[ThaoVTP] [Sưu tầm] Những điều cần biết để làm việc với người Nhật tốt hơn
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 3 năm
Bạn đang có ý định hay đang làm cho một công ty Nhật. Bạn băn khoăn không biết làm sao để có thể làm việc tốt với người Nhật. Hi vọng, một vài thông tin bổ ích trong bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp được phần nào.
I. LÀM VIỆC Ở CÔNG TY NHẬT LÀ DỄ HAY KHÓ?
Người phương Tây gặp rất nhiều khó khăn trong việc hiểu được phong cách làm việc của người Nhật. Không phải vì phong cách làm việc đó quá quái dị hay cứng nhắc, chỉ cần tìm hiểu sâu xa một chút là có thể là việc tốt với người Nhật rồi.
Có lẽ, điểm khác biệt lớn nhất giữa các nước phương Tây và Nhật Bản là mức độ cá nhân hóa trong quan hệ lẫn công việc. Với người phương Tây, họ đề cao chủ nghĩa tự do. Còn đối với người Nhật Bản, quan tâm đến cộng đồng, gia đình là việc đầu tiên phải làm.
Chính vì điều này mà những chuẩn mực của các nhà quản lý giỏi ở Nhật Bản là phải biết quan tâm đến con người, đến đồng nghiệp và cấp dưới họ. Họ còn phải biết duy trì không khí vui vẻ, hòa đồng trong văn phòng. Người Nhật gọi những nhà quản lý này là Kuroto. Những Kuroto có thể không có kiến thức hàn lâm hay kinh tế cao, nhưng kỹ năng con người của họ thì khỏi phải bàn cãi.
Những phẩm chất này tuy đối lập hoàn toàn với người phương Tây, nhưng với người Việt Nam chúng ta thì không phải là một trở ngại lớn. Vậy thì theo bạn, làm việc ở công ty Nhật Bản là dễ hay là khó? Còn đối với tôi, khi bạn không ngừng hoàn thiện bản thân thì không có công việc nào sẽ là khó đối với bạn.
II. 一期一会 - NHẤT KỲ NHẤT HỘI
Ichigo Ichie (一期一会) - Nhất kỳ nhất hội là một câu ngạn ngữ nổi tiếng của người Nhật được bắt nguồn từ triết lý trong văn hóa Trà đạo. Về cơ bản, "Nhất kỳ nhất hội" có nghĩa là mọi cuộc gặp gỡ trên cuộc đời có thể chỉ diễn ra một lần nên chúng ta phải trân trọng khi giao tiếp với bất kỳ ai để tránh sự nối tiếc. Chính vì quan điểm này, người Nhật ưu tiên giữ gìn và luôn hết lòng trong những mối quan hệ với bạn bè, người thân hay đồng nghiệp. Những công ty hay doanh nghiệp Nhật thường tổ chức hội họp hay sự kiện để nối kết các thành viên và kiến tạo nhiều kỷ niệm đẹp. Trong môi trường công sở, cấp trên và cấp dưới dường như không có khoảng cách và luôn chào hỏi nhau một cách thân thiện.
Điều này cũng là chìa khóa của người Nhật trong kinh doanh, họ quý trọng mọi khách hàng và luôn cung cấp dịch vụ tốt nhất. Trong khi nhiều doanh nghiệp quên rằng, ấn tượng đầu tiên chính là yếu tố quyết định để giữ chân khách hàng. Người Nhật với quan điểm "Nhất kỳ nhất hội" đã giúp họ trở thành những nhà kinh doanh "chiều" khách nổi danh khắp thế giới!
Tiếp theo, tôi xin phép chia sẻ một số tips khi phỏng vấn ở công ty Nhật.
III. KINH NGHIỆM PHỎNG VẤN CHO CÔNG TY NHẬT BẢN
Phỏng vấn là một trong những bước quan trọng nhất để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và giúp bạn đạt được công việc mong muốn. Đối với những công ty Nhật Bản, ứng cử viên nên tìm hiểu về văn hóa và phong cách làm việc của công ty trước khi bắt đầu buổi phỏng vấn. Sau đây là những kinh nghiệm và lời khuyên để giành từ nhà tuyển dụng Nhật Bản.
1. Trang phục:
Các công ty Nhật rất quan tâm đến phong cách ăn mặc của nhân viên. Hãy chọn trang phục, đơn giản, năng động, lịch thiệp mang phong cách phương Tây.
2. Phong thái:
Tự tin, thoải mái và chân thành. Khi trả lời câu hỏi phỏng vấn, hãy nhìn vào mắt người tuyển dụng và trả lời các câu hỏi một cách dứt khoát. Tránh ngập ngừng, ngại ngùng và lan man.
3. Thái độ:
Trả lời các câu phỏng vấn bằng kính ngữ để thể hiện thái độ khiêm tốn, lịch sự và tôn trọng giành cho nhà tuyển dụng.
Hãy nhớ, những công ty Nhật Bản đánh giá cao những nhân viên có thái độ lịch sự, chân thật, khiêm tốn và ham học hỏi!
IV. CÁCH ĐÀM PHÁN LƯƠNG VỚI NGƯỜI NHẬT
Như bạn cũng biết, có sự khác biệt giữa văn hoá Việt Nam và Nhật Bản. Trong giao tiếp, người Việt Nam cởi mở và thẳng thắn hơn người Nhật. Vì vậy, người Nhật thường không thể hiện hết mong muốn hoặc ý kiến của họ về vấn đề nào đó. Có lẽ phần nào vì vậy, trong phỏng vấn việc làm, công ty Nhật có xu hướng không ưu tiên những ứng viên quá thẳng thắn về vấn đề lương bổng. Thay vào đó, họ ấn tượng với những người quan tâm đến văn hóa, sứ mệnh và mục tiêu của công ty.
Tất nhiên lương là vấn đề quan trọng cần phải trao đổi với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, mẹo nhỏ để đàm phán lương thành công là chứng tỏ với nhà tuyển dụng Nhật bạn quan tâm nhiều hơn đến văn hóa và mục tiêu công ty. Một khi đã thành công khi gây ấn tượng với mạnh mẽ với nhà tuyển dụng, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng thuyết phục họ mức lương mà mình mong muốn.
V. TÍNH CÁCH ĐẶC TRƯNG CỦA NGƯỜI NHẬT
Muốn hiểu biết và hòa nhập với văn hóa Nhật Bản, trước hết chúng ta cần rõ tính cách đặc trưng và phong cách sống của con người bên trong đất nước đó. Người Nhật Bản nổi tiếng thế giới về tính kỷ luật và thái độ cần mẫn trong công việc. Ngoài ra, người Nhật còn có một số tính cách thú vị khác và thể hiện rõ qua văn hóa hay phong tục của đất nước họ.
- Người Nhật tôn trọng tự nhiên và truyền thống. Điều đó thể hiện rõ qua lễ hội truyền thống ở Nhật. Vào mỗi mùa, người Nhật thường tổ chức những cuộc du ngoạn để thưởng thức hoa đặc trưng trong bốn mùa.
- Người Nhật nghiêm túc trong công việc nhưng lại đề cao sự sáng tạo vì họ luôn muốn hoàn thiện và thay đổi môi trường sống tốt hơn.
- Người Nhật thường dè dặt và ít bộc lộ cảm xúc cá nhân đối với người mới quen. Họ sử dụng cách nói nhẹ nhàng và tránh nói "không" một cách trực tiếp.
- Người Nhật thích máy móc, công nghệ nhưng vẫn thích mua hoặc tự làm các món đồ thủ công.
Về căn bản, Nhật Bản là một đất nước đặc biệt với sự dung hòa hoàn mỹ giữa hiện đại và truyền thống. Họ luôn đi đầu trong phát triển công nghệ nhưng vẫn không bỏ quên văn hóa của mình.
VI. 5 THÓI QUEN LÀM VIỆC NÊN HỌC TỪ NGƯỜI NHẬT
Người Nhật nổi tiếng với nhiều nội quy, phép tắc và những chuẩn mực riêng. Tôi xin giới thiệu với các bạn 5 thói quen làm việc cực kỳ hiệu quả để có thể hòa nhập và thăng tiến trong 1 công ty Nhật Bản nhé.
Bắt đầu và kết thúc mỗi cuộc gặp mặt bằng một lời chào
Những lời chào hỏi, động viên, và tạm biệt sếp và đồng nghiệp vào mỗi lần gặp sẽ tạo một cảm giác thân thiết cần có trong mối quan hệ giữa người với người.
Chăm chút cho nơi làm việc
Người Nhật rất thích trang trí cho bàn làm việc của mình. Vì vậy, để hòa nhập với văn hóa làm việc ở công ty Nhật, bạn hãy học hỏi cách đồng nghiệp của mình trang trí góc làm việc của họ và sáng tạo cho mình một góc làm việc thật ngăn nắp và ấn tượng.
Học cách tôn trọng sự yên lặng
Không gian yên tĩnh là một trong những điều kiện tiên quyết khiến người Nhật làm việc hiệu quả và đạt được năng suất cao. Hãy tôn trọng không gian yên ắng trong phòng làm việc. Nếu cần thảo luận, hãy nói vừa đủ nghe hoặc tìm một phòng họp để không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Giữ bản thân tươi mới
Dù bạn có thể khăng khăng rằng "tốt gỗ hơn tốt nước sơn", vẻ đẹp bề ngoài không quan trọng lắm. Tuy nhiên, người Nhật luôn dành một khoảng thời gian riêng trong ngày để chăm chút lại vẻ ngoài của mình cho gọn gàng, ngăn nắp. Đó là cách họ tìm lại sự tự tin và tôn trọng đối tác, khách hàng, và đồng nghiệp.
Chú trọng đến chi tiết
Người Nhật đặc biệt quan tâm tới những chi tiết nhỏ nhất. Đó là cách làm việc tồn tại từ rất lâu của người Nhật. Chính điều đó đã khiến người Nhật trở nên nổi tiếng với những sản phẩm có tính chính xác tới từng chi tiết nhỏ nhất. Hãy tập làm quen với phong cách làm việc này của người Nhật nhé.
VII. 3 CÁCH ĐỂ LÀM VIỆC HIỆU QUẢ VỚI NGƯỜI NHẬT
Người Nhật làm việc cẩn trọng và chú ý đến chi tiết vì họ muốn đảm bảo mọi việc diễn ra một cách suôn sẻ đồng thời tránh được những sai sót có thể xảy ra. Vì vậy, đôi lúc họ cần nhiều thời gian hơn.
Tôi nghĩ rằng những ai đang làm việc với người Nhật nên biết điều này để hiểu và hợp tác hiệu qquả hơn. Với một số gợi ý cụ thể sau, tôi hy vọng giúp bạn làm việc hiệu quả hơn với đồng nghiệp/cấp trên người Nhật.
1.Chủ động hỏi những thông tin cần biết
Khi cấp trên/đồng nghiệp người Nhật yêu cầu/nhờ bạn làm một việc gì đó (làm báo cáo, thống kê hay gửi bản kế hoạch,…), trước khi bắt tay thực hiện, hãy hỏi thật kỹ về yêu cầu này. Họ muốn sản phẩm đó trông như thế nào, định dạng ra sao, cần những thông tin gì,…hãy chủ động hỏi để có đủ thông tin cần thiết. Bằng cách này, bạn có thể tránh mọi sai sót, đặc biệt là hoàn thành công việc đúng với mong đợi của họ.
2.Luôn ghi chú
Ghi chú lại mọi thông tin trong khi thảo luận giúp đảm bảo mọi thông tin không bị thiếu sót. Vì vậy người Nhật luôn đánh giá cao những ai thích ghi chú vì hành động này thể hiện bạn là người chi tiết và cẩn thận.
3.Thường xuyên nhìn lại công việc
Khi hoàn tất một việc/dự án nào đó, dù thành quả tốt hay chưa tốt, hãy nhìn lại và đánh giá hiệu quả công việc. Bằng cách này, bạn có thể hiểu được đâu là điểm tốt, đâu là điểm cần cải thiện cũng như cần phải làm gì tiếp theo để tránh xảy ra lỗi tương tự. Học hỏi từ kinh nghiệm để tránh sai sót tương tự là một tiêu chí người Nhật đánh giá rất cao.
Ngoài ra, nếu trong một cuộc phỏng vấn, bạn có thể chứng tỏ với nhà tuyển dụng người Nhật những kỹ năng này, cơ hội trúng tuyển sẽ rất cao vì đây là những tiêu chí mà người Nhật đánh giá rất cao ở ứng viên.
VIII. CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG CỦA NGƯỜI NHẬT
Điều gì đã giúp Nhật Bản - một đất nước với tài nguyên hạn chế và đối mặt với nhiều thiên tai có sức tàn phá mạnh mẽ vẫn vươn dậy trở thành nền kinh tế hàng đầu trên thế giới.
Chìa khóa thành công chính là từ yếu tố con người. Một điều tôi luôn ngưỡng mộ những người Nhật làm việc trong công ty tôi là nhiệt huyết với công việc. Tinh thần samurai dường như ngấm vào máu họ nên làm bất cứ công việc gì dù nhỏ hoặc lớn, họ đều làm với tất cả tâm huyết và ý chí. Cùng với sự nhiệt huyết là tính cẩn thận, chi tiết nên họ luôn cần nhiều thời gian hơn để ra quyết định hoặc hoàn thành một việc gì đó. Vì vậy mà làm việc ngoài giờ hay ở lại văn phòng đến tận khuya với họ là điều hiển nhiên. Anh Product Owner người Nhật trong công ty tôi thậm chí còn dự trữ quần áo ở văn phòng để không mất thời gian về nhà thay đồ.
Sau đây, là một minh chứng cụ thể cho sự thành công của người Nhật.
IX. TRIẾT LÝ KINH DOANH "KHÁC NGƯỜI" CỦA TỶ PHÚ GIÀU NHẤT NƯỚC NHẬT
Tadashi Yanai, ông chủ chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo và hiện đang là tỷ phú giàu nhất nước Nhật với khối tài sản hơn 11,5 tỷ USD. Khởi nghiệp từ một cửa hàng quần áo cũ ở Hiroshima, Tadashi bắt đầu xây dựng thương hiệu thời trang của mình và sau 10 năm phát triển, Uniqlo đã có hơn 2,000 cửa hàng trên khắp thế giới. Vậy điều gì đã mang lại thành công cho Uniqlo?
Chính là vào nhờ vào triết lý kinh doanh đặc biệt của ông chủ Tadashi.
Lợi nhuận không phải là ưu tiên hàng đầu:
Khác với nhiều doanh nghiệp, Tadashi chú trọng phát triển toàn diện chứ không tập trung để tăng doanh thu. Đối với ông, nếu kinh doanh chỉ nhằm mục đích kiếm tiền đơn thuần, doanh nghiệp đó sẽ khó phát triển bền vững.
Giành cho mọi người:
Trong khi những thương hiệu khác phân loại đối tượng khách hàng thành từng nhóm thì Tadashi lại xây dựng Uniqlo thành quần áo giành cho tất cả mọi người. Không phân biệt tuổi tác, giới tính, thân hình, thể trọng, khách hàng đều có thể sử dụng quần áo Uniqlo.
Chất lượng là ưu tiên hàng đầu:
Tadashi luôn cải tiến và chú trọng nhiều vào chất lượng hơn là hình thức. Ông còn thường áp dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất để mang lại trải nghiệm tốt nhất. Dòng quần áo Heattech là một ví dụ điển hình, với những túi khí nằm trong sợi vải, chiếc áo sẽ giữ ấm cho người mặc trong thời tiết lạnh giá.
X. Những điều cần lưu ý khác:
KHÔNG NÊN TẶNG NGƯỜI NHẬT NHỮNG MÓN QUÀ GÌ?
Tôi xin gửi đến bạn một số lời khuyên về những món quà cần tránh tặng người Nhật trong các dịp lễ tết để bạn có thể chuẩn bị trước và không mắc phải những sai lầm không đáng có khi mới vào làm ở các công ty Nhật nhé.
Đừng bao giờ tặng người Nhật món quà có bộ 4 hoặc 9 (ví dụ 4 bông hoa, bộ khăn bàn gồm 4 khăn ăn hoặc 9 cái ly chẳng hạn). Người Nhật rất kị số 4 và số 9 vì âm của số 4 đồng âm với chữ "tử", nghĩa là "chết" và số 9 được coi là số không may mắn vì nó có nghĩa là sự chịu đựng, sự đau khổ.
Không nên tặng người Nhật chiếc lược chải tóc vì từ chiếc lược trong tiếng Nhật là "kushi", "ku" là sự chịu đựng, sự đau khổ, "shi" đồng âm với từ "chết", "kushi" là cộng cả hai điều bất hạnh này.
Không nên tặng trà vì trà có ý nghĩa là người nhận không trong sạch.
Không nên tặng đồ vật làm bằng thủy tinh, sành sứ và vật có hình dáng như bình hay hũ, vì điều đó thể hiện sự mau vỡ, không bền.
Nếu người nhận quà không phải là người thân hay người yêu của mình thì không nên tặng cà vạt và dây đeo cổ vì người nhận sẽ nghĩ rằng mình muốn trói buộc họ.
KHÁI NIỆM NGHỈ BỆNH CỦA NGƯỜI NHẬT
Chúng ta luôn cho rằng bệnh là điều mà mình không kiểm soát được (do tác nhân bên ngoài hoặc bị lây từ người khác). Nhưng ở Nhật, nếu bạn bị bệnh nghĩa là bạn không biết cách chăm sóc cho bản thân. Vì vậy, trong văn hóa làm việc của người Nhật, họ không bao giờ nghỉ bệnh trừ khi bị ốm rất nặng. Đeo khẩu trang vào và uống thuốc, họ vẫn tiếp tục đến văn phòng như mọi người.
Một lời khuyên dành cho những ai đang làm việc với sếp Nhật. Trong trường hợp bạn bị sốt nặng, tất nhiên bạn nên ở nhà nhưng nhớ báo cáo với sếp là bạn đã khám bệnh và uống thuốc. Điều này chứng tỏ là bạn đang cố gắng hết bệnh để mau trở lại công việc.
Trên đây là một vài thông tin thú vị. Chúc các bạn hợp tác tốt với các đồng nghiệp, đối tác người Nhật.
(Nguồn Vietnamwork)
All rights reserved