+3

Công nghệ thay đổi tư duy sản xuất phim truyền thống

Tầm quan trọng của công nghệ làm phim chuyên nghiệp

Tổng quan

Nếu bạn là một “tín đồ” phim ảnh, chắc chắn bạn đã từng bắt gặp những kĩ xảo điện ảnh bắt mắt trong Titanic, Life of Pi hay loạt series phim Harry Potter. Tất nhiên đó là những cảnh không thể được quay trực tiếp ngoài đời; chúng đã được xử lý thông qua một bộ phận chuyên sản xuất hậu kì phim. Chúng ta gọi họ là những “phù thuỷ” trong lĩnh vực VFX (Visual Effect).

Một nghệ sĩ làm kĩ xảo điện ảnh thông thường sẽ làm việc với máy tính để thêm các hiệu ứng đặc biệt vào những cảnh quay đã có. Các cảnh quay này thường sẽ được quay trên phông xanh, sau đó sẽ được xoá bỏ đi và thêm vào những chi tiết phù hợp với nội dung kịch bản. Nhiệm vụ của người làm VFX là thể hiện được bối cảnh phim và nội dung cần truyền tải thông qua việc tạo ra các hiệu ứng nhằm nâng cao trải nghiệm xem phim của khán giả. Môi trường làm việc của các nhân viên VFX khá áp lực khi họ phải đáp ứng nhu cầu khắt khe của khách hàng, làm việc trong một thời gian dài và hầu như phải “trinh chiến” ở văn phòng ngày qua ngày để hoàn thành công việc.

Để theo đuổi nghề VFX, các sinh viên thông thường theo học các ngành về đồ hoạ, máy tính, điện ảnh,… tuy nhiên để thật sự thành công, bạn cần phải kết hợp thật tốt các kĩ năng này. Các kiến thức về thẩm mĩ, quản trị và toán học cũng rất cần thiết.

Các công đoạn dựng VFX

Trong một đoàn làm phim, bộ phận VFX sẽ “đụng tay” vào hai giai đoạn: tiền kỳ (Pre-production) và hậu kỳ (Post-production).

Công tác kĩ xảo của đội tiền kỳ gồm việc thể hiện ý đồ của đạo diễn thông qua storyboard (các khung hình phim) và pre-viz (các bản phim thô được dựng bằng hiệu ứng CG - Computer-generated). Nếu cần thiết, họ cũng sẽ xây dựng các phần mềm, dụng cụ cần thiết cho đội hậu kỳ cũng như tạo mô hình hoặc bối cảnh để phục vụ công tác quay phim.

Công việc của đội hậu kỳ sẽ nặng nề hơn khi họ là “chốt chặn” cuối cùng trước khi phim chính thức ra mắt. Bất kì một lỗi lầm nào phát hiện sau công chiếu có thể sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nhà sản xuất, vì vậy mọi công đoạn đều được kiểm soát chặt chẽ và nghiêm ngặt. Các khâu trong giai đoạn hậu kỳ bao gồm matchmove (ghi lại quỹ đạo của máy quay trong không gian 3 chiều), matte painting (vẽ ra những cảnh nền viễn tưởng hoặc những cảnh nền khó có thể tạo ra ngoài thực tế), rotoscoping (cắt đối tượng để lồng vào cảnh khác), xử lý đồ hoạ, chuyển động, ánh sáng; giả lập không gian xung quanh và cuối cùng là ghép lại tất cả các đoạn phim đã chỉnh sửa để tạo ra một bộ phim hoàn chỉnh.

Hình bên dưới sẽ mô tả kĩ hơn về các công đoạn của quá trình xây dựng kĩ xảo cho phim.

https://images.viblo.asia/de74b04a-788f-4517-b077-c045a7bc476f.jpg

Các công việc trong một studio

Đối với một sinh viên “chân ướt chân ráo” bước chân vào một studio về VFX, vị trí của họ thường là “runner”. Đúng với tên gọi này, bạn sẽ phải “chạy” qua rất nhiều phòng ban khác nhau để thực hiện những công việc đơn giản – thậm chí có thể “không liên quan” đến chuyên môn – như bảo quản vật dụng quay phim, lau dọn phòng, pha cà phê, …

Nghe có vẻ “buồn tẻ” nhưng đây là cơ hội tốt để bạn “học lỏm” về công việc, về cách vận hành và văn hoá của công ty. Kết hợp với tố chât sẵn có, bạn có thể “leo lên” các chức vụ cao hơn trong các phòng ban chuyên môn đảm nhiệm từng khâu của giai đoạn sản xuất như Hoạ sĩ Matte hay Chuyên viên CG.

Thế nhưng cụ thể "thứ bậc" của các nhân viên trong một studio là như thế nào? Hình bên dưới sẽ cho bạn biết điều đó.

Những điều cần lưu ý

  1. Kiến thức về điện ảnh và toán học là những gì bạn cần phải có, vì bạn sẽ phải vận dụng chúng rất nhiều trong giai đoạn sản xuất. Công việc sẽ rất áp lực đối với những ai không có đam mê về hai lĩnh vực này.

  2. Bạn cần phải biết thế mạnh của mình tập trung ở điểm nào trong quá trình sản xuất. Công ty càng lớn đòi hỏi mức độ chuyên sâu càng cao, do đó bạn cần phải biết đâu là công việc mình làm tốt nhất, đâu là vùng kĩ năng mình thành thạo nhất để thuyết phục nhà tuyển dụng lựa chọn bạn vào đúng vị trí mà cả bạn và họ đều cần.

  3. Làm hiệu ứng hình ảnh nghĩa là làm việc nhóm, và nếu bạn chưa từng trải qua nhiều công đoạn khác, chưa hiểu biết sâu sắc về những gì đồng nghiệp của mình đang thực hiện cũng như chưa xây dựng tốt kĩ năng thảo luận và cộng tác trong nhóm, có lẽ đây chưa phải là công việc dành cho bạn.

  4. Sự sáng tạo phải gắn liền với hiệu quả. Khi phải làm việc trong một khoảng thời gian có hạn, hãy nghĩ cách làm thế nào để đạt chỉ tiêu đề ra hơn là ghi ra tất cả những gì mình có thể làm cho cảnh quay đó.

  5. Thành quả của bạn sẽ có tác động đến toàn bộ quá trình sản xuất sau đó. Một sai lầm nhỏ có thể phải trả giá đắt, do đó hãy cẩn thận.

  6. Deadline là deadline. Không có chuyện “thông cảm” hay “gia hạn”, vì như đã nói, bạn đang làm việc trong một quy trình nghiêm ngặt.

  7. Hãy nhớ rằng bạn đang làm việc cho khách hàng. Câu chuyện là làm thế nào để họ hài lòng, và điều đó dựa vào thẩm mĩ của từng cá nhân.

  8. Đừng ngại các chỉ trích. Điều đó không làm hạ thấp khả năng của bạn; mọi người chỉ đang muốn tìm một cách khác để phù hợp với yêu cầu đã đặt ra.

  9. Hãy nắm thật rõ “ngôn từ” và “ý tưởng” của mình, bởi bạn sẽ cần phải diễn giải và thuyết phục đồng nghiệp cũng như khách hàng về những sáng kiến của bạn.

  10. Chủ động là chìa khoá để thăng tiến. Đừng đợi người khác đến dạy bạn – Hãy tự động cập nhật các xu hướng mới và rèn luyện kĩ năng cho mình.

https://images.viblo.asia/138ecfc3-c8ea-4210-8163-8733d349b556.jpg

Một số ngành học và trường học

Các ngành học chuyên môn bao gồm khoa học máy tính, điện ảnh và đồ hoạ. Bạn có thể theo học các ngành này tại một số trường như Full Sail University, ITT Technical Institute, Rocky Mountain College of Art & Design, Johns Hopkins University, Remington College, Madison Media Institute, Ferris State University. Một lựa chọn khác không hề tồi ở nước bạn Singapore là LASALLE College of the Arts.

Ở tại Việt Nam thì việc lựa chọn các công ty về mạng phim ảnh là cơ hội để có môi trường va chạm với những nền tảng công nghệ này . Tuy nhiên hoàn toàn chúng ta có thể tự học và tìm hiểu qua Youtube bằng đam mê của bản thân. ( tôi cũng đã từng như vậy ).

https://images.viblo.asia/071614d7-c9b7-43df-864f-a8195aa1e22e.jpg

Cơ hội nghề nghiệp

Ngày càng có nhiều người Việt tham gia vào giai đoạn hậu kỳ của các bộ phim bom tấn Hollywood cho thấy cơ hội nghề nghiệp với sinh viên Việt Nam trong ngành này là không hề nhỏ. Bạn có thể lựa chọn làm việc trong các studio lớn – nơi bạn sẽ được tiếp cận từ A đến Z một quy trình sản xuất phim từ tiền kỳ cho đến hậu kỳ; “đầu quân” cho một công ty chuyên sản xuất hậu kỳ hoặc có thể làm tự do (freelance) ở một số khâu nhất định. Tuy nhiên, nếu có tham vọng và ý tưởng của riêng mình (dĩ nhiên đi kèm với khả năng về tài chính), bạn cũng có thể trở thành một nhà sản xuất phim độc lập.

Cơ hội việc làm ở Việt Nam

Việt Nam được coi là một quốc gia có nguồn nhân lực phong phú và giá rẻ hơn so với các nước phương Tây và kể cả các nước trong khu vực. Nước ta cũng là nơi hội tụ nhiều họa sĩ, nghệ sĩ tài năng, đủ khả năng đảm đương các dự án cho Thái Lan, Ấn Độ… Đại diện Sparx Animation Studio – hãng sản xuất phim hoạt hình nổi tiếng của Pháp cho biết “có những xưởng phim số lượng nhân viên lên đến 800 nhưng chủ yếu tập trung sản xuất game 3D, còn đối với những phim hoạt hình vốn phức tạp hơn thì hãng phải thuê nhân lực tại Việt Nam. Điều này cho thấy nguồn nhân lực trẻ tại Việt Nam trong lĩnh vực 3D được quốc tế đánh giá rất cao và đây sẽ là động lực đánh thức tiềm năng đam mê nghề nghiệp và mở ra nhiều cơ hội việc làm cho giới trẻ.”

Môi trường làm việc ở Việt Nam là khá triển vọng, tuy nhiên sẽ cần nhiều thời gian để phát triển. Các sinh viên Việt Nam nếu ở lại quê nhà làm việc sẽ có nhiều cơ hội và dễ dàng hơn để thử sức với nhiều vị trí, loại hình công việc khác nhau. https://images.viblo.asia/47370496-ca0b-4aec-9d00-067f0a1c9363.jpg


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí