+1

Don't click this!

do-not-press.jpg

Bài viết dưới đây được dịch từ bài gốc - Don’t Click This . Bài viết này sẽ cung cấp một số khái niệm cơ bản về tâm lý học nghịch đảo và biểu hiện - ứng dụng của chúng trong đời sống thường ngày.)

Ngay cả khi tôi yêu cầu bạn “Đừng click vào đây”, bạn vẫn cứ click. Và, bạn đã rơi vào cái bẫy kinh điển khi click đọc bài viết này. Để làm được điều này, chúng tôi đã dùng chiến thuật được gọi là bất tuân thủ, hay thường được biết đến với cái tên tâm lý học nghịch đảo.

Tâm lý học nghịch đảo được dùng khi ta làm cho một người nào đó tin, hoặc làm hành động gì đó bằng cách gợi ý điều ngược lại. Nó có tác dụng bởi ta thường không muốn bị sai khiến phải làm gì - nhiều đến mức ta làm những điều ta không muốn làm hay không muốn tin, chỉ để khẳng định sự tự chủ của bản thân mình, kể cả khi đó là những điều vô lý hay đi ngược lại sở thích bản thân. Và ta cũng quá cứng đầu đến nỗi không nhận ra mình đang làm như vậy.

Phần lớn mọi người đều cho rằng, chiêu này chỉ có tác dụng với trẻ con, và khái niệm mơ hồ này cần bị loại bỏ khỏi tâm lý học hiện đại. Vậy nhưng, những ảnh hưởng của nó là thật, và ta có thể sử dụng chúng trong cuộc sống hàng ngày với hiệu quả đáng ngạc nhiên. Dĩ nhiên nó không có tác dụng với tất cả mọi người trong bất kì hoàn cảnh nào - thậm chí có khi còn phản tác dụng - nhưng nếu ta dùng chúng đúng cách và có trách nhiệm, nó hoàn toàn có thể giúp ta đối phó với những người khó tính, cũng làm cho người khác làm những điều tốt cho chính bản thân họ.

Vậy, tại sao tâm lý học nghịch đảo lại có hiệu quả? Bằng cách đi ngược lại cái được yêu cầu, ta đang tự tái lập sự tự chủ và tự quyết của mình. Hành vi này mang tính thích ứng, và có thể bắt nguồn từ lịch sử tiến hóa của con người.

Theo nhà tâm lý học Paul Nail (Đại học Central Arkansa), việc làm trái ý người khác thường là khi ta muốn nâng cao vị thế bản thân trong xã hội. Một người cau có khó chịu có vị trí thấp trong totem xã hội có thể phá vỡ sự hài hòa trong một nhóm nhằm thu hút sự chú ý và phục tùng của những người khác. Kết qủa là việc này có thể làm cho người đó gia tăng vị thế, hay thậm chí là thay thế lãnh đạo hiện tại.

Về mặt tâm lý học, hành vi này là kết quả của một hiện tượng được gọi là "reactance" (phản kháng) - một khái niệm được đúc kết bởi nhà tâm lý học Jack Brehm từ những năm 1960. Reactance là cảm giác khó chịu khi quyền tự do lựa chọn của ta bị đe dọa. Điều này làm ta muốn đi ngược lại xu hướng, và làm ta thực hiện điều ngược lại với những gì người khác nói với ta. Không ngạc nhiên gì khi tâm lý học nghịch đảo có tác dụng nhất là với những người dễ thích nghi với sự thay đổi và thường cau có khó chịu.

Theo những gì nhà tâm lý học Jeff Greenberg (Đại học Arizona Tucson) chia sẻ với chúng tôi: “Quyền tự do lựa chọn thường mang lại quyền kiểm soát...điều này cho phép con người ta làm những gì có lợi cho họ nhất.” Từ bỏ quyền kiểm soát và không chiến đấu cho lợi ích cá nhân đôi khi mang lại thiệt hại nên xu hướng phản kháng của chúng ta rất có thể là sản phẩm của quá trình tiến hóa.

Trẻ em là dễ bị chi phối bởi hiệu ứng tâm lý này. Phản kháng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của chúng. Theo sự quan sát của nhà tâm lý học người Áo Otto Rank hơn 1 thế kỉ trước, mong muốn của một đứa trẻ thường xuất hiện như hình thức phản kháng lại sự ép buộc, và chúng học nói "không" trước khi nói "có". Đi ngược lại sự kiểm soát của cha mẹ là cách trẻ con phát triển nhận thức của chúng về cá nhân, và cũng là cách mà ý thức về sự kiểm soát dần xuất hiện.

Tâm lý học nghịch đảo cũng có thể áp dụng với người lớn. Trong 1 cuốn sách mà Paul Nail là đồng tác giả, người ta đã khảo sát 200 sinh viên về cách họ dùng tâm lý học nghịch đảo và ảnh hưởng có chúng tới chiến thuật của họ. 2/3 trong số đó cho biết họ dùng kĩ thuật thuyết phục này trong cuộc sống hàng ngày khá thường xuyên. Nhưng nghiên cứu đó đồng thời cũng chỉ ra không phải tất cả các dạng tâm lý học nghịch đảo đều giống nhau. Trong một vài trường hợp, các sinh viên dùng chúng để gợi lra phản ứng yên tâm. "Một số sinh viên có vẻ như tự hạ thấp bản thân trước mặt bạn bè với mong muốn nhận được sự ủng hộ về mặt xã hội, hoặc sự yên tâm", Nail cho biết. Điều này khá kì lạ, nhưng nó lại thực sự hiệu quả.

Khi áp dụng tâm lý học nghịch đảo, hãy tránh đưa ra những chỉ thị không thực sự cần thiết, hoặc quá độc đoán. Vào năm 1976, James W. Pennebaker và Deborah Yates Sanders đã thực hiện một thí nghiệm có tên tương tự với bài viết này. Các nhà nghiên cứu đặt một trong 2 tấm biển sau trên tường toilet ở trường đại học, một tấm có nội dung "Đừng viết lên tường trong bất kì hoàn cảnh nào", trong khi tấm còn lại chỉ viết đơn giản "Xin đừng viết lên tường". Sau 2 tuần, những bức tường có treo tấm biển viết "trong bất kì trường hợp nào" bị vẽ graffiti nhiều hơn nhiều so với những bức tường treo biển kia.

Thủ thuật tương tự có thể được áp dụng cho chiến dịch chính trị. Đôi khi, ý kiến có thể bị dao động. Các nhà tâm lý học từng thực hiện thí nghiệm về thái độ của sinh viên đại học trước và sau khi một bài thuyết trình ủng hộ kí túc xá chung nam - nữ bị cấm. Sau khi bài thuyết trình bị cấm, số người ủng hộ kí túc xá chung nam - nữ đã tăng lên.

Một cách khác để đạt được những gì bạn muốn là yêu cầu người khác đừng đưa chúng cho bạn. Năm 2013, Lady Gaga đã đề nghị người hâm mộ đừng mua album mới nhất của cô - ARTPOP, với lý do cô "không còn là một nghệ sĩ đích thực" nữa. Ban nhạc Queen cũng đã làm điều tương tự khi quảng bá cho “Bohemian Rhapsody,” bằng cách nói với các DJ rằng họ không nên chơi bản nhạc này vì độ dài của nó.

Ngược lại, bạn cũng có thể nói với người khác cái mà bạn muốn, khi đã biết chắc chắn rằng họ sẽ nói không, rồi mới đưa ra phương án thay thế - là cái bạn thực sự muốn. Hãy thử chiến thuật này lần tới khi bạn và bạn mình tranh cãi về việc nên xem phim nào, và thử xem liệu họ có chọn bộ phim bạn thích để chọc tức bạn không. (đầu tiên hãy đề xuất một bộ phim mà bạn chắc chắn họ sẽ không thích, rồi sau đó đề xuất bộ phim bạn thực sự muốn xem, xem liệu họ có chọn bộ phim thứ 2 không). Đây là tình huống đôi bên dùng có lợi, khi mà bạn được xem cái mình muốn còn bạn bạn thì "được chọn" cái mà họ muốn.

Hoặc, hãy thử xem xét trường hợp một người không thích bạn trai mới của con gái mình. Để tránh cho con gái mình quá gắn bó với cậu trai kia, người cha giả vờ thích cậu bạn trai mới. "Ca sĩ nhạc đồng quê Mel Tillis kể rằng, cha anh luôn "đối lập hoàn toàn" với mẹ anh, luôn luôn bất đồng với những gì bà muốn". Nail kể. "Nếu bà ấy muốn đi ăn thịt nướng, ông sẽ đưa bà đi ăn đồ Mexico, và ngược lại. Kết cục là bà học được cách đề nghị cái mình không muốn để đạt được cái mình muốn."

Tuy vậy, Nail khẳng định ông không tán thành dùng mẹo này để gây ảnh hưởng đến người khác. "Nó hàm chưa cả sự lừa dối và bản chất của nó là sự thủ đoạn". Và nó thường chỉ có tác dụng khi có khoảng cách đáng kể trong nhận thức - kĩ năng xã hội, tuổi tác và kinh nghiệm giữa "người điều khiển" và mục tiêu của họ. Theo các đồng nghiệp của Nail, Greenberg, nó cũng có thể phản tác dụng: "Nếu sự tự do (lựa chọn) không quá quan trọng, và mối đe dọa lại quá nghiêm trọng để phản kháng, thì người kia hoàn toàn có thể làm theo mệnh lệnh của bạn và vì lý do đó, gây ra hệ quả trái ngược với mong muốn."

Có một cách trị liệu tâm lý gọi là nghịch lý can thiệp sử dụng thành công tâm lý học đảo ngược để thay đổi hành vi bệnh nhân. Nhưng thay vì lừa bệnh nhân, nhà trị liệu sẽ cố gắng hướng hành vi bệnh nhân theo hướng đúng. Họ dùng tâm lý học nghịch đảo để củng cố sự tự chủ của bệnh nhân. Với những ai đang muốn áp dụng tâm lý học nghịch đảo, Nail cho rằng cần cẩn thận và khôn khéo vì nó có thể phản tác dụng. Và với những người "bị điều khiển", tốt nhất là hãy nói với người đang cố gắng "điều khiển" mình cái họ đang làm. Nail cho biết: "Theo kinh nghiệm bản thân của tôi thì một khi trò lừa bị lộ tẩy, quyền lực xã hội sẽ được chuyển giao từ người đặt bẫy sang nạn nhân."

Tham khảo
Reverse psychology
Reactance (psychology)
Đừng click vào đây!
Is there really such a thing as reverse psychology?
How Does Reverse Psychology Work?


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí