0

Năng lực giao tiếp giúp ích cho công việc - Quan tâm tới đồng nghiệp

Hãy chú ý để không xen vào chuyện của người khác

Bạn tôi lúc nào gặp tôi cũng hỏi là: "Ê, trông mày mệt mỏi quá, có sao không đấy?". Khi bị nói như vậy thì tôi nghĩ chắc mình đang trưng ra bộ mặt trông rất là mệt mỏi và thảm hại. Tất nhiên là họ cũng vì quan tâm tới tôi nên mới nói vậy. Nhưng như trong ví dụ này đấy, chẳng phải cần có chút tinh tế khi thể hiện sự quan tâm đối với người khác sao.

Ngàn vạn lý do làm người ta không khỏe

Những khi đồng nghiệp không khỏe, mặt mày u sầu, thở dài liên tục thì tất nhiên mình sẽ nhận thấy được điều đó, và thông thường ai cũng nghĩ không biết là họ bị làm sao và đều mong họ tươi tỉnh trở lại. Lúc đó, mặc dù rất muốn an ủi họ nhưng lại không biết lý do khiến họ không khỏe là gì: do vấn đề về sức khỏe hay là về mặt tinh thần (do công việc, lo lắng cho cuộc sống).

Trước tiên, hãy dùng những lời lẽ mang tính khách quan, không đụng chạm gì để hỏi thử xem, ví dụ như "Trông bạn có vẻ không được khỏe lắm nhỉ. Có chuyện gì à?". Những trường hợp như này, đối với phụ nữ cần tránh hỏi những câu nhạy cảm kiểu như "Trông mặt bạn mệt mỏi quá" "Sắc mặt bạn kém quá" thì tốt hơn.

Sau khi đối phương nói ra lý do, trước tiên hết bạn hãy đáp lại với thái độ đồng cảm kiểu như "Ôi vất vả quá nhỉ" "Đáng lo thật đấy" hay "Tội quá đi". Sau đó, nhìn xem phản ứng của họ để khích lệ động viên họ, những lúc ấy nếu bạn kể ra những kinh nghiệm của bản thân tương tự với vấn đề họ đang gặp phải thì họ sẽ rất là vui đấy.

Còn nếu khi bị hỏi, đối phương đáp lại "Không, không có gì" thì tức là họ không muốn nói ra lí do khiến họ đang không vui, và muốn bạn hãy cứ để mặc họ như thế. Vậy nên những lúc như vậy thì bạn nên nói lại đại loại kiểu như "À, do tôi nhạy cảm quá rồi. Xin lỗi bạn nhé", rồi quay lại làm việc thì hơn.

Có những lúc muốn được để yên một mình

Nếu lý do liên quan tới sức khỏe thì bạn hãy nói lại những câu như "Bạn hãy giữ gìn sức khỏe nhé" "Mau khỏe lại nha" "Mau bình phục nhé" hoặc là "Hôm nay cứ về sớm và ngủ thật nhiều vào". Còn nếu lí do không liên quan tới vấn đề sức khỏe thì cũng hơi khó nói đấy. Ví dụ như khi họ bảo "Ở nhà gặp chút chuyện rắc rối ấy mà", lúc này bạn cứ giữ ở mức độ như này: "Ui vất vả quá nhỉ. Nên giải quyết sớm thì hơn." là an toàn nhất. Hoặc hỏi thăm xem đối phương đang cần gì: "Tôi có thể làm gì cho bạn không?" "Nếu cần có người giải bày tâm sự thì bạn cứ gọi cho tôi bất kỳ lúc nào nhé!".

Dù có nói hay hỏi gì đi nữa nhưng nếu mang lại cho đối phương cảm giác rằng ai đó đang quan tâm đến họ thì trong lòng họ sẽ cảm thấy được xoa dịu đi phần nào 😃.

Khi cấp trên không khỏe

Những mối quan hệ đặc biệt như cấp trên chẳng hạn, thì mình không nên nói ra những câu như "Trông anh/chị có vẻ không khỏe nhỉ.". Họ là những người quản lý, chủ doanh nghiệp nên thường sẽ có rất nhiều chuyện cần phải lo, cho nên chừng nào đối phương còn chưa than thở gì thì tôi nghĩ bạn nên biết giữ khoảng cách. Đương nhiên, nếu tình trạng đó cứ kéo dài và bạn có muốn lơ đi cũng không lơ được thì nên hỏi bóng gió để thể hiện sự quan tâm của mình, ví dụ như: "Anh/chị gần đây có vẻ không được vui như mọi khi nhỉ 😃".

Tóm lại, quan tâm cũng cần có nghệ thuật. Không quan tâm thì bị bảo là vô tâm, còn quan tâm quá lại bị bảo là vô duyên. Hi vọng mọi người biết quan tâm một cách đúng lúc và đúng đối tượng nhé. 😄

Nguồn: https://tenshoku.mynavi.jp/knowhow/communication/09


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí