Sự khác nhau giữa kiểm thử ứng dụng trên iOS và Android
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 5 năm
Số người dùng điện thoại di động đã tăng theo cấp số nhân trong thập kỷ qua. Điều này đã gây ra sự tăng trưởng bùng nổ cho các ứng dụng di động. Điện thoại thông minh đã trở thành một phần vốn có trong cuộc sống của chúng ta và các ứng dụng di động cũng vậy.
Kiểm thử ứng dụng di động là một khía cạnh của giai đoạn phát triển ứng dụng di động. Nó khác đáng kể so với kiểm thử phần mềm truyền thống. Các ứng dụng di động cần được kiểm thử trên nhiều nền tảng phần mềm, nền tảng phần cứng và trong các điều kiện kết nối mạng khác nhau. Điều quan trọng là việc kiểm tra được thực hiện kỹ lưỡng để không có lỗi trong ứng dụng hay mâu thuẫn giữa các nền tảng khác nhau.
Các ứng dụng di động có sẵn cho hệ điều hành Android, iOS, Windows và Blackberry. Vì Android và iOS thống trị thị trường với hơn 96% thị phần, do vậy, các ứng dụng hầu như được hỗ trợ và phát triển nhiều nhất ở 2 hệ điều hành này. Và đương nhiên là có nhiều ứng dụng được phát triển đồng bộ ở trên 2 hệ điều hành di động này.
Ứng dụng trên 2 loại thiết bị di động Android và iOS
Trong kiểm thử phần mềm, bạn có thể cùng tham gia kiểm thử 1 ứng dụng cùng lúc trên 2 nền tảng hệ điều hành iOS và Android. Vì vậy, bạn cần phải hiểu được sự khác nhau cơ bản giữa 2 hệ điều hành này là gì. Ngoài ra cũng cần phải so sánh giữa 2 nền tảng này dù khác nhau nhưng về logic thì bắt buộc phải đồng bộ.
1. Loại hệ thống: Mã nguồn mở và đóng
Loại hệ thống của Android và iOS
- Android là một hệ điều hành mã nguồn mở của Google cung cấp khả năng tùy biến rộng rãi cho cộng đồng nhà phát triển và nhà sản xuất bên thứ ba. Như vậy, bất kỳ nhà phát triển nào cũng có thể tuân theo các quy tắc chung của Google để tạo một ứng dụng. Đối với hầu hết các phần, nó sử dụng hệ điều hành Linux làm cơ sở của kernel.
- iOS là một hệ điều hành mã nguồn đóng được Apple phát triển riêng cho các thiết bị di động của mình. iOS sử dụng kernel XNU được phát triển trong C / C ++ và Objective-C.
2. Thiết bị đa dạng
- Android: Các bản cập nhật Android thường trải qua quá trình triển khai dài do có rất nhiều thiết bị Android ví dụ như samsung, oppo, asus, sony, realmi, xiaomi,htc... Nói cách khác, nếu bạn muốn chắc chắn rằng một sản phẩm và tính năng mới hoạt động hoàn hảo trên nhiều thiết bị Android, hãy sẵn sàng rằng việc kiểm thử ứng dụng Android sẽ khiến bạn mất rất nhiều thời gian và công sức hơn.
- iOS: Với thiết bị iOS, loại thiết bị chỉ có trên 2 dòng là iPhone và iPad, và hầu như không bị xảy ra xung đột giữa các loại thiết bị đó.
3. Các nhà sản xuất thiết bị di động
- Android: Các nhà sản xuất phần cứng Android được phép tùy chỉnh các phiên bản của nền tảng Android. Bản cập nhật Android thường có chu kỳ triển khai dài do có rất nhiều thiết bị khác nhau. Việc kiểm tra để đảm bảo rằng chức năng và phần mềm mới sẽ hoạt động trên nhiều thiết bị Android mất nhiều thời gian. Các ứng dụng Android có thể được thực hiện với gần như bất kỳ loại thiết kế ứng dụng nào, điều này làm tăng thêm độ phức tạp cho phạm vi kiểm thử của ứng dụng cho UI và UX. Điều này có nghĩa là có thể có sự khác biệt giữa cách phần mềm hoạt động trên các thiết bị Android khác nhau - điều mà người dùng Apple không trải nghiệm.
- iOS: Ứng dụng trên iOS có thể được kiểm tra và triển khai cùng một lúc vì tất cả các thiết bị đều hoạt động tương tự nhau. Các vấn đề tiềm ẩn trên iOS xuất phát từ khả năng tương thích với hệ điều hành và trình duyệt.
4. Nâng cấp phần mềm
- Android: Các nhà sản xuất thiết bị Android chịu trách nhiệm nâng cấp hệ điều hành. Họ quyết định khi nào sẽ cung cấp các bản nâng cấp và liệu người dùng có nhận được chúng hay không. Đôi khi, người dùng có thể không nhận được bản cập nhật cho phiên bản Android mới nhất chỉ vì nó không được hỗ trợ trong dòng sản phẩm.
- iOS: iOS cung cấp trải nghiệm hoàn toàn khác nhau. Người dùng có thể cài đặt các bản nâng cấp của nó trên tất cả các thiết bị iOS cùng một lúc. Có thể có một số ngoại lệ đối với các thiết bị cũ vì chúng không thể nhận được tất cả các tính năng mới được bổ sung trong phiên bản mới của iOS.
5. Cửa hàng ứng dụng
Cửa hàng ứng dụng Google Play và App Store
- Android: Các ứng dụng Android có thể được tìm thấy và tải xuống từ cửa hàng Google Play chính thức cũng như từ các trang web và thẻ nhớ khác.
- iOS: Bạn cũng có thể tải xuống ứng dụng Apple từ nền tảng phân phối kỹ thuật số của Apple - App Store và từ các tài nguyên khác.
Điều đó có nghĩa là cả ứng dụng Android và iOS đều trải qua đánh giá từ Google Play và App Store. Tuy nhiên, Apple nghiêm túc hơn nhiều về điều này, bạn cần có 1 tài khoản Apple để có thể tải ứng dụng ở trên đây. Nghĩa là mỗi lần tải một ứng dụng mới, bạn phải đăng nhập 1 tài khoản ID Apple đế xác minh.
6. Cấu hình thiết bị
Layout
- Thiết bị Android có kích thước màn hình và bố cục khác nhau; đó là lý do các chuyên gia QA đối mặt với nhiều thách thức hơn trong khi kiểm thử các ứng dụng Android.
- Tất cả các thiết bị iOS đều hoạt động và trông giống nhau, do đó, các ứng dụng iOS có thể được kiểm tra dễ dàng hơn.
Độ phân giải
Các thiết bị Android có số lượng lớn kích thước màn hình và bố cục. Điều này gây ra sự đa dạng hóa đáng kể của độ phân giải màn hình và do đó, có thể ứng dụng Android không hoạt động như dự định trên tất cả các thiết bị. Điều này có nghĩa là ứng dụng Android cần được tối ưu hóa cho từng thiết bị làm tăng số lượng các kịch bản cần được kiểm thử nghiệm tốn rất nhiều thời gian.
Đặc tính phần cứng
Trong khi kiểm thử một ứng dụng, người kiểm tra nên ghi nhớ các thông số kỹ thuật phần cứng, chẳng hạn như bộ nhớ cũng như tốc độ xử lý. Thông số kỹ thuật phần cứng rất quan trọng vì một số ứng dụng được tạo cho thiết bị di động cao cấp có thể không hoạt động trên thiết bị di động cấp thấp.
Hiệu suất
Do có rất nhiều thiết bị di động Android trên thị trường, cần phải đảm bảo rằng việc sử dụng tài nguyên là đủ và được cân bằng
7. Phiên bản hệ điều hành
Phiên bản hệ điều hành Android và iOS
Nhiều phiên bản
- Google không khuyến khích các OEM ( Original Equipment Manufacturer- Nhà sản xuất thiết bị gốc) sử dụng phiên bản mới nhất. Điều này có nghĩa là các điện thoại mới được phát hành có thể đang sử dụng phiên bản Android cũ hơn. Các thiết bị Android có thể chạy trên phiên bản cũ hơn. Tính khả dụng của nhiều phiên bản Android khiến cho các ứng dụng được kiểm thử trên các phiên bản Android khác nhau gặp nhiều thách thức.
- Các thiết bị của Apple luôn đi kèm với iOS mới nhất, hiện tại là iOS 12
Khả năng ương thích ngược
Trong thử nghiệm ứng dụng di động Android, người kiểm thử cần kiểm tra API của Android với các phiên bản cũ hơn, đảm bảo các ứng dụng chạy như mong muốn.
UI cụ thể
Vì Android là mã nguồn mở, OEM có thể tự do xây dựng giao diện người dùng của riêng họ. Do đó, UI như TouchWiz của Samsung, Sense của HTC, Xperia của Sony và ZenUI của Asus đều có sự khác nhau về giao diện. Vì vậy, ứng dụng cần phải được kiểm tra cho UI cụ thể.
Khả năng sử dụng
- Android: Điều cần thiết là trải nghiệm sử dụng ứng dụng vẫn giống nhau trên các thiết bị và phiên bản khác nhau. Do đó, nhiều trường hợp sử dụng cần được phát triển theo phiên bản HĐH.
- iOS: trải nghiệm người dùng là hoàn toàn giống nhau trên các thiết bị iPhone khác nhau.
8. Bảo mật
Bảo mật thông tin
Với nhiều thiết bị và Hệ điều hành, nó trở thành một nhiệm vụ đương nhiên để đảm bảo rằng ứng dụng không dễ bị tấn công độc hại. Một vấn đề bảo mật hiện diện trong phiên bản trước của Android phải được giải quyết thông qua cập nhật bảo mật trong ứng dụng để tránh mọi hành vi đánh cắp thông tin.
Kiểm tra bảo mật mã nguồn
Trong quá trình phát triển Ứng dụng, nhà phát triển có thể cài đặt các tệp APK cần thiết trên thiết bị bằng cửa hàng Google Play. Có các công cụ có sẵn trên thị trường cho phép người dùng truy cập trái phép vào mã nguồn của các tệp APK Android. Do đó, kiểm tra bảo mật bổ sung cần được thực hiện cho hệ điều hành Android để đảm bảo mã ứng dụng được bảo mật.
Android cũng là mục tiêu của tin tặc do lượng người dùng lớn. Do đó kiểm tra toàn diện là cần thiết cho một ứng dụng.
Nguyên tắc xuất bản nghiêm ngặt
- Android: Google không kiểm tra ứng dụng trước khi chúng được cung cấp trong Cửa hàng Play. Google chỉ quét cửa hàng Play để tìm nội dung độc hại. Do đó, rất dễ để các ứng dụng độc hại ở lại trong cửa hàng cho đến khi có ai đó báo cáo về nó. Vì vậy, người kiểm tra cần đảm bảo rằng không có lỗ hổng bảo mật trong ứng dụng.
- iOS: Tuy nhiên, Apple có các hướng dẫn đánh giá nghiêm ngặt để gửi ứng dụng trong Apple App Store. Do đó, việc kiểm tra toàn diện cần được thực hiện trong Apple iOS để đảm bảo ứng dụng đáp ứng các nguyên tắc bắt buộc.
Kết luận
Một lợi thế rất lớn của Apple là phần cứng và hệ điều hành được tạo ra là kết hợp với nhau. Chúng hoạt động liền mạch đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho thiết kế và phát triển ứng dụng iOS. Đó là lý do tại sao các vấn đề lỗi không tìm thấy thường xuyên trên các thiết bị iOS khác nhau.
Đối với Android, mọi thứ khá phức tạp. Một mặt, các thiết bị của Google, được tạo ra để tận dụng tốt nhất hệ điều hành di động Android. Mặt khác, phạm vi rộng của các thiết bị Android và có phần mềm tùy biến cao đưa ra nhiều thách thức trong lĩnh vực kiểm thử ứng dụng Android.
Nhưng cho dù bạn có loại thiết bị hoặc nền tảng nào, điều quan trọng là phải đảm bảo chất lượng ứng dụng cho thị trường mục tiêu của bạn.
Do tất cả những thách thức này, một chiến lược kiểm thử ứng dụng di động toàn diện cần được đưa ra bao gồm lựa chọn các thiết bị mục tiêu, các thiết bị ưu tiên thấp hơn, viết các trường hợp sử dụng và kiểm thử giống nhau với sự kết hợp giữa các công cụ kiểm tra thủ công và tự động để bao quát cả kiểm thử chức năng và phi chức năng.
Tham khảo
All rights reserved