0

Kinh Nghiệm Phỏng Vấn Developer

Đây là một trong loạt bài về kinh nghiệm xin việc, bài trước nói về kinh nghiệm viết resume. Giống như bài trước, bài này cũng chỉ dựa vào những kinh nghiệm cá nhân của tôi trong thời gian làm việc tại Mỹ. Nếu bạn thấy có gì không phù hợp với hoàn cảnh ở Việt nam hoặc muốn bổ sung điều gì, xin hãy comment ở bên dưới.

Một resume bắt mắt giống như một miếng mồi ngon, thể nào cũng sẽ có vài công ty gọi đến và muốn phỏng vấn bạn (cá bắt đầu lượn lờ). Thông thường công ty sẽ phỏng vấn nhanh qua điện thoại trước để kiểm tra đúng người thực và có các kỹ năng như viết trong resume. Sau đó nếu mọi chuyện suôn sẻ họ sẽ mời bạn đến phỏng vấn (cá bắt đầu ngửi hít).

Khi đi phỏng vấn, bạn cũng cần giữ nguyên tinh thần như lúc viết resume: tôi toàn làm những việc quan trọng và giờ tôi đi tìm một công việc quan trọng hơn.

Buổi phỏng vấn thường bắt đầu bằng yêu cầu bạn tóm tắt những công việc bạn đã làm. Điều người phỏng vấn muốn nghe là một câu chuyện, hay nhất là một câu chuyện thành công (a success story). Vì thế bạn cần phải đóng vai là người kể chuyện (story teller). Bạn cần dẫn dắt người nghe làm sao để truyền tải một câu chuyện hấp dẫn và cài vào đó là những đóng góp của bạn. Câu chuyện này bạn đã phải chuẩn bị từ trước và duyệt cho trôi trảy rồi. Bạn cần tóm tắt mô tả lĩnh vực hoạt động của công ty, mô tả dự án hoặc công việc hàng ngày và những vấn đề kỹ thuật bạn phải giải quyết. Sau đó người phỏng vấn sẽ hỏi bạn những câu hỏi cụ thể, có thể dựa vào những vấn đề kỹ thuật bạn vừa kể hoặc có thể dựa vào danh sách câu hỏi họ đã có sẵn. Đã từng ngồi ở cả hai phía của bàn phỏng vấn, cá nhân tôi thích kiểu phỏng vấn như là một buổi nói chuyện đàm luận về kiến thức hơn là kiểu hỏi-trả lời. Kiểu nói chuyện làm cho không khí nhẹ nhàng cởi mở tạo cho người được phỏng vấn tâm lý thoải mái và diễn đạt dễ dàng, mặc dù mục đích vẫn là đánh giá khả năng của người đó. Kiểu này không có câu hỏi cố định, mà các câu hỏi được đặt ra theo hướng buổi phỏng vấn trôi đi. Tất nhiên khi đi phỏng vấn bạn không có quyền lựa chọn cách nào, nhưng bạn có thể lái câu chuyện để hướng nó về phía một cuộc đối thoại thay vì một cuộc hỏi-trả lời khô cứng. Bạn có thể chen vào khoảng trống bằng những câu bình luận cá nhân của bạn như bạn thích tính năng này, không thích tính năng kia, hoặc ước gì SQL Server có tính năng nọ. Bạn cũng có thể hỏi lại người phỏng vấn ở công ty đây có gặp vấn đề nọ kia hay không.

Các câu hỏi mở câu hỏi mở là câu không có câu trả lời đúng/sai, bạn trả lời sao cũng được nhưng qua đó người phỏng vấn có thể hiểu thêm về bạn. Bạn cần tận dụng những điểm này để mông má thêm bản thân. Trong nhiều trường hợp câu hỏi mở lại là yếu tố quyết định chọn ứng viên nào. Các câu hỏi mà tôi thường gặp là:

Hãy kể một vài thử thách mà bạn đã gặp trong công việc: Bạn cần chuẩn bị sẵn một vài tình huống khó khăn trong công việc và kể ra bạn đã vượt qua như thế nào, hoặc không vượt qua được. Ví dụ một câu query rất phức tạp có vấn đề về hiệu năng, muốn giải quyết đòi hỏi phải sửa lại thiết kế database và điều này là không khả thi, nên bạn phải tối ưu trong khuôn khổ mô hình dữ liệu đó. Hoặc dữ liệu lớn làm cho việc backup rất lâu, đến khi bạn phân đoạn bảng và chỉ backup đoạn đang nhận dữ liệu nên rất nhanh. Bạn cần tránh câu trả lời kiểu như “không có thử thách nào cả, việc gì cũng làm được”. Bạn tưởng sẽ gây ấn tượng rằng bạn giỏi và việc gì cũng làm được, nhưng ngược lại người phỏng vấn sẽ nghĩ rằng anh/chị chàng này rất nhạt nhòa chưa đụng phải việc gì khó cả. Điểm yếu của bạn là gì? Đây là một cái bẫy, tất nhiên bạn không muốn lộ ra điểm yếu nào có thể ảnh hưởng tiêu cực đến công việc. Bạn nên tìm ra cái nào đấy vô hại đồng thời vẫn thể hiện là bạn quan tâm đến công việc. Ví dụ bạn đôi khi thiếu kiên nhẫn khi khách hàng cứ can thiệp phải thiết kế database như thế nào, khách hàng cứ nghĩ database như một cái spreadsheet trong khi bạn muốn database cần phải được chuẩn hóa. Hoặc khi một câu truy vấn hoặc cập nhật dữ liệu chạy mất lâu, bạn rất bồn chồn sốt ruột không thể bỏ đi uống cafe như người khác. Làm việc trong database bạn thấy có điều gì hay (tại sao bạn chọn làm nghề này)? Bạn cũng phải chuẩn bị sẵn trong đầu một vài lý do bạn yêu thích làm nghề này, tuyệt đối tránh các lý do như hoàn cảnh xô đẩy (kiểu đang thất nghiệp thì công ty đứa bạn gọi cho làm). Ví dụ một lý do tôi thích nghề này vì giữa cách làm tốt và không tốt có một sự khác biệt lớn mặc dù cho cùng kết quả. Tôi đã gặp những câu truy vấn chạy từ vài ngày sau khi tối ưu giảm xuống còn vài tiếng, và tôi thấy điều này thật tuyệt vời mà các bạn làm ứng dụng không bao giờ gặp. Một vài câu hỏi khác:

Tính năng nào trong bản SQL Server sắp tới bạn mong đợi nhất? Tính năng nào còn thiếu trong SQL Server mà bạn mong muốn có? Mục tiêu nghề nghiệp của bạn trong vài năm tới là gì? Điều gì bạn thích ở công việc hiện tại? Điều gì bạn không thích ở công việc hiện tại? Thái độ trong khi phỏng vấn Bạn cần giữ thái độ tự tin, không e dè nhưng vẫn tôn trọng người phỏng vấn. Không ai biết tất cả mọi thứ và bạn cũng không phải ngoại lệ. Nếu gặp câu hỏi bạn chưa biết, bạn mạnh dạn nói là bạn không biết và nếu có thể thì nói thêm là tôi đoán thế nọ thế kia theo logic của tôi. Gần đây tôi gặp một anh chàng vốn đã làm 10 năm ở một công ty nọ, anh tỏ rõ ra là rất lo lắng và thanh minh vì lâu lắm không đi phỏng vấn xin việc. Điều này thật là không cần thiết, thái độ là việc bạn có thể chọn được. Trong lúc phỏng vấn có thể có nhưng giây phút im lặng vì bạn đã trả lời xong mà người phỏng vấn chưa biết hỏi tiếp câu gì, bạn nên chủ động lấp khoảng trống đó bằng những câu thêm thắt bổ sung cho câu trả lời vừa xong. Ví dụ bạn vừa trả lời xong câu hỏi về computed column, và tất cả mọi người đang im lặng, bạn có thể nói thêm rằng một cách khác để làm được việc trên là tạo view từ bảng và trong view định nghĩa thêm một cột mới. Không nên ngồi im đợi xem câu hỏi tiếp theo là gì. Một tình huống có thể ít gặp hơn là khi người phỏng vấn có một quan điểm khác với bạn về một vấn đề nào đó, ví dụ nên để sql code ở thủ tục hay ở ứng dụng, bạn chỉ cần dừng lại ở mức nêu lên quan điểm của mình chứ không cần tranh luận với người phỏng vấn về chuyện đúng sai của người đó. Đi phỏng vấn cũng như đi cưa gái/giai. Nếu bạn tỏ ra mong muốn một cách tuyệt vọng để được nhận vào công ty, tự nhiên họ sẽ có một thái độ dè chừng và tự hỏi lý do gì mà anh/chị chàng này lại lăn xả vào như vậy. Ngược lại, nếu bạn giữ thái độ điềm tĩnh tự tin, kiểu như “công ty đang phỏng vấn tôi để xem tôi có đủ khả năng không, nhưng ngược lại tôi cũng đang đánh giá xem công ty có xứng đáng với năng lực của tôi không”, thì họ sẽ coi bạn ngang hàng với họ và đánh giá bạn công bằng hơn.

Nguồn bài viết: https://tech.homestudy.edu.vn/thread/kinh-nghiem-phong-van/


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí