+2

[ThaoVT] Tìm hiểu về các ngày lễ trong năm của Nhật Bản

I. Lời mở đầu:

Chắc hẳn các bạn đã từng nghe đến Tuần lễ vàng (Golden week) của Nhật Bản. Và cũng biết , người dân Nhật Bản có khá nhiều ngày nghỉ trong năm. Theo như pháp luật Nhật Bản , từ năm 2016, trong năm sẽ có 16 ngày lễ. Nếu những ngày lễ này rơi vào chủ nhật thì người lao động sẽ được nghỉ bù vào ngày thứ hai kế tiếp. Nếu có một ngày nằm xen giữa hai ngày lễ thì ngày đó người lao động cũng sẽ được nghỉ.

II. Các ngày lễ của Nhật Bản

Nào chúng ta cùng đi tìm hiểu chi tiết các ngày lễ trong năm ở Nhật nhé.

|1 |Ngày đầu năm mới |1-1 |元日 | Ganjtsu | Từ năm 1873 |

Ngày đầu năm.jpg

Trước khi Nhật Bản chấp nhận sử dụng lịch Gregory vào năm 1873 thì những ngày lễ của nước này được tính dựa theo âm dương lịch Trung Quốc. Chẳng hạn, Ngày đầu năm mới khi đó được tổ chức vào đầu mùa xuân, tương tự như ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.

Tuy nhiên, từ sau thành công của cuộc Duy Tân Minh Trị do Thiên Hoàng Meiji tiến hành vào năm 1868, nước Nhật bắt đầu có truyền thống đón Tết Nguyên Đán theo năm mới dương lịch như những nước phương Tây. Người Nhật thường sẽ bắt đầu chuẩn bị đón năm mới từ ngày 31/12. Một số công ty sẽ cho nhân viên nghỉ từ ngày 30 tết cho đến hết ngày mồng 3 tháng 1. Đến mồng 4 các công ty Nhật sẽ bắt đầu làm việc tuy nhiên không khí tết sẽ vẫn kéo dài cho đến ngày 15/1 (ngày lễ thành niên của Nhật dành cho những nam nữ thanh niên tròn 20 tuổi).

Người Nhật thường có thói quen đi đền chùa vào dịp đầu năm để cầu may mắn, bình an, sức khỏe cho cả một năm.

Ngày đầu năm1.jpg

|2 |Ngày lễ thành nhân |Thứ 2 của tuần thứ 2 tháng 1 |成人の日 | Seijin no hi | Từ năm 1948 |

Ngày này trước đây là ngày 15/1. Tuy nhiên, hiện nay ngày này đã chuyển thành ngày thứ hai của tuần thứ 2 tháng 1. Đây là ngày lễ dành cho những nam nữ thanh niên tròn 20 tuổi. Ngày này có ý nghĩa trọng đại trong cuộc đời của mỗi chàng trai và cô gái Nhật Bản, ngày mà họ chính thức được coi đã bước sang tuổi trưởng thành với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân.

Seijin no hi (lễ thành nhân) có nguồn gốc từ một nghi thức cổ xưa của Nhật được gọi là Genpuku (元服). Đây thực chất là lễ trưởng thành dành cho các bé trai của những gia đình samurai quyền quý. Genpuku mới đầu không quy định rõ độ tuổi nào được coi là “trưởng thành” tuy nhiên từ thời kì Nara (710 – 794) đến thời kỳ Heian (794-1192) thì lễ được tổ chức cho những bé trai trong khoảng 13 đến 16 tuổi (lễ trưởng thành của các bé gái thời này được gọi là mogi cho các bé từ 12-14 tuổi). Đến khoảng thế kỷ thứ 16, nó được đổi tên thành Genpukushiki. Trong buổi lễ ấy, nghi thức để xác nhận một người đã trưởng thành là cắt đi phần tóc ở trước trán của họ. Sau này, nghi thức được phổ biến tới cả những tầng lớp bình dân và nông dân cho đến tận cuối triều đại Edo. Genpukushiki được coi như là nghi thức bắt nguồn cho seijinshiki, tuy nhiên nghi thức lễ hội như hiện nay được bắt đầu từ năm 1948. Trong suốt một thời gian dài, ngày lễ thành nhân được quy định là ngày 15 tháng 1 và điều này đã được ghi cả trong Hiến pháp Nhật.

Nhưng sau này nhằm mang lại những kỳ nghỉ dài hơn cho người dân, lễ hội được đổi lại thành ngày thứ hai đầu tiên của tuần thứ hai trong năm theo như hệ thống Thứ Hai Vui Vẻ.

Lễ thành nhân được tổ chức tại các đền thờ hay những nhà hát, sân vận động lớn của từng vùng và cách tổ chức của mỗi vùng cũng có sự khác biệt nhất định.

Vào ngày này, các thiếu nữ Nhật Bản thường mặc furisode, một loại kimono nhiều màu sắc sinh động với tay áo rất dài dành cho phụ nữ chưa lập gia đình trong khi con trai mặc một bộ kimono tối màu hakama hoặc trang phục hiện đại. Bình thường, khi những cô gái Nhật đã đến tuổi trưởng thành, bố mẹ sẽ mua tặng họ một bộ kimono furisode để đánh dấu dấu mốc quan trọng này. Họ có thể sẽ được thừa hưởng những bộ kimono truyền thống của gia đình hoặc đơn giản hơn, họ có thể đi thuê. Các bạn nam có thể mặc lễ phục (Haori và Hakama) tuy nhiên thường thì họ mặc vest và có thể đem theo cả bạn gái của mình cùng dự buổi lễ.

Lễ thành nhân1.jpg

Lễ thành nhân.jpg

|3 |Ngày quốc khánh - Ngày lập quốc |11-2 |建国記念の日 | Kenkokukinen no hi | Từ năm 1873 |

Nguồn gốc của Ngày lập quốc trước đây là ngày đầu tiên của năm mới theo lịch Âm. Theo cuốn Nihonshoki (một bộ sách cổ về lịch sử Nhật Bản) thì Thiên hoàng Jimmu đã lên ngôi Hoàng đế kể từ ngày đầu tiên của tháng đầu tiên, cũng tức là ngày đầu tiên của năm mới.

Thời Minh Trị, chính phủ Nhật Bản đã ấn định ngày để kỉ niệm ngày trọng đại này của đất nước. Thời điểm đó cũng trùng với thời điểm Nhật Bản chuyển từ lịch Âm sang dùng lịch Dương (Tây lịch) vào năm 1873. Chính phủ Minh Trị lúc đó đã ấn định ngày lập quốc là ngày 1/1 năm 1873 theo lịch âm, theo lịch dương thì hôm đó là ngày 29/1/1872. Tuy nhiên, người dân lúc đó lại lầm tưởng ngày này sang ngày Tết Âm lịch, thay vì là Ngày lập quốc. Thế là Chính phủ đổi ngày lập quốc sang ngày 11/2/1873 sau khi cho rằng mình tính toán “chính xác” ngày Thiên hoàng Jimmu ra đời, và kể từ đó, ngày 11/2 hằng năm trở thành ngày quốc khánh của Nhật Bản. Thực chất ngày lập quốc được dùng để kỉ niệm Thiên hoàng và được đặt tên là 紀元節(Kigensetsu), được Thiên hoàng Minh Trị phê duyệt ấn định không những nhằm mục đích thống nhất ý chí người dân Nhật Bản hướng đến Thiên hoàng, mà còn nhằm củng cố quyền lực của ông, sau khi hạ bệ Mạc phủ Tokugawa, khôi phục quyền cai trị vào tay Thiên hoàng.

Ngày Kigensetsu được tổ chức rất long trọng với nhiều lễ hội và các đoàn diễu hành, và nó nghiễm nhiên trở thành 1 trong 4 ngày lễ lớn nhất tại Nhật Bản. Tuy nhiên, đến khi Nhật Bản thua trận ở Thế chiến thứ II, kéo theo sự phế truất quyền lực của Thiên hoàng (từ sau chiến tranh, người ta gọi các đời Thiên hoàng về sau là Nhật hoàng), ngày Kigesetsu cũng bị bãi bỏ. Mỉa mai thay khi ngày 11/2 cũng là ngày tướng MacArthur phê chuẩn bản sơ thảo của Nghị viện Nhật Bản năm 1946, đưa Nhật Bản đi theo con đường dân chủ tư sản và cũng là người đóng góp rất lớn trong công cuộc tái thiết và phát triển Nhật Bản sau này để trở thành “nước Mỹ của châu Á”.

Cùng năm 1946, Ngày lập quốc được tái thiết lập, vẫn giữ nguyên là ngày 11/2 hằng năm.

Hiện nay ý nghĩa “ngày vì Thiên hoàng” đã không còn nữa, thay vào đó, nó đóng vai trò như một ngày quốc khánh. Mọi người sẽ phất cờ Nhật không chỉ nhằm kỉ niệm ngày nước Nhật ra đời à còn mang ý nghĩa dân tộc Nhật Bản đoàn kết một khối, và cùng nhau xây dựng đấy nước, thay cho chủ nghĩa dân tộc.

Ngày lập quốc.jpg

|4| Ngày xuân phân| 20-3 hoặc 21-3| 春分の日| Shunbun no Hi|

Ngày này được coi như là ngày lễ để ca tụng thiên nhiên, các sinh vật sống. Khoảng 3 ngày trước sau ngày xuân phân được gọi là higan mùa xuân, và khoảng 3 ngày trước sau ngày thu phân được gọi là higan mùa thu. Cả hai higan đều là thời gian chuyển mùa. Vào những ngày này người Nhật thường đi tảo mộ tổ tiên, họ thường dùng hoa trắng và ohagi (một loại thức ăn) để bày cúng. Vào ngày này mọi người sẽ đi tảo mộ và đoàn tụ gia đình.

Một điều thú vị là từ năm 2013, Liên Hiệp Quốc chánh thức chọn ngày 20 tháng 3 hằng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Ngày này lấy ý tưởng từ Vương quốc Bhutan là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Và Ngày quốc tế Hạnh phúc được chọn vào ngày 20 tháng 3 vì đây là ngày Xuân phân, là thời điểm ngày và đêm dài bằng nhau, ý nghĩa cho sự cân bằng và hài hòa.

春分の日.jpg

春分の日1.jpg

|5 |Ngày Chiêu Hòa 29-4| 昭和の日| Shouwa no Hi| Từ năm 2007|

Ngày 29/4 là ngày sinh của cố Thiên Hoàng Chiêu Hòa. Trước năm 2007 thì ngày này được gọi là ngày Xanh. Tuy nhiên đến sau khi Hoàng Đế Chiêu Hòa mất người Nhật đã lấy ngày này trở thành ngày lễ giữ giữ màu xanh của thiên nhiên. Hiên tại Nhật người Nhật kỷ niêm ngày này vào ngày mồng 4/5. Ngoài ra, ngày Chiêu Hòa còn là một phần của tuần lễ Vàng.

shouwa.jpg

Thiên hoàng Chiêu Hòa tên thật là Hirohito, là vị Thiên hoàng thứ 124 của Nhật Bản theo Danh sách Thiên hoàng truyền thống. Ông là vị vua có thời gian trị vì dài nhất trong lịch sử Nhật Bản (1926~1989), là vị vua cuối cùng ủng hộ sự thần thánh của Thiên hoàng. Trong thời kỳ Chiêu Hòa, xã hội Nhật có sự thay đổi lớn lao. Từ một nước nông nghiệp với cơ sở công nghiệp còn hạn chế thành một quốc gia dân chủ với mức độ đô thị hóa cao và là một trong các quốc gia đứng đầu thế giới về công nghiệp và khoa học kỹ thuật. Sự “Thần kỳ” của nước Nhật thời bấy giờ khiến cho các nước khác vô cùng ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Để cảm kích những đóng góp của Thiên Hoàng Chiêu Hòa và cũng vì ông là một người rất yêu thiên nhiên nên đã quyết định lấy ngày 29/4 là ngày Chiêu Hòa.

4.28shouwa.jpg

|6| Ngày Kỉ niệm Hiến pháp| 3-5 |憲法記念日 |Kenpokinenbi| Từ năm 1947|

Ngày này rơi vào ngày mồng 3/5. Kể từ năm 1947 ngày này được người Nhật lấy làm ngày kỷ niệm ngày hiến pháp Nhật được thiết lập, một thể chế mới được thiết lập và có hiệu lực tại Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai. Đặc biệt, sau khi hiến pháp mới được thiết lập thì Nhật Hoàng chỉ còn là “Biểu tượng của quốc gia, và cho sự hoà hợp của dân tộc”, chứ không có quyền lực chính trị.

Có rất nhiều hình thức kỉ niệm ngày lễ lớn này tại Nhật Bản. Hàng nghìn người và học sinh, sinh viên sẽ tham dự các khóa học nâng cao hiểu biết về lịch sử cũng như Hiến pháp Nhật Bản.

Vào ngày này, tòa nhà Quốc hội Nhật Bản ((国会議事堂 – kokkai gijido) cũng sẽ mở cửa đón khách tham quan, vốn bình thường nghiêm cấm dân thường vào trong. Rất nhiều người có thể vào chiêm ngưỡng tòa nhà quyền lực nhất Nhật Bản cũng như chụp những bức ảnh quý giá.

Hiến pháp.jpg

|7| Ngày Cây xanh| 4-5| みどりの日| Midori no hi| Từ năm 2007|

Giữa năm 1985 đến 2006 là ngày “Kokumin no kyuujitsu” (ngày nghỉ của công dân), sau đó đổi thành “Midori no hi” (lễ xanh hay Greenery day). Ngày này cũng giống như Tết Đoan Ngọ (Tết diệt sâu bọ, bảo vệ mùa màng) ở Việt Nam ta. Ở Nhật mang ý nghĩ là cảm tạ những gì mà mẹ thiên nhiên mang lại cho chúng ta. Nhằm kêu gọi người dân giữ gìn màu xanh của thiên nhiên, mọi người sẽ cùng nhau trồng cây trong ngày này.

ngay-cay-xanh-tai-nhat.jpg

|8 |Ngày Thiếu nhi| 5-5| 子供の日| Kodomo no hi|

Ngày thiếu nhi của Nhật Bản là ngày 5 tháng 5. Đây là ngày lễ để người Nhật cầu sức khỏe và hạnh phúc cho những đứa trẻ. Ngày này là ngày lễ dành riêng cho những bé trai (ngày của các bé gái là ngày 3/3) Người Nhật thường treo cờ cá chép vào ngày này. Ngày này cũng là một phần của tuần lễ vàng.

Kodomo.jpg

Kodomo1.jpg

Sau đây, xin phép giới thiệu một chút về Tuần lễ Vàng của Nhật.

Trong suốt một năm, người Nhật luôn rất bận bịu với công việc do đó những khoảng thời gian nghỉ ngơi đối với họ là vô cùng quan trọng. Trong một năm thì tháng 5 là dịp mà người Nhật được nghỉ dài nhất nên họ gọi đây là “tuần lễ vàng”, đây là tuần lễ mà theo người Nhật là có ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an.

Trong tuần lễ vàng này có các ngày quốc lễ bao gồm: ngày sinh cố hoàng đế Chiêu Hòa 29/4, ngày hiến pháp 3/5, ngày xanh 4/5, ngày thiếu nhi 5/5. Trường hợp nếu trước hoặc sau bốn ngày nghỉ này là ngày quốc tế lao động hoặc thứ 7, chủ nhật thì người lao động sẽ có cơ hội nghỉ 5 ngày liên tiếp. Tại Nhât, tháng 5 là mùa xuân, lúc này thời tiết không quá nóng hay quá lạnh, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp nên rất phù hợp cho những chuyến du ngoạn.

|9| Ngày của Biển| Ngày thứ 2, tuần thứ 3 của tháng 7| 海の日| Umi no hi |Từ năm 1941|

Đây là ngày mà người Nhật dành để cảm ơn những gì mà biển đã ban tặng cho họ. Ngày này cũng là ngày đánh dấu việc Hoàng Đế Meiji trở về an toàn sau chuyến đi đến Hokkaido bằng thuyền vào năm 1876. Tàu Meiji-Maru, một con tàu buồm được đóng bằng sắt đầu tiên của Nhật Bản. Hiện nay con tàu Meiji-Maru trở thành một con tàu triển lãm nằm tại Trường Ðại học Hàng hải Tokyo.

Umi.jpg

Umi1.jpg

|10| Ngày của Núi|11-8| 山の日| Yama no hi| 2016|

Ngày này được thực hiện từ năm 2016, tăng thêm một ngày nghỉ quốc dân, thể hiện ý nguyện tạo thêm cơ hội gần gũi với thiên nhiên. Có một số lý giải cho rằng, theo chữ Kanji (Hán tự trong chữ viết của Nhật) , số 8 (được viết: 八), trông giống hình ngọn núi. Bên cạnh đó, số 11 (十一) trông giống như hai cây xanh. Và từ đó, ngày 11/8 được chọn làm “Ngày của núi”.

Để hưởng ứng ngày lễ lớn, người dân tham gia các hoạt động leo núi được tổ chức ở khắp nơi trên nước Nhật. Và một trong số những điểm tập trung nhiều người tham gia nhất là tỉnh Shizuoka và tỉnh Yamanashi, ở phía Tây Nam Tokyo. Bởi hàng năm, cứ đến tháng 7, tháng 8, ở đây lại tổ chức chương trình chinh phục đỉnh Phú Sĩ huyền thoại. Ngày hội leo núi nhằm tôn vinh địa thế nước Nhật và đánh dấu mối liên kết giữa địa lý với văn hóa của quốc gia. Đồng thời, họ muốn kêu gọi người dân dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn bằng cách đi bộ leo núi và tham gia các hoạt động ngoài trời để tận hưởng, chiêm ngưỡng những ngọn núi đẹp của Nhật Bản.

ngay-cua-nui--mot-ngay-le-moi-o-nhat-ban-2.jpg

Từ năm 2016 trở đi, Ngày của Núi khiến lễ Obon tại Nhật được kéo dài thêm. Bình thường lễ Obon sẽ bắt đầu từ ngày 13 đến ngày 15/8. Mặc dù đây không phải là ngày lễ quốc gia nhưng vào những ngày này người Nhật nghỉ tương đối dài. Lễ Obon là một trong 3 kỳ nghỉ lễ dài nhất của người Nhật bên cạnh ngày nghỉ tết và tuần lễ vàng. Lễ Obon của Nhật còn được gọi là lễ Vu Lan hoặc gọi theo người Việt Nam là lễ xá tội vong nhân của người Việt vào dịp rằm tháng 7 âm lịch.

Ngày lễ này thường diễn ra từ ngày 13 đến 15/7 âm lịch (thường rơi vào khoảng tháng 8 dương lịch). Tại Nhật người ta thường kết hợp nghỉ Obon cùng với nghỉ hè (Ở các công ty Nhật, mỗi nhân viên có khoảng 2 ngày nghỉ hè) để có được thời gian nghỉ liên tục. Ngày này đối với người Nhật là một ngày có ý nghĩa quan trọng, lễ phật cầu nguyện bình an, an lạc.

Vào lễ Obon người Nhật thường quây quần bên gia đình. Có thể nói ngày lễ này là ngày gia đình đối với người Nhật. Trong dịp lễ này, những người ở xa hầu hết đều về thăm cha mẹ, ông bà hay đi viếng một người thân.

Lễ hội Obon còn mang ý nghĩa rằng linh hồn của người đã khuất sẽ quay trợ lại trần gian

Trong dịp lễ Obon này người Nhật thường làm những chiếc bánh khảo từ bột gạo với nhiều màu sắc cùng giỏ hoa quả để cúng tổ tiên. Trong dịp này, tại một số nơi trên Nhật Bản sẽ tổ chức các lễ hội pháo hoa lớn. Người Nhật có khá nhiều hoạt động tín ngưỡng để kỷ niệm lễ Obon. Trong đó, đặc biệt nhất là lễ dâng lửa nhằm soi đường cho những linh hồn đã khuất quay về trời. Lễ hội này hàng năm đều thu hút rất nhiều người Nhật và du khách.

Obon1.jpg

Obon3.jpg

|11 |Ngày kính lão| Ngày thứ 2, tuần thứ 3 của tháng 9| 敬老の日| Keiro no hi| Từ năm 1966|

Đây là ngày mà người Nhật dành để tỏ lòng kính trọng đối với những người cao tuổi, chúc thọ. Là ngày để tạ ơn vì những đóng góp của người cao tuổi cho xã hội và cũng là để mừng họ sống lâu.

Vào ngày này, tại nhiều nơi người ta tổ chức các buổi tụ tập ca múa hát để vui cùng người có tuổi và trẻ em được dạy làm các quà lưu niệm thủ công cho ông bà và các cụ trong gia đình.

Như các bạn đã biết, Nhật Bản là nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, theo Tổ chức Y tế Thế giới với nam giới là 80 và 87 tuổi với nữ giới. Trước đây theo lệ cứ ai đến tuổi 100 sẽ được nhà nước tặng một chiếc đĩa bạc làm kỷ niệm. Tập tục này được bắt đầu từ năm 1963 khi Nhật lúc đó chỉ có 153 người thọ tới 100 tuổi nhận đĩa.

Nhưng nay Nhật ngày càng có nhiều người chạm ngưỡng 100 tuổi (tính tới tháng 9/2015 toàn nước Nhật có khoảng 60 ngàn người 100 tuổi và cao hơn), do đó chính phủ đang phải tính xem có hình thức quà tặng nào đỡ tốn kém hơn.

Đơn giản vì với mỗi đĩa có giá khoảng 64 USD, 29.357 người thọ 100 tuổi vào năm 2014 có nghĩa là chính phủ đã phải chi 2.1 triệu USD cho món quà mừng thọ này. Thống kê chính phủ Nhật ước tính 39.000 người sẽ chạm ngưỡng 100 tuổi vào năm 2018 và chính phủ đang cân nhắc giải pháp một dạng quà tặng nào khác hoặc thậm chí chỉ một lá thư chúc mừng để thay thế cho đĩa bạc.

Thế nhưng ít nhất là vào lúc này, nếu bạn đi ăn ở nhà hàng cùng người cao niên thì gần như chắc chắn họ sẽ tranh quyền thanh toán hóa đơn ăn vì đa số họ có thu nhập đều và khá cao, và văn hóa Nhật hiếm khi người có tuổi để người nhỏ tuổi hơn trả tiền ăn trong nhà hàng.

Keiro.jpg

Keiro1.jpg

|12| Ngày phân thu|23-9| 秋分の日| Shuubun no hi|

Là ngày tưởng nhớ người đã mất, trong ngày này thì sẽ đi thăm mộ người thân. Cũng giống như Ngày xuân phân đã nói ở trên.

Thu phân.jpg

|13| Ngày thể dục, thể thao| Thứ 2 tuần thứ 2 của tháng 10| 体育の日| Taiiku no hi| Từ năm 1966|

Ngày này được nước Nhật áp dụng từ năm 1966 để kỷ niệm sự kiện thể thao Olympic Tokyo 1964. Tại Nhật, đây là ngày lễ khuyến khích các phong trào, hoạt động thể dục, thể thao. Tại các trường học của Nhật sẽ diễn ra các sự kiện thể thao tập thể, khuyến khích tất cả học sinh tham gia và gia đình đến cổ vũ.

Thể dục1.jpg

|14| Ngày văn hóa|3-11| 文化の日| Bunka no hi|

Đây là ngày lễ khuyến khích sự hưng thịnh và sự phát triển của nền văn hóa truyền thống cùng tình yêu tự do và hòa bình. Những trường học và chính phủ Nhật Bản sẽ chọn những người có thành tích xuất sắc nhất để khen thường vào ngày này.

văn hóa.jpg

|15| Ngày lễ tạ ơn những người lao động| 23-11| 勤労感謝の日| Kinrou kansha no hi|

Đây là ngày lễ có ý nghĩa đề cao giá trị của sức lao động và cảm tạ một mùa vụ bội thu. Ngày lễ này thông thường sẽ được tổ chức khi vụ mùa kết thúc. Trong ngày này, người dân sẽ hiến tặng những sản vật vừa mới thu hoạch để tỏ lòng kính trọng và cảm tạ đối với thần thánh. Ngày lễ này tương đương với ngày lễ Tạ Ơn ở phương Tây.

Mùa màng.jpg

Cảm tạ.jpg

|16| Ngày sinh nhật Thiên Hoàng| 23-12| 天皇誕生日 |Tennou tanajoubi| Từ năm 1989|

Lễ sinh nhật của Nhật Hoàng Bình Thành hiện nay là ngày 23/12. Vào ngày này, diễn ra nhiều sự kiện ở trong vào ngoài nước Nhật.

Tại Cung điện của Thiên Hoàng, tiến hành tiệc chúc mừng, tiệc trà, các cuộc viếng thăm chúc mừng sinh nhật Nhật Hoàng. Ngoài ra, hoàng gia còn tổ chức nghi lễ chúc mừng tại đền Ise. Lực lượng Phòng thủ trên biển Nhật Bản tiến hành trang hoàng các con tàu hạm đội đang neo đậu tại các căn cứ quân sự và các bến cảng.

Đại sứ quán Nhật Bản tại nước ngoài tổ chức tiệc chúc mừng sinh nhật Nhật Hoàng với sự tham gia của nhiều vị khách quan trong, có nhiều cống hiến cho mối quan hệ giữa hai nước.

Nhật hoàng.jpg

III. Lời kết

Như các bạn đã biết, Nhật Bản vốn là một cường quốc có nền công nghiệp hàng đầu thế giới. Song song với sự phồn vinh của những thành phố hiện đại là sự chật chội chốn thành thị và người lao động làm việc quá số giờ quy định, đôi khi họ không sử dụng hết các ngày nghỉ phép. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm, ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước. Chính vì vậy, chính phủ Nhật đã quy định rất nhiều ngày lễ quốc gia dàn trải khắp các tháng trong năm để giúp người dân có thời gian vui chơi, lấy lại tinh thần, thắt chặt tình cảm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Đồng thời, giúp thúc đẩy sự phát triển của các ngành dịch vụ nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Ngoài ra, khi các bạn làm việc với khách hàng Nhật, việc biết đến các ngày nghỉ, ngày lễ của họ là rất quan trọng, giúp bạn có kế hoạch phù hợp cho công việc của mình. Cũng như sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý sau những giờ lao động vất vả 😃

Nguồn tham khảo:

https://ja.wikipedia.org/wiki/国民の祝日

https://vi.wikipedia.org/wiki/Các_ngày_nghỉ_lễ_ở_Nhật_Bản

http://www.vysajp.org/news/ngay-của-biển-20-7-umi-no-hi/

https://ja.wikipedia.org/wiki/天皇誕生日


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí