Phía sau một dự án thành công là gì?
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 3 năm
Phía sau một người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của người phụ nữ.
Phía sau một cô gái thi thoảng có bóng dáng của Soobin Hoàng Sơn.
Vậy phía sau một dự án thành công có bóng dáng của cái gì, con gì?
Trước tiên hãy cùng nhau phân tích khái niệm "Dự án thành công".
Thế nào là một dự án thành công? Là một dự án bàn giao sản phẩm đúng thời gian? Đúng ngân sách? Khách hàng hài lòng? Công ti lãi lớn? Thành viên vui vẻ? Có lẽ đây là định nghĩa về một dự án trong mơ hơn là một dự án thành công.
Tôi có biết những công ty đánh giá dự án thành công trong báo cáo cuối năm của họ theo tiêu chí: không bị khách hàng hủy dự án, tức là các dự án có thể bàn giao cho khách hàng.
Ôi, thực tại mới đáng buồn làm sao.
Giả sử như chúng ta cùng đồng ý với khái niệm lỏng lẻo về thành công này, vậy thì nếu chịu khó nhìn về phía sau một dự án thành công, có lẽ thấy khá nhiều thứ khác nữa ngoài sản phẩm và những con số.
Ta có những ngày OT triền miên, thậm chí cả cuối tuần, chỉ để cho kịp cái deadline tưởng như là bất khả thi. (Trong hầu hết các trường hợp là bất khả thi thật, rồi sau đó lại phải lùi deadline, thêm một lần nữa).
Ta còn thấy có bóng dáng của những cá nhân mà ta thưc-sự-không-quý-cho-lắm, nhưng vẫn phải làm việc cùng, đơn giản là vì chúng ta làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, nơi mà không có chỗ cho cảm xúc cá nhân.
Thi thoảng ta lại thấy nào là những buổi họp lê thê chẳng đi đến đâu, những quy trình được dựng nên để giúp đỡ chúng lại nhưng lại quay ra quấy rối cả dự án, những bài báo cáo dài cả mét phân tích những cái sai, cái chưa hợp lí, cái cần cải thiện ta vẽ ra để chiều lòng khách hàng, rồi cả những kinh nghiệm chúng ta hì hục rút ra rồi lại rụt rè nhét trở lại sau mỗi buổi họp.
Đâu đó còn lấp ló hình bóng của những leader ngờ nghệch, những manager ngáo ngơ, những khách hàng ngớ ngẩn, những end-user ngốc nghếch, những member không kém phần ngổ ngáo, ngỗ ngược và ngộ nghĩnh.
Nhưng tất cả đó cũng chỉ là một trong những mặt của tảng băng trôi.
Ta còn có những niềm hân hoan, những sự thỏa mãn đến tột cùng khi ta sửa được một bug mà người đi trước (cũng có thể là bản thân ta) để lại, hoặc giải quyết được một vấn đề mà đến khách hàng cũng hói đầu vì nhiều đêm trằn trọc.
Lại có khi ta gặp nhau, không thích nhau, mẫu thuẫn xung đột với nhau, để rồi nhận ra đối phương cũng có chỗ đáng khen, đáng khâm phục, chỉ là ta đã quá vội vàng phán xét khi chưa đủ hiểu nhau hơn.
Cũng thường xuyên ta thấy mình được học hỏi thêm gì đó từ ông dev bên cạnh, từ em QA bàn bên, hay từ ông team lead giỏi nhất là trò code bằng mồm, hay thậm chí từ những người không cùng dự án...Quả là cứ 3 mét có một thằng trộm, à nhầm, cứ 3 người thì có 1 người là thầy ta (2 người còn lại thì là giáo viên với gia sư của ta).
Vậy nên nếu phải trả lời câu hỏi "phía sau một dự án thành công là gì?" một cách chung nhất, ngắn gọn nhất, tôi sẽ trả lời rằng đó là sự trưởng thành.
Là sự trưởng thành của cá nhân trong cách làm việc, cách học tập, cách ứng xử với nhau, cách nhìn nhận vấn đề.
Là sự trưởng thành của team trong cách hoạt động, sinh hoạt, bao bọc, gắn kết và nuôi dưỡng các thành viên.
Là sự trưởng thành của bộ máy hành chính trong cách hỗ trợ, quản lí, dẫn dắt, và tạo điều kiện phát triển cho nhân việc trong công ty.
Cuối cùng, trưởng thành chính là biết hoàn thiện bản thân sau mỗi lần mắc lỗi, để ta của hôm nay tốt hơn ta của hôm qua, của 3 tháng, 6 tháng trước.
Hỡi các lập trình sư, hãy cùng nhìn lại những dự án đã và đang làm, xem liệu dự án đó có thành công hay không? Liệu còn có thể thành công hơn nữa hay không? Sang dự án mới có còn giữ vững được thành công hay không?
Phía sau một dự án thành công, chính là những con người trưởng thành hơn qua dự án đó.
All rights reserved