+7

Laravel Model & Eloquent Plus

Hiiii, comeback một chút.

Trong quá trình làm việc cùng Laravel không dài cũng không ngắn, chắc hẳn ai cũng sẽ động vào Model & Eloquent ít nhất 1 lần hoặc nhiều hơn cả thở hàng ngày. Kiểu gì thì chúng ta cũng sẽ cảm thấy nếu chỉ dừng lại ở $table, $fillable, hay hasMany, belongsToMany... đại loại vậy để mô tả một bảng và quan hệ trong DB thì nó hơi nhạt và không có nhiều tác dụng lắm đúng không.

Hôm nay mình sẽ chia sẻ một số điều thú vị khi làm việc với Model & Eloquent giúp cho cuộc sống của bạn nhẹ nhàng hơn, và tận dụng được nhiều hơn từ Laravel.

1. Đương nhiên bắt đầu sẽ là tạo Model

Khi tạo Model bằng command, bạn có thể chỉ định thư mục lưu Model bằng cách nhập tên thư mục trước tên Model. Mình cũng là một người không lưu Model trong thư mục app mặc định bao giờ nên điều này rất hữu ích.

    php artisan make:model Models/Product

Command trên sẽ tạo Model Product trong thư mục app/Models.

2. Casting attributes

Chắc chắn thứ 2 sẽ dành cho $cast.

$cast cung cấp cho chúng ta cách để biến đổi kiểu dữ liệu của các thuộc tính trong DB dù được lưu theo kiểu nào cũng có thể thay đổi được.

// Model Product
protected $casts = [
    'is_published' => 'boolean'
];

Giá trị của $cast là một mảng với key là tên thuộc tính, value là kiểu dữ liệu chúng ta muốn nhận được. Ví dụ như trên, thuộc tính is_published sẽ luôn trả về kiểu boolean dù trong DB được lưu theo kiểu integer.

Các kiểu dữ liệu để cast được hỗ trợ bao gồm: integer, real, float, double, string, boolean, object, array, collection, date, datetime, và timestamp.

Có một lỗi thường hay mắc phải, đó là các thuộc tính kiểu date hoặc datetime được format trong Blade:

{{ $product->created_at->format('Y-m-d') }}

Việc này đôi khi do lười hoặc chưa tìm được cách viết nào ngắn hơn nên có thể sẽ bị lặp ở nhiều chỗ khác nhau sử dụng đến nó. Tuy nhiên sẽ hiệu quả hơn khi sử dụng $cast:

protected $casts = [
    'created_at' => 'datetime:Y-m-d',
];

Từ giờ bạn sẽ không cần format mỗi khi trả về giá trị created_at trong Blade nữa, vì $cast đẫ giải quyết cho bạn rồi.

Tương tự nếu DB bạn lưu dữ liệu theo định dạng JSON. Hãy sử dụng $cast theo kiểu array để đơn giản công việc hơn xem sao nhé.

3. Visibility

Có những thuộc tính không nên được trả về cùng mảng hay chuỗi JSON của Model, điển hình nhất là khi F12 trình duyệt lên xem response chuỗi JSON chi tiết của 1 user khác chúng ta lại thấy cả username lẫn password(dù đã được mã hoá hay chưa) của người ta đúng k =))

Đó là lúc thuộc tính $hidden được sử dụng.

protected $hidden = [
    'password'
];

$hidden giống như việc chúng ta tạo ra một danh sách đen cho các thuộc tính muốn ẩn đi. Ngược lại, nếu muốn một danh sách trắng (whitelist =)) ), chúng ta có thể khai báo $visible theo cách tương tự.

protected $visible = [
    'first_name',
    'last_name'
];

Khi $visible được khai báo trong Model, mặc định tất cả các thuộc tính còn lại sẽ bị ẩn đi giống như cách hoạt động của $fillable hay $guarded.

4. Accessors

Đôi khi bạn muốn định dạng lại kiểu dữ liệu, nhưng không đơn giản như $cast hay giống như vậy nhưng lại không thích dùng $cast, như kiểu trong Model User lỡ định nghĩa 2 thuộc tính first_namelast_name nhưng khách hàng cứ thích hiển thị full name ra cơ. Chả nhẽ chỗ nào cũng nối chuỗi 😐

$this->first_name . ' ' . $this->last_name

Ví dụ vui vui vậy thôi, tuy nhiên với những yêu cầu tương tự, Laravel giúp bạn thực hiện đơn giản hơn nhiều bằng cách tạo ra accessor: phương thức trong Model giúp định nghĩa thuộc tính và dữ liệu trả về cho thuộc tính đó, theo cú pháp:

get[TênPhươngThức]Attribute

Và đây là câu trả lời cho ví dụ full name bên trên:

public function getFullNameAttribute() {
    return "{$this->first_name} {$this->last_name}";
}

Đương nhiên khi nào cần hiển thị full name thì bạn sẽ phải gọi thế này nhé:

$user->full_name

5. Mutators

Mutators tương tự cách hoạt động của Acessors, tuy nhiên ngược lại, nó giúp bạn thao tác với giá trị của các thuộc tính trong Eloquent Model.

Ví dụ DB bạn nhận được yêu cầu hiển thị tên User theo kiểu viết hoa chữ cái đầu. Tuy nhiên sao mà bắt người dùng nhập kiểu đó đây =)) Có những hướng giải quyết như format phía frontend khi hiển thị ra hoặc trước khi gửi request, hoặc backend xử lý trước khi lưu vào DB. Nhìn chung để tránh rủi ro thì lưu thẳng vào DB là cách tốt nhất, tuy nhiên chúng ta có thể chọn cách làm để đơn giản nhất và dễ bảo trì nhất, như Mutators chẳng hạn.

public function setLastNameAttribute($value) {
    $this->attributes['last_name'] = ucfirst($value);
}

Hãy nhớ cấu trúc tên phương thức mutator là set[TênPhươngThức]Attribute nhé

6. Appending values

Khi Model của bạn có chứa các phương thức accessors và các relations, chúng không được add vào array hay JSON mặc định của Model. Để làm được điều này, hãy thêm chúng vào trong thuộc tính $appends của Model đó.

Quay lại với ví dụ accessor getFullNameAttribute, nhét nó vào $appends thôi:

$appends = [
    'full_name'
];

Còn với relations thì sao? Giả sử một User có nhiều Blog, khi đó trong Model User chúng ta có relation như này:

public function blogs() {
    return $this->hasMany(Blog::class);
}

Và bây giờ khi lấy ra User nếu muốn lấy thêm thông tin blogs, hãy định nghĩa relation như trên và nhét thêm blogs vào $append là được.

$appends = [
    'full_name',
    'blogs'
];

Đặc biệt hơn, khi bạn chỉ cần mỗi idtitle của Blog chẳng hạn, hãy làm thế này cho nhẹ nhàng:

$appends = [
    'full_name',
    'blogs:id,title'
];

7. Touches

Khi Model chứa những relations dạng BelongsTo hay BelongsToMany với Model khác, điển hình trong trường hợp Comment BelongsTo Blog. Chỉ là đôi khi, bạn muốn nếu thằng con update thì thằng cha cũng sẽ được cập nhật thời gian update. Khi đó $touches sẽ giúp bạn thực hiện điều này theo cách cực kỳ đơn giản.

Đó là trong Model con là Comment, bạn định nghĩa relation ra và thêm nó vào $touches

class Comment extends Model
{
    protected $touches = ['blog'];

    public function blog()
    {
        return $this->belongsTo(App\Blog::class);
    }
}

Khi Comment được cập nhật, thì nó sẽ tự động cập nhật giá trị của trường updated_at trong Blog cha luôn.

Kết

Trên đây là một số điều mình tìm hiểu được về Model và Eloquent, chắc chắn có những điều các bạn đã biết hoặc biết hết rồi cũng nên =)) Khi đó mong rằng những giải thích hay ví dụ có thể giúp các bạn điều gì đó. Cảm ơn đã theo dõi.

Tham khảo:

https://laravel.com/docs/5.8/eloquent

https://blog.pusher.com/advanced-laravel-eloquent-usage/

https://itnext.io/7-things-you-need-to-know-to-get-the-most-out-of-your-laravel-model-4f915acbb47c


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí