Cùng học Kotlin Coroutine, phần 1: Giới thiệu Kotlin Coroutine và kỹ thuật lập trình bất đồng bộ
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 4 năm
I. Đặt vấn đề
Xưa nay, các dev luôn phải đối mặt với một vấn đề cần giải quyết là làm thế nào để ứng dụng không bị block UI, tắc nghẽn khiến cho user ko thể thao tác tiếp tục được. Thực tế việc này rất dễ xảy ra khi chạy 1 tác vụ nặng trên main thread.
Để giải quyết bài toán trên, các dev buộc phải biết kỹ thuật lập trình bất đồng bộ. Có nhiều cách tiếp cận để giải quyết vấn đề này, bao gồm:
- Threading.
- Thread + Callbacks/Asynctask/Handler.
- Reactive Extensions (Rx).
- Coroutines.
Trước khi giải thích Coroutines là gì, hãy xem xét ngắn gọn một số giải pháp khác.
II. Một số giải pháp xử lý bất đồng bộ
1. Threading
Chúng ta sẽ thực thi tác vụ nặng trong 1 thread riêng khác main thread. Đoạn code dưới đây mô tả cách tạo và chạy 1 thread trong Kotlin.
thread(true) {
executeLongTask()
}
Tuy nhiên, sử dụng Thread sẽ có 1 loạt các nhược điểm sau:
- Cái giá phải trả cho 1 thread là khá đắt. Thực tế, lạm dụng thread sẽ làm ảnh hưởng performance. Tham khảo thêm lý do tại đây: Why is creating a Thread said to be expensive?
- Số thread là hữu hạn, không phải vô hạn. Đây cũng là lý do khiến cho giá thread đắt đỏ . Thử tưởng tượng, chúng ta đã sử dụng hết số thread, đến đoạn code nào đó chúng ta cần tạo thêm 1 thread để thực thi thì lấy đâu ra. Khi đó, app sẽ rơi vào trạng thái tắc nghẽn cổ chai (bottleneck).
- Sử dụng Thread không hề dễ. Debug thằng này thì khó thôi rồi. Deadlock, race conditions là những vấn đề phổ biến chúng ta sẽ gặp phải nếu không hiểu rõ về Thread.
- Thử tưởng tượng với đoạn code trên, nếu bạn đang cần callback từ thread đó đến main thread để update UI thì sẽ xử lý thế nào đây ???. Với nhược điểm lớn này, chúng ta sẽ khắc phục bằng cách sử dụng callback kết hợp với thread.
2. Thread + Callbacks / Asynctask / Handler
Sử dụng callback trong Kotlin đơn giản như đoạn code dưới đây:
override fun onCreate(savedInstanceState: Bundle?) {
super.onCreate(savedInstanceState)
setContentView(R.layout.activity_main)
thread(true) {
executeLongTask { taskDone ->
textViewTaskName.text = taskDone
}
}
}
private fun executeLongTask(taskDone: (name: String) -> Unit) {
taskDone.invoke("Viblo Report")
}
Nhìn đoạn code trên quá gọn nhỉ. Thầm nghĩ đây chính là giải pháp tuyệt vời nhất để giải quyết bài toán bất đồng bộ -> update UI rồi . Thế nhưng đoạn code trên sẽ không còn gọn gàng nếu chúng ta buộc phải sử dụng các callback lồng nhau hay nối tiếp nhau. Ví dụ đoạn code yêu cầu đăng ký xong tài khoản -> đăng nhập -> get user detail:
fun register(newUser: User) {
val username = newUser.getUsername()
val password = newUser.getPassword()
api.register(newUser, object : Callback<Boolean>() {
fun onResponse(success: Boolean) {
if (success) {
api.login(AuthData(username, password), object : Callback<Token>() {
fun onResponse(token: Token) {
api.getUser(token, object : Callback<UserDetail>() {
fun onResponse(userDetail: UserDetail) {
// cuối cùng cũng đến Tây Thiên, get được userDetail rồi =))
}
})
}
})
}
}
})
}
Asynctask hay Handler khi xử lý lồng nhau cũng sẽ mất thẩm mỹ như vậy. Đó là nhược điểm chung của cả 3 thằng Thread + Callbacks / Asynctask / Handler.
Đợi đã, có vẻ như mình đã làm lố vấn đề bằng đoạn code trên. Thực tế, chúng ta có thể tuân thủ clean code bằng cách tạo function riêng cho từng chức năng cơ mà. Trông nó sẽ gọn hơn như sau:
fun register(newUser: User) {
val username = newUser.getUsername()
val password = newUser.getPassword()
api.register(newUser, { success ->
if (success) {
login(username, password)
}
})
}
private fun login(username: String, password: String) {
api.login(AuthData(username, password), { token -> getUserDetail(token) })
}
private fun getUserDetail(token: Token) {
api.getUser(token, { userDetail ->
// get được userDetail
})
}
Nhìn cũng không tệ, thế nhưng chúng ta có một thứ có thể giải quyết nó gọn đẹp hơn. Đó là Reactive Extensions mà chúng ta hay gọi là Rx đấy .
3. Rx
Bài toán trên qua bàn tay của Rx sẽ gọn gàng, đẹp đẽ như sau:
fun register(newUser: User) {
val username = newUser.getUsername()
val password = newUser.getPassword()
api.register(newUser)
.filter({ success -> success })
.flatMap({ success -> api.login(AuthData(username, password)) })
.flatMap({ token -> api.getUser(token) })
.subscribe({ userDetails ->
// get được userDetail
})
}
Rx thì hoàn hảo quá rồi. Có nhược điểm gì đâu nhỉ. Thực tế có rất nhiều bài viết so sánh giữa Rx với Kotlin Coroutine. Có người về phe Rx, cũng có người về phe Coroutine. Mọi người có thể search anh Gồ để tìm hiểu thêm sự so sánh này. Nhưng theo quan điểm của mình, Rx là một thư viện lớn và đồ sộ, rất khó học đối với người mới. Thực tế, những bạn mới khi gặp phải những dự án sử dụng Rx thường gặp khó khăn trong vấn đề viết code và đọc hiểu nó trong thời gian đầu. Thôi thì những ai thấy Rx khó xơi như mình thì cùng học Kotlin Coroutine với mình vậy =)).
III. Kotlin Coroutine
Ở phần 1 này, mình sẽ không đi sâu vào các hàm, từ khóa của thư viện Kotlin Coroutine mà chỉ phân tích những ưu điểm của nó. Lý do nên xử dụng nó thay vì những thằng trên . Chúng ta sẽ tìm hiểu về các hàm cũng như từ khóa trong Kotlin Coroutine ở Phần 2. Mình xin ví dụ 1 đoạn code sử dụng Kotlin Coroutine.
fun getTokenAndLogin() {
// launch a coroutine
GlobalScope.launch {
val token = getToken() // hàm getToken() này được chạy bất đồng bộ
login(token) // thế nhưng cách viết code lại giống như đang viết code đồng bộ (code từ trên xuống)
}
}
suspend fun getToken(): String {
// makes a request and suspends the coroutine
return suspendCoroutine {
// handle and return token
it.resume("AdfGhhafHfjjryJjrtthhhFbgyhJjrhhBfrhghrjjyGHj")
}
}
private fun login(token: String) {
// TODO login with token
}
Khoan hãy quan tâm đến đoạn code trên. Mình sẽ giải thích rõ hơn về code ở phần 2 nhé . Dựa vào code này, mình sẽ đưa ra một số ưu điểm của Coroutine khắc phục được các nhược điểm của các thằng trên:
- Coroutines về cơ bản có thể hiểu nó như một "light-weight" thread, nhưng nó không phải là 1 thread, chúng chỉ hoạt động tương tự 1 thread. Hàng nghìn coroutines có thể được bắt đầu cùng một lúc, còn nếu hàng nghìn thread chạy thì performance sẽ trả 1 cái giá rất đắt. Tóm lại, giá phải trả cho 1 thread là rất đắt, còn coroutine thì gần như là hàng free. Quá tuyệt vời cho performance
- Như đã phân tích ở mục II, việc viết code xử lý bất đồng bộ rất là lộn xộn và khó debug. Còn với Kotlin Coroutine, code được viết như thể chúng ta đang viết code đồng bộ, từ trên xuống, không cần bất kỳ cú pháp đặc biệt nào, ngoài việc sử dụng một hàm gọi là launch. (Hàm này giúp khởi động coroutine và mình sẽ phân tích rõ hơn ở phần 2). Function xử lý task bất đồng bộ được viết giống y như khi ta viết function xử lý task đồng bộ. Sự khác biệt duy nhất là từ khóa suspend được thêm vào trước từ khóa fun. Và chúng ta có thể return bất kỳ kiểu dữ liệu nào chúng ta muốn. Điều mà Thread không làm được mà phải cần tới
AsyncTask
củ chuối. - Kotlin Coroutine là nền tảng độc lập. Cho dù bạn đang viết code JavaScript hay bất kỳ nền tảng nào khác, cách viết code implement Kotlin Coroutine sẽ đều giống nhau. Trình biên dịch sẽ đảm nhiệm việc điều chỉnh nó cho từng nền tảng.
Kết luận
Kết thúc phần 1, hy vọng bạn đã thấy được sự cần thiết của Kotlin Coroutine trong lập trình xử lý bất đồng bộ. Ở những phần tiếp theo, mình sẽ phân tích sâu vào thư viện Kotlin Coroutine và sự kết hợp Coroutine cùng Room và Retrofit. Cảm ơn các bạn vì đã đọc.
Tham khảo: https://kotlinlang.org/docs/tutorials/coroutines/async-programming.html
https://kotlinlang.org/docs/tutorials/coroutines/coroutines-basic-jvm.html
Đọc tiếp phần 2: Cùng học Kotlin Coroutine, phần 2: Build first coroutine with Kotlin
All rights reserved