+7

Change streams trong MongoDB

1. Change Streams là gì?

Khi bạn làm việc với những RDBMS như MySQL hay SQL Server chắc hẳn bạn đã nghe đến Trigger. Và khi bạn lần mò MongoDB, liệu đã bao giờ bạn tự hỏi, Trigger trong MongoDB như thế nào?

MongoDB không có cơ chế để bạn cài đặt sẵn Trigger lên DB như MySQL. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể stream được các thay đổi trong Database thì chúng ta hoàn toàn có thể làm những tính năng tương tự như Trigger từ phía app-server và thậm chí là nhiều hơn thế!

Trong MongoDB, bắt đầu từ version 3.6, có một tính năng để bạn có thể thực hiện điều đó gọi là Change Streams. Change streams hoạt động dựa trên việc lắng nghe oplog - thứ mà bạn có thể hiểu đơn giản là log của MongoDB phục vụ cho tính năng replication. Chúng ghi lại tất cả các sửa đổi dữ liệu trong Database của bạn.

Chính vì thế, bạn có thể sử dụng change streams để subscribe các thay đổi trên một collection, hoặc database và thậm chí là deployment.

2. Stream A Collection/Database/Deployment

Để thực hiện change streams, database của bạn phải thực hiện cung cấp changeStreamfind actions, cụ thể như sau:

{ resource: { db: <dbname>, collection: <collection> }, actions: [ "find", "changeStream" ] }

a. Tạo con trỏ cho stream Collection/Database/Deployment

  • Bạn có thể thực hiện cho một collection bất kỳ (trừ các system collections, hoặc các collections nằm trong admin, localconfig databases). Thực hiện câu lệnh db.collection.watch() để bắt đầu.
  • Đối với Database, bạn có thể thực hiện với database bất kỳ ngoại trừ admin, localconfig databases. Câu lệnh: db.watch()
  • Đối với Deployment, bạn có thể theo dõi sự thay đổi liên quan đến deployment đối với tất cả các databases, collections ngoại trừ admin, localconfig databases. Câu lệnh: Mongo.watch()

b. Tạo change stream

Sau khi tạo con trỏ cho stream, bạn có thể mở một change stream để stream data trong mongoDB:

const collection = db.collection('test');
const changeStream = collection.watch(); // có thể là Mongo.watch() hoặc db.watch()
changeStream.on('change', changeEvent => {
  // process next document
});

Bạn cũng có thể viết iterator như sau:

const collection = db.collection('test');
const changeStreamIterator = collection.watch();
const next = await changeStreamIterator.next();

c. changeEvent object

Nhìn đoạn code bên trên chắc hẳn bạn sẽ tò mò cái object changeEvent bên trên là gì đúng không? Nó là một object có dạng:

{
   _id : { <BSON Object> },
   "operationType" : "<operation>",
   "fullDocument" : { <document> },
   "ns" : {
      "db" : "<database>",
      "coll" : "<collection"
   },
   "to" : {
      "db" : "<database>",
      "coll" : "<collection"
   },
   "documentKey" : { "_id" : <value> },
   "updateDescription" : {
      "updatedFields" : { <document> },
      "removedFields" : [ "<field>", ... ]
   }
   "clusterTime" : <Timestamp>,
   "txnNumber" : <NumberLong>,
   "lsid" : {
      "id" : <UUID>,
      "uid" : <BinData>
   }
}

Trong đó:

  • operationType là type của event vừa xảy ra gồm: insert, update, replace, delete, drop ,rename, dropDatabase, invalidate.
  • fullDocument là thông tin của document vừa được thực hiện CRUD (insert, update, replace, delete), đối với delete field này được bỏ qua vì document không còn tồn tại. Đối với update, field này tồn tại nếu bạn set fullDocument: 'updateLookup' cho stream:
const changeStreamIterator = collection.watch({ fullDocument: 'updateLookup' });
  • ns: database và collection name bị ảnh hưởng bởi event.
  • to: khi bạn thực hiện đổi tên database, collection thì nó hiển thị tên mới của ns.
  • documentKey: chứa _id của document được thực hiện thay đổi.
  • updateDescription: chứa thông tin các fields được cập nhật hoặc xoá bởi hoạt động update.
  • clusterTime: thời gian thực hiện event ở trên oplog.

Bạn có thể tham khảo chi tiết hơn về nó ở đây nhé 😆

3. Resume a Change Stream

Ví dụ có hàng loạt change streams liên tiếp xảy ra, vì một lý do nào đó, bạn dừng lại ở một change stream, giả sử connect đến database server bị die, hoặc bạn cần disconnect với database server -> bạn không thể handle được events xảy ra ngay sau đó.

MongoDB có một cơ chế để bạn có thể giải quyết vấn đề này, bằng cách bạn lưu trữ lại token của một change stream và sau đó bạn có thể resume lại việc lắng nghe các event bắt đầu từ change stream đó.

const collection = db.collection('test');
const changeStream = collection.watch();

let newChangeStream;
changeStream.once('change', next => {
  const resumeToken = changeStream.resumeToken;
  changeStream.close();

  newChangeStream = collection.watch({ resumeAfter: resumeToken });
  newChangeStream.on('change', changeEvent => {
    // process next document
  });
});

Như bạn thấy, chúng ta close change stream ngay sau khi lấy ra resumeToken và bạn có thể tiếp tục lại từ change stream này với option: { resumeAfter: resumeToken }

Lưu ý:

  • resumeAfter có nghĩa là tiếp tục stream từ resumeToken nên nếu stream đó là một invalidate event thì nó sẽ close change streams.
  • Từ phiên bản 4.2 bạn có thể sử dụng startAfter thay thế cho resumeAfter, nó sẽ tạo ra một streams mới từ sau resumeToken chứ không phải tiếp tục streams cũ. Nên nó sẽ không bị close nếu đó là invalidate event.

4. Kết luận

Change streams là một tính năng khá hữu ích và không khó để handle. Chúng ta có thể dùng nó để lắng nghe các events ở database một cách realtime. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn khi làm việc với MongoDB. 😉


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí