Sự tin tưởng và tầm quan trọng trong dự án đối với người kỹ sư cầu nối
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 3 năm
1. Lời mở đầu
Trong các mối quan hệ xã hội, sự tin tưởng là cái gốc của mọi vấn đề. Cách suy nghĩ, cư xử của bạn với một ai đó tuỳ thuộc rất nhiều vào sự tin tưởng của bạn đối với người đó. Người bạn tuyệt đối tin tưởng bạn sẽ không ngại ngần bộc bạch tất cả tâm sự. Người bạn quen sơ, bạn sẽ nói chuyện có chừng mực, lịch sự. Với người bạn không tin tưởng, bạn sẽ hoặc không bao giờ nói chuyện hoặc khi bắt buộc phải giao tiếp, bạn sẽ nói chuyện một cách cẩn trọng, chú ý từng lời ăn tiếng nói.
Trong một dự án, sự tin tưởng càng có vai trò quan trọng, nhất là với công việc của một kỹ sư cầu nối.
2. Sự tin tưởng trong dự án
Công việc của bạn vốn dĩ dựa trên cơ sở là sự tin tưởng tuyệt đối của khách hàng, cấp trên và các thành viên trong nhóm. Khách hàng vốn dĩ cần bạn làm cầu nối đến các thành viên phát triển. Vì thế họ dựa vào bạn, tin tưởng truyền đạt tất cả các ý tưởng của họ, hy vọng bạn cùng họ phát triển nó lên thành bộ khung yêu cầu của hệ thống, rồi họ lại nhờ bạn truyền đạt cho các thành viên đội phát triển, giúp đội phát triển thực hiện các ý tưởng của họ. Thế nên có thể nói khách hàng đã tuyệt đối tin tưởng vào bạn.
Các thành viên của đội phát triển cũng vậy. Họ làm theo tất cả các specs mà bạn truyền đạt. Có vấn đề gì về specs chi tiết mà họ chưa hiểu, chưa biết, họ cũng chỉ biết xác nhận với bạn. Các vấn đề khó về kỹ thuật họ cũng nhờ bạn hỏi những người có kinh nghiệm trong công ty.
Vì thế, với người kỹ sư cầu nối, có rất nhiều yêu cầu như bài viết trước tôi đã đề cập: tinh thần vững vàng, trách nhiệm và mềm dẻo...nhưng một yêu cầu bắt buộc, là tiền đề cho mọi yêu cầu khác đó là giữ được lòng tin của khách hàng, của các thành viên trong nhóm.
Việc giữ được chữ tín vốn dĩ là một việc cực kỳ khó khăn, nhất là giữ chữ tín với các khách hàng, cấp trên người Nhật. Lúc nào bạn cũng phải chú ý thành thực, nghiêm túc, ổn định và cố gắng nhiều và nhiều nữa.
Bạn đã cố gắng rất nhiều đến mức làm gương về sự chăm chỉ, nhiệt tình, đam mê, dành được niềm tin của các thành viên trong nhóm, của cấp trên và của khách hàng. Nhưng rồi bạn không quản lý được sức khoẻ của bạn chẳng hạn, bạn bị ốm, hiệu suất công việc giảm sút hoặc thậm chí bạn không thể làm việc trong một thời gian. Lúc nào các thành viên trong nhóm bạn sẽ lo lắng cho bạn, và họ cũng mất một chỗ dựa vững chắc đã có từ lâu. Cấp trên của bạn phải tìm phương án thay thế tạm thời cho bạn. Khách hàng thì thấy hiệu suất công việc của nhóm giảm sút. Lúc bạn quay trở lại công việc, bạn cần thời gian để bắt kịp lại. Và niềm tin bạn gây dựng bao lâu nay cũng bị ảnh hưởng. Không phải cấp trên và khách hàng không hiểu cho hoàn cảnh của bạn nhưng công việc là công việc. Họ vốn dĩ rất an tâm, tin tưởng vào bạn, vào năng lực của bạn, phó thác dự án cho bạn. Nay hiệu suất của dự án giảm sút, họ thật sự lo lắng.
Chắc bạn đã từng đặt niềm tin tuyệt đối vào ai đó rồi sau đó bạn bị sứt mẻ niềm tin hoặc mất hoàn toàn niềm tin vào một người nào đó. Khi đó, bạn cảm thấy thế nào? Hãy luôn suy nghĩ như thế để giữ lấy chữ tín khi bạn làm bất cứ việc gì, cũng như khi bạn là một cầu nối.
3. Kinh nghiệm thực tế
Tôi có vinh dự được tham gia vào một dự án lớn. Bắt đầu từ khi viết đề xuất dự án, tôi đã may mắn được cấp trên trao trọn niềm tin, yêu cầu tôi làm kỹ sư cầu nối cho dự án đó. Trong quá trình thực hiện, anh yêu cầu tôi luôn luôn phải đề xuất specs chi tiết chứ ko được đặt câu hỏi là làm thế nào. Một dự án lớn với hơn 30 thành viên phát triển trong 9 tháng nhưng anh giao cho một kỹ sư cầu nối (có thêm 1 bạn comtor giúp tôi dịch tài liệu)
Để có thể đề xuất được specs cho một dự án cực kỳ phức tạp, tôi được sự giúp đỡ của một anh kỹ sư người Nhật. Anh bận nhiều công việc trong ngày nên chúng tôi phải trao đổi specs hàng ngày sau giờ làm việc từ 6h đến 10h đêm. Anh dẫn dắt tôi hiểu được tinh thần của dự án, mong muốn của khách hàng và làm mẫu các wireframe, trả lời các câu hỏi specs chi tiết cho đến khi tôi làm quen dự án thì tôi dần trao đổi được cùng anh và cuối cùng khi dự án release, vào phase maintain thì tôi có thể hoàn toàn tự mình đề xuất specs, truyền đạt lại để technical leader rồi bridge tiếp nối tôi cũng có kỹ năng đề xuất specs.
PM của tôi cũng là một người mà tôi gọi là ”vị sếp tài đức vẹn toàn". Anh luôn tâm niệm nhiệm vụ của người quản lý là tạo ra môi trường để các thành viên phát huy được tối đa năng lực, hiệu suất làm việc của mình. Anh dù bận vô số dự án khác nhưng luôn theo sát dự án này, đưa ra những lời khuyên hợp lý, đúng lúc giúp chúng tôi giải quyết các vấn đề phát sinh cũng như sự lo lắng, mệt mỏi của một dự án lớn.
Tôi cũng có một bạn comtor với năng lực dịch chuyên ngành IT cực kỳ xuất sắc và một tinh thần làm việc tuyệt vời. Có rất nhiều lần, bạn không hiểu yêu cầu nhưng vẫn dịch chính xác. Tôi cũng nhiều lần động viên bạn học lên kỹ sư cầu nối nhưng bạn đã thẳng thắn trả lời là lên làm kỹ sư cầu nối với tất cả năng lực, phẩm chất của vị trí này thì bạn mới lên chứ kỹ sư cầu nối mà chỉ đóng vai trò biên phiên dịch như một comtor, không có năng lực đưa ra các chỉ thị về specs, về quản lý, về khuyến khích thành viên thì bạn sẽ không làm.
Điều quan trọng nhất làm nên thành công của dự án tôi đã tham gia đó là sự hiệp lực của toàn bộ các bạn trong nhóm tôi. Các bạn hoàn toàn làm theo các yêu cầu specs mà tôi đưa ra dù có những khi specs thay đổi vài lần, các bạn phải phá đi làm lại nhiều lần. Các bạn cũng rất nhiệt tình trao đổi, xác nhận về specs. Chỉ có niềm tin tuyệt đối vào nhau mới khiến chúng tôi đã trở thành một gia đình thực sự, cùng nhau vượt qua vô số khó khăn: Team với trên 90% members là những người mới, làm một dự án lớn nhất của công ty, là sự kết hợp lần đầu tiên giữa 2 chi nhánh của công ty ở Việt Nam và Nhật Bản trên một dự án nằm trong ngành nghề truyền thống của Nhật, giờ cần một thiết kế hiện đại, xuất sắc nhất.
Bản thân tôi có niềm tin cực lớn vào bản thân mình. Tôi cố gắng hết sức mình, đồng lòng với tất cả các thành viên trong nhóm thì sẽ làm được bất cứ việc gì. Tôi cũng còn có một nhược điểm mà anh PM đã chỉ ra cho tôi đó là tôi làm việc và suy nghĩ dựa quá nhiều vào tình cảm. Tôi suy nghĩ dựa trên mô thức của members quá nhiều trong khi cái tôi của tôi thực sự chưa vững chắc nên nhiều lúc tôi mất độc lập của bản thân, để công việc và tình cảm của members cuốn tôi đi.
Sự độc lập của bản thân thực sự quan trọng. Khi bạn lắng nghe để hiểu người khác, bạn phải đứng trên quan điểm của người đó. Nhưng sau đó, khi đưa ra hành động cần thực hiện, bạn cần chủ động, độc lập trong suy nghĩ. Có độc lập bạn mới hiệp lực với mọi người được.
4. Lời kết
Dù bạn là ai, bạn làm gì, hãy luôn tin tưởng vào bản thân mình, thực sự độc lập trong suy nghĩ, luôn giữ niềm tin vào mọi người xung quanh bạn, học tập để phát triển bản thân không ngừng, bạn sẽ giành được niềm tin của những người xung quanh và từ đó, công việc, cuộc sống của bạn sẽ tràn ngập ý nghĩa, niềm vui, thành công.
All rights reserved