+16

[Share CV IT] Mình học được gì khi viết CV & mẫu CV cho bạn tham khảo

I. Giới thiệu

Một số bạn khoá dưới chia sẻ với mình ra trường hơn 6 tháng rồi vẫn chưa tìm được việc, dạo này thị trường khó khăn quá.

Mình bảo đưa CV đây mình rì viu cho, thiếu đâu mình hướng dẫn thêm... Mở CV ra thì khá là "ối dồi ôi!"... à phải nói là "mình từng gặp nó này ở đâu rồi nhỉ"... Nó làm mình nhớ đến bản thân ngày trước, gửi quá trời CV mà mãi chả thấy công ty nào gọi điện. Lúc đó cũng khá lo lắng, nhưng chỗ nào lỗi thì fix thôi, học hỏi từ sai lầm, dần dần mình cũng rút ra kinh nghiệm để viết CV tốt hơn.

Dưới đây là kinh nghiệm mà mình thu nhặt được sau những lần thất bại. Bên cạnh đó là mẫu CV của mình để mọi người có thể tham khảo.

Note:

  • Mình không phải chuyên gia, nên hãy tham khảo có chọn lọc. Nếu thấy chỗ nào sai xót, cứ thoải mái bình luận để chúng ta cùng nhau tốt hơn nhé.
  • Nếu bạn chỉ cần tham khảo CV thì link download ở phần cuối bài viết.

II. Kinh nghiệm cóp nhặt

1. Nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp

Mình đã review CV của một số bạn, mới ra trường mà ghi kinh nghiệm như cái phòng ban IT, cái quái gì cũng biết. Frontend, Backend, Database, còn biết cả... work, excel này kia. Biết là bạn học trên trường thật, nhưng đến lúc người ta hỏi sâu bạn liệu có trả lời được không? Nếu không trả lời được thì người ta sẽ đánh giá bạn lộn xào.

  • Hãy nhớ là bán thứ người khác cần, không bán thứ bạn có. Bạn phải xem JD họ cần skills gì rồi chỉnh CV cho phù hợp. Ví dụ nhà tuyển dụng cần Golang thì để CV là golang backend devloper, tập chung vào các skills, keyword mà nhà tuyển dụng tìm kiếm. Việc này sẽ giúp bạn có khả năng pass được vòng HR hay hệ thống scan CV tự động (ATS) hơn.

  • Đừng cố viết 1 CV rồi gửi cho tất cả công ty, cách này không hiệu quả lắm. Thay vào đó chỉnh sửa cho từng công ty sẽ hiệu quả hơn.

2. CV mấy trang là đẹp?

Nhiều bạn cho rằng viết càng ngắn càng tốt, phía khác lại cho rằng viết dài mới tốt. Người thì nói ở châu Âu thích CV ngắn gọn xúc tích, người lại nói ở Nhật thích to, dài, đầy đủ chi tiết, trông vậy sẽ chuyên nghiệp hơn, chả biết sao mà lần.

Nếu đứng vai trò là một HR của công ty, mình thích CV ngắn, đọc cho nó nhanh. Các công ty lớn nhận nhiều CV thì lại càng không có thời gian đọc CV nên cứ ngắn mà chất là được. Còn nếu lỡ có dài thì nó phải đúng nghĩa là đầy đủ chi tiết, chứ không phải 5-7 cái project toàn CRUD cũng paste vào cho đủ số lượng.

Cá nhân mình ghi 2 trang A4. Mình đang cố cắt bớt những thứ thừa thãi để cho nó về lại 1 trang cho gọn.

3. Có nên để avatar trong CV không?

  • Câu trả lời là tuỳ, có công ty họ sẽ thích nhìn mặt bạn, từ đó đoán một phần nào về con người của bạn. Nhưng cũng có công ty lớn thì họ muốn công bằng nhất cho thí sinh nên không muốn bạn để avatar vào. Thường công ty Việt Nam có vẻ thích avatar, còn cụ thể thì bạn tự tìm hiểu công ty bạn sắp phỏng vấn để biết nhé.

4. Lồng ghép kỹ năng mềm

Người ta nói thái độ hơn trình độ mà. Kỹ năng mềm cũng là một yếu tố quan trọng mà nhà tuyển dụng chú ý đến nên hãy cân nhắc để đưa nó vào trong CV. Mình thì thường không trực tiếp ghi 1 câu như kiểu:

  • có kỹ năng làm việc nhóm tốt
  • khả năng chịu được áp lực cao
  • khả năng học hỏi và thích ứng

Hmm, cách này hơi sáo rỗng, ai cũng có thể viết vào và chẳng có gì chắc chắn là bạn thực sự có kỹ năng mềm này cả. Nên áp dụng phương pháp show don't tell, tức là lồng ghép kỹ năng mềm đó vào những việc bạn làm thay vì nói thẳng là bạn có cái này cái kia. Ví dụ:

  • Thay vì có kỹ năng làm việc nhóm tốt thì:
    • tổ chức các buổi thuyết trình công nghệ,
    • tham gia với các team khác để xây dựng phát triển sản phẩm
    • hay hướng dẫn fresher, junior trong team giúp họ hoàn thành công việc
  • Thay vì có khả năng chịu được áp lực cao thì luôn hoàn thành dự án trước thời hạn, thúc đẩy năng suất của nhóm nhờ đó đạt được danh hiệu nhân viên xuất sắc nhất năm
  • Thay vì có khả năng học hỏi và thích ứng thì ghi ra những công nghệ mà bạn nắm rõ (có liên quan tới JD và vị trí ứng tuyển), show các khoá học, chứng chỉ đạt được hay các project tự làm...

5. Chi tiết nhỏ, ảnh hưởng to

Một Developer mà viết cái CV thôi cũng lỗi lên lỗi xuống thì code chắc bug lắm? Chưa biết nội dung hay không mà nhìn CV thôi cũng có thể đoán phần nào từ bạn rồi. Nên hãy chỉn chu nhất có thể nhé.

  • Bôi đen: Hãy bôi đậm những từ khóa quan trọng bạn muốn nhà tuyển dụng chú ý. Điều này giúp họ dễ dàng nắm bắt thông tin chính và tăng cơ hội họ sẽ hỏi về thế mạnh của bạn trong cuộc phỏng vấn.

  • Kiểm tra ngữ pháp và thì: Đảm bảo sử dụng đúng thì (quá khứ hay hiện tại) một cách nhất quán trong toàn bộ CV.

  • Kiểm tra chính tả kỹ lưỡng.

  • Căn chỉnh đều đặn: Chú ý đến việc thụt đầu dòng và căn lề để CV trông gọn gàng.

  • Dấu chấm câu: không dùng thì thôi, dùng thì cho xuyên suốt (cái này mình cũng hay quên :v).

  • Bố cục: Cuối trang có thừa giấy trắng không? Giữa các trang thì các đoạn ngắt nghỉ đúng chưa?

  • Màu sắc: Chắc tuỳ vị trí, với mình là backend nên CV không thích màu mè lắm, thường sẽ gồm 3-4 màu đổ lại. Để ít thôi cho người đọc không bị phân tâm.

  • Làm đẹp link: Nhiều bạn làm mấy project cá nhân xong đưa nguyên ra cái link vào CV nhìn mà đau mắt. Thay vì để nguyên URL dài, hãy đặt tên cho dự án và gắn link vào đó. Ví dụ bên dưới.

III. Mổ sẻ CV của mình

CV của mình thì copy của một anh trên youtube đã vào được google, mình lấy về rồi custom lại. CV của mình viết sẽ gồm các phần như sau:

  • About me:
  • Skills
  • Working experience
  • Education
  • Project (updating)
  • Certificate (updating)

1. About me: 6s cho màn dạo đầu

Nếu bạn có 30s giới thiệu mình là ai, bạn sẽ nói như thế nào để nhà tuyển dụng ấn tượng? Đó còn là gặp trực tiếp, còn giao tiếp qua CV thì bạn chỉ có 6 -10s để gây ấn tượng với HR thôi. Screenshot 0006-10-06 at 12.06.24.png

Phần about me mình sử dụng 3 câu để giới thiệu ngắn gọn.

  • Câu đầu tiên: Tập trung vào kinh nghiệm chuyên môn và kỹ năng nổi bật, ví dụ:

    • Giới thiệu ngắn gọn về kinh nghiệm trong lĩnh vực x,y,z.
    • Nhấn mạnh khả năng giải quyết vấn đề và xây dựng hệ thống...
  • Câu thứ hai: Thể hiện kỹ năng mềm thông qua những hoạt động, ví dụ:

    • Làm việc abc, xyz cho cộng đồng lập trình.
    • thể hiện kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình thông qua việc jqk...
  • Câu cuối cùng: Câu này mình chả biết thêm gì nên cho vào yếu tố sở thích và mấy cái văn mẫu kiểu mình thấy mình phù hợp với công ty đồ 😃)

2. Skills

HR thường lướt qua kỹ năng của bạn xem có khớp với công ty hay không, nếu không có họ sẽ ngay lập tức bỏ qua. Vì vậy, mình luôn cố gắng liệt kê các kỹ năng chính phù hợp với JD công ty để họ dễ nhìn thấy, bôi đen các kỹ năng mạnh nhất.

Có vài cách phổ biến để trình bày phần này:

  • Liệt kê chi tiết: Ghi rõ bạn mạnh về cái gì, kèm số năm kinh nghiệm. Ví dụ "Strong golang with 4 years experience"

  • Thang đo kỹ năng: Dùng biểu đồ hoặc thang điểm để thể hiện mức độ thành thạo. Nếu bạn nào áp dụng thì cân nhắc trước nhé, mình thấy có 2 luồng ý kiến cho vấn đề này. Có người sẽ thích (như a leader cũ của mình), họ thấy người này tự tin vào khả năng bản thân. Nhưng cũng có người không ưa lắm, họ thắc mắc là bạn dựa vào đâu để tự đánh giá như vậy. Ví dụ, nếu bạn nói bạn "hiểu 100% về AWS Cloud", nhưng lại không có chứng chỉ hay không trả lời được câu hỏi về nó, thì dễ toang lắm? 😅 image.png

  • Liệt kê đơn giản: Chỉ ghi các kỹ năng chính, không thêm thắt gì. Mình thường chọn cách liệt kê đơn giản này. Lý do là để HR có thể scan nhanh và dễ dàng. (với cũng không thích màu mè lắm). Screenshot 0006-10-06 at 12.24.12.png

3. Working experience

Đây có lẽ là phần quan trọng nhất trong CV. Các nhà tuyển dụng, đặc biệt là các tech lead, sẽ dành nhiều thời gian để phân tích xem bạn đã làm gì ở công ty trước đây. Khi viết phần này, mình thường tuân theo các nguyên tắc sau:

1. Cấu trúc cơ bản:

  • Sắp xếp theo thứ tự thời gian, bắt đầu từ công việc gần đây nhất.
  • Ghi rõ tên công ty, vị trí, và thời gian làm việc.
  • Giới thiệu ngắn gọn về các dự án đã tham gia, quy mô và công nghệ sử dụng.
  • Mô tả trách nhiệm và thành tựu cá nhân trong mỗi dự án.
  • Trình bày theo thứ tự những trách nhiệm quan trọng nhất lên trước.

2. Nguyên tắc DRY (Don't Repeat Yourself):

Tránh lặp lại thông tin giữa các dự án. Nếu một trách nhiệm đã được đề cập ở dự án A, hãy tập trung vào những điểm khác biệt ở dự án B. Ví dụ không nên:

3. Nguyên tắc AB:

Thay vì chỉ liệt kê các từ khóa, hãy giải thích cụ thể về công việc bạn đã làm. Công thức mình hay dùng là: Thực hiện công việc A bằng cách sử dụng kỹ thuật B. Điều này giúp thể hiện rõ hơn về khả năng và kinh nghiệm của bạn. Ví dụ "Implemented Role-Based Access Control (RBAC) system for managed access to data by staff"

4. Nguyên tắc XYZ:

Để tăng tính thuyết phục, mình thường thêm các thành tựu cụ thể, đưa ra các con số cụ thể để minh họa cho thành tựu. Công thức áp dụng là: Thực hiện X, giúp cải thiện Y%, dẫn đến kết quả Z.

Ví dụ:"Giảm thời gian phản hồi API xuống 95%, từ 5-10 giây xuống còn 200-500 mili giây, cải thiện trải nghiệm người dùng và góp phần tăng gấp đôi doanh thu".

Nếu bạn thắc mắc mấy số liệu lấy ở đâu thì bạn có thể log lại khi làm việc, hoặc bằng một vài phép toán là có thể tính ra (ví dụ tính số request hệ thống có thể chịu tải 1 ngày).

4. Học vấn

Phần này thì chả có gì bàn nhiều, nội dung sẽ gồm:

  • Bằng cấp, chuyên ngành, trường đại học
  • Năm tốt nghiệp
  • GPA (nếu ấn tượng thì ghi vào, không cao thì thôi đừng ghi cho đỡ ôi cỗ)
  • Các khóa học liên quan hoặc dự án nghiên cứu đáng chú ý

5. Updating (project, certificate)

CV của mình hiện chưa có mấy cái này nên không show được cho mọi người. Nhưng mình nghĩ nhà tuyển dụng sẽ cần đến.

  • Chứng chỉ: Thay vì phải trình bày gãy lưỡi bạn có kỹ năng tiếng Anh giỏi như nào, cold call thử với HR đồ thì bạn show mình có IELTS 8.0 ra xem, choáng liền. Những chứng chỉ này được cả thế giới công nhận, nó là thước đo rõ ràng nhất cho sức mạnh của bạn, nên nếu có thì mạnh dạn thêm vào nhé.

  • Dự án cá nhân: Nhiều bạn sinh viên thực tập than là công ty không cho làm project có sức nặng nên không có kỹ năng này kia. Tại sao phải thế nhỉ?. Cơ hội không đến với mình thì mình tự tạo ra cơ hội thôi. Kiếm một bài toán hay hay mang về giải rồi up lên web, app. Tài liệu trên mạng thì đầy ra, cần gì đợi công ty chỉ mới làm được. Ví dụ như công ty mình đã setup hết mấy cái message queue, cloud đồ, cơ bản mình chỉ việc dùng thôi. Nhưng mình thích học nên lấy source ra vọc rồi build lại 1 cái i chang. Giờ phỏng vấn hỏi mình thì mình chém gió được liền vì mình làm thật mà.

IV. Kết luận và download CV

Với mình kỹ năng quan trọng nhất của dev là học hỏi và thích nghi. Thị trường dạo này hơi khó khăn nhưng nếu bạn chịu khó thay đổi, làm mới mình thì mình tin là vẫn còn nhiều đất diễn lắm. Cố lên nhe Dưới đây là CV của Hiếu học code, cũng không có gì đặc biệt lắm, bạn có thể tham khảo nếu cần. Link download

V. Tham khảo

Group discord 2k+ mems: chém gió về lập trình và làm pet project cùng nhau


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí