0

Tư duy marketing và thiết kế của MUJI qua ngòi bút Ikko Tanaka (phần 2)

1.jpg

Từ trước tới nay, MUJI không đặc biệt chú tâm vào sự thịnh hành mà chỉ tập trung cung cấp những sản phẩm gia dụng "rẻ một cách hợp lý", kế tiếp là giai đoạn đề xướng "sản phẩm xanh, sản phẩm từ tự nhiên". Nhưng hiện nay, nhu cầu và sự trông đợi về sản phẩm của người tiêu dùng ngày càng cao, đòi hỏi chúng tôi phải hướng tới giai đoạn thể hiện sự thời thượng của sản phẩm. Chất lượng của sản phẩm ngày một nâng cao là yêu cầu tất yếu, nhưng nếu như một mực chạy theo tiêu chuẩn cao cấp thì chắc chắn sẽ làm mất đi lý tưởng ban đầu của thương hiệu. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tăng thêm chuỗi các cửa hàng, mở rộng tầm ảnh hưởng sẽ là điều nên làm tiếp theo.

Mặc dù phải cạnh tranh với rất nhiều những thương hiệu nổi tiếng nhập từ nước ngoài, nhưng sản phẩm của MUJI cũng có chỗ đứng riêng khi luôn chú trọng biến hóa, thay đổi về chất liệu. Tuy nhiên, xã hội hiện đại ngày càng chú trọng sự hợp lý hóa và chủ nghĩa công năng, vì thế trong quá trình lựa chọn chất liệu, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Ví dụ: khi công nghệ sản xuất hàng loạt vẫn chưa thực sự phát triển, muốn in ấn trực tiếp lên nắp chai đóng hộp là điều không thể, thay vào đó phải in lên giấy sau đó dán vào chai. Vậy nên dù có giảm thiểu lượng màu cần in thì giá thành sản phẩm cũng không tiết kiệm là bao.

Nói đến việc quảng bá cho thương hiệu, đầu tiên phải có được sản phẩm tốt, tiếp đó là đưa ra những thông tin quảng cáo hấp dẫn. Nếu như trước đây, chỉ cần 2 điều kiện trên là đủ, nhưng với xã hội hiện nay nếu như không có địa điểm bán hàng thuận lợi cũng như thể hiện sản phẩm mang tầm cỡ quốc tế thì thương hiệu đó sẽ khó đứng vững. Có thể nói nếu như thiếu một trong 3 yếu tố "sản phẩm tốt" + "thông tin quảng cáo hấp dẫn" + "môi trường bày bán thuận lợi" sẽ không thể có một doanh nghiệp thành công.

Không chỉ có MUJI mà tất cả những thương hiệu khác đang tìm cách phát triển mỗi ngày, vì thế nếu như một doanh nghiệp thiếu đi tính cách và đặc điểm riêng sẽ sớm bị đào thải.

Tôi luôn cho rằng "người thiết kế thương hiệu" đôi khi quá phụ thuộc vào cái gọi là "cá tính", nhưng xét cho cùng một sản phẩm dù có tốt đến đâu nhưng thiếu đi cá tính riêng cũng khó mà bán chạy. Sản phẩm đại chúng, sản xuất hàng loạt vì thiếu đi đặc điểm riêng nên dễ bị đào thải. Thà rằng có một chút thiếu sót nhưng đầy cá tính vẫn được luôn được yêu thích hơn.

Lược dịch: Nguyễn Thị Thùy Linh


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí