+2

MỘT VÀI KINH NGHIỆM LÀM NGHỀ COMTOR

NHỮNG BÍ QUYẾT LUYỆN TAY NGHỀ COMTOR

Nếu ví một công ti như một cỗ máy, thì những người làm công tác thông/phiên dịch như comtor, BrSE v.v. chính là dầu mỡ bôi trơn cho cỗ máy đó. Một comtor/BrSE giỏi sẽ giúp cho việc giao tiếp giữa khách hàng với team và giữa team member với nhau được thông suốt như cách dầu mỡ giúp các bánh răng khớp với nhau một cách trơn tru vậy.

Thế thì điều gì làm nên một comtor giỏi và cách để rèn luyện những phẩm chất đó là gì? Trong bài viết này, tôi xin được dùng kinh nghiệm của mình để chia sẻ với các bạn về chủ đề này nhé.

  1. Ngôn ngữ: yếu tố hàng đầu

Công việc cơ bản nhất của comtor là thông/ phiên dịch. Thế nên việc biết tiếng nước ngoài (Anh và Nhật) là bắt buộc. Với tiếng Nhật, thì biết đến mức nào là đủ? N2,thậm chí là N1 có phải là tiêu chí đầu tiên để đánh giá năng lực ngôn ngữ của một comtor hay không?

Theo tôi, một comtor giỏi thì chỉ cần bằng N2 trên 70% số điểm là được. Bởi lẽ ngành IT không đòi hỏi vốn từ rộng, tính học thuật cao như dịch sách hay giảng dạy. Thuật ngữ của ngành IT phần lớn là katakana và có nguồn gốc từ tiếng Anh. Thế nên một comtor mới vào nghề thường chỉ cần 6 tháng đến 1 năm là đã có thể nắm bắt hết kho thuật ngữ của ngành IT rồi. Dĩ nhiên, vẫn có một số trường hợp khi dự án làm cho khách hàng ở một ngành nghề có nhiều từ chuyên ngành (thường là những ngành cơ khí, xây dựng, y tế v.v.) thì comtor lại phải tốn thời gian mở rộng vốn từ ngữ và làm quen với các thuật ngữ chuyên ngành của khách hàng.

Nhưng ngoài vốn từ vựng ra, comtor còn phải lưu ý đến một yếu tố khác của tiếng Nhật: ngữ điệu và văn phong. Do người Nhật thường rất thích nói giảm nói tránh, thế nên nếu chỉ dịch word by word, đôi khi bạn sẽ không truyền tải được tâm trạng và mong muốn của khách hàng. Có những câu nếu chỉ dịch thì sẽ nghe như một câu hỏi, nhưng thực tế, đấy là một yêu cầu cần được thực hiện gấp. Và nếu bạn chưa có kinh nghiệm hoặc không để ý kĩ, bạn và team sẽ không đưa ra action đúng với mong muốn của khách hàng.

Bên cạnh tiếng Nhật, thì tiếng Anh cũng là một trợ thủ đắc lực cho comtor. Như đã nói ở trên, khá nhiều từ chuyên ngành của IT là từ tiếng Anh mà ra. Thế nên bạn càng giỏi tiếng Anh, thì khả năng nghiên cứu tài liệu cũng như học hỏi về ngành IT càng cao. Trong một số trường hợp, bạn còn có thể dùng vốn tiếng Anh của mình để search ra các thông tin cần thiết cho team. Ngoài ra, bạn không thể không đề phòng một ngày nào đó một vị khách đến từ Châu Âu đến công ti làm việc và bị sếp Nhật gọi vào thông dịch, đúng không nào? Với tiếng Anh, lời khuyên của tôi là nên kiếm trên 900 TOEIC để có một sự tự tin nhất định khi thông dịch Anh-Nhật.

Và đừng quên là bạn phải trau dồi cả tiếng Việt nữa nhé. Thật đấy, không đùa đâu. Tôi đã làm việc với các dev khắp 3 miền Bắc, Trung Nam và tôi nhận ra rằng với mỗi một dev, bạn phải có cách diễn đạt khác nhau. Một anh PM người Gia Lai, tuổi 3x ở công ti cũ của tôi rất giỏi quản lý và chuyên môn, nhưng vốn từ vựng tiếng Việt của anh ấy thì hơi yếu, thế là khi dịch tôi phải hạn chế dùng từ Hán Việt, dịch một câu thành 3 câu giải thích đầy đủ ý muốn của khách hàng. Thế nhưng sau này, khi dịch cho một team người Bắc bằng văn phong ấy, thì tôi lại bị chê "văn phong cụt, lôi thôi", và thế là tôi lại phải viết gọn lại. Hay khi làm việc với một bạn nữ QA người Bắc hơi yếu trong việc tư duy logic, thế là tôi dịch xong phải viết thêm một ví dụ cụ thể để bạn ấy hiểu chính xác đặc tả mà viết test case. Nói chung, tiếng Việt của chúng ta rất nhiều tầng ý nghĩa, cộng thêm sự khác biệt văn hóa vùng miền dẫn đến sự lý giải khác nhau với câu văn. Việc cần làm của comtor là "đo ni đóng giày" để viết ra những bản dịch phù hợp với dev mà mình đang làm việc cùng, giúp họ tiết kiệm tối đa thời gian đọc hiểu spec.

  1. Khả năng tập trung cao độ: yếu tố giúp bạn bứt phá trong nghề

Trong công việc dịch tài liệu, hiển nhiên là bạn phải tập trung hoàn thành bản dịch trong thời gian ngắn nhất với độ chính xác cao nhất. Việc này tương đối đơn giản, bởi lẽ chỉ cần bạn không nhìn Facebook, không check tin nhắn trong lúc làm việc, thì với sự hỗ trợ của Google dịch, các tool từ điển cũng như các sempai, bạn sẽ có thể dần dần cải thiện hiệu suất phiên dịch.

Thế nhưng khi đi vào thông dịch, đặc biệt là những buổi meeting trong phòng họp qua video call với khách hàng, thì mọi thứ không đơn giản như thế. Có đủ 1001 lý do khiến bạn khó dịch tốt như khách hàng của bạn có thể nói nhanh bằng một giọng địa phương cực kì khó nghe, hay đường truyền yếu khiến tín hiệu nhiễu, hoặc đặc tả khá phức tạp v.v. Những lúc như thế, một comtor mới vào nghề sẽ phải cố hết sức để hiểu và truyền tải lại cho team của mình nội dung khách hàng muốn truyền đạt. Còn một comtor giỏi, họ không chỉ nghe hiểu mà còn tổng hợp thông tin, ghi chú lại và truyền đạt cho team mình theo cách dễ hiểu nhất để team có thể trả lời đúng ngay trọng tâm mà khách hàng muốn nghe.

Vậy thì điều gì làm nên sự khác biệt đó?

Đó chính là khả năng tập trung cao độ để bộ não có thể đa tác vụ (multi tasking) trong thời gian ngắn. Để làm được điều này thì cần sự nỗ lực cả trong và ngoài phòng họp của bạn. Trong phòng họp, bạn cần bình tĩnh, hít thở đều và dồn hết sự chú ý vào nội dung cuộc họp, khống chế cảm xúc cũng như những tạp niệm của mình. Ngoài phòng họp, bạn cần tập luyện những môn thể thao giúp nâng cao thể chất lẫn tinh thần, qua đó nâng cao khả năng tập trung. Cá nhân tôi thì đề cử việc tập luyện môn bơi lội và một môn thể thao trí tuệ ( các loại cờ, game sudoku, Dota 2 v.v.). Ngoài ra, bạn còn có thể nghiên cứu thêm một lĩnh vực yêu thích nào đó như điện ảnh, văn học v.v. để tăng thêm khả năng ghi nhớ thông tin, tập trung tìm kiếm dữ liệu cho bộ não của bạn.

  1. Sự hiếu học : yếu tố xây dựng career path

Sau khi làm tốt công việc dịch thuật một thời gian, các cấp trên của bạn sẽ giao cho bạn phụ trách quản lý tiến độ của những dự án nhỏ. Đây là một bước chuyển tiếp để từ Comtor lên BrSE và thậm chí là PM sau này. Và cũng như câu nói "Thành công không phải là một điểm đến mà nó là một quá trình". việc được thăng chức không xảy ra trong một sớm một chiều, mà nó đòi hỏi một quá trình học tập và tìm tỏi lâu dài từ những ngày đầu làm việc.

Và để có thể quản lý tiến độ, thì không thể không học hỏi về dự án mà bạn đang phụ trách. Nếu bạn là một comtor đã làm tốt công việc dịch thuật, bạn sẽ nhận ra mình có những khoảng trống task khi dự án đang trong giai đoạn coding. Lúc này đây, hãy đừng ngần ngại tham gia vào cả những việc khác như đọc và tự tìm hiểu spec, những tài liệu kĩ thuật dành cho dự án hoặc thậm chí là tham gia test sản phẩm. Bạn càng biết nhiều về dự án thì khả năng dịch của bạn càng tốt. Nhưng tuyệt vời hơn nữa, là kiến thức về quản lý dự án sẽ được tích cóp tăng dần theo quá trình tìm tòi của bạn. Bạn sẽ đi từ việc "biết khách hàng muốn gì" (dịch tài liệu) sang "biết tema mình nên và đang làm gì để thỏa mãn yêu cầu khách hàng" (quản lý tiến độ) và cao hơn nữa là "biết đề xuất phương án tốt nhất cho khách hàng" (tư vấn giải pháp) . Kiến thức càng tăng năng lực càng lớn. Và một khi năng lực đủ lớn, chính là lúc bạn đảm đương một trách nhiệm to hơn và thế là một BrSE mới lại gia nhập đội ngũ, nâng cao năng lực đoàn đội!

Nếu thích, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn học lập trình. Với tư duy logic được cải thiện nhiều qua quá trình làm việc trong ngành IT cùng sự hỗ trợ của các dev, việc học lập trình của bạn hứa hẹn sẽ suôn sẻ và vui hơn nhiều so với tự mày mò một mình.

Cá nhân tôi nhận thấy, sau 6 năm làm trong ngành IT thì không chỉ tiếng Nhật mà cả tư duy logic, sự thấu hiểu con người của tôi cũng tăng lên rất nhiều. Và nhờ vào sự cập nhật liên tục của ngành IT, mà mỗi một dự án lại là một chương mới trong con đường học tập đầy thú vị này.

  1. Sự đoàn kết: làm gì cũng phải có anh em!

Do đặc thù là cầu nối ngôn ngữ, nên comtor chính là người được nghe nhiều chuyện nhất trong team. Với khách hàng, comtor nghe được mong muốn, nguyện vọng, tâm tư của họ. Với anh em trong team, comtor nghe được những phản hồi và những ý kiến đóng góp quý báu của họ. Vậy nên, một khi đã làm comtor thì bạn cần xác định dành thêm effort trong việc "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu" cho mọi người trong team. Có thể là những bữa ăn trưa, những buổi nhậu team building hay đơn giản chỉ là một vài lời khuyên trong cuộc sống cho anh em trong team bạn.

Có một câu chuyện về hai nhân vật trong thời Tam Quốc như sau: Viên Thiệu và Tào Tháo vốn là hai bá chủ lẫy lừng Tam Quốc. Viên Thiệu dòng dõi thế gia, chiếm lĩnh phương Bắc. Tào Tháo là tay gian hùng, được nhiều mưu sĩ và võ tướng tài giỏi đi theo. Khi hỏi về con đường giành thiên hạ, Viên Thiệu thì chủ trương "giành đất, liên kết các thế lực trong ngoài nước để tạo đại nghiệp" còn Tào Tháo lại chủ trương "chiêu mộ hiền tài, chỉ cần có hiền tài thì ở đâu cũng có thể thành đại nghiệp". Cuối cùng, lịch sử đã ấn chứng rằng Tào Tháo đúng khi cho ông đánh bại Viên Thiệu tại Ô Sào chỉ với binh lực bằng 1/10 họ Viên.

Bài học của Tào Tháo càng đúng với một comtor đang xây dựng career path khi mà công việc của chúng ta chính là kết nối con người với nhau, giúp họ đạt được hiệu quả tối đa trong công việc.

Hi vọng bài viết ngắn trên đây có thể giúp các bạn comtor hiểu thêm về nghề nghiệp và định hướng của mình trong tương lai.


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí