Từ manual sang automation test
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 5 năm
Ở phần 1 của chủ đề này mình đã đi qua bốn yếu tố chính quan trọng dành cho những ai muốn tìm hiểu về automation hay là muốn chuyển từ manual test sang automation test. Nếu đã tự tin với những gì đã nắm được ở phần một, bạn có thể cân nhắc tìm hiểu thêm những yếu tố trong phần hai này để phát triển kĩ năng trở thành một pro hay một expert automation tester nhé.
5. Bắt đầu viết test script cho một project nho nhỏ
Sau khi đã nắm được những kiến thức cơ bản về lập trình và các kĩ năng cần thiết về automation, bước tiếp theo của bạn bây giờ là áp dụng những kiến thức ấy vào một ứng dụng web bất kỳ nào đó. Có thể là sử dụng luôn cái project mà bạn đang manual hàng ngày này.
Bây giờ bạn đã lựa chọn được trang web để thực hành rồi, thì bắt đầu xây dựng project automation cho nó thôi. Bạn cũng có thể bắt đầu xây dựng từ những những test script đơn giản để làm quen tinh thần trước đã.
Vì điều quan trọng ở bước này đó là bạn cần áp dụng được những điều đã học được cho thành thạo rồi từ đó mới nâng cao độ khó, và kết hợp các kĩ năng trong xử lý các bài toàn thực tế và những vấn đề phức tạp hơn. Và trong lúc đó bạn sẽ gặp phải những vấn đề mới, đó sẽ là những bài học kinh nghiệm bạn sẽ cần đến sau này.
Một điều quan trọng nữa ở đây, đừng quên áp dụng unit test nhé, ví dụ như unittest (Python), Junit (Java), TestNg … và cả sử dụng Page Object Model framework nữa nha.
6. Chia sẻ những gì đã làm được
Bước tiếp theo của cuộc hành trình để trở thành một automation tester đó là hãy chia sẻ những gì bạn đã làm được cho “cả thế giới” này biết! Có thể chỉ là những bài học nho nhỏ, những script đơn giản, hay là project xinh xinh bạn vừa mới bắt đầu ở bước trên đó thôi. Đừng ngại. Vì biết đâu có ai đó ngang qua có thể đóng góp hay giúp đỡ bạn, hoặc chính bạn lại là nguồn cảm hứng dành cho người khác. Một số gợi ý nho nhỏ dưới đây giúp bạn có những cách khác nhau để chia sẻ với thế giới bài học của bạn này:
Github: nếu chưa có tài khoản thì bạn hãy đăng ký một tài khoản rồi đẩy code project automation của bạn lên đó. Được biết là nhiều nhà tuyển dụng họ cũng rất để ý đến khoản này của ứng viên. Ngoài ra bạn có thể bổ sung thông tin này để họ có thể tham khảo và đánh giá được phần nào năng lực, kĩ năng của bạn.
Viết blog: đây cũng có thể coi là một cách để chia sẻ. Bạn có thể viết ra những điều mình học được thông qua những bài blog. Khi bạn viết ra bạn lại thêm một lần ôn lại nữa, giúp bạn nhớ lâu hơn, giúp hệ thống và lưu trữ các kiến thức ấy.
Dạy lại người khác: nghe hơi sư phạm tí, nhưng đại khái là bạn có thể chia sẻ kiến thức này với một người nào đó. Quá trình mà truyền đạt lại nội dung nào đó cho người khác cũng là cách để bạn ôn tập và củng cố lại kiến thức rất tốt.
Tham gia các hội nhóm, cộng đồng: hoạt động review code đóng vai trò quan trọng trong tất cả các project, không chỉ các dự án phần mềm thông thường mà còn cả đối với các dự án automation. Việc review giữa các thành viên giúp cho code dễ theo dõi, bảo trì và nâng cấp nếu cần thiết, sẽ rất hiệu quả nếu nhận được những phản hồi từ các thành viên nhiều kinh nghiệm.
Bạn có thể tham gia các nhóm online, hay các buổi meetup để tham khảo cũng như nhận được những ý kiến đóng góp của mọi người. Ngoài ra, bạn cũng có thể đóng góp ý kiến của mình trong các nhóm ấy, cùng xây dựng một cộng đồng phát triển hơn nữa.
Liên kết tất cả lại với nhau: khi đã public project trên Github, đừng quên lấy link của project, rồi cả blog, những kinh nghiệm bạn đã học hỏi được trong quá trình ấy đưa vào CV, tất cả sẽ là cơ sở để các nhà tuyển dụng đánh giá và lựa chọn bạn trong muôn vàn những ứng cử viên nặng ký khác.
7. Không ngừng học hỏi
Một điều vô cùng quan trọng dành cho tất cả mọi người đó là đừng bao giờ ngừng học hỏi. Học lý thuyết thì phải thực hành, chỉ có thực hành mới giúp bạn phát triển và nắm vững chắc kiến thức được.
Khi kiến thức cơ bản đã nắm được, bạn có thể tìm hiểu thêm về việc sử dụng Continuous Integration với Jenkins này, rồi tìm hiểu thêm về DepOps hay cloud based testing nữa này.
Bạn cũng có thể đọc thêm sách báo, xem và thực hành thông qua các bài hướng dẫn, video, hay các khoá học trực tuyến, tham gia các hội thảo, meetup để gặp gỡ, chia sẻ và giao lưu kiến thức trong ngành.
Tóm lại là, khi bạn làm bất cứ điều gì, hãy kiên trì, nỗ lực cố gắng hết mình và không ngừng học hỏi.
All rights reserved