+6

Edx2 - Ưu nhược điểm của các mô hình trực tuyến hiện tại

2. Ưu nhược điểm của các mô hình trực tuyến hiện tại

Học trực tuyến chắc chắn sẽ là một lựa chọn phù hợp, nhưng bản thân mô hình đào tạo trực tuyến này sau vài chục năm phát triển cũng đã tồn tại dưới nhiều mô hình khác nhau. Dưới đây là 2 mô hình đào tạo trực tuyến phổ biến hiện tại:

  • Mô hình đào tạo trực tuyến Moodle (Modular Object-Oriented Dynamic Learning Environment)
  • Mô hình đào tạo dạng Blended Learning dựa trên công cụ Microsoft Teams

2.1 Mô hình đào tạo trực tuyến Moodle

Mô hình đào tạo trực tuyến Moodle (Modular Object-Oriented Dynamic Learning Environment) là một phần mềm dành cho một hệ thống đào tạo trực tuyến LMS – Learning Management System. Mô hình đào tạo trực tuyến Moodle với giao diện trực quan rất dễ để sử dụng. Giảng viên chỉ cần một thời gian ngắn để làm quen và có thể sử dụng hệ thống. Moodle được xây dựng trên sự linh hoạt và đa dạng, có thể dễ dàng tương thích với nhiều người dùng. Với thiết kế dạng module, người dùng có thể bổ sung các tính năng bằng cách thêm các tiện ích khác nhau bổ sung vào hệ thống.

Nhược điểm của Mô hình đào tạo Moodle:

  • Bài học tương tác dạng tiêu chuẩn cho hệ thống đào tạo trực tuyến SCORM (Sharable Content Object Reference Model) phải trải qua 2-3 bước để vào bài học, không thuận tiện như các giao diện LMS khác với outline khóa học hiển thị 1 bên, màn hình hiển thị bài học 1 bên rất trực quan cho người học.
  • Khó tùy chỉnh theo mong muốn của từng đơn vị, vì phải theo cấu trúc dữ liệu của Moodle.
  • Giao diện Moodle khó thay đổi.
  • Chưa tối ưu cho lượng truy cập lớn. Nhiều đơn vị đang sử dụng Moodle tại Việt Nam đang có hiện tượng quá tải (treo, giật) khi upload nhiều dữ liệu hay có số lượng truy cập tại một thời điểm khi học, thi từ 200-300 users trở lên.
  • Hệ thống Moodle tốn tài nguyên máy chủ hơn nhiều so với hệ thống thông thường.
  • Mỗi khi tổ chức 1 lớp học lại phải tạo 1 khóa học mới trên hệ thống (dù khóa học đó được sử dụng nhiều lần) dẫn đến việc tốn tài nguyên lưu trữ máy chủ (Hệ thống Moodle tốn tài nguyên máy chủ hơn gấp 2-3 lần so với hệ thống chuyên nghiệp khác) và khó kiểm soát các phiên bản khác nhau của cùng một khóa học.
  • Không có sẵn các tính năng quản lý người dùng theo kết cấu phòng ban/khoa/cơ sở/hình thức học (ĐH, CĐ, Chính quy, liên kết, cao học, từ xa...), cần xây dựng thêm các hệ thống quản lý, báo cáo đầy đủ hơn, ... Chi phí cho IT customize không nhỏ mà hiệu quả chắc chắn không như ý muốn. Tuy chi phí ban đầu thấp nhưng tổng chi phí đầu tư ban đầu, tùy chỉnh và duy trì thường cao hơn so với đầu tư một hệ thống mới khác.
  • Việc học có thể buồn tẻ: Một số học viên sẽ cảm thấy thiếu những mối quan hệ giữa bạn bè và sự tiếp xúc trên lớp.
  • Việc theo dõi quá trình học tập của học viên thông qua diễn đàn, bài kiểm tra, bài thu hoạch,... làm cho việc đánh giá khả năng học tập của học sinh nhiều khi không khách quan và thiếu chính xác.

2.2 Mô hình đào tạo dạng Blended Learning dựa trên công cụ Microsoft Teams

Mô hình học trên nền tảng của Microsoft Teams đó là Blended Learning, là sự kết hợp giữa lớp học trực tuyến và lớp học truyền thống. Mỗi lớp học được tổ chức trên ứng dụng Microsoft Teams cần có sự có sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên và tương tác của sinh viên tại thời điểm lớp học được diễn ra.

Nhược điểm của mô hình học trực tuyến Microsoft Teams:

  • Quá trình giảng dạy được triển khai dưới dạng luồng video trực tuyến. Nên đòi hỏi giảng viên và người học phải có thiết bị ghi hình và có đường truyền mạng đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.
  • Hệ thống đóng vai trò là một công cụ hỗ trợ, tạo môi trường giúp giảng viên truyền đạt nội dung bài học đến người học. Không có các tác vụ quản lý quá trình, điểm số, chất lượng cũng như kết quả học tập của người học. Quá tập trung vào việc truyền tải và lưu trữ học liệu, không có tính tương tác của hệ thống với người dùng.
  • Chi phí triển khai lớp học đang phụ thuộc vào phía cung cấp dịch vụ, muốn triển khai giáo dục theo đối tượng, phạm vi cụ thể cần một lượng chi phí không nhỏ.
  • Quá trình giảng dạy đang triển khai trên hệ thống dưới dạng các cuộc meeting, nội dung sẽ được lưu lại dưới dạng video. Với thời lượng tiết học dài, video lưu trữ sẽ có độ dài khá lớn gây khó khăn cho người học trong việc truy cập tới một nội dung cụ thể trong một buổi học. Việc video quá dài kèm theo học liệu không tạo được sự liên kết khiến học viên khó khăn trong việc tổ chức cũng như đưa ra kế hoạch học tập cho người học.

2.3 Sự khác nhau cơ bản giữa 2 mô hình

Sự khác nhau cơ bản giữa 2 mô hình dựa trên công cụ mà nó triển khai:

Moodle Microsoft Teams
Khó tùy chình cho phù hợp Đòi hỏi chất lượng thiết bị
Chưa tối ưu cho lượng truy cập lớn Không quản lý được quá trình, điểm số, ...
Không hỗ trợ tổ chức quản lý theo phòng ban/khoa/cơ sở/hình thức học (Đại học, Cao học, Chính quy, Liên kết, Cao học) Khó triển khai với số lượng sinh viên lớn

Done. Bài này là bài thứ 2 trong chuỗi các bài về Open edx. Mời các bạn đón đọc số thứ 2 link ở đây.

2.4 Mô hình đào tạo trực tuyến mở số lượng lớn MOOC

Hiện tại, về cơ bản trên Thế giới có 2 mô hình chính:

  • Mô hình eLearning truyền thống: thông qua LMS để đưa việc đào tạo truyền thống lên môi trường Internet. Mô hình này đã trở nên quen thuộc (ý tưởng phát triển từ những năm 1960s) và đang được triển khai rộng khắp. Ở Việt Nam, LMS quen thuộc có thể kể tới nền tảng mở Moodle.
  • Mô hình đào tạo trực tuyến mở số lượng lớn - MOOC (Massive Open Online Course): hướng tới việc cung cấp các khóa học trực tuyến với số lượng người dùng không giới hạn và truy cập mở thông qua web. So với cách triển khai học trực tuyến trên các LMS truyền thống như Moodle, MOOC vượt trội ở khả năng phục vụ người dùng (hàng trăm nghìn, vài triệu đến cả chục triệu), cũng như cung cấp các công cụ nâng cao khả năng tương tác giữa người học và người dạy (tích hợp trao đổi/thảo luận trên mạng xã hội, cung cấp cơ chế phản hồi nhanh của người học với trắc nghiệm/bài tập...).

Mô hình đào tạo trực tuyến mở số lượng lớn - MOOC (Massive Open Online Courses) có mối quan hệ chặt chẽ với đào tạo từ xa - Distance learning. Distance learning vốn bắt nguồn từ thế kỉ 19. Ở thời điểm đó, Distance learning chỉ đơn thuần là gửi tài liệu học tập đến cho học viên thông qua đường bưu điện. Cùng với sự phát triển về công nghệ ở thế kỉ 20, lần lượt các hình thức bổ trợ cho đào tạo từ xa ra đời, như audio (thông qua băng đài, radio) hay truyền hình.

Những năm cuối thế kỉ 20, sự phát triển của Internet mang đến nhiều hướng tiếp cận mới cho Distance learning. Giai đoạn này đánh dấu sự chuyển đổi từ mô hình Distance learning truyền thống sang e-learning. Điểm khác biệt chính của e-learning so với Distance learning là các nguồn tài liệu chủ yếu được phân phối qua bcác hệ thống mạng máy tính. Tuy nhiên, ở giai đoạn này các khóa học e-learning vẫn mang tính một chiều và thiếu sự tương tác với người học.

Do nhu cầu tương tác với người dùng tăng cao, Web 2.0 được phát triển và các hệ thống e-learning cũng đi theo xu hướng với việc thêm các tính năng như diễn đàn - forum, trò chuyện - chat, hay các hệ thống quản lý học viên (LMS – Learning Management System). Nội dung và cách phân phối các nguồn tài nguyên học tập cũng dần trở nên đa dạng hơn, từ những video bài giảng được ghi lại từ các lớp học truyền thống cho đến các nguồn tài nguyên cho phép người dùng tải về.

MOOC chỉ thực sự bùng nổ thành một trào lưu từ năm 2012 khi mà các platform lớn như Coursera, edX, Udacity hay FutureLearn được giới thiệu. Các platform này thường có điểm chung là được nhận sự hỗ trợ từ các trường đại học cũng như giới học thuật. Các tính năng như quản lý tiến độ khóa học, bài thi hay quản lý việc cấp chứng chỉ cũng được phát triển tốt hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người học. Hiện một số chương trình trên các nền tảng này đã cho phép đổi ra tín chỉ tương đương ở các trường Đại học truyền thống.

Tương tự như đào tạo từ xa - Distance learning, các khóa học MOOC được triển khai và cung cấp qua Internet. Một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt của MOOC so với các khóa đào tạo từ xa truyền thống là số lượng người đăng kí - Subscriber có thể lên đến hàng ngàn người học và thường không giới hạn hay ràng buộc về điều kiện tham dự cũng như phí đăng kí.

Bên cạnh việc cung cấp kiến thức đến cho học viên, các nền tảng lớn về MOOC còn đặt mục tiêu làm cho các khóa học của họ được công nhận rộng rãi. Để giải quyết vấn đề trên, họ đã hợp tác với nhiều đối tác từ các trường Đại học cho đến các công ty, tổ chức lớn, có thể kể đến edX với các khóa học Professional Education hay chương trình MicroMasters (học viên có thể quy đổi ra credit để học tiếp lên các chương trình bậc sau Đại học tương ứng ở các trường Đại học đối tác), hoặc Coursera với các khóa học Specializations (học viên trả phí hàng tháng để truy cập vào các khóa học thuộc một chủ đề cụ thể).

2.5 So sánh Mô hình MOOC với các mô hình đào tạo trực tuyến hiện tại

So sánh Mô hình MOOC với các mô hình đào tạo trực tuyến hiện tại:

Tiêu chí eLearning Truyền thống eLearning theo MOOC
Quy mô Số lượng người học hạn chế, thông thường phục vụ cho một đơn vị đào tạo. Số lượng người học rất lớn (gần như không giới hạn), có thể lên tới hàng triệu người.
Hình thức Tương tự như lớp học truyền thống với các mốc thời gian cố định theo lịch trình giảng dạy của đơn vị. Có thể triển khai tương tự truyền thống, nhưng vẫn có thể triển khai mềm dẻo theo người học.
Nội dung Được thiết kế trước, sau đó đưa lên LMS và thường không thay đổi trong quá trình học. Nội dung được cập nhật thường xuyên, hệ thống cung cấp công cụ để người dạy, và người học dễ dàng chia sẻ các tài nguyên mới, thậm chí từ các mạng xã hội để phong phú tài liệu giảng dạy.
Tương tác Học theo định hướng mỗi cá nhân theo đuổi việc học riêng rẽ, sự công tác giữa người học hạn chế. Vừa theo định hướng cá nhân, vừa cung cấp công cụ cho học việc cộng tác học theo nhóm
Tổng quan Phù hợp với cách tổ chức lớp học truyền thống, và quy mô không lớn. Phù hợp triển khai trong nội bộ một đơn vị. Bao trùm cả mô hình truyền thống, tuy nhiên mềm dẻo hơn, tiếp cận hiện đại hơn, cũng như khả năng đáp ứng số lượng người dùng lớn hơn. Phù hợp triển khai thành nền tảng dùng chung cho một liên minh các đơn vị, hoặc mở cho cộng đồng.

Một số đại diện tiêu biểu của MOOC có thể kể tới: Coursera, Udemy, eDX. Trong đó, hai đại diện đầu có (có thể) thu phí, còn edX là hoàn toàn miễn phí và được phát triển bởi MIT và Harvard, và được triển khai trên nền tảng mã nguồn mở Open edX. Open edX hiện đang được các đại học lớn và uy tín trên Thế giới đưa vào sử dụng, như: MIT, Harvard, Stanford, ngoài ra còn có thể kể tới các tập đoàn công nghệ hàng đầu như: Google, Amazon Web Services... Hiện tại một số quốc gia và tổ chức đã triển khai Open edX với số lượng người dùng được thống kê như sau:

  • edx.org: với hơn 15 triệu người học.
  • Liên minh một số trường ĐH lớn của Trung Quốc: Thanh Hoa, Bắc Kinh... và được Chính phủ Trung Quốc tài trợ: nền tảng XuetangX: hơn 5 triệu người học.
  • Liên minh một số trường ĐH lớn của Pháp (được chính phủ Pháp tài trợ): nền tảng FUN với hơn 1 triệu người học.
  • Viện Học sâu của NVIDIA: hơn 600 nghìn người học...
  • Tại Việt Nam hiện cũng đang có một vài đại diện tham gia triển khai như FPT education với hệ thống funix – đại học trực tuyến, tuy nhiên hệ thống này là một hệ thống đóng cho fpt và các khóa học có trong hệ thống gần giống với học trực tuyến dựa trên các khoa học chứ chưa phải đại học trực tuyến có các chương trình đào tạo cụ thể.

Qua kinh nghiệm triển khai ở các nước và tổ chức này có thể thấy rằng, nền tảng kèm theo đó là hạ tầng công nghệ có thể được phát triển, triển khai và vận hành bởi một đơn vị, nhưng để MOOC tồn tại và phát triển được thì sự liên minh giữa các đơn vị; hay việc áp dụng cách tiếp cận mở, tạo điều kiện để các đơn vị tham gia một cách thuận tiện; với phương án tiếp cận về mô hình kinh doanh phù hợp (ví dụ: phi lợi nhuận) sẽ góp phần tạo nên sự thành công.

Từ những lợi ích của MOOC đem lại, nhóm chúng tôi nhận thấy cần phải triển khai mô hình này tại Việt Nam.


Done. Bài này là bài đầu thứ 2 trong chuỗi các bài về Open edx. Mời các bạn đón đọc số thứ 3 link ở đây. Cảm ơn mọi người đã quan tâm.


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí