Lỗi đã xảy ra và lỗi không xảy ra
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 3 năm
Nguồn : Yahoo news
Tác giả : Shimizu Eito
Người dịch : Phan Hoàng Minh
![okoranakattamisu2.jpg](https://images.viblo.asia/0382a3db-abc2-4552-bdc2-164e38e08ce0.jpg) Ảnh : Honda trong trận đấu với Iran ([Legends Stadium](https://www.legendsstadium.com/news/japan/12609/))
Honda có mặt ở đó, còn Usami thì không.
Lỗi đã xảy ra và lỗi không xảy ra, theo bạn thì lỗi nào nghiêm trọng hơn?
Vào ngày 13/10 vừa qua, Nhật Bản làm khách trên sân Iran trong một trận đấu giao hữu quốc tế. Phút thứ 59, khi tỉ số đang là 1-1, Nhật Bản có một cơ hội rõ rệt để phá thế quân bình (phút 2:24 đến 2:44 theo link dưới đây).
{@youtube: https://youtu.be/PHRcKcaMx0Y?t=144} Video : Cơ hội làm bàn của đội Nhật ([Youtube](https://youtu.be/PHRcKcaMx0Y?t=144))
Sau quả phạt góc của Iran, [Gotoku Sakai](https://en.wikipedia.org/wiki/G%C5%8Dtoku_Sakai) đánh đầu phá bóng thành công sau pha tranh chấp trên không. [Hiroshi Kiyotake](https://en.wikipedia.org/wiki/Hiroshi_Kiyotake) đón lấy quả bóng văng ra và pha phản công của Nhật Bản bắt đầu. Kiyotake đi bóng tạo ra khoảng trống và chuyền chéo góc cho [Takashi Usami](https://en.wikipedia.org/wiki/Takashi_Usami) đang băng lên bên cánh phải. Tiền đạo [Yoshinori Muto](https://en.wikipedia.org/wiki/Yoshinori_Muto) – người thứ 3 trong pha phản công này, dồn hết tốc lực chạy thẳng vào chính giữa.
Khi quả bóng chưa đến chân, Usami cử động như thể chuẩn bị tăng tốc nhưng dừng lại đột ngột. Một động tác giả đó tuy nhỏ nhưng khiến cho hậu vệ Iran không dám vào bóng, đồng thời tạo ra một khoảnh khắc đủ để Muto băng lên. Sau đó, Usami đã một chạm chuẩn xác đưa bóng đến ngay trước đà chạy của Muto.
Tuyệt vời!
Cú chuyền chéo góc của Kiyotake, động tác giả và pha chạm bóng của Usami, sự tăng tốc mạnh mẽ của Muto – pha phối hợp của bộ ba từng ăn ý tại Olympic London là không chê vào đâu được. Chúng ta có thể cảm nhận được tiềm năng vượt trội của các cầu thủ thế hệ mới của Nhật Bản.
Tuy nhiên, vấn đề là những gì xảy ra sau đó.
Muto dẫn bóng rất nhanh về phía bên phải cầu môn nhưng thủ môn Iran đã đọc được hướng di chuyển đó và lao ra bắt bài thành công. Bóng rơi ra và người tiếp theo lao tới khi đó là Keisuke Honda. Cú chạm bóng vừa đủ để loại bỏ thủ môn và đối mặt với khung thành của Honda là rất tốt. Tuy nhiên, khoảng thời gian khi cố đưa quả bóng sang chân trái – chân thuận của anh là đủ để cho hậu vệ Iran thực hiện một cú soạc bóng thành công.
![okoranakattamisu3.gif](https://images.viblo.asia/e2eab500-5945-4522-886c-c6a110c5f68b.gif) Ảnh : Keisuke Honda bỏ lỡ cơ hội ghi bàn ([papimaro](http://papimaro.velvet.jp/?cat=28))
Đồng nghĩa với việc cơ hội làm bàn ngon ăn của đội Nhật đã tan thành mây khói.
Chứng kiến toàn bộ pha bóng, chúng ta thích thú với màn phối hợp nhuần nhuyễn của bộ ba Olympic London, đồng thời chúng ta cảm thấy khó chịu với sự chần chừ, cứng nhắc của Honda đã làm hỏng cơ hội ghi bàn.
Tuy nhiên, nếu chúng ta giữ một cái đầu lạnh và nghĩ lại thì sẽ phải tự hỏi mình một câu rằng :
“Tại sao Honda lại có mặt ở đó?”.
Khi đối phương thực hiện quả phạt góc, Usami và Kiyotake là hai người không cần có mặt trong vòng cấm. Kiyotake thì có nhiệm vụ phòng ngự bên ngoài, Usami thì có nhiệm vụ sẵn sàng đón bóng phản công. Vì thế, tình huống phản công có sự tham gia của hai người này là đều rất dễ hiểu.
Có hai cầu thủ nữa cũng băng lên tham gia vào pha phản công là Muto và Shibasaki. Họ là những người phụ trách khép góc gần và đứng cạnh cột dọc, đồng nghĩa với việc không có nhiệm vụ theo kèm cầu thủ nào của Iran.
Thông thường, nếu như đang được phân công theo kèm một cầu thủ của đối phương thì ta không được phép chủ quan lập tức băng lên phản công, ngay cả khi đồng đội vừa thắng trong một pha tranh chấp trên không. Lí do bởi vì : nếu chẳng may pha phản công bị dập tắt giữa đường, đối phương đoạt được bóng và ngay lập tức triển khai đợt tấn công thứ hai thì chỉ cần một người bên phía họ thoải mái thôi cũng đủ để khiến cho đội nhà mất điểm.
Đó là lí do tại sao Muto và Shibasaki - những người không cần theo kèm ai, đã có thể băng lên và tham gia vào đợt phản công. Ngoài Kiyotake và Usami, giả sử 2 người này có mặt trong tình huống cuối cùng thì cũng không có gì là lạ.
Vì thế, cái mà chúng ta cần lưu ý là tại sao một người có nhiệm vụ theo kèm đối phương như Honda lại có mặt ở tình huống cuối cùng đó.
Honda được phân công kèm người nên thời điểm xuất phát của anh là chậm hơn so với Muto và Shibasaki, với lí do tôi đã trình bày ở trên. Nhưng ngay sau khi nhận thấy Kiyotake thực hiện một đường chuyền tốt, anh đã lập tức bứt tốc rất mạnh.
Honda tuy xuất phát sau các đồng đội nhưng tốc độ của anh rất cao và không hề chậm lại. Những pha tăng tốc như thế này, đối với cầu thủ chuyên nghiệp cũng có thể dẫn đến đứt hơi. Ngược lại, Usami sau khi nhận thấy Muto đã ở vào thế một đối một với khung thành, đã chạy chậm lại một cách rõ ràng. Honda đã chạy vượt qua Usami trong thời điểm đó và ở vào một vị trí gần với quả bóng hơn.
Và như chúng ta thấy, quả bóng cuối cùng thực sự đã ở trong chân Honda.
Thủ môn của Iran đã cản bóng rất tốt trong chân Muto, quả bóng không hề văng ra xa mà ở ngay rất gần anh ta – chỉ cần một động tác nhỏ nữa là có thể ôm gọn. Tuy nhiên, Honda – người đã băng lên với tốc độ rất cao liên tục từ đầu đến cuối sân, đã nhanh hơn anh ta chỉ trong một phần mười giây, đón quả bóng và mở ra cơ hội ăn bàn thứ hai cho đội Nhật. Tuy anh đã thất bại trong việc dứt điểm ngay sau đó nhưng chúng ta vẫn phải công nhận rằng : cơ hội ghi bàn vốn tưởng như đã chết đã một lần được hồi sinh bởi Honda.
Tôi xin trích lại một đoạn trong bài phỏng vấn dành cho cựu HLV trưởng đội tuyển Nhật Bản Takeshi Okada được kênh Fuji TV thực hiện vào trước trận đấu.
“Tôi đã từng nói rất nhiều lần với các cầu thủ rằng :
“Nữ thần chiến thắng hóa thân vào từng tình tiết nhỏ trên sân”.
Chỉ cần một lần tặc lưỡi “thôi mình chạy đến đây là được rồi”, chỉ cần một lần ích kỉ “quả này không chuyền cũng được” là đủ để thắng bại được định đoạt trong một trận đấu. Đôi khi, chỉ cần ngại tiến thêm một mét trên sân là đủ để khiến các bạn mất quyền dự World Cup rồi. Trong đội tuyển Nhật hiện giờ, chỉ có khoảng 1 đến 2 người là thực sự thấm nhuần tư tưởng đó thôi. Rất may là chúng ta vẫn có cầu thủ thực sự tôn trọng từng mét một ở trên sân, như Honda chẳng hạn.”
“Tôn trọng từng mét một ở trên sân, như Honda chẳng hạn.” – chứng kiến cơ hội làm bàn trên và nghĩ lại lời của HLV Okada, tôi cảm thấy nổi da gà.
Bạn có thể nói rằng chẳng qua lần này Muto dẫn bóng về phía bên phải nên Honda mới có cơ hội. Tuy nhiên, giả sử anh dẫn bóng về phía bên trái, sút không thành công và quả bóng văng ra về phía Usami thì sao? Chắc chắn rằng với việc giảm tốc một cách rõ rệt như vậy thì khả năng Usami tạo ra cơ hội thứ hai so với Honda là thấp hơn rất nhiều.
Honda đã gây ra lỗi còn Usami không hề và cũng không thể gây ra lỗi.
Cá nhân tôi nghĩ rằng vế sau của câu trên mới thật sự là vấn đề.
Điều này không phải chỉ xảy ra đối với Usami. Hầu hết những cơ hội ngon ăn của Đội tuyển Nhật Bản đều đến chân của Honda hoặc tiền đạo kì cựu Okazaki. Tại sao trọng trách ghi bàn cho Đội tuyển lại luôn đặt trên vai hai con người này, hết trận này đến trận khác? Rõ ràng chẳng phải là ngẫu nhiên.
“Một mét trên sân cũng chẳng hề xem nhẹ”.
Và chắc chắn rằng vẫn sẽ là họ, luôn xuất hiện ở vị trí có thể ghi bàn.
Suy ra, mọi người đừng ngại tìm ra lỗi khi làm việc nhé :D
All rights reserved