+82

Cuối cùng thì Event loop là gì?

Đặt vấn đề

Vài tháng trước, mình có một buổi presentation về Javascript core nên cũng có tìm hiểu qua về một số khái niệm cơ bản và hay ho như nhân V8 (Google), Event-Driven, Non-blocking I/O, Event Loop… những khái niệm giúp JS tận dụng sức mạnh của phần cứng.

Một trong khái niệm mình cảm thấy khá trừu tượng trong JavascriptEvent loop. Thật sự cảm thấy "khoai mì" để có thể hiểu chính xác Event loop trong Javascript làm gì? Rốt cục tất cả những thứ trên là cái gì? Hoạt động thế nào? và Tại sao nó mang lại lợi ích?

Bài viết này sẽ xoay quanh các vấn đề về Event loop trong Javascript, hy vọng có thể làm sáng tỏ cũng như giúp các bạn cảm thấy nó không còn phức tạp nữa.

Một số khái niệm cơ bản

Tất cả các ngôn ngữ lập trình đều được sinh ra để làm thứ ngôn ngữ giao tiếp giữa người và máy. Dù là ngôn ngữ gì đi chăng nữa thì cuối cùng vẫn phải dịch ra mã máy, được load lên memory, chạy từng dòng lệnh, ghi các dữ liệu tạm thời ra bộ nhớ, ổ đĩa rồi giao tiếp các thiết bị ngoại vi… Thế nên để cho tiện thì trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu một số khái niệm cơ bản nhé 😛😛

Stack

Stack là một vùng nhớ đặc biệt trên con chip máy tính phục vụ cho quá trình thực thi các dòng lệnh.

Dòng lệnh cụ thể ở đây là các hàm. Hàm chẳng qua là một nhóm các lệnh. Một chương trình thì gồm một nhóm các hàm phối hợp với nhau. Mỗi khi một hàm được gọi thì nó sẽ được đẩy vào một hàng đợi đặc biệt có tên là stack. Stack là một hàng đợi kiểu LIFO (Last In First Out), nghĩa là vào đầu tiên thì ra sau cùng.

Một hàm chỉ được lấy ra khỏi stack khi nó hoàn thành và return.

Một ví dụ cụ thể, xét trong một hàm Foo() có gọi một hàm khác ( hàm Bar()) thì trạng thái hiện tại của hàm Foo() được cất giữ trong stack và hàm Bar() sẽ được chèn vào stack. Vì đây là hàng đợi LIFO nên Bar() sẽ được xử lý trước Foo(). Khi Bar() xong và return thì mới đến lượt Foo() được xử lý. Khi Foo được xử lý xong và return thì Stack rỗng và sẽ đợi các hàm tiếp theo được đẩy vào.

Heap

Heap là vùng nhớ được dùng để chứa kết quả tạm phục vụ cho việc thực thi các hàm trong stack.


Heap càng lớn thì khả năng tính toán càng cao. Heap có thể được cấp phát tĩnh hoặc cấp phát động.

Event loop

Overview

Trước giờ vẫn nghe nói NodeJs có thể xử lý cả hàng ngàn request cùng một lúc mặc dù nó là kiểu single-thread. Nếu như ở PHP hay Java thì với mỗi một request sẽ sinh ra một thread để xử lý request đó (multi-thread), các thread hoạt động độc lập, được cấp bộ nhớ, giao tiếp ngoại vi và trả về kết quả. Vậy làm thế nào để NodeJs có thể xử lý cả ngàn request một lúc với chỉ một thread duy nhất?

Trên web browser thì trong khi fetch data từ các url thì người dùng vẫn có thể thực hiện các thao tác khác như click button và gõ vào các ô textbox. Lý do chúng ta có thể chạy song song được là trình duyệt không đơn giản chỉ là Runtime. Javascript Runtime chỉ làm mỗi lúc một việc nhưng trình duyệt cho chúng ta nhiều thứ khác. Tất cả là nhờ có các Web APIs làm việc hiệu quả với các threads và cơ chế hoạt động của Event loop.

Event loop là cơ chế giúp Javascript có thể thực hiện nhiều thao tác cùng một lúc (concurrency)


Tuy Js Runtime chỉ có một thread duy nhất nhưng các Web APIs giúp nó giao tiếp với thế giới multi-thread bên ngoài, tận dụng các con chip đa nhân vốn rất phổ biến hiện nay.
Web APIs giúp đẩy các job ra bên ngoài và chỉ tạo ra các sự kiện kèm theo các handler gắn với các sự kiện. Kể cả đối với NodeJs khi không có Web APIs thì nó vẫn có các cơ chế tương đương khác giúp đẩy job ra bên ngoài và chỉ quản lý các đầu việc.

Cơ chế quản lý theo đầu việc là bí kíp giúp JS Runtime có thể xử lý hàng ngàn tác vụ cùng một lúc


Hãy thử tưởng tượng rằng bạn đang ở một trang web và bấm vào một nút trên trang web, sau đó trang web bị treo. Bạn sẽ thử bấm vào các nút khác nhưng không được, các nút khác không hoạt động. Nguyên nhân của việc này (giả sử không có lỗi) là do các nút bấm sau đó kích hoạt các đoạn Javascript nhưng đã bị block.

Vậy Javascript xử lý một dòng lệnh tại cùng một thời điểm như thế nào? Và điều gì tạo nên tính chất Non-blocking? Mình cùng tìm hiểu thêm nào 😛😛

Event loop hoạt động như thế nào?

Đúng như cái tên thôi, Event loop có một vòng lặp vô tận trong Javascript Runtime (V8 trong Google Chrome) dùng để lắng nghe các Event.

Nhiệm vụ của Event loop rất đơn giản đó là đọc StackEvent Queue. Nếu nhận thấy Stack rỗng nó sẽ nhặt Event đầu tiên trong Event QueueHandler (callback hoặc listener) gắn với event đó và đẩy vào Stack.

Đặc điểm của việc thực thi hàm trong JS là sẽ chỉ dừng lại khi hàm return hoặc throw exception.

Điều này có nghĩa là trong khi hàm đang chạy thì sẽ không có một hàm khác được chạy, dữ liệu tạm của hàm cũng sẽ không bị thay đổi bởi một hàm khác hay cũng không bị dừng lại cho đến khi hoàn thành (ngoại trừ yield trong ES6).

Ngoài stack ra, JS Runtime còn thao tác với một callback queue hay event queue. Event queue này khác với stack ở chỗ nó là queue kiểu FIFO (First In First Out).

Mỗi khi có một Event được tạo ra, ví dụ user click vào một Button thì một Event sẽ được đẩy vào Event queue cùng với một handler (event listener) gắn với nó. Nếu một Event không có listener thì nó sẽ bị mất và không được đẩy vào Event queue.

Để cho dễ hình dung cách thức hoạt động của Event Loop ta lấy một ví dụ như sau:

const fs = require('fs');

function someAsyncOperation(callback) {
  const startCallback = Date.now();
  // giả sử đọc file hết 98ms
  fs.readFile('/path/to/file', callback);
}

const timeoutScheduled = Date.now();

setTimeout(function logInfo() => {
  const delay = Date.now() - timeoutScheduled;
  console.log(`${delay}ms have passed since I was scheduled`);
}, 100);


// đọc file xong sẽ tiếp tục chờ thêm 10ms
someAsyncOperation(function readFileAsync() => {
  // chờ 10ms
  while (Date.now() - startCallback < 10) {
    // do nothing
  }
});

Flow của đoạn script này sẽ như sau:

  • Đầu tiên phần khai báo biến và hàm sẽ được chạy nhưng không được đẩy vào stack (vì hàm chưa được gọi mà^^).

  • Tiếp đó, setTimeout() sẽ được đẩy vào stack và thực hiện.
    Hàm này không có trong Javascript Runtime V8 đâu nhé, nó được cung cấp bởi Browser, hỗ trợ Javascript Runtime.

    • Lúc này, nó sẽ khởi tạo một bộ đếm Timer() có trong web APIs (nghĩa là khi setTimeout() được gọi, bản thân nó đã chạy xong luôn rồi và sẽ được lấy ra khỏi stack).
      Bây giờ, tới Timer(), trong 100s tới, nó không thể "chọt chẹt" vào đoạn script, cũng ko thể "chọt chẹt" vào Stack. Kể cả setTimeout(cb, 0). Bởi vì nếu nó làm vậy thì stack sẽ loạn lên mất. Đó là lý do có Task queue (Callback queue).

    • Bất kì web APIs nào cũng sẽ đưa callback vào Task queue khi nó hoàn thành. Đó chính là Event loop đã định nghĩa ở trên.

Công việc của Event loop là theo dõi stack và ngó qua Task queue, nếu stack trống thì lấy callback trong task queue đẩy vào stack

  • Sau đúng 100ms thì nó sẽ đẩy logInfo() (là một callback hoặc có thể gọi là một event listener cũng được) vào Event Queue.

  • Kế đến sẽ chạy hàm someAsyncOperation() và đẩy vào stack, vì hàm này async và có callback readFileAsync() nên readFileAsync() được đẩy luôn vào Event Queue mà không phải chờ như setTimeout để hứng sự kiện đọc xong file (sau 98ms).

  • Để ý là Stack LIFO nên someAsyncOperation() sẽ nằm dưới cùng còn Event Queue FIFO nên readFileAsync sẽ nằm trên cùng.

  • Sau khi readFileAsync() được đẩy vào Event Queue thì someAsyncOperation() return và được lấy ra khỏi Stack. Lúc này Stack không có gì nên Event Queue sẽ được đọc, nên nhớ là Event Queue chỉ được đọc khi Stack trống rỗng. readFileAsync() sẽ được đẩy vào Event Queue trước vì nó chỉ mất có 98ms trong khi logInfo() thì phải chờ 100ms. readFileAsync() này sẽ được lấy khỏi Event Queue và đẩy vào stack để chạy.

  • readFileAsync() sẽ gặp vòng while và dừng ở đó 10ms. Vậy tổng cộng hàm đọc file sẽ mất 105ms để hoàn thành. Nhưng ở giây thứ 100 thì logInfo() được đẩy vào Event Queue (lúc này đã rỗng) trong khi readFileAsync thì còn phải mất thêm 8ms nữa mới hoàn thành. Vì cơ chế của Javascript là chạy đến khi hoàn thành mới thôi nên logInfo() không có cách nào để dừng readFileAsync() lại để chiếm quyền điều khiển, trừ khi trong readFileAsync() có lệnh yield. Sau 108ms thì readFileAsync() return và được lấy ra khỏi Stack.

  • Một lần nữa Stack lại trống và logInfo() được đẩy vào Stack. Như vậy logInfo() sẽ phải đợi tổng cộng 108ms để được chạy, chứ không phải 100ms như dự tính.

    Do đó, tham số thứ 2 của setTimeout là thời gian tối thiểu để một Event được đẩy vào Stack và chạy chứ không phải là thời gian chính xác nó sẽ được chạy.

Phía trên mình có đề cập tới yield():

Giả sử bạn có một đoạn code jQuery như sau :

$('#button_1').click(function yield() {
  console.log('Ouch!');
});

Event sẽ được đẩy vào Event Queue khi Bar()Foo() return và được lấy ra khỏi Stack thì yield sẽ được đẩy vào Stack với tham số là DOM Element xảy ra sự kiện click.

Cơ chế run-to-completion của Javascript có một điểm bất lợi đó là nếu một hàm chạy quá lâu hoặc bị vòng lặp vô tận thì sẽ không có hàm nào được chạy nữa, kết quả là Browser sẽ bị đơ, không phản ứng với các sự kiện như click chuột … Ví dụ :

function foo() {
   console.log('i am foo!');
   foo();
}

foo();

Hàm đệ quy không điểm dừng Foo() sẽ liên tục đẩy foo vào stack cho đến khi đầy, và bạn đoán xem lúc này chúng ta sẽ có cái vấn đề mà hàng ngày các đều được tìm kiếm Stack Overflow 😄😄

Để tránh tình trạng Browser bị treo vì lỗi lập trình thì các Browser sẽ throw exception trong trường hợp này :

MAXIMUM CALL STACK SIZE EXCEEDED.
Fun fact

Hầu hết các thao tác trong Javascript đều là bất đồng bộ nhưng có một số ngoại lệ thú vị như hàm alert (hàm này là của Browser API, không có trong NodeJs). Khi hàm này được chạy thì bạn không thể thực hiện một thao tác nào khác ngoài click OK.

Kết

Trên đây là những keynote mình cảm thấy tâm đắc khi tìm hiểu về Event loop . Mong rằng bài viết này có thể mang lại giá trị cho các bạn.

Từ giờ khi nghe đồng nghiệp hay nói những câu như "đừng chặn event loop", "đảm bảo code phải chạy mượt 60fps nhé", "dĩ nhiên là nó sẽ không chạy, là một hàm callback bất đồng bộ"... thì sẽ không phải hoang mang nữa nhé 😄😄😄

Cảm ơn các bạn đã đọc bài chia sẻ của mình. Tặng mình 1 upvote để có thêm động lực cho những bài viết sắp tới nha 😛😛

Happy coding !



Reference: Medium, JSConf EU


All Rights Reserved

Viblo
Let's register a Viblo Account to get more interesting posts.