+4

Khái quát về Offshore và nhu cầu BrSE (3/3)

Như vậy chúng ta đã đi qua 2/3 bài viết trong series Khái quát về Offshore và nhu cầu BrSE. Ở bài viết cuối này mình sẽ mang đến cho các bạn thông tin về mức thu nhập bình quân của 1 kỹ sư cầu nối, cũng như một trang web tìm kiếm thông tin tuyển dụng BrSE của Nhật Bản. Thông tin này sẽ rất có ích đối với những bạn kỹ sư cầu nối đang có mong muốn tìm cho mình một cơ hội làm việc trong một công ty IT của Nhật Bản.

Thu nhập bình quân của BrSE và thông tin tuyển dụng BrSE

Thu nhập bình quân của một BrSE

Thu nhập của một kỹ sư cầu nối sẽ phụ thuộc vào địa điểm làm việc. Theo thống kê các thông tin tuyển dụng được đăng tải trên một trang thông tin dành cho kỹ sư IT của Nhật Bản có tên là Furien, thu nhập mỗi năm của một kỹ sư cầu nối là nhân viên của một công ty Nhật Bản sẽ giao động tùy thuộc vào địa điểm làm việc như sau:

・Nhật Bản: 600 vạn Yên, tương đương 1,2 tỉ đồng

・Mỹ : 780 vạn Yên, tương đương 1,5 tỉ đồng

・Trung Quốc: 580 vạn Yên, tương đương 1,2 tỉ đồng

・Việt Nam: 550 vạn Yên, tương đương 1,1 tỉ đồng

Tất nhiên, những con số trên là dành cho một kỹ sư cầu nối làm việc cho một công ti Nhật Bản. Còn đối với các công ty ở Việt Nam, mức lương cho một kỹ sư cầu nối có ~2 năm kinh nghiệm sẽ vào khoảng 400~500 triệu đồng/1 năm.

Thông tin tuyển dụng trên Furien

Furien là một trang web dành cho các kỹ sư IT của Nhật Bản. Trên đó có đăng những tin tức liên quan đến IT và đặc biệt là thông tin tuyển dụng trong lĩnh vực IT. Chúng ta hãy cùng điểm qua một số thông tin tuyển dụng đó.

Mô tả công việc: BrSE cho một dự án về bảo trì hệ thống quản lí bán đồ uống

Mức lương: 50 vạn yên/tháng, tương đương 100 triệu đồng

Địa điểm làm việc: Tỉnh Hyogo, Nhật Bản

Thông tin chi tiết: https://furien.jp/projects/23620/

Mô tả công việc: PMO cho một dự án của công ti tài chính nước ngoài

Mức lương: 80 vạn yên/tháng, tương đương 160 triệu đồng

Địa điểm làm việc: Chiyoda-ku, Tokyo, Nhật Bản

Thông tin chi tiết: https://furien.jp/projects/14027/

Cả 2 job trên đều yêu cầu làm việc cho một công ti Nhật Bản nhưng ứng viên phải có khả năng đi công tác tại Việt Nam. Rất phù hợp cho những bạn muốn làm việc tại Nhật nhưng vẫn muốn về thăm nhà thường xuyên.

Xu hướng tuyển dụng BrSE gần đây

Trước đây thì để có thể trở thành một kỹ sư cầu nối đúng nghĩa, ứng viên phải có cả kinh nghiệm về kỹ thuật. Tuy nhiên thì gần đây, xu hướng tuyển dụng kỹ sư cầu nối chỉ yêu cầu hiểu biết (không yêu cầu kinh nghiệm) về kỹ thuật càng tăng cao. Thậm chí những người thông dịch viên cũng có thể làm kỹ sư cầu nối sau quá trình làm việc lâu dài trong lĩnh vực IT. Nguyên nhân là do kỹ sư cầu nối có thể ngồi làm việc tại cùng văn phòng hoặc có thể trao đổi, giao tiếp dễ dàng với PM, Technical Leader.

Dẫu vậy, tất nhiên một người kỹ sư cầu nối nếu có kinh nghiệm về cả kỹ thuật thì sẽ giúp việc giao tiếp, trao đổi với khách hàng hoặc team member sẽ trở nên nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn. Cho nên những người kỹ sư cầu nối như vậy sẽ được hưởng ưu đãi cao hơn so với những người còn lại.

Tổng kết

Sau series bài viết về Offshore và nhu cầu về Kỹ sư cầu nối này, mình hy vọng các bạn đã có thể nắm được những thông tin cơ bản về làm việc offshore, và cơ hội việc làm cho những bạn có hiểu biết/kinh nghiệm về kỹ thuật đồng thời giỏi tiếng Nhật.

Không chỉ ở Việt Nam mà có rất nhiều cơ hội đang chờ đón bạn ở xứ sở hoa anh đào - một quốc gia cũng đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân lực IT. Bên cạnh việc có được thu nhập cao, thì mình nghĩ được làm việc và trải nghiệm tại Nhật Bản sẽ là một thử thách cũng như một cơ hội rất đáng để đón nhận.

Cuối cùng, xin được gửi lời cảm ơn các bạn đã theo dõi series bài viết của mình. Rất hy vọng sẽ có thể đem đến cho các bạn nhiều thông tin bổ ích ở các bài viết sau.


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí