+28

Tìm hiểu redux-toolkit phần 3

TL;DR

Dưới đây là đường dẫn hai phần trước của mình.
Link phần 1: https://viblo.asia/p/tim-hieu-redux-toolkit-phan-1-YWOZrN3vZQ0
Link phần 2: https://viblo.asia/p/tim-hieu-redux-toolkit-phan-2-QpmlejPD5rd
Qua hai phần chúng ta đã cùng tìm hiểu được khá nhiều về redux-toolkit, và như đã hứa, trong phần thứ ba này mình sẽ chia sẻ cách xử lý các action bất đồng bộ trong redux-toolkit.

Sử dụng redux middleware với redux-toolkit.

Middleware là cơ chế của redux cho phép can thiệp vào luồng hoạt động của redux (sau khi dispatch một action và trước khi action đó đến reducer), thường được ứng dụng cho một số tác vụ như log, debug, hay xử lý bất đồng bộ...
Chúng ta thường sẽ cần sử dụng một redux-middleware cho việc xử lý bất đồng bộ, bởi vì cơ chế của redux yêu cầu reduceraction không được phép chứa logic xử lý side effect. Hai lựa chọn phổ biến nhất là redux-thunkredux-saga.
Mình sẽ không so sánh hai công cụ trên trong bài viết này, nhìn chung chúng đều giúp chúng ta cho việc xử lý bất đồng bộ trong redux, khác biệt dễ thấy nhất là redux-saga phức tạp, khó hiểu hơn, nặng hơn nhưng có vẻ xịn hơn 😂😂.
Quay trở lại với redux-toolkit, như đã đề cập ở phần 1 của bài viết này, khi bạn khởi tạo một store cho ứng dụng bằng hàm configureStore, giả sử như ví dụ ở dưới đây, redux-toolkit sẽ thiết lập sẵn một số middleware trong đó, bao gồm redux-thunk.

const store = configureStore({
    reducer: rootReducer,
})

Chúng ta có thể dễ dàng thêm vào các middleware khác bằng cách chỉ định thêm như sau:

import { configureStore, getDefaultMiddleware } from '@reduxjs/toolkit'
import rootReducer from './rootReducer'
import customMiddleware from './customMiddleware'

const store = configureStore({
    reducer: rootReducer,
    middleware: (getDefaultMiddleware) => getDefaultMiddleware().concat(customMiddleware)
    // middleware: [customMiddleware],
})

Trong ví dụ thêm chúng ta chỉ định thêm lựa chọn middleware khi khởi tạo store, lựa chọn này không bắt buộc và nếu không được truyền vào thì redux-toolkit sẽ set giá trị middleware tương ứng với kết quả trả về của hàm getDefaultMiddleware - hàm này cho phép mở rộng thiết lập middleware khá dễ dàng như cách mình sử dụng ở trên. Còn dòng code được comment là cách chúng ta thiết lập store với redux-toolkit mà không sử dụng các middleware mặc định.

Xử lý bất đồng bộ với redux-thunk

redux-thunk

Tại sao lại là redux-thunk khi mình có nói là redux-saga có vẻ xịn xò hơn nhỉ 😂. Vì như mình có nói ở trên là redux-saga "xịn" nhưng nặng và phức tạp, trong redux-thunk dễ hiểu và siêu siêu nhẹ, không tin vào link này mà xem 😆. Ngoài ra điều quan trọng là nếu chỉ đơn giản bạn cần một giải pháp để xử lý bất đồng bộ trong luồng hoạt động của redux (làm việc với restful api là chủ yếu chẳng hạn) thì thunk là quá đủ rồi. Khi cần xử lý một luồng bất đồng bộ với redux-thunk chúng ta sẽ xử lý như ví dụ sau:

import {  createReducer,  createAction  } from '@reduxjs/toolkit'
import services from './services'

const initialState = {
    jobDetail: [],
    loading: true,
    error: null
}

// pure action
const fetchJobDetail = createAction('fetch_job_detail')
const fetchJobDetailSuccess = createAction('fetch_job_detail_success')
const fetchJobDetailFail = createAction('fetch_job_detail_fail')

// async action with redux-thunk
function fetchJobDetail(jobId) {
     return async (dispatch) {
         try {
             const response = await services.fetchJobDetail(jobId)
             dispatch(fetchJobSuccess(response.data))
         } catch (error) {
            dispatch(fetchJobFail(error))
         }
     }
}

const reducer = createReducer(initialState, {
    [fetchJobDetail]: (state, action) => state.loading = true,
    [fetchJobDetailSuccess]: (state, action) => {
        state.loading = false
        state.jobDetail = action.payload
    },
    [fetchJobDetailFail]: (state, action) => {
        state.loading = false
        state.error = action.payload
    }
})

Ở trên mình đã demo một luồng hoàn chỉnh, thường hay gặp khi sử dụng redux-thunk trong dự án, ban đầu mình định viết toàn bộ bằng redux thuần, không dùng toolkit để các bạn tiện so sánh, tuy nhiên mình vẫn dùng hai hàm createReducercreateAction để chúng ta cùng ôn lại bài ở phần một.
Vì ngay từ đầu phần một mình đã khuyên các bạn nên biết trước redux để dễ dàng hiểu được nội dung bài viết rồi nên chỗ này mình không giải thích chi tiết luồng hoạt động nữa nhé.

redux-thunk với redux-toolkit

Sau đây mình sẽ viết lại ví dụ ở trên dùng hàm createSlice và một hàm mới của redux-toolkit giúp chúng ta viết code với redux-thunk gọn gàng và trực quan hơn.

import { createReducer, createAsyncThunk } from '@reduxjs/toolkit'
import services from './services'

export const fetchJobDetail = createAsyncThunk(
    'jobs/fetch_job_detail',
    async (jobId, thunkParams) => {
      const response = services.fetchJobDetail(jobId)
      return response.data
    }
)

const initialState = {
    jobDetail: [],
    loading: true,
    error: null
}

const reducer = createReducer(initialState, {
    [fetchJobDetail.pending]: (state, action) => state.loading = true,
    [fetchJobDetail.fulfilled]: (state, action) => {
        state.loading = false
        state.jobDetail = action.payload
    },
    [fetchJobDetail.rejected]: (state, action) => {
        state.loading = false
        state.error = action.payload
    }
})

Ví dụ trên cho ta thấy createAsyncThunk là một function nhận vào hai tham số, một giá trị string và một hàm callback, hàm callback này chứa luồng bất đồng bộ. Hàm createAsyncThunk này sẽ thực hiện thi luồng bất đồng bộ và có thể dispatch ra ba action khác nhau tương ứng với trạng thái của Promise được truyền vào, giúp ta xử lý một luồng bất đồng bộ tương tự nhưng ngắn gọn hơn so với ví dụ trước đó, Còn giá trị string được truyền vào hàm createAsyncThunk ban đầu sẽ là tiền tố tương ứng với type của ba action được tạo ra như sau:

// fetchJobDetail.pending :   'jobs/fetch_job_detail/pending'
// fetchJobDetail.fulfilled : 'jobs/fetch_job_detail/fulfilled'
// fetchJobDetail.rejected :  'jobs/fetch_job_detail/rejected'

Ở đây có một lưu ý là createAsyncThunk chỉ giúp tạo ra một luồng hoạt động bất đồng bộ và dispatch action theo tham số được truyền vào mà không tự mình thực thi logic xử lý reducer nào cả, chúng ta sẽ phải tự viết logic reducer để nhận và xử lý các action được createAsyncThunk tạo ra và dispatch như ở trên.
Trong hàm callback được truyền vào createAsyncThunk mình ví dụ ở trên có 2 tham số, trong đó, tham số thứ nhất là tham số mà chúng ta sẽ truyền vào luồng bất đồng bộ, trong ví dụ thì khi gọi api để lấy về Job detail thì chúng ta cần truyền vào id chẳng hạn. Nếu bạn muốn truyền nhiều tham số hơn thì sẽ cần nhóm chúng lại bằng một object, như sau:

...
dispatch(fetchJobDetail({ id: 1, key1: "value1", key2: "value2" }))
...

Tham số thứ hai là một object chứa các giá trị mặc định được truyền vào hàm thunk, có thể được sử dụng khi cần thiết trong logic tính toán kết quả của luồng bất đồng bộ.

  • dispatch: phương thức dispatch của store, cho phép dispatch action bên trong hàm callback.
  • getState: phương thức cho phép tham chiếu giá trị của state hiện tại.
  • extra: các tham số được truyền vào trong lúc thiết lập redux-thunk middleware
  • requestId: giá trị id duy nhất được sinh ra tự động khi hàm thunk được gọi.
  • signal: đối tượng cho biết liệu một phần khác trong logic của app có đánh dấu yêu cầu này cần huỷ hay không, xem thêm ở link này.
  • rejectWithValue: đây là một hàm tiện ích cho phép chúng ta muốn bắt buộc luồng xử lý phải trả về trạng thái rejected với một giá trị payload được chỉ định chính là tham số được truyền hàm đó.

Cơ chế sử dụng createAsyncThunk giúp chúng ta giải quyết bài toán bất đồng bộ một cách ngắn gọn hơn, giúp giảm thiểu những đoạn code lặp lại, mình thì thấy hàm này hay, ngắn gọn hơn so với redux-saga mà vẫn giữ được độ xịn tương đương.

Cấu trúc folder store với redux-toolkit

Nội dung cuối cùng mình muốn chia sẻ là cấu trúc thư mục store khi áp dụng redux-toolkit sẽ khác gì với trước đây, thường thì chúng ta sẽ chia thư mục theo hai cách,
Phân chia theo chức năng:

stores/
    feature1/
        reducer.js
        actions.js
        types.js
        selector.js
    feature2/
        reducer.js
        actions.js
        types.js
        selector.js
    index.js

Hoặc phân chia theo các api của redux

stores/
    actions/
        feature1.js
        feature2.js
    reducers/
        feature1.js
        feature2.js
    types/
        feature1.js
        feature2.js
    index.js

Đối với sử dụng redux-toolkit, cấu trúc thư mục cũng không có gì khác biệt cả, chỉ là cách bạn đặt tên sẽ khác một chút, mình thường dùng như sau:

stores/
    feature1/
        slice.js
        thunks.js
        selectors.js
    index.js

Do mình sẽ tạo tất cả các nhánh của store bằng hàm createSlice nên không còn khái niệm riêng biệt actions, types hay reducer nữa.

Kết luận

Qua phần ba này, mình đã giới thiệu các phần cơ bản của redux-toolkit, cách chúng ta chuyển đổi cách viết redux thông thường sang redux-toolkit. Công cụ mới này đã thật sự xây dựng một bộ cú pháp mới hoàn chỉnh, ngắn gọn và trực quan hơn. Tất nhiên là còn nhiều nội dung được trình bày trong document của redux-toolkit mình vẫn chưa giới thiệu hết nhưng đến đây mình thấy là đủ dùng rồi, hãy ứng dụng, tìm hiểu và cảm nhận thêm nhé.


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí