Giới thiệu văn hoá Nhật Bản: Giáo dục gia đình
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 3 năm
Nguồn: 日本人の心がわかる日本語/Japanese Words to Understand the Japanese Mind
Tác giả: 森田六朗/Morita Rokurou 2011
Ở Nhật, bố mẹ phải dạy trẻ em từ lúc nhỏ về các quy tắc cư xử với người ngoài. Ví dụ, các bậc cha mẹ người Nhật thường xuyên dạy con mình các lễ giáo trong xã hội:
Hãy nhớ chào hỏi người khác.
Khi lỡ làm việc xấu thì phải xin lỗi ngay.
Phải lễ phép với người lớn tuổi.
Không được làm phiền người khác.
Không được ích kỷ, tham lam mà phải biết kiên nhẫn, bao dung, chịu đựng.
Sự giáo dục trong gia đình này trong tiếng Nhật gọi là shitsuke しつけ.
Nếu con cái có các hành vi, thái độ không tốt, thông thường bản thân người con đó không bị đánh giá mà người Nhật sẽ đánh giá sự giáo dục của bố mẹ người đó không tốt.
Ví dụ 1: Gần đây trẻ con không chịu chào hỏi khi gặp người lớn là do bố mẹ chúng không dạy bảo chu đáo.
VÍ dụ 2: Khi còn nhỏ tôi được ông bà nghiêm khắc cấm không được để thức ăn thừa.
Cách nói sự giáo dục của cha mẹ không tốt không chỉ được dùng với trẻ em mà với cả sinh viên đại học, người lớn. Trong văn hoá phương Tây, khi trẻ em lớn lên sẽ sống là một người trưởng thành độc lập với cha mẹ nhưng ở Nhật, dù con cái có lớn đến đâu thì cha mẹ vẫn phải có trách nhiệm với hành vi của con mình. Cách suy nghĩ này gắn liền với quan điểm “bên trong và bên ngoài", gia đình chính là “bên trong", để một người con có thể sống tốt ngoài xã hội thì cần có giáo dục bên trong gia đình và nếu một người sống trong xã hội có những hành vi không tốt thì vấn đề nằm ở giáo dục gia đình.
Trong tiếng Nhật, các cách nói sau cũng rất phổ biến: “Muốn biết mặt mũi bố mẹ (nó) thế nào", “Nhìn thế là biết gốc gác, tổ tông (của nó)”.
Ví dụ 3: Kiến thức thông thường thế này mà cũng không biết thì không hiểu là được giáo dục thế nào. Muốn xem mặt mũi bố mẹ nó thế nào quá.
Ví dụ 4: Mặc đẹp thế kia mà ăn nói như vậy là biết gốc gác thế nào rồi.
Ngoài ra, giáo dục nội bộ shitsuke còn được dùng với thú nuôi hay nhân viên trong một công ty.
Ví dụ 5: Con chó nhà bên cạnh đêm nào cũng sủa inh ỏi. Hẳn là chủ của nó không dạy bảo gì nó.
Ví dụ 6: Giáo dục trong công ty này kém quá. Nhân viên gặp khách hàng mà chẳng chịu chào hỏi gì cả.
Ở ví dụ 6, trách nhiệm giáo dục thuộc về công ty và cấp trên. Ở đây, đối với bên ngoài, toàn công ty thuộc về bên trong và đây là một ví dụ điển hình về việc phân biệt trong, ngoài của người Nhật.
Tìm hiểu sâu thêm
Khi may quần áo, trước khi may chính thức, thợ may thường lược trước đơn giản bằng chỉ. Việc này gọi là shitsuke. Giáo dục gia đình cũng vậy. Để một người có thể sống biết lễ nghĩa trong xã hội, giáo dục gia đình được gọi là shitsuke.
Chữ Hán của chữ shitsuke là 躾. Chữ này được ghép từ 2 chữ “bản thân” 身 và chữ “mỹ" 美 với ý nghĩa là làm cho bản thân trở nên đẹp đẽ.
Chữ Hán trong tiếng Nhật đa số xuất phát từ Trung Quốc nhưng cũng có một số chữ được gọi là quốc tự là do người Nhật tự sáng tạo ra trong đó có chữ shitsuke này. Ví dụ các chữ khác như 辻, 榊, 峠, 裃, 畠. Những quốc tự này ngược lại lại du nhập từ Nhật Bản vào Trung Quốc như chữ 辻. Ngoài ra còn nhiều chữ thuộc về bộ cá như 鰯, 鱈, 鱚, 鯱, 鮗...cũng được người Nhật sáng tạo do Nhật bản là một quốc đảo bao bọc bởi các đại dương nên cá có quan hệ mật thiết với đời sống của người dân Nhật.
Tóm lại, chữ Hán shitsuke (giáo dục gia đình) được ghép từ 2 chữ bản thân và chữ mỹ với ý nghĩa làm đẹp bản thân mình thể hiện sự tinh tế của người Nhật.
All rights reserved