+3

Cây và Tính toán biểu thức

I. Cây

1. Định nghĩa cây và các khái niệm quan trọng

Trong chuyên đề này, cấu trúc dữ liệu mà chúng ta quan tâm đến là Cấu trúc cây. Thực tế, các bài toán dùng trực tiếp cây có rất ít, kèm theo sự phát triển của các ngôn ngữ lập trình khiến cho việc cài đặt thủ công những cấu trúc dữ liệu theo mô hình cây không còn cần thiết nữa. Vì vậy, mục tiêu của tôi là giới thiệu tới các bạn những khái niệm căn bản về cây, chủ yếu là để phục vụ cho các cấu trúc dữ liệu phức tạp hơn sau này mà dựa trên mô hình cây (chẳng hạn như Interval Tree hay Binary Indexed Tree,...).

Cây là một cấu trúc dữ liệu gồm một tập hữu hạn các nút (nodes), giữa các nút có một quan hệ phân cấp gọi là quan hệ "cha - con". Có một nút đặc biệt trên cây gọi là nút gốc (root).

Cây cũng là một đối tượng có thể định nghĩa đệ quy:

  • Mỗi nút là một cây, nút đó cũng là gốc của cây ấy.
  • Nếu nn là một nút và n1,n2,,nkn_1, n_2, \dots, n_k lần lượt là gốc của các cây T1,T2,,TkT_1, T_2, \dots, T_k sao cho các cây này đôi một không có nút chung. Thì nếu cho nút nn trở thành nút cha của các nút n1,n2,,nkn_1, n_2, \dots, n_k ta sẽ thu được một cây mới TT. Cây này có nút gốc là n,n, còn các cây T1,T2,,TkT_1, T_2, \dots, T_k trở thành các cây con (subtree) của gốc.

Ngoài ra, người ta còn quy ước có tồn tại cây không có nút nào, gọi là cây rỗng (null tree).

Hình vẽ dưới đây minh họa một cây:

Trên cây này, chúng ta có một số khái niệm sau:

  • Nút AA là cha của các nút B,C,D;B, C, D; còn G,H,IG, H, I là các nút con của nút DD.
  • Số các con của một nút được gọi là cấp của nút đó. chẳng hạn, cấp của nút AA là 3,3, cấp của nút BB là 2,2, \dots
  • Nút có cấp bằng 00 được gọi là nút lá (hay nút tận cùng). Những nút không phải lá được gọi là các nút nhánh. Trong cây trên, các nút E,F,C,G,J,K,IE, F, C, G, J, K, I là các nút lá, còn lại là nút nhánh.
  • Cấp cao nhất của một nút trên cây gọi là cấp của cây đó. Cây ở hình trên có cấp bằng 33.
  • Các nút trên cây được chia thành nhiều mức, mỗi nút sẽ được gán một số nguyên gọi là mức của nút. Nút gốc của cây có quy ước mức bằng 1,1, sau đó nếu nút cha có mức là ii thì nút con sẽ có mức là i+1i + 1. Chẳng hạn, nút AA có mức là 1;1; các nút B,C,DB, C, D có mức là 2;2;\dots
  • Chiều cao (hay chiều sâu) của cây là số mức lớn nhất của nút trên cây đó. Cây trên có chiều cao là 44.
  • Một tập hợp các cây phân biệt được gọi là rừng. Một cây nếu bỏ đi nút gốc thì sẽ tạo ra một rừng các cây con.

2. Cây nhị phân

2.1. Định nghĩa và tính chất của cây nhị phân

Cây nhị phân là một dạng quan trọng của cấu trúc cây. Rất nhiều cấu trúc dữ liệu được thiết kế dựa trên mô hình cây nhị phân như Heap, Interval Tree hay Binary Indexed Tree,...Đặc điểm của cây nhị phân là mọi nút trên cây chỉ có tối đa hai nhánh con, phân ra làm nhánh con trái và nhánh con phải.

Cây nhị phân có một số dạng đặc biệt cần lưu ý:

  • Cây nhị phân suy biến (degenerate binary tree): Các nút không phải là lá chỉ có một nhánh con. Có thể có ba dạng của cây nhị phân suy biến: Cây lệch trái (a), cây lệch phải (b) và cây ziczac (c).

  • Cây nhị phân hoàn chỉnh (complete binary tree): Xét cây có chiều cao là h,h, nếu mọi nút có mức nhỏ hơn h1h - 1 đều có đúng hai nút con thì đó là một cây nhị phân hoàn chỉnh.

  • Cây nhị phân đầy đủ (full binary tree): Mọi nút có mức nhỏ hơn hoặc bằng h1h - 1 đều có đúng 22 nút con. Đây có thể xem là trường hợp đặc biệt của cây nhị phân hoàn chỉnh.

Cây nhị phân có một số tính chất sau đây:

  • Trong các cây nhị phân có cùng số lượng nút như nhau thì cây nhị phân suy biến có chiều cao lớn nhất, còn cây nhị phân hoàn chỉnh có chiều cao nhỏ nhất.
  • Số lượng nút tối đa trên mức ii của cây nhị phân là 2i1,2^{i - 1}, tối thiểu là 1 (i1)1 \ (i \ge 1).
  • Số lượng nút tối đa trên một cây nhị phân có chiều cao hh là 2h1,2^h - 1, tối thiểu là h (h1)h \ (h \ge 1).
  • Cây nhị phân hoàn chỉnh có nn nút thì chiều cao của nó là h=log2(n)+1h = \left\lfloor{\log_2(n)}\right\rfloor + 1.

2.2. Biểu diễn cây nhị phân

Để biểu diễn cây nhị phân, cách phổ biến nhất là sử dụng mảng.

Đối với một cây nhị phân đầy đủ, ta có thể đánh số cho các nút của cây theo thứ tự lần lượt từ mức 1,1, hết mức này tới mức khác và từ trái qua phải đối với các nút ở mỗi mức:

Hình 1: Đánh số các nút trên cây

Đánh số theo cách này thì con của nút thứ ii sẽ là các nút thứ 2i2i và 2i+1;2i + 1; cha của nút thứ ii là nút thứ i2\left\lfloor{\frac{i}{2}}\right\rfloor. Như vậy ta có thể sử dụng một mảng tree\text{tree} để biểu diễn cây, nút thứ ii của cây được lưu trữ bằng phần tử tree[i]\text{tree}[i].

Chẳng hạn với cây ở hình bên trên, thì mảng tree\text{tree} sẽ như sau:

Tuy nhiên, cách lưu trữ này có một nhược điểm là trong trường hợp cây nhị phân không đầy đủ, thì trên mảng sẽ tồn tại rất nhiều vị trí trống, gây lãng phí bộ nhớ. Nhưng với khả năng lưu trữ của máy tính hiện nay thì vấn đề này không quá quan trọng, nên cách sử dụng mảng vẫn rất được ưu tiên trong các bài toán lập trình sử dụng cây.

2.3. Các phép duyệt cây nhị phân

Phép thăm (visit) các nút trên cây theo một hệ thống sao cho mỗi nút chỉ được thăm một lần gọi là phép duyệt cây. Coi rằng một nút nếu như không có nút con trái hoặc nút con phải thì ta sẽ tạo một nút giả là con của nó, nếu một cây rỗng thì ta cũng tạo một nút giả làm gốc của nó. Khi đó, có ba cách duyệt cây thường được sử dụng:

Duyệt theo thứ tự trước (preorder traversal)

Khi duyệt cây theo thứ tự trước, thì một nút bất kì sẽ luôn được thăm trước hai nút con của nó. Mã giả có thể mô tả như sau:

# Duyệt nhánh cây có n là nút gốc của nhánh.
def visit(n):
    # Nếu n không phải một nút rỗng thì thăm con của nó.
    if not empty(n):
        {In_ra_giá_trị_nút_n} 
        visit({Nút_con_trái_của_n})
        visit({Nút_con_phải_của_n})

Quá trình thăm cây sẽ bắt đầu bằng việc gọi visit({Nút_gốc_cây}). Xét cây ở hình 1,1, các nút trên cây sẽ được thăm theo thứ tự:

A,B,C,D,E,F,GA, B, C, D, E, F, G

Duyệt theo thứ tự giữa (inorder traversal)

Khi duyệt cây theo thứ tự giữa, thì một nút bất kỳ sẽ được thăm sau nút con trái và thăm trước nút con phải của nó. Mã giả có thể mô tả như sau:

# Duyệt nhánh cây có n là nút gốc của nhánh.
def visit(n):
    # Nếu n không phải một nút rỗng thì thăm con của nó.
    if not empty(n):
        visit({Nút_con_trái_của_n})
        {In_ra_giá_trị_nút_n} 
        visit({Nút_con_phải_của_n})

Quá trình thăm cây sẽ bắt đầu bằng việc gọi visit({Nút_gốc_cây}). Xét cây ở hình 1,1, các nút trên cây sẽ được thăm theo thứ tự:

C,B,D,A,F,E,GC, B, D, A, F, E, G

Duyệt theo thứ tự sau (postorder traversal)

Khi duyệt cây theo thứ tự sau, thì một nút bất kì sẽ được thăm sau hai nút con của nó. Mã giả có thể mô tả như sau:

# Duyệt nhánh cây có n là nút gốc của nhánh.
def visit(n):
    # Nếu n không phải một nút rỗng thì thăm con của nó.
    if not empty(n):
        visit({Nút_con_trái_của_n})
        visit({Nút_con_phải_của_n})
        {In_ra_giá_trị_nút_n} 

Quá trình thăm cây sẽ bắt đầu bằng việc gọi visit({Nút_gốc_cây}). Xét cây ở hình 1,1, các nút trên cây sẽ được thăm theo thứ tự:

C,D,B,F,G,E,AC, D, B, F, G, E, A

II. Biểu diễn biểu thức số học bằng cây nhị phân

Có rất rất nhiều những ứng dụng khác nhau của cấu trúc cây trong cuộc sống cũng như trong Tin học. Chẳng hạn như mục lục của các cuốn sách, tổ chức thư mục trên máy tính,...Trong phần này, tôi sẽ giới thiệu tới các bạn một ứng dụng rất quan trọng của cây trong các bài toán Tin học, đó là biểu diễn các biểu thức số học.

1. Kí pháp trung tố, tiền tố và hậu tố

Một biểu thức số học gồm các phép toán hai ngôi bằng một cây nhị phân, trong đó các nút lá biểu thị các hằng hoặc biến (toán hạng), còn các nút không phải lá biểu thị các toán tử hai ngôi (những phép toán như cộng, trừ, nhân, chia, đồng dư, lũy thừa,...phải có hai toán hạng thì gọi chung là phép toán hai ngôi). Mỗi phép toán trong một nút sẽ tác động lên hai biểu thức con nằm ở cây con bên trái và cây con bên phải của nó.

Chẳng hạn, biểu thức (6+5)×(7÷24)(6 + 5) \times (7 \div 2 - 4) có thể được biểu diễn bằng cây nhị phân dưới đây:

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn thường viết các biểu thức số học theo dạng toán tử ở giữa hai toán hạng. Nhưng thực tế, có tới ba dạng kí pháp được sử dụng để biểu diễn các biểu thức số học. Với cây nhị phân biểu diễn biểu thức trong hình trên, ta có:

  • Nếu duyệt cây theo thứ tự trước, ta sẽ thu được biểu thức ×+6 5÷7 2 4\times + 6 \ 5 - \div 7 \ 2 \ 4. Đây là dạng tiền tố (prefix) của biểu thức, hay còn gọi là kí pháp Ba Lan. Trong dạng này, toán tử được viết trước hai toán hạng tương ứng.
  • Nếu duyệt cây theo thứ tự giữa, ta sẽ thu được biểu thức 6+5×7÷246 + 5 \times 7 \div 2 - 4. Kí pháp này sẽ chưa đúng với biểu thức ban đầu do thiếu các dấu ngoặc. Đây gọi là dạng trung tố (infix) của biểu thức. Ở dạng này, nếu như thêm vào quá trình duyệt việc bổ sung các cặp dấu ngoặc vào mỗi biểu thức con, thì ta sẽ thu được biểu thức đầy đủ là ((6+5)×((7÷2)4))),((6 + 5) \times ((7 \div 2) - 4))), nhưng thực ra chỉ cần thêm đủ dấu ngoặc để biểu thức chính xác là được.
  • Nếu duyệt cây theo thứ tự sau, ta sẽ thu được biểu thức 6 5+7 2÷4×6 \ 5 + 7 \ 2 \div 4 - \times. Đây là dạng hậu tố (postfix) của biểu thức, còn gọi là ***kí pháp nghịch đảo Ba Lan (RPN)***. Trong kí pháp này, toán tử được viết sau hai toán hạng tương ứng.

Nếu sử dụng kí pháp tiền tố và hậu tố thì biểu thức không cần có các dấu ngoặc vẫn có thể tính toán bình thường, trong khi kí pháp trung tố buộc phải có dấu ngoặc thì mới tránh được sự mập mờ.

2. Chuyển biểu thức từ dạng trung tố sang hậu tố

Đối với máy tính, việc tính toán bằng kí pháp hậu tố sẽ là khoa học hơn, và đơn giản hơn sử dụng kí pháp trung tố (việc không cần sử dụng các dấu ngoặc đã giảm một lượng lớn phép xử lý). Chính vì thế, trên các ngôn ngữ lập trình chúng ta vẫn có thể viết biểu thức dạng trung tố, nhưng trước khi chương trình dịch dịch nó ra mã máy, thì các biểu thức đều sẽ được chuyển về dạng hậu tố.

Một thuật toán rất hiệu quả để chuyển biểu thức dạng trung tố sang hậu tố là sử dụng ngăn xếp. Dưới đây tôi sẽ trình bày giải thuật đó.

Ý tưởng

Trước hết ta sẽ phân chia các toán tử theo độ ưu tiên. Trong bài viết này tôi sẽ chỉ xét 55 loại toán tử:

  • Các toán tử * và / có độ ưu tiên cao nhất bằng 22.
  • Các toán tử + và - có độ ưu tiên cao thứ ba bằng 11.
  • Toán tử ( có độ ưu tiên nhỏ nhất bằng 00.

Ngoài ra vẫn còn các toán tử ^ (lũy thừa) và % (đồng dư), nếu như có những toán tử này trong biểu thức thì các bạn chỉ cần xử lý tương tự.

Tiếp theo, ta sẽ duyệt tuần tự từng phần tử xx trong biểu thức trung tố, rồi xử lý như sau:

  • Nếu xx là dấu ngoặc mở ( thì đẩy nó vào ngăn xếp.
  • Nếu xx là dấu ngoặc đóng thì lấy ra các phần tử trong ngăn xếp và đưa nó vào biểu thức hậu tố, cho tới khi lấy ra tới phần tử ( thì dừng lại.
  • Nếu xx là các toán tử thì lấy ra các phần tử trong ngăn xếp có độ ưu tiên lớn hơn hoặc bằng x,x, nối vào biểu thức hậu tố tới khi phần tử ở đỉnh ngăn xếp có độ ưu tiên nhỏ hơn xx hoặc ngăn xếp rỗng.
  • Nếu xx là toán hạng thì nối nó vào biểu thức hậu tố.

Sau khi duyệt xong toàn bộ biểu thức, nếu ngăn xếp vẫn chưa rỗng thì lấy ra các phần tử trong ngăn xếp và đưa vào biểu thức hậu tố.

Cài đặt

Ngôn ngữ C++:

// Xét độ ưu tiên của kí tự x.
int priority(char x)
{
    if (x == '*' || x == '/')
        return 2;
    else if (x == '+' || x == '-')
        return 1;
    else if (x == '(')
        return 0;
}

// Chuyển đổi biểu thức trung tố s sang dạng hậu tố.
vector < string > change_to_postfix(string s)
{
    stack < char > st;
    vector < string > postfix;

    int i = 0, n = s.size();
    while (i < n)
    {
        // Nếu s[i] là kí tự ngoặc mở thì đẩy vào ngăn xếp.
        if (s[i] == '(')
        {
            st.push(s[i]);
            ++i;
        }
        // Nếu s[i] là ngoặc đóng thì pop từ stack ra, thêm vào biểu thức hậu tố 
        // tới khi gặp kí tự ngoặc mở. Lưu ý pop cả ngoặc mở ra.
        else if (s[i] == ')')
        {
            while (st.top() != '(')
            {
                postfix.push_back(st.top());   
                st.pop();
            }

            st.pop();   
        }
        // Nếu s[i] là chữ số đầu của một toán hạng thì xử lý để lấy toàn bộ số đó.
        else if (s[i] >= '0' && s[i] <= '9')
        {
            string number;

            while (i < n && s[i] >= '0' && s[i] <= '9')
            {
                number += s[i];
                ++i;
            }

            postfix.push_back(number);
        }
        // Nếu s[i] là toán tử thì xử lý dựa trên độ ưu tiên.
        else
        {
            while (!st.empty() && priority(st.top()) >= priority(s[i]))
            {
                postfix.push_back(st.top());
                st.pop();
            }

            st.push(s[i]);
            ++i;
        }
    }

    // Nếu ngăn xếp vẫn chưa rỗng thì lấy nốt các phần tử ra cho vào biểu thức hậu tố.
    while (!st.empty())
    {
        postfix.push_back(st.top());
        st.pop();
    }

    return postfix;
}

Ngôn ngữ Python:

# Xét độ ưu tiên của kí tự x.
def priority(x):
    if x == '*' or x == '/':
        return 2
    elif x == '+' or x == '-':
        return 1
    elif x == '(':
        return 0


# Chuyển đổi biểu thức trung tố s sang dạng hậu tố.
def change_to_postfix(s):
    st, postfix = [], []

    i = 0
    while i < len(s):
        # Nếu s[i] là kí tự ngoặc mở thì đẩy vào ngăn xếp.
        if s[i] == '(':
            st.append(s[i])
            i += 1
        # Nếu s[i] là ngoặc đóng thì pop từ stack ra, thêm vào biểu thức hậu tố 
        # tới khi gặp kí tự ngoặc mở. Lưu ý pop cả ngoặc mở ra.
        elif s[i] == ')':
            while st[-1] != '(':
                postfix.append(st[-1])
                st.pop()

            st.pop()
        # Nếu s[i] là chữ số đầu của một toán hạng thì xử lý để lấy toàn bộ số đó.
        elif '0' <= s[i] <= '9':
            number = 0
            while i < len(s) and 0 <= s[i] <= 9:
                number = number * 10 + int(s[i])
                i += 1
            
            postfix.append(number)
        # Nếu s[i] là toán tử thì xử lý dựa trên độ ưu tiên.
        else:
            while len(st) > 0 and priority(st[-1]) >= priority(s[i]):
                postfix.append(st[-1])
                st.pop()

            st.append(s[i])
            i += 1

    # Nếu ngăn xếp vẫn chưa rỗng thì lấy nốt các phần tử ra 
    # rồi cho vào biểu thức hậu tố.
    while len(st) > 0:
        postfix.append(st[-1])
        st.pop()

    return postfix

3. Tính toán giá trị biểu thức

Khi biểu diễn một biểu thức số học bằng cây nhị phân, thì khi tính toán, máy tính sẽ tính giá trị của biểu thức ở hai nhánh con, rồi mới gộp giá trị của chúng dựa trên toán tử ở nút gốc. Điều này khiến cho việc tính toán bằng cách duyệt cây theo thứ tự sau để tạo ra kí pháp hậu tố trở nên rất hợp lí.

Giữa thế kỉ XX, nhà logic học người Ba Lan Jan Lukasiewicz đã chứng minh được rằng, biểu thức hậu tố không cần phải có dấu ngoặc vẫn có thể tính được đúng đắn bằng cách đọc lần lượt biểu thức từ trái qua phải, và dùng một ngăn xếp để lưu các kết quả trung gian. Dưới đây tôi sẽ trình bày lại thuật toán này.

Ý tưởng

Trước tiên, chuyển biểu thức trung tố cần tính toán sang dạng hậu tố bằng thuật toán đã nêu ở phần 22.

Sau đó, duy trì một ngăn xếp để lưu trữ các kết quả trung gian. Ban đầu khởi tạo ngăn xếp rỗng.

Tuần tự đọc biểu thức hậu tố đã chuyển đổi từ trái qua phải. Với mỗi phần tử, ta kiểm tra:

  • Nếu phần tử này là một toán hạng thì đẩy nó vào ngăn xếp.
  • Nếu phần tử này là một toán tử x, thì ta lấy từ ngăn xếp ra hai giá trị v1v_1 và v2,v_2, rồi đẩy giá trị v2v_2 x v1v_1 vào lại ngăn xếp (áp dụng toán tử x với hai giá trị lấy ra).

Sau khi kết thúc quá trình trên, toàn bộ biểu thức đã được đọc xong. Lúc này trong ngăn xếp chỉ còn lại một giá trị duy nhất, đó chính là giá trị của biểu thức.

Cài đặt

Ngôn ngữ C++:

double get_expression_value(string s)
{
    vector < string > postfix = change_to_postfix(s);
    
    // Stack lưu các toán hạng, kiểu dữ liệu double vì
    // phép chia có thể tạo ra kết quả số thực.
    stack < double > st; 
    for (string e: postfix)
        // Lưu ý: Do các phần tử trong mảng postfix có kiểu dữ liệu là string, 
        // nên khi xử lý các phần tử ta cần phải đặt chúng trong cặp dấu nháy 
        // kép "" thay vì cặp nháy đơn '', nếu không chương trình sẽ bị lỗi.
        if (e == "+" || e== "-" || e== "*" || e== "/" || e == '%')
        {
            double v1 = st.top(); 
            st.pop();
            double v2 = st.top(); 
            st.pop();

            if (e == "+")
                st.push(v2 + v1);
            else if (e == "-")
                st.push(v2 - v1);
            else if (e == "*")
                st.push(v2 * v1);
            else if (e == "/")
                st.push(v2 / v1);
        }
        // Nếu phần tử này là toán hạng, chuyển toàn bộ nó sang số và đưa vào stack.
        else 
        {
            double number = 0;
            for (int j = 0; j < e.size(); ++j)
                number = number * 10 + (e[j] - '0');

            st.push(number);
        }
    }

    // Trả ra kết quả của biểu thức.
    return st.top();
}

Ngôn ngữ Python:

def get_expression_value(s):
    postfix = change_to_postfix(s)

    st = []
    for e in postfix:
        # Nếu phần tử này là toán tử thì sử dụng nó với hai toán hạng ở đỉnh stack.
        if e == '+' or e == '-' or e == '*' or e == '/':
            v1 = float(st[-1])
            st.pop()
            v2 = float(st[-1])
            st.pop()

            if e == '+':
                st.append(v2 + v1)
            elif e == '-':
                st.append(v2 - v1)
            elif e == '*':
                st.append(v2 * v1)
            elif e == '/':
                st.append(v2 / v1)
        # Nếu phần tử này là toán hạng thì đẩy nó vào stack.
        else:
            st.append(float(e))

    return st[-1]

III. Tài liệu tham khảo


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí