0

Top 5 soft skill nâng tầm sự nghiệp software developer của bạn

Thế nào nhỉ, theo các bạn thì khi nhắc đến 1 gã developer mọi người sẽ nghĩ đến hình tượng như thế nào? Gầy, đù, đặc biệt là soft skill kém, chẳng biết nói năng gì cả. Mình từng nghe một vài người nói như vậy. May là mình không đập cái ghế vào đầu tụi nó.

Nếu được chọn giữa việc trở thành một siêu developer với kĩ năng technical bậc thầy, hoặc trở thành một gã trung bình khá nhưng có soft skill tốt, bạn sẽ chọn gì? Có lẽ là mình sẽ chọn phương án số 2, mình không có ý nói rằng kĩ năng technical không quan trọng, mà bởi technical dường như là điều kiện bắt buộc, điều kiện cần. Soft skill mới là điều kiện đủ, là thứ nâng tầm sự nghiệp của bạn.

Bản thân mình còn trẻ, chưa trải nghiệm hết được tầm quan trọng của soft skill. Tuy nhiên mình đã từng đọc khá nhiều sách, tâm sự của các developer có nhiều năm kinh nghiệm, rất nhiều người trong số họ nói rằng soft skill mới là thứ giúp họ kiếm được hàng triệu đô chứ không phải là kĩ năng lập trình. Vì vậy, bên cạnh rèn luyện khả năng code, tại sao chúng ta không học theo những developer kia rèn luyện những kĩ năng mềm cần thiết?

1. Kĩ năng giao tiếp

Nếu bạn nghĩ rằng một developer sẽ dành phần lớn thời gian để làm việc với máy tính thì chúc mừng, bạn sai rồi. Thử nghĩ lại xem, bạn thường làm những công việc gì trên máy tính: đọc mail, đọc document, viết code, viết báo cáo… Mail, document ở đâu ra cho bạn đọc? Requirement ở đâu ra cho bạn code? Bạn viết báo cáo cho ai?

Hầu như tất cả công việc của bạn đều xoay quanh việc giao tiếp giữa người với người. Từ việc giao tiếp, trao đổi công việc với các thành viên trong nhóm cho đến lấy requirement từ khách hàng. Kĩ năng giao tiếp là kĩ năng sống còn.

Mình từng rơi vào tình trạng không thể giải thích cho boss, đồng nghiệp hiểu được những ý tưởng của mình, ngay cả những ý tưởng đơn giản nhất. Vì vậy dù ý tưởng của mình có hay, có sáng tạo đến thế nào đi chăng nữa thì nó cũng mãi mãi không bao giờ được sử dụng.

Chưa kể bạn còn phải dùng nó để tán gái nữa.

2. English

Chẳng biết cái này có phải kĩ năng mềm hay không nhưng mình thấy nó vô cùng quan trọng. Quan trọng thế nào thì các trung tâm anh văn đã nói cả rồi, nên mình cũng không nhắc lại. À mà mình cũng có viết một bài về tầm quan trọng của English rồi.

Bản thân mình cũng từng nhận “trái đắng”, chuyện là có 1 bà chị HR xem profile linkedin, CV của mình rồi cứ điện thoại mời đi phỏng vấn mãi mặc dù mình đã nhiều lần nói rằng mình không có nhu cầu. Chị ấy hỏi mình đủ thứ, cả 45 phút qua điện thoại, mình nghĩ là chắc bà này ưng lắm rồi, mời đi làm luôn không chừng. Cuối cùng chị ấy bắt đầu chuyển qua nói tiếng Anh, tiếng Anh của mình thì cũng không tệ lắm nhưng chẳng hiểu sao 10 câu thì mình chỉ ấp úng trả lời được cỡ 3. Nói thêm đôi câu nữa thì chị ý cúp máy. Chị ý bảo rằng tiếng Anh của mình không tệ nhưng do công việc đòi hỏi phải làm việc với một team Đan Mạnh nên cần một người có anh văn tốt hơn. Cũng may là hiện tại mình không tìm job nên cũng không tiếc lắm.

Bạn nào tiếng Anh còn hơi kém thì chịu khó luyện đi nhé, nó sẽ mở ra nhiều cơ hội cho bạn lắm đấy.

3. Marketing bản thân

Có 2 người đầu bếp. Một đầu bếp giỏi, nấu ăn ngon, kiếm 10tr một tháng trong một nhà hàng nhỏ. Một đầu bếp giỏi, nấu ăn ngon, nổi tiếng, thường xuyên xuất hiện trên TV, đếm tiền không hết.

Bạn có biết sự khác nhau giữa 2 đầu bếp là gì không? Có phải vì đầu bếp số 2 nấu ăn ngon hơn mà anh ta kiếm được nhiều tiền hơn không? Không, đơn giản là vì anh ta nổi tiếng hơn thôi.

Lý thuyết này cũng có thể áp dụng với software developer chúng ta.

Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn rất giỏi nhưng chẳng có ai biết điều đó. Đối với software developer, marketing có nghĩa là làm sao chứng minh được rằng bạn thật sự có khả năng.

Giả sử như bạn đi xin việc, làm sao để bạn chứng tỏ cho phía công ty biết được bạn thật sự giỏi trong vòng 30p đến 1 tiếng đồng hồ? Bây giờ bạn thử google tên đầy đủ của bạn xem, bạn thấy gì? Mình nghĩ hầu hết các nhà tuyển dụng cũng sẽ làm như vậy, họ sẽ google tên của bạn.

Sẽ thế nào nếu họ nhìn thấy blog, các bài chia sẻ, video, các bài thuyết trình về công nghệ, kĩ thuật của bạn? Chỉ cần có thế, mình tin rằng bạn sẽ ở cửa trên so với các ứng viên còn lại. Còn rất rất nhiều lợi ích khác của việc có danh tiếng, mình sẽ nói cụ thể hơn ở một bài khác.

4. Kĩ năng thuyết phục – sales

Mình từng đọc khá nhiều sách kiểu “dạy thành công”, hầu như các sách đều có chung 1 lời khuyên rằng hãy học cách thuyết phục người khác. Chỉ cần bạn biết cách thuyết phục, thế giới coi như nằm trong tay bạn. Nếu không tin thì bạn có thể xem mấy ông tổng thống ở nước ngoài lúc tranh cử ấy, tất cả những gì mấy ông ấy làm là diễn thuyết, thuyết phục mọi người tin rằng ông ta có tài.

Chúng ta sử dụng kĩ năng này mỗi ngày, mỗi giờ nhưng ít khi để ý đến nó. Lúc bé khi xin tiền mẹ đi chơi điện tử, bạn đang thuyết phục mẹ bạn. Lớn lên chút nữa, khi bạn đi tán gái, bạn cũng chém gió thuyết phục cô ấy rằng bạn yêu cô ấy. Đến khi bạn đi xin việc làm, bạn cũng phải thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn có tài, bạn đủ sức làm việc cho công ty, hay nói cách khác là bạn đang sale, sale chính bản thân bạn.

Trong môi trường công việc, bạn sẽ thường xuyên phải đưa ra các quyết định, ý tưởng, rồi sau đó là thuyết phục mọi người tin tưởng vào ý tưởng, quyết định của bạn. Hãy nhớ rằng ý tưởng được chọn không chắc là ý tưởng hay nhất, nó chỉ là ý tưởng được diễn đạt từ một người có kĩ năng thuyết phục điêu luyện nhất mà thôi.

5. Kĩ năng đọc, đọc mọi lúc

Có lẽ mình nên đưa kĩ năng đọc lên vị trí số 1, bởi nếu không có nó thì chưa chắc mình đã có thể hiểu được tầm quan trọng của các kĩ năng còn lại và viết bài viết này.

Kiến thức là vô tận, chúng ta cần học hỏi, rèn luyện mỗi ngày để trở thành một phiên bản tốt hơn. Đọc là cách tốt nhất để bạn tiếp nhận thông tin, kiến thức. Nếu bạn vẫn đang đọc đến dòng này, mình tin rằng bạn không phải một gã tầm thường, một gã tầm thường không đọc nhiều thế đâu.

Bạn có thể đọc sách, đọc medium, blog, bất cứ thứ gì mà bạn cảm thấy hữu ích. Điều quan trọng là bạn cần đọc thường xuyên, khiến việc đọc trở thành một thói quen chứ không đơn thuần là đọc google để tìm code fix khi code của bạn không chạy.

Nếu bạn chưa có thói quen đọc, bạn có thể bắt đầu với danh sách sách này. Hay lắm đấy, nhớ đọc nhé.

Kết

Tất cả những kĩ năng mình nêu ở trên đều cần thời gian dài luyện tập, không phải chuyện ngày một ngày hai. Nhưng nó sẽ là những kĩ năng đáng tiền đấy, nên hãy yên tâm rèn luyện chúng song song với việc code nhé, vì sự nghiệp trở thành một developer tầm cỡ.


All Rights Reserved

Viblo
Let's register a Viblo Account to get more interesting posts.