+9

Một điều đơn giản giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp

Thấy hay hay nên dịch lại 😃


Công nghệ phần mềm có thể là một nghề cực kỳ bạc bẽo. Ừm thì chắc chắn là mỗi nghề đều có một nét đặc thù riêng. Bạn sáng tạo, bạn giải quyết vấn đề, và có đoạn code "huyền thoại" mà thỉnh thoảng người ngoài ngành khó mà hiểu được vẻ đẹp đó. Từ xưa giờ chúng ta được ví như những gã nerd cận thị, thì giờ đây Hollywood mô tả ta như những tin tặc huyền thoại có thể ngồi cạnh một thiết bị đầu cuối "chưa thấy bao giờ", và ngay lập tức đoán được mật khẩu của bất kỳ bộ máy chính phủ nào trên thế giới, rồi tìm cách sao chép vào USB và sau đó tiêu hủy toàn bộ cơ sở dữ liệu trong chưa đầy 60 giây. Tôi cũng ước thế. Tôi còn không nghĩ tôi có thể "hack" laptop của mình, chứ không phải của ai khác, và một ngày nào đó tôi có thể mất hơn một phút chỉ để sao chép mấy file tài liệu Word vào USB.

Tuy nhiên, thực tế việc trở thành lập trình viên không hấp dẫn như bản sao Hollywood của chúng ta. Sếp và đồng nghiệp chẳng cần biết code của chúng ta đẹp như nào. Họ không hiểu rằng mỗi ngày chúng ta đều nhận được yêu cầu là estimate bao giờ thì chức năng này sẽ xong, bao giờ thì fix xong. Mà rõ ràng là ta chẳng thể biết được cho đến khi nó thật sự xong 😄. Thành thực mà nói, chúng ta thường được yêu cầu làm vài thứ mà còn chẳng biết là cần làm cái gì. Giá trị của chúng ta được đong đếm bằng khả năng code với tốc độ bàn thờ, và sẵn lòng làm việc điên dại trong nhiều giờ liền. Lụt deadline như cơm bữa. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống gần như không tồn tại. Và như chúng ta đều biết, một bug nhỏ cũng đủ để mọi công trạng của bạn trôi tuột 😃. Vào cuối ngày, là lúc bạn hoàn thành công việc, không như nhân viên bán hàng hoặc giám đốc điều hành, làm thêm nữa cũng chẳng giúp bạn được du lịch đến Bahamas, mua được chiếc đồng hồ nạm vàng hay là nhận một tấm sec chia sẻ lợi nhuận. Thực tế, làm việc chăm hơn thường kết thúc bằng việc dấy lên những kỳ vọng khác của bạn, và khi bạn không đạt được kỳ vọng đã đề ra, bạn cảm thấy mình như một kẻ lười nhác.

Chúng ta nhìn người khác như Steve Jobs, Bill Gates và Mark Zuckerberg, và nghĩ rằng nếu chúng ta tài năng hơn, sáng tạo hơn thì sẽ thành công hơn trong công việc. Chúng ta thức đến sáng chỉ để học framework mới, công nghệ mới, dành cả tuần để refactor đống thư viện sao cho nhanh hơn, hiệu quả hơn, và trong phần lớn trường hợp, chúng ta bỏ qua nhu cầu cá nhân, bạn bè và gia đình trong quá trình đó, và để rồi được cái gì ? Tôi không thể liệt kê hết cho bạn bao nhiêu lần tôi phải còng cả lưng để code cho xong và check in, chỉ để thấy sự thất vọng và phàn nàn từ sếp và đồng nghiệp, thay vì lời khen và phần thưởng mà tôi đã hy vọng.

"Sao cậu code chức năng này lâu thế? Sao QA lại tìm được bug? Cậu còn chưa test phải không? Và tại sao ứng dụng của chúng ta không dùng <insert latest beta technology here> ?

Rất dễ để chống chế khi ai đó chê con bạn xấu, và tương tự khi những việc làm hy sinh và khổ cực của chúng ta được tưởng thưởng bằng những đánh giá tiêu cực. Thậm chí khi làm việc với thành viên trong team, đôi lúc chỉ một lỗi nhỏ bị bỏ qua trong code, hoặc chỉ một chức năng nhỏ được yêu cầu có thể gây nên phản ứng mạnh và đôi khi là nặng nề từ phía người đã code đoạn mã đó. Tuy nhiên đây không phải là công kích cá nhân. Nó chỉ đơn giản là công việc. Khi một vấn đề xảy ra, thì đó không phải lỗi của người tìm ra vấn đề, mà cũng chẳng phải ở phía lập trình viên. Cách chúng ta phản hồi với câu hỏi và phàn nàn từ người khác, chẳng hạn đồng nghiệp và khách hàng, sẽ ảnh hưởng lớn đến giá trị của chúng ta với công ty, và sau cùng, là việc chúng ta có thể tiến xa như thế nào trong sự nghiệp.

Lập trình viên thành công nhất có thái độ tích cực. Một thái độ tích cực lấn át bất kỳ kỹ năng nào, được công nhận và ngợi khen thậm chí từ những người không làm kỹ thuật.

Thấu cảm là chìa khóa

Điều duy nhất kìm hãm sự nghiệp chính là thái độ của chúng ta. Với những người chuyên giải quyết vấn đề để kiếm sống, bạn có nghĩ chúng ta phải nhận ra điều đó nhanh hơn một chút không. Như đã nói, chẳng ai quan tâm bạn làm bao nhiêu giờ hay bạn code đẹp như nào. Phá sức để code cho nhanh chỉ vì "đó là nghề của chúng ta", và rồi chẳng ai tưởng thưởng cho cái bạn đang làm.

Tuy nhiên thứ mà người khác quan tâm lại là cách bạn đáp ứng nhu cầu và nỗ lực của họ. Tiên đề này luôn đúng cho dù chúng ta đang đề cập đến đồng nghiệp, khách hàng hay người dùng. Nếu bạn muốn người ta nhìn nhận bạn là một nhân viên xuất sắc, trước tiên họ phải nhận thức và hiểu rõ về bạn. Không kỹ năng hay nỗ lực nào thay thế được sự thật đó. Tôi biết một vài lập trình viên rất tệ, vẫn vượt qua nhiều lập trình viên đầy kinh nghiệm và tài năng hơn họ, chỉ đơn giản dựa theo một thực tế là họ biết cách làm việc với người khác, và biết cách chơi trò chơi. Thông thường, những người như vậy sẽ trở thành leader hoặc manager trong khi những lập trình viên khác tiếp tục vật lộn với mớ bòng bong của chính mình, và tự hỏi đã làm gì sai và tại sao họ không nhận được phần thưởng xứng đáng.

Hãy xem một số ví dụ điển hình sau để thấy cách chúng ta tiếp cận vấn đề sao cho mọi người sẽ phản hồi tích cực hơn với những gì chúng ta làm và nói.


Boss: Tôi không hiểu tại sao mất đến 3 ngày chỉ để thêm một button vào page? Cậu đã làm gì? Tuần trước Joe thêm một button mới cho ứng dụng khác, mất có 2 giây!


Bad reply: Joe làm Windows app, và cậu ấy thêm button và một button bar đã được thiết kế để dễ chỉnh sửa, thêm sửa xóa button! Còn đây là web app, và nó cần làm việc và hiển thị đúng trên mọi thiết bị, tự động căn chỉnh theo kích thước màn hình...! Button mà ông hỏi nó chưa có vị trí để thêm, nên tôi phải thiết kế lại gần như cả page, test trên nhiều trình duyệt để đảm bảo layout không vỡ khi xài thiết bị nhỏ như smartphone, rồi còn tạo service mới, thêm logic mới, vân vân và mây mây…

Tại sao đây là một câu trả lời tệ? Chuẩn là, sếp bạn không biết effort cho back-end mà chỉ biết là "thêm một button", ổng cũng chẳng biết việc test front-end cần phải khớp với tầng business, và cũng mặc bạn đã phải overtime, cũng không hiểu rằng ổng đang so sánh hai thứ hoàn toàn khác nhau... Nhưng đó không phải việc của ổng, đúng chứ? Và ở một khía cạnh nào đó thì những lời giải thích nghe có vẻ như là lý do và ngụy biện, điều đó rất tệ khi sếp bạn đang hỏi điều gì đang xảy ra.

Điều tôi đề nghị là hãy nhìn mọi thứ dưới quan điểm của họ. Sếp của bạn chưa viết code bao giờ, và lý do tại sao mất nhiều thời gian không phải là câu hỏi họ muốn hỏi. Thứ họ cần biết là deadline, khách hàng thỏa mãn, tăng doanh số, và làm sếp của họ hài lòng. Bằng cách quan tâm nhu cầu của họ, bạn cũng sẽ làm họ hạnh phúc. Dùng sự đồng cảm của bạn để kết nối với cảm xúc của họ, và giải quyết nhu cầu cũng như mục tiêu của họ. Chẳng hạn...


Better reply: Tôi hiểu tại sao ông thất vọng, và biết rằng việc thêm tính năng mới này rất quan trọng với ông. Và tất nhiên nó cũng quan trọng đối với tôi, và tôi luôn cố hết sức để sản phẩm của chúng ta hoạt động hoàn hảo và khách hàng sẽ thỏa mãn. Có một số vấn đề back-end phức tạp liên quan đến lần thêm chức năng này, nếu ông muốn thì tôi sẵn lòng đi sâu vào chi tiết. Nó hơi mất thời gian nhưng để chắc chắn button hoạt động ổn định trên mọi thiết bị và trong mọi tình huống, và vì tôi đã kiểm tra rất kỹ nên effort cho QA có thể giảm xuống. Tương lai tôi sẽ update thường xuyên để ông hiểu được cái tôi đang định làm.

Tóm lại là đừng lý do, bạn không cần phải giải thích, những gì bạn làm sẽ cho họ thấy bạn hiểu cảm giác của họ, và bạn chú tâm vào những thứ họ quan tâm. Đưa ra một lời đề nghị có tính cải tiến sẽ chẳng làm ai tổn thương cả.


QA Person: Tôi test button mới này rồi, và đây là lần thứ hai tôi phải mở lại ticket đó vì nó vẫn không hoạt động như tôi muốn. Cậu có đọc note của tôi về cái bug này không thế? Hay là cậu còn chưa test mà đã gửi cho tôi?


Bad reply: Rồi, tôi có đọc, và tôi đã làm theo tất cả các bước mà cậu viết. Chỉ là tôi không thể tái hiện nó, và tôi còn gửi cho cậu video màn hình của tôi rồi còn gì. Cậu đã xem chưa? Nếu cậu muốn bug này được fix thì cậu phải tái hiện được nó trên máy tôi.

Vấn đề của câu trả lời này là nó mang hơi hướng tức giạn và vô ích. Nó chỉ thể hiện sự chán nản với nhau, và yêu cầu họ tốn thêm thời gian để làm những việc mà họ nghĩ đấy là lỗi của bạn. Một lần nữa, cách tiếp cận tốt nhất là đặt bản thân vào vị trí của họ.


Better reply: Cảm ơn vì cậu đã tìm ra lỗi trước khi khách hàng thấy nó. Vì tôi không thể tái hiện nó trên máy cá nhân, liệu chúng ta có thể meeting vào sáng ngày mai không? Tôi sẽ mang theo laptop và nhờ cậu hướng dẫn. Tôi cũng muốn chắc rằng cả hai chúng ta hiểu đúng vấn đề, và tôi sẽ fix nó chuẩn hơn. À cho tôi biết cậu muốn uống gì nhé, tôi sẽ mua cho.

Một số mẹo nhỏ để trở nên khác biệt nơi công sở

  • Đừng xin lỗi trừ khi thật sự cần thiết. Thay vào đó hãy thử một phản hồi tích cực. Chẳng hạn thay vì "Xin lỗi tôi code hơi lâu", hãy thử "Cảm ơn vì đã kiên nhẫn chờ đợi" 😦
  • Bắt chước những người đứng đầu. Hãy tìm những ngôi sao nhạc rock tại nơi làm việc, những người mà mọi người đều thích và tin tưởng. Họ đang làm theo cách khiến người khác luôn phản hồi tích cực. Làm bạn với họ, và bắt chước cách họ hành động, cách họ phản ứng với mọi người. Hãy xem đó là cách thực hành tốt nhất.
  • Đi sớm, về muộn. Dù không phải lúc nào cũng làm được, nhưng mọi người sẽ để ý khi bạn đến rồi đi, và nếu họ không có mặt ở đó thì sẽ chẳng có gì xảy ra hết. Nếu mọi người đều đến lúc 7 giờ sáng còn bạn nhảy nhót đến tận 11 giờ, họ sẽ nghĩ là bạn lười. Nếu mọi người đều làm đến 6 giờ mà bạn đã ra về lúc 4 giờ, họ nghĩ bạn muốn bỏ đi và không muốn làm việc với ai cả. Khoảnh khắc xuất hiện rất quan trọng, hãy lưu ý.
  • Hãy là linh hồn của bữa tiệc. Lập trình viên không phải lúc nào cũng là người hoạt động sôi nổi, nhưng hãy là đầu tàu trong công ty. Nếu bạn muốn được chú ý thì hãy lưu ý điều này. Mời đồng nghiệp đi ăn trưa, gửi mail kiểu thân thiện và hài hước, đặt một túi kẹo lên bàn, mang bánh mì vào buổi sáng. Hãy thử một tuần xem liệu có thêm bao nhiêu người chú ý đến bạn.
  • Giao tiếp sớm và thường xuyên. Nếu bạn phải làm Scrum mỗi ngày thì tuyệt, nhưng nếu không, thì hãy chắc rằng bạn luôn báo cáo với sếp, leader và đồng nghiệp về những thứ bạn đang làm, vấn đề bạn đang gặp phải. Không cần phải quá chi tiết, chỉ cần vắn tắt cho mọi người biết cái bạn làm và cái bạn đang băn khoăn là đủ.
  • Nếu đang nghỉ ngơi thì đừng nói về công việc. Nếu đang đi ăn trưa, hoặc đi uống nước, hoặc bất cứ đâu không liên quan đến công việc, hãy chỉ trò chuyện với họ. Hỏi về gia đình, về kỳ nghỉ, tối nay có dự định gì, nói chung là bất kỳ điều gì cho thấy bạn đang quan tâm đến họ.

Người phù hợp nhất cho công việc không phải lúc nào cũng là lập trình viên giỏi nhất, mà là người được tin tưởng nhất. Tôi đã từng gặp một anh chàng đến công ty chỉ được một tháng. Cậu ta còn trẻ và không thạo việc cho lắm. Tuy nhiên mỗi ngày cậu ta đều ghé qua phòng sếp để trò chuyện với cô ấy. Một ngày nọ, khi sếp đi vệ sinh, cậu ta vào phòng và đặt hình David Hasselhoff làm hình nền cho máy tính của sếp. Thay vì sa thải cậu ta vì tự tiện sử dụng máy tính của quản lý, sếp lại thấy cậu ta thông minh và vui tính. Vài tháng sau, cậu ta làm leader của chúng tôi, một nhóm toàn những người trên 10 năm kinh nghiệm. Tất nhiên là tôi sẽ không khuyến khích bạn vọc máy tính của sếp. Những gì tôi đề nghị là thái độ mới là tất cả, nó sẽ giúp bạn đi tiến xa hơn trong sự nghiệp.

Nguồn: https://medium.com/@toddhd/one-simple-trait-that-will-advance-your-software-career-7a88bd505f59


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí