[Quora] Tại sao việc bắt lập trình viên mặc quần áo công sở là một ý tưởng tồi?
Bài viết được dịch từ: https://www.quora.com/Why-dont-my-developers-want-to-wear-handsome-suits-and-stately-business-dresses-to-work
[Sẽ có 2 câu trả lời trong bản dịch này]
>> Rich Sadowsky - Anh chàng yêu công nghệ, doanh nhân, người cha, người yêu chó, với hơn 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ
Tôi nghĩ đây là lý do chính khiến cho việc bắt buộc các lập trình viên mặc trang phục công sở là một ý tưởng tồi: Bạn sẽ gặp khó khăn trong việc giữ chân và thu hút nhân tài.
Chắc là sẽ có vài anh chàng thích thú hoặc chịu đựng việc bị ép phải mặc cái loại quần áo đó - nhưng tôi năm nay hơn 70 tuổi (thật ra là 50 - người dịch) mà tôi chưa gặp trường hợp nào như thế này cả. Có vẻ như nhiều lập trình viên đã ngang nhiên phớt lờ chính sách "trang phục công sở" của công ty để mặc quần short và áo phông kỳ quặc. Họ thường chẳng mảy may quan tâm đến trang phục mặc đi làm.
Đây là một câu chuyện hài hước và có thật liên quan đến vấn đề này trong sự nghiệp của tôi:
Đầu những năm 90, tôi được bay tới Thung lũng Silicon để tham gia buổi phỏng vấn với một công ty phần mềm nổi tiếng. Quần áo của tôi khá là đẹp vì tôi nghĩ rằng mình nên ăn diện thật phong cách khi đi phỏng vấn. Khi ngồi ở sảnh, tôi chỉ thấy những người đàn ông mặc vest và phụ nữ mặc váy + áo sơ mi. Tôi có linh cảm sâu sắc rằng mình đã mắc một sai lầm lớn, trong khi buổi phỏng vấn sẽ kéo dài tới 8 tiếng vào ngày hôm nay! Thế rồi, một người HR đã đến để đưa tôi đi. Cô ấy trẻ, hấp dẫn và ăn mặc như mọi người khác. Tôi chưa bao giờ thấy kiểu trang phục này ở một công ty phần mềm. Tôi đã từng làm việc trong ngành âm nhạc và điện ảnh, Borland International, Microsoft và rất nhiều công ty nhỏ & sáng tạo khác, nên tôi không xa lạ gì với các kiểu công ty phần mềm khác nhau.
Cô HR dẫn tôi ra khỏi tòa nhà chính để đi đến tòa nhà khác. Tôi nghĩ "Được rồi, bây giờ mình sẽ được thấy một nửa thế giới còn lại" - với hy vọng được nhìn thấy các lập trình viên trong môi trường sống tự nhiên của chúng ta. Chúng tôi tiến vào khu vực an ninh đầu tiên. Mọi người dường như vẫn ăn mặc như những nhân viên ngân hàng chứ không phải các lập trình viên thực thụ. Chúng tôi đến một cánh cửa khác và người tuyển dụng nói: "Anh sẽ ở đây trong 4 giờ đầu tiên và sau đó tôi sẽ đến mời anh đi sang địa điểm tiếp theo". Tôi nghĩ: "Ừ, chỉ khi nào tôi không bỏ chạy khỏi cái địa ngục này thôi, haha".
Cô ấy cầm thẻ an ninh của mình đến và mở khóa, rồi ra hiệu cho tôi bước vào khi cánh cửa an toàn mở ra. Ngay lập tức, tôi suýt bị tông sầm vào một người đàn ông trượt patin chạy vèo qua hành lang trải thảm, mặc quần đùi với áo phông lập dị, đội mũ Viking nhựa và cầm súng đồ chơi. Tôi quay sang người tuyển dụng và thốt lên: "Ơn chúa, cuối cùng tôi cũng đã tìm được tộc người của mình!". Tôi dành 6 năm tiếp theo để làm việc tại công ty đó cho tới khi doanh thu của họ vượt hàng tỷ đô/năm.
Ảnh minh họa từ người dịch: Viking Helmet & Nerf Gun
Quay trở lại với câu hỏi: Tại sao việc bắt lập trình viên mặc quần áo công sở là một ý tưởng tồi?. Đầu tiên là 2 từ "bắt buộc". "Bắt buộc" nghĩa là bạn đang yêu cầu họ đi ngược lại sở thích của mình. Đúng là đôi khi chúng ta phải tuân theo những tiêu chuẩn cộng đồng, nhưng có một vấn đề thế này: Số lượng công việc IT luôn NHIỀU HƠN số lượng lập trình viên "được việc". Là 1 người sử dụng lao động, bạn sẽ phải cạnh tranh để có thể tuyển được và giữ chân được những người giỏi nhất (note: đây là câu trả lời từ 5 năm trước, giờ lay off tùm lum rồi - người dịch). Developer sẽ không muốn làm ở những nơi không tôn trọng văn hóa lập trình. Một số người sẽ phàn nàn, một số thì không. Nhưng, rất nhiều người sẽ bắt đầu tìm kiếm những cơ hội khác.
Là tôi trong câu chuyện trên, tôi sẽ muốn ở cùng những kẻ giống như mình. Tôi muốn làm việc ở một nơi mà văn hóa phát triển phần mềm được tôn trọng và nuôi dưỡng. Tôi muốn làm việc với những người giỏi nhất và thông minh nhất. Tôi muốn được học và dạy. Tôi muốn tạo ra những điều tuyệt vời. Và tất nhiên, không có bất cứ thứ gì liên quan đến việc mặc trang phục công sở trong tâm trí tôi. Thậm chí, ngay cả một bộ quần tây áo sơ mi hết sức cơ bản cũng đều là một quy tắc nghiêm ngặt không cần thiết (trừ khi công ty của bạn lấy lý do là "tôn trọng ánh nhìn của người đối diện").
Nếu là đi gặp trực tiếp khách hàng, bắt họ mặc vest, thắt cà vạt và đi giày tây bóng loáng là điều hiển nhiên. Cơ mà đâu phải anh nào cũng được đi gặp khách hàng đâu?
À còn vài lý do mà tôi không thể giải thích được: lập trình viên thích mặc quần đùi ngay cả trong thời tiết lạnh giá, optional mũ Viking, áo phông kỳ dị và súng đồ chơi ./.
>> Kurt Guntheroth - Software Engineer với hơn 40 năm kinh nghiệm, tác giả của cuốn sách Optimized C++
Ồ, nếu bạn đang kêu gọi một cuộc biểu tình chống lại đạo luật phải mặc trang phục nơi công sở, đừng đọc câu trả lời này của tôi nhé!
Nhà tuyển dụng MUỐN những gì họ MUỐN. Nếu họ muốn nhân viên mặc vest và sẵn sàng trả tiền, thì tôi sẽ mặc vest. Hơn nữa, vợ tôi nghĩ tôi trông thật bảnh bao trong bộ vest. Tôi mặc quần áo là để cho cô ấy nhìn. Mặt khác, nếu nhà tuyển dụng đưa ra mức lương thấp và lại còn đang ở bờ phía Tây nước Mỹ - nơi đồng phục là quần jean - thì cuối cùng họ sẽ nhận ra rằng quy định về trang phục đang giết chết nỗ lực tuyển dụng của họ. Nhưng nếu tôi muốn làm việc ở đó, tôi sẽ mặc! Nếu không, tôi sẽ không apply vào rồi đi phàn nàn quanh năm suốt tháng. Nếu tôi không chịu, tôi sẽ chuyển đi. Bởi vì nhà tuyển dụng MUỐN những gì họ MUỐN.
Và tất nhiên rồi, nếu lựa chọn của bạn ít đến mức bạn không thể tìm một công việc khác, thì việc bận tâm về quy định trang phục là một ý tưởng thực sự ngu ngốc. Bởi vì như tôi đã nói, nhà tuyển dụng MUỐN những gì họ MUỐN và bạn chỉ được trả tiền khi tuân theo những luật lệ. Láo nháo thì đến cháo còn không có mà húp đâu.
Một số series mình đang thực hiện:
- Flutter architecture design series: https://medium.com/@nvbien
- Linh ta linh tinh: https://viblo.asia/u/nvbien
All rights reserved