là cần thiết, chức năng kia cũng cần thiết, cách viết code này làm cho tính bảo trì kém, nếu không test cẩn thận thì sẽ còn rất nhiều bug, nên sử dụng framework nào để đảm bảo tính abc...”.
Thế nhưng đối với mục tiêu là “kiếm được lợi nhuận” thì những điều trên không quan trọng. Ví dụ sử dụng mô hình phát triển thác nước, khuyến khích các nhân viên suy nghĩ kĩ càng trước khi hành động là điều quan trọng nhưng trong khởi nghiệp thì cách suy nghĩ lại hoàn toàn ngược lại. Điều quan trọng là phải vừa suy nghĩ vừa làm. Đầu tiên là cử thử xây dựng và đưa ra sản phẩm, sau đó mới suy nghĩ đến vấn đề làm thế nào để cải thiện sản phẩm.
8. Khác biệt về kiến thức sẽ trở thành lợi nhuận
Điều quan trọng khi khởi nghiệp là phải biết suy nghĩ “khách hàng trả tiền cho mình vì cái gì?”
Ví dụ tôi đang bán các template của WordPress. Đối với một người có thể lập trình PHP hoặc biết về design, họ sẽ chẳng cần phải bỏ tiền để mua chúng. Thế nhưng, thực tế là tôi đã bán được khá nhiều template như vậy. Tại sao? Lý do là không phải ai cũng biết code PHP và có khả năng design. Vậy nên, tôi mới có thể bán template này cho những cá nhân mở cửa hàng kinh doanh không thể lập trình, những công ty xây dựng những trang Web nhỏ nhưng ngại rắc rối trong việc tạo template.
Làm kỹ sư thì phải có kiến thức về PC, đó là điều đương nhiên.Nhưng trong giới kinh doanh nếu bạn không ý thức được có những thứ khác hoàn toàn so với những điều đương nhiên giống như bạn nghĩ ở trên thì bạn sẽ chẳng thể kiếm được tiền đâu.
9. Suy nghĩ trong đầu nhưng không đưa ra câu trả lời
Vì nó giống với câu chuyện khá thịnh hành ngày xưa “bức tường ngu ngốc” của Yourou Takeshi nên “những kẻ ngu ngốc” đang tăng lên. Chỉ suy nghĩ trong đầu mà không đưa ra câu trả lời, không có dũng khí để hành động. Suy nghĩ rồi đưa ra câu trả lời so với hành động rồi đưa ra câu trả lời về bản chất là hoàn toàn khác nhau. Và trong thực tế những con người có suy nghĩ “tôi muốn làm thử xem sao” gần như là không có.
10. Suy nghĩ về lợi ích tương lai hơn là lợi nhuận trước mắt
Có rất nhiều người làm việc chỉ vì lợi nhuận trước mắt có 5, 10 man. Nếu để suy nghĩ bị giới hạn trong lợi nhuận trước mắt thì không bao giờ có chuyện bạn sẽ kiếm được lợi nhuận lớn được. Ví dụ rất khó để có được kỹ năng mới trong khi ngày nào bạn cũng OT đến tối muộn vì đồng lương rẻ mạt. Nếu đã như vậy thì hãy bỏ công việc đó đi và dành 1 năm ở nhà để tự học cho mình những kỹ năng cần thiết và bắt đầu lại từ đầu tôi nghĩ lương của bạn sẽ tăng. (vấn đề chỉ là bạn có dám hành động hay không) Nhờ vào điều đã nói ở trên, lương năm của tôi đã tăng từ 300 man thành 1000 man.
11. Đừng tin lời của tỷ phú hay CEO doanh nghiệp lớn
Họ nói những câu chuyện dành cho những người muốn khởi nghiệp nhưng thực tế là những điều mà họ nói hầu như chỉ được thực hiện trong một môi trường đặc biệt. Những người không biết điều này và tin tưởng “tôi đã hiểu và tôi cũng sẽ làm giống như vậy” là những kẻ ngốc.
Suy nghĩ và công sức để biến từ 0 thành 1 và từ 1 thành 2 là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.
12. Đừng cố trở thành người tài, biết sử dụng người tài thôi là đủ
Đây cũng là điều tôi muốn nói với những ai đang muốn khởi nghiệp nhưng nó cũng đúng với những người đang làm kinh doanh.
Nếu đã muốn khởi nghiệp, bạn không thể đặt mục tiêu trở thành kỹ sư giỏi. Đơn giản vì bạn không thể khởi nghiệp nếu bạn không thể tập hợp được mọi người bạn sẽ không có vốn để kinh doanh. Bạn sẽ phải tự mình học tất cả các kiến thức về kinh doanh, marketing, design, lập trình, kế toán, quản lý. Nếu muốn khởi nghiệp thay vì tập trung vào 1 việc thì bạn cần phải có khả năng làm việc trên nhiều lĩnh vực hơn.
13. Đừng trở thành một kẻ mù công nghệ
Cũng giống như các bài kiểm tra ở trường, có 2 cách để kiếm tiền.
1 là “nhằm mục đích là đạt được điểm tối đa trong 1 môn học”, nói cách khác là trở thành pro trong một lĩnh vực, và đi theo con đường đó chỉ có các nghệ nhân hoặc các chuyên gia. Để có thể đạt được level như vậy cần rất nhiều thời gian khổ luyện và phải có đầu óc tốt. Vậy nên chỉ có một số ít người có thể đạt được điều này.
2 là “nhằm mục đích tổng thể” và điều này thì ai cũng có thể thực hiện được. Mục tiêu đạt 100 điểm trong 1 môn học là rất khó nhưng mục tiêu 5 môn học mỗi môn 60 điểm, tổng cộng là 300 điểm thì không khó lắm.
Thực tế thì có vẻ khá nhiều kỹ sư đang đặt mục tiêu của mình theo cách thứ nhất. Nếu họ thực sự là người thông minh thì đó là điều tốt nhưng nếu không phải vậy thì nó chẳng khác gì đánh bạc vậy. Nếu nói về các kỹ sư, có thể nói rằng đó là những người đang cố gắng hết sức chỉ để học kỹ thuật. Hãy suy nghĩ xem, tại sao lại cần có lập trình, tại sao lại cần có các dịch vụ(web, ...) Dịch vụ là “phương tiện” để kiếm được lợi nhuận và lập trình là một trong những công cụ để tạo ra lợi nhuận đó.Kỹ sư học kỹ thuật là điều quan trọng nhưng ngoài ra bạn cũng nên học thêm những thứ khác nữa.
14. Lập trình là để kiếm tiền
Có rất nhiều bài viết của các kỹ sư nói về “code bẩn”, “code tởm” nhưng theo tôi “điều đó không quan trọng”.
Tôi không nghĩ nhiều đến việc viết code đẹp hay không (đương nhiên là việc code dễ nhìn và dễ tái sử dụng là điều quan trọng nhưng nó cũng phải cân bằng với tốc độ phát triển) Những người có suy nghĩ code đẹp tôi nghĩ các bạn nên nhìn lại xem lập trình để làm gì? Tôi đã gặp rất nhiều người mà họ tốn rất nhiều thời gian để viết code, sửa code cho đẹp nhưng tôi nghĩ “họ thật là ngốc”. Lập trình là để tạo ra các dịch vụ, dịch vụ là công cụ để công ty kiếm tiền. Hiểu một cách đơn giản nó chỉ là công cụ để kiếm tiền.
Đương nhiên là đối với công ty thì việc viết code đẹp cũng là điều quan trọng. Đặc biệt là đối với hệ thống tài chính và kinh doanh. Tuy nhiên ở các dịch vụ Web, thay vì viết code đẹp thì việc nhanh chóng phát hành sản phẩm, suy nghĩ các biện pháp để tăng khách hàng, tăng lợi nhuận là điều quan trọng hơn. Đứng ở phương diện quản lý thì mục tiêu là tăng lợi nhuận nhưng tại sao các kỹ sư lại có suy nghĩ hoàn toàn ngược lại. Nếu quá chăm chú đến việc code đẹp thì sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội kiếm lợi nhuận và bạn sẽ là người đầu tiên bị loại khi chọn làm công việc này.
15. Hãy chú trọng vào giao tiếp
Đây là điều tôi có thể nói trên cương vị quản lý dành cho những ai đang làm PM hoặc leader. Tuỳ thuộc vào nơi làm việc, ngoài lúc họp thì mọi người thường không hay nói chuyện, thậm chí ngồi ngay cạnh cũng dùng slack, chatwork hay các tool chat mà không nói chuyện trực tiếp.
Tôi rất ghét những nơi làm việc như vậy, ở nơi đó PO, PM, LD đều có level thấp. Tôi không cần biết họ có năng lực hay không nhưng tôi khẳng định rằng họ có level thấp. Management không phải là quản lý các quy trình, công việc gì cả. Đây là điều mà bạn của tôi - một người đứng ở top doanh nhân có thu nhập 100 triệu yên/1 năm, người đã có rất nhiều kinh nghiệm cọ xát với những nhà đầu tư, quản lý hàng đầu thế giới chỉ dạy. Điều quan trọng nhất trọng management đó chính là giao tiếp, nó làm cho mọi người cảm thấy thoải mái hơn trong công việc.
Trong ngành IT rất nhiều kỹ sư hay quản lý chỉ giao tiếp vào lúc thực sự cần thiết.
Nhưng nơi có năng suất làm việc cao nhất lại là nơi có sự giao tiếp, là nơi có nhiều câu chuyện phiếm nhất. Bởi đó là môi trường “lắng nghe và thấu hiểu”.
Trong môi trường mà chỉ khi cần thiết mới giao tiếp thì chỉ có người kỹ sư một mình gặp rắc rối trong thời gian dài. Tuy nhiên thay vì 1h ngồi chật vật thì hãy bỏ ra 5 phút giao tiếp chia sẻ khó khăn với mọi người, 10 phút cùng nhau giải quyết vấn đề thì chẳng phải năng suất làm việc sẽ tốt hơn sao? Nếu là tôi, tôi sẽ làm như vậy. Hơn thế nữa, người quản lý thường xuyên giao tiếp là người có khả năng đàm phán với khách hàng để giảm nhẹ yêu cầu, xác nhận sai khác trong nhận thức của khách hàng và đội phát triển, phòng ngừa rủi ro do nắm bắt được tình hình của các thành viên. Tóm lại năng lực giao tiếp là điều không thể thiếu ngay cả với những kỹ sư cả ngày chỉ biết cắm mặt vào PC.
16. Rượu cũng được, thuốc cũng được nếu dùng được thì cứ dùng đi
Uống rượu cũng được. Tại sao? Khi uống rượu nó làm tinh thần phấn chấn hơn, độ tập trung tăng lên, hành động cũng tăng lên. Như mô hình phát triển Agile, có khi tôi cũng muốn đề xướng “mô hình say rượu” của mình.Trong thực tế, các nhân viên ở công ty của tôi vẫn có thể vừa làm vừa uống rượu.
Thuốc cũng được. Hiện nay, bạn có thể mua các loại thuốc giúp kích thích não một cách dễ dàng. Ngay cả bản thân tôi trong lúc không thể tập trung, tôi cũng sử dụng chúng và thực tế là công việc tiến triển và hiệu suất làm việc tăng lên. Sẽ có người nói rằng “dùng thuốc là nguy hiểm”, “uống rượu là không tốt”, nhưng tôi muốn nói với những người suy nghĩ như vậy là “chính vì suy nghĩ như vậy nên bạn mới không thể kiếm tiền”.
Ngày nay có rất nhiều ngôi sao giải trí hạng nhất vẫn sử dụng rượu và chất kích thích. Ngay cả các bác sĩ, khi mệt mỏi họ vẫn tự mình truyền các dung dịch có chứa dinh dưỡng hay uống các loại thuốc để kích thích não làm việc hiệu quả. Bạn phải hiểu năng lực thực ra chỉ là các vật chất trong não và tín hiệu điện. Thể chất cũng rất quan trọng nhưng để có thể duy trì được thể chất thì cũng nhờ tín hiệu của não cả. Vậy nên khi não được kích thích thì năng lực của bạn cũng sẽ thay đổi đáng kể. Nếu muốn kiếm tiền thì đừng có sợ. Hãy thử đi.
Nhân tiện cũng phải nói service dạy lập trình của tôi cũng cực kỳ đáng ngờ. Nhưng nếu không có dũng khí để nhảy vào sự đáng ngờ thì chẳng có nơi nào mà bạn có thể kiếm được tiền cả (hoặc là bạn sẽ chấp nhận trở thành nhân viên hàng tháng lĩnh lương đều đặn từ công ty một cách thanh thản) Người không biết kiếm tiền là người ngay cả câu trả lời đơn giản nhất cũng phải do dự. Họ do dự và bảo thủ đến mức kỳ lạ.
Hiện tại tôi cũng đang kinh doanh trong “ngành công nghiệp không khói” của Nhật. Thực ra ban đầu tôi cũng hơi do dự “nếu kinh doanh các sản phẩm liên quan đến “JAV” thì mọi người sẽ nghĩ như thế nào về mình” nhưng sau cùng tôi cũng chẳng nghĩ gì nữa và nhảy vào kinh doanh.
Những người không kiếm được tiền thường có một lòng tự trọng rất lớn, vậy nên muốn kiếm tiền thì hãy vứt bỏ lòng tự trọng ngớ ngẩn đó đi.
17. Thực trạng kỳ lạ của freelance
Nhiều kỹ sư trong ngành IT hàng ngày làm việc đến tối muộn để đưa ra cam kết sẽ bàn giao, release sản phẩm đúng tiến độ. Đó là điều hiển nhiên và bạn sẽ được sếp khen “cậu thật là giỏi, không hổ danh là pro....”. Nhưng nhìn từ quan điểm của người kinh doanh mà nói đó chỉ là từ ngữ để “bóc lột một cách khéo léo” mà thôi.
Cũng giống như Disneyland đưa ra khẩu hiệu “tất cả vì khách hàng, vì nụ cười của họ, hãy cố gắng phục vụ hết sức có thể nào!!!”. (Trong thực tế thì tôi thấy các bạn giống như những chú ngựa bị che mắt - chỉ nhìn thấy phía trước mà không biết mình đang chở cái gì, khi có hiệu lệnh thì chỉ biết cắm cổ chạy…)
Khi xưa, hồi còn làm việc trong công ty bảo hiểm, tôi đã bị cuốn vào vòng xoáy, bị tẩy não rằng “cái chết của con người” là điều đáng ghét nhất, vậy nên “chúng ta đang bán thứ tuyệt vời nhất” cho tất cả mọi người. Hầu hết chúng ta đang bị cuốn vào vòng xoáy như vậy mà không hề nhận ra. Chúng ta phải hiểu rằng hầu hết những điều tưởng chừng là đương nhiên nhưng thực tế không hẳn đã là đương nhiên đâu.
Nếu bạn là freelancer lại càng phải chú ý hơn điều này. Hầu hết mọi người đều thông qua một đại lý giới thiệu công việc. Nhưng có bao nhiêu người hiểu biết về hình thức của các loại hợp đồng? Đó chính là “hợp đồng uỷ quyền”. Hợp đồng uỷ quyền không có giới hạn về địa điểm, thời gian làm việc, người chỉ đạo hay giám sát. Nếu có sự giới hạn này thì có nghĩa bạn có “hợp đồng lao động” với khách hàng. Bất kỳ hợp đồng nào cũng phải được thực hiện luật, bạn phải biết điều này để phán đoán xem có phải mình đang thực hiện “hợp đồng lao động” không. Nhiều kỹ sư và nhân viên công ty không biết điều này nên khi nhìn thấy hợp đồng là cắm bút ký như đúng rồi vậy.
18. Đừng nhầm lẫn về thứ tự ưu tiên
Người không thành công là người đang nhầm lẫn về thứ tự ưu tiên của công việc. Ví dụ, bày ngay trước mắt tôi là một dự án có thể kiếm lời nhưng tôi lại đổ tiền bạc và thời gian vào một dự án thu lại chả có gì. Hầu hết mọi người đều nói “tôi muốn kiếm tiền”, “tôi muốn làm việc lớn” nhưng lại muốn làm những công việc chẳng thể sinh ra lợi nhuận. Nó giống như vừa ăn khoai tây chiên vừa nói “tôi muốn giảm cân” vậy.
19. Đầu tiên, hãy thừa nhận mình là kẻ nằm dưới đáy xã hội
Khi tôi nói chuyện với 1 kỹ sư - người đang muốn kiếm tiền nhưng lại không chịu hành động. Tôi đề xuất “bạn có muốn cùng tôi làm công việc mà có thể kiếm được mấy triệu đồng 1h không?” thì nhận được câu trả lời “tôi không muốn mất thời gian cho những việc như vậy”. Muốn có tiền nhưng lại không hành động để tìm kiếm điều gì đó tuyệt vời hơn?
Ngày thường thì đi làm cả ngày, về nhà thì loanh quanh, thả thơi không làm gì. Ngày nghỉ thì cũng gia đình thư giãn tận hưởng. Một số xuất sắc hơn thì đọc sách kỹ thuật để học nhưng xét về mặt business thì đó đơn thuần chỉ là “đọc sách”. Nếu từ đó mà không trở thành tiền được thì nó cũng chỉ là sở thích mà thôi. Và đương nhiên là thực tế có rất nhiều người như vậy. Đối với những người như vậy tôi chỉ có thể nói rằng “bạn là Steve Jobs chắc?”. Nếu không phải thì bạn nghĩ bạn là gì? Nếu không thể hành động thì ngay tại thời điểm đó hãy tự nhận mình là kẻ nằm dưới đáy xã hội. Bạn không phải là đang kiếm tiền mà chỉ là người nhận tiền từ tay người khác mà thôi. Hãy chấp nhận hiện thực đi.
Con người là sinh vật khá thú vị. Khi đột nhiên bị người khác siết cổ, bạn sẽ tức giận và quát “mày làm cái gì vậy!!!”, nhưng khi bạn bị siết cổ một cách từ từ mà bạn không để ý, bạn sẽ chết.
Vậy nên cái kiểu nửa nọ nửa kia “hiện tại thì tôi có điều hài lòng nhưng cũng có chút không hài lòng về bản thân” là nguy hiểm nhất. Bởi vì nó không đem lại động lực mạnh mẽ để thúc đẩy bạn hành động Tôi luôn luôn tâm niệm rằng “nếu không thể kiếm được tiền thì thà chết đi còn hơn”. Mọi người thường không muốn bước ra khi đang ngâm mình trong nước ấm vào ngày đông lạnh. Vì khi đó họ không có khái niệm về thời gian. Vậy nên để đánh thức họ chỉ có 2 cách: 1 là ai đó đổ thêm nước sôi vào, 2 là phải tự mình nhận ra, “ A!!!mình đang ngâm mình trong nước ấm”. Nếu không định bước ra khỏi “vùng nước ấm” đó thì bạn được xem như đã chết rồi. Hãy thừa nhận tình hình thực tại của mình, hạ thấp mình, không hài lòng, bất mãn với những gì đang có. Đó sẽ là “nguồn động lực” cho hành động của bạn.
“Bình xăng” cho hành động của bạn chỉ có 2 thứ “bất mãn, tức giận” hoặc “niềm vui, ham muốn”. Trong đó “giận dữ và tức giận” là năng lượng mạnh nhất và nó sẽ giúp bạn “phát nổ”.
Vậy nên hãy tự thừa nhận chính mình đi.
20. Hãy ở trong nhóm 10%
Ở trang web dạy lập trình mà tôi đang vận hành, có rất nhiều học sinh nói với tôi rằng họ “muốn kiếm tiền” nhưng không biết phải làm thế nào. Câu trả lời cực kỳ đơn giản.
Ở Nhật, số người thu nhập 20 triệu yên/1 năm trở nên chỉ chiếm 1%, thu nhập 10 triệu yên/1 năm cũng chỉ khoảng 5%. Hầu hết mọi người dừng lại ở con số mấy triệu yên/1 năm. Vậy khác biệt giữa nhóm mấy triệu yên và mấy chục triệu yên là gì? Kết quả được sinh ra từ hành động, hành động lại chỉ được sinh ra bởi cách nghĩ. Điều đó có nghĩa là “khác biệt” ở đây chính là “cách nghĩ = cách nắm bắt”. Đồng nghĩa với việc “cách nghĩ” của nhóm chiếm hơn 90% đang rất khác so với nhóm chiếm chưa đến 10% kia. Kết luận: Nhóm trên 90% có cách suy nghĩ thông thường, vậy nên muốn vào nhóm 10% kia thì hãy nghĩ khác đi.
Tái thư
Những kỹ sư đang bị bóc lột hàng ngày tại các doanh nghiệp, tôi mong muốn các bạn đứng lên và tìm lấy chiến thắng cho chính bản thân mình. Không hành động thì sẽ chẳng có gì được sinh ra cả.
P.S
Sẽ có nhiều người nhận xét “đây không phải là câu chuyện của một kỹ sư”, “đối với người kỹ sư thì code và thiết kế là quan trọng”, trả lời từng nhận xét như thế sẽ rất phiền phức nên tôi viết thêm vài điều ở đây.
Thứ nhất, cơ sở của kỹ sư là doanh nhân. Người doanh nhân là người nhận tiền từ khách hàng để trả lời, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Vậy code và thiết kế không quan trọng sao?
Quan trọng hay không là do khách hàng quyết định. Khách hàng quyết định yêu cầu, lịch trình, cung và cầu của sản phẩm. Tất cả những điều này sẽ được quyết định trên sân khấu của chính bản thân bạn.
Vậy là bạn không thể tự mình quyết định những điều quan trọng hay sao ?
Người hỏi câu này hẳn là một người ích kỷ. Trong dự án thực tế, đã có trường hợp hệ thống được xây dựng khác với spec đã được quyết định. Lý do của bạn là gì trong trường hợp này ? Do tôi là kỹ sư, tôi thấy điều này hợp lý hơn nên tự ý thay đổi? Khách hàng sẽ hỏi: tại sao anh không bàn lại với tôi?
Hơn nữa, bản chất của kỹ sư cũng dần thay đổi. Nếu nói về lập trình web, lập trình viên có thể làm luôn cả việc của kỹ sư hệ thống, kỹ sư backend cũng làm được việc của infra, frontend có thể design và designer cũng có thể viết code js. Kỹ sư là như vậy. Họ giống như 1 người thợ mộc vậy. (Người thợ mộc Nhật Bản được xem là những người cực kỳ sáng tạo, họ có thể làm nhà, khớp nối các chi tiết gỗ với nhau mà không cần 1 cái đinh ốc nào.)
Mặc dù ngành IT thường được so sánh với ngành xây dựng nhưng có 1 ví dụ thế này: Trong xây dựng, có nhiều người khoe khoang rằng “chỉ cần 1 cái bào gỗ cũng có thể bào được gỗ mượt và mảnh gỗ vụn được bào ra mỏng như thế này” thật là bá vãi … và kết quả là ngày nay nó đã được thay thế bằng dụng cụ bào điện, hiệu suất tăng lên và những người thợ xây dựng như thế mất việc.
Ngay trong ngành IT thôi, tương lai AI sẽ thay thế con người để viết code, design. Đương nhiên, nếu bạn đến làm việc cho NASA, Google thì thu nhập của bạn có thể nên tới con số 30 triệu yên/ 1 năm. Trong trường hợp này, cái gọi là “pro” mới thực sự hữu ích. Còn nếu bạn muốn có thu nhập 10 triệu yên /1 năm, bạn có thể hành động như tôi nói ở trên. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều cơ hội cho bạn.
Đặc biệt là ngành IT hiện nay vẫn đang thiếu nhân lực rất nhiều. Nhân tiện, hiện tại thì nhân lực phía frontend trong các công ty lớn đang thiếu trầm trọng. Ngược lại thì đây có thể là cơ hội để dành được các hợp đồng với thu nhập cao. Dường như đã có người chỉ trích level kỹ sư của tôi nhưng trong kinh doanh kết quả là tất cả. Cũng giống như những nhà chính trị gia, dù có đưa ra những chính sách siêu việt đến đâu nhưng không có kết quả thực tiễn thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Cũng đã có kẻ ngốc nói với tôi rằng “câu chuyện của ông chỉ có tiền và tiền. Cuộc sống đâu phải chỉ có tiền”. Đối với những kẻ như thế tôi muốn đáp lại rằng “bạn là Gandhi sao? Hay bạn chỉ là kẻ bế tắc trong việc kiếm tiền? Đừng biện minh cho những việc mà mình không làm được.”
Thế giới này cực kỳ đơn giản. Người thử và thất bại nhất định sẽ thắng. Kẻ không thử thì đương nhiên là chẳng có gì.
All rights reserved