+4

FRESHER - MÌNH ĐÃ CHUẨN BỊ GÌ ĐỂ PHỎNG VẤN ĐÂU PASS ĐÓ?

  • Chắc toàn phỏng vấn công ty dễ!

Huh. Chắc chắn không khó như FAANG rồi.

Mình cũng chưa đánh giá được như nào là khó, như thế nào là dễ.

Nhưng quan trọng là, mình đã pass được hết các công ty mà mình tham gia phỏng vấn. Mình đươc lựa chọn, và mình đã vô được công ty mà mình yêu thích.

Mình cứ nghĩ do mình may mắn đó!

Nhưng sau khi thấy một vài bạn bị fail ở những công ty yêu thích, mình mới công nhận, những may mắn mà mình có được đều bắt nguồn từ sự chuẩn bị từ rất lâu.

May mắn = cơ hội + chuẩn bị mà, đúng hông?

Mình có quyền được vui nhiều chút vì thành tựu này chứ.

Ah, Fresher ở đây là những bạn chưa có kinh nghiệm như mình, còn các bạn mới ra trường nhưng đi làm được nhiều năm rồi thì những gì mình chia sẻ có lẽ sẽ khác với quan điểm của bạn, nếu vậy thì share cho mình biết với nha.

Lộ trình ôn luyện phỏng vấn Software Engineer theo thứ tự: Học, thực hành, đọc sách, viết cv, ôn luyện phỏng vấn, tự tin và trung thực

1. 📖 HỌC 📖

Không có một tip nào trên đời giúp pass được phỏng vấn khi mà bản thân không có kiến thức, mình tin chắc là vậy.

Mà cứ cho là pass đi, thì liệu là sẽ tồn tại được bao lâu?

1.1 👨‍🎓 Học kiến thức trên trường 👨‍🎓

Khi chưa xác định được lộ trình, thì học theo chương trình đào tạo ở trường là ổn nhất.

Đỡ tốn thời gian lăn tăn!

Mình đã tập trung học các môn trên trường từ năm nhất đến giờ, nghe giảng, research, học khóa học online. Để:

a. 🌱 Trang bị kiến thức nền tảng 🌱

Rất nhiều người nói học đại học không áp dụng đươc gì khi đi làm.

Mình không biết, vì mình chưa đi làm.

Nhưng với kinh nghiệm tự học thì mình thấy nền tảng của các framework, kiến trúc phần mềm đều bắt nguồn từ những kiến thức ở trường cả.

Nên hiểu cái gốc để có thể trả lời được câu hỏi tại sao và thế nào của mỗi nguyên lý thì phải nói là đãaa.

b. 💯 Có một bảng điểm đẹp 💯

Mỗi khi học môn liên quan đến IT, mình luôn đặt mục tiêu là 10 điểm.

Bạn mình bĩu môi: “Mày lúc nào cũng học vì điểm, hoc là phải vì kiến thức.

Mỗi lần nghe nó nói xong giận ghê.

Rõ ràng việc bất chấp mọi cách để có được điểm cao khác hoàn toàn với việc hiểu thực sự môn học để được điểm cao màaa!

Tất nhiên là mình hông được 10 rồi, đâu dễ.

Nhưng mỗi khi đặt mục tiêu 10 điểm, mình không chỉ có thêm động lực để hiểu sâu kiến thức của môn học đó, mà mình còn buộc bản thân phải có một powerpoint ấn tượng, một bài thuyết trình thuyết phục dựa trên một ý tưởng đặc biệt.

Mọi thứ, được chuẩn bị một cách chỉn chu nhất.

Bao nhiêu là thứ kết hợp lại, giúp cho những kỹ năng mềm của mình cũng được cải thiện đáng kể đó.

Vả lại, mình chỉ là fresher, những gì mình có thể chứng minh cho người khác thấy sự nghiêm túc trong học tập của mình, là một bảng điểm đẹp.

Yeah, tất nhiên có nhiều bạn chọn cách đi làm từ rất sớm để học đươc kiến thức thực tế. Mình thì không phù hợp với hướng này, nên mình chọn hướng bên trên.

Hướng nào cũng có pros and cons hết, cái quan trọng là: chịu học.

### c. 💎 Có học bổng 💎

Khi được điểm cao, sẽ dễ hơn để xin được học bổng ở bậc đại học. Đủ các loại học bổng cho sinh viên, và đến 95% học bổng mình biết đều yêu cầu GPA từ khá trở lên.

Và mình tin là bạn sẽ có được một điểm cộng cực lớn trong mắt nhà tuyển dụng nếu trong phần Achievement của CV có dòng: “Scholarships for...”

### d. ✅ Tự tin với các bài Technical test ✅

Một vài công ty sẽ có bài technical test. Chẳng phải hỏi cao siêu gì, mà phần lớn sẽ hỏi những câu về OS, Network, những kiến thức học đâu từ lâu lắc.

Có chuẩn bị, thì mấy câu multiple choice chỉ giới hạn vài chục giây cũng trở nên bớt đáng sợ hơn nhiều.

1.2 💻 Học khóa học online 💻

Mình không hợp với việc đọc sách, nên mình chọn học online để bổ trợ thêm kiến thức.

Nhiều phần nâng cao ở lớp không được dạy, nhưng có học thêm thì sẽ biết.

Mình học trên Udemy là chủ yếu, mới đây còn biết mấy khóa free trên Edx.

Đủ thứ nguồn!

Vừa học, mình vừa note ra drive.

Thật thì, mình hiếm khi mở ra đọc lại, nhưng nhờ những lần ghi chép, mình biết mình chưa thật sự hiểu chỗ nào, search liền đọc liền, nhớ lâu hơn.

1.3 🖍 Học tiếng anh 🖍

Khỏi cần phải bàn về vai trò của tiếng anh trong ngành IT.

Có rất nhiều phương pháp, mỗi người một cách.

Mình thì không giỏi code, nên cũng không dám cắt giảm quá nhiều thời gian học code qua cho tiếng anh.

Chỉ dừng ở mức đủ: đủ để hiểu 1 bài đọc chuyên ngành, đủ để giao tiếp và trao đổi công viêc.

Tất nhiên việc nói 1 câu tiếng anh chuẩn từ vựng ngữ pháp nghe cũng sang hơn hẳn, nhưng ở thời điểm hiện tại, mình chỉ có thể đạt được đến đó từ một xuất phát điểm thấp ẹc.


2. 🥇 THỰC HÀNH 🥇

Các cuôc thi ý tưởng công nghệ, hackathon,.. mỗi năm đều diễn ra rất nhiều. Hồi học đại học mình có tham gia vài ba cái.

Có cả những cuộc thi mình không nghĩ mình sẽ có giải.

Nhưng vẫn có đó.

Sự nghiêm túc và một team thật ổn là 2 yếu tố quan trọng để chinh chiến trong những cuộc thi.

Không thì việc chú tâm làm tốt các project ở trường cũng sẽ được đánh giá rất cao, và có cái để nói trong lúc phỏng vấn.

Dù có giải này giải kia hay không, thì việc bỏ thời gian ra để tìm hiểu, làm cùng nhau sẽ giúp phát triển kỹ năng teamwork và leadership.

Đây là 2 loại câu hỏi mình được hỏi ở tất cả các công ty.


3. 🌵 ĐỌC SÁCH 🌵

Mình rất ít khi đọc sách, nhưng tối ngủ mình hay mở audiobook để nghe.

Không phải sách IT.

Vì không muốn bỏ thời gian để research thể loại, nên mình hay pick 1 cuốn nổi tiếng xíu để nghe.

Có cuốn hợp, cuốn không. Cuốn nào chán quá thì chuyển. hợp thì nghe hết.

Nghe sách giúp đầu óc của mình thật sự được mở ra, có được những câu trả lời ấn tượng trong vòng phỏng vấn về phần culture của các công ty.

2 cuốn sách năm trước mình thích là: 3 người thầy vĩ đại và Hộ chiếu xanh vòng quanh thế giới.


4. 📝 VIẾT CV 📝

Chỉ cần dành một buổi/1 ngày để đọc các bài về viết CV là đã biết cách thực hiện.

CV thật sự rất quan trọng, là biểu hiện của tất cả những gì mà mình đã học, đã làm, cho thấy mình có tiềm năng hay không dựa trên những hoạt động và thành tựu trong quá khứ.

Thật!

Thử nghĩ đi, môt bài test/buổi phỏng vấn ngắn làm sao phản ánh được hết con người của bạn. Nhưng nếu kèm thêm 1 CV với chi chít là thành tựu và kinh nghiệm, sẽ cho thấy được toàn bộ nổ lực trong suốt những năm dài vừa qua.

Nên nếu lỡ đâu, phỏng vấn hơi không tốt một xíu, nhưng một CV xịn sẽ giúp các nhà tuyển dụng nhìn nhận và đánh giá lại.

Mình đã từng apply vị trí intern ở Google, và pass vòng hồ sơ (vòng tiếp theo trùng với ngày mình nhận được tin đã pass công ty hiện tại, nên mình đã từ chối process tiếp).

Mình cứ nghe người ta nói, Google thì phải là hoc trường top thế giới, các HR chỉ có vài giây để lướt qua hồ sơ/máy lọc keywords, dù là intern đi nữa cũng không dễ dàng gì.

Đọc xong, mình không nghĩ mình có cửa vượt qua vòng nào đâu.

Nhưng mà, mình vẫn pass vòng hồ sơ.

Đó cũng là một động lực lớn để sau này mình ứng tuyển!


5. ‍🏹 ÔN LUYỆN KIẾN THỨC BỔ TRỢ ‍🏹

  1. Luyện Leetcode và Hackerrank

  2. Coi các video mock test interview.

Mình ít làm về cái này, nhưng nếu bạn chăm giải các bài Hackerrank/Leetcode, và thật sự hiểu các problems ở đó thì đúng là một lợi thế vô cùng lớn.

Có 50% số công ty mình apply có bài test giải thuật.

“Với fresher, tụi anh chỉ quan tâm đến khả năng thuật toán và khả năng thích nghi của các em, chứ cũng không để ý nhiều đến kiến thức chuyên môn” - đây là câu mà anh leader trả lời khi mình hỏi anh mong đợi gì ở một bạn Fresher trong cuộc phỏng vấn gần đây nhất.


6. 🙆‍♀️ TỰ TIN, TRUNG THỰC KHI PHỎNG VẤN 🙆‍♀️

Sẽ chán xỉu nếu trả lời những câu hỏi ngập ngừng với một khuôn mặt đầy căng thẳng sợ sệt.

Tự tin, dứt khoát lên!

Nhưng, để có được sự tự tin, bắt buộc phải có một lượng kiến thức nhất định.

Tiếp đến là trung thực.

Trung thực thừa nhận những thiếu sót của bản thân.

Tự tin nói về những điều mình chưa tốt sẽ hay hơn nhiều việc ngập ngừng che đi nó, ai chẳng có điểm không tốt, nhà tuyển dụng thừa biết.

Không tốt chỗ nào, cứ mạnh dạn thừa nhận.

Nhưng thật sự, tự chính bản thân mình, có tự tin là mình sẽ cải thiện được điểm chưa tốt đó không?

Nếu có, mình sẽ dõng dạc nói với nhà tuyển dụng là mình có thể cải thiện và cải thiện nó thế nào.

Nếu không, mình chỉ phát biểu những câu ngập ngừng, sách vở mà thôi.

Trung thực với chính bản thân, và với chính nhà tuyển dụng, ngay từ đầu.


Đó là những gì mình có, mình chuẩn bị và mình thể hiện ra ở các vòng phỏng vấn.

Phùuu!!!

Hết rồi!


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí