+18

Các công ty công nghệ thực sự mong muốn điều gì từ một sinh viên mới ra trường

Vào thời điểm tôi viết bài viết này, có lẽ là lúc giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế thế giới trong suốt thập kỷ qua, một thập kỷ của sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ, sáng tạo. Đã có quá nhiều sự thay đổi về cách chúng ta sống và làm việc trong những năm vừa qua chỉ bằng cách phổ cập thiết bị công nghệ tới nhiều người hơn, công nghệ lập trình, hạ tầng máy chủ, an toàn thông tin cũng từ đó mà phát triển theo. Chỉ cách đây khoảng vài năm về trước, khi tôi ra trường và đặt nền móng đầu tiên cho công việc của tôi hiện tại đó là một kỹ sư phần mềm, mọi thứ vẫn còn khá dễ dàng, không gặp quá nhiều khó khăn như bây giờ. Tôi không phải là sinh viên xuất sắc nhất trong lứa tốt nghiệp khi ấy, thậm chí trường tôi học cũng không phải là trường top đầu của Việt Nam, tuy nhiên vẫn dễ dàng để có công việc phù hợp chỉ sau vài lần đi phỏng vấn và lựa chọn công ty. Đối với tôi, đó là cơ hội đắt giá nhất của một lập trình viên mà bất kỳ ai cũng đều cần phải nắm lấy để đạt được nhiều mục đích hơn sau này. Và có lẽ bây giờ tôi vẫn nghĩ lựa chọn của mình trong quá khứ là đúng. Giờ thì tôi đã hiểu, các công ty công nghệ thực sự mong muốn điều gì từ một sinh viên mới ra trường.

Định hướng nghề nghiệp

Khi tôi chuẩn bị tốt nghiệp lớp 12, bố mẹ đã cho tôi khá nhiều lựa chọn để tiếp tục sau khi rời khỏi vòng tay gia đình và đến một thành phố lớn. Tôi có nhiều sự lựa chọn hơn lũ bạn học cùng lớp của tôi bởi vì thời trung học, tôi không phải là người có thành tích học tập tốt vậy nên bố mẹ cũng không ép phải thi đạt bao nhiêu điểm, vào trường nào, học ngành nào. Bố mẹ tôi khi ấy chỉ mong tôi đủ điểm đạt tốt nghiệp trung học phổ thông và học ngành mà tôi chọn. Trước khi chọn ngành Công nghệ thông tin (CNTT) tôi không hề có một bức tranh toàn cảnh nào về ngành này cả, từ gia đình ? Không, gia đình tôi chẳng ai theo nghề này. Từ bạn bè ? Không nốt, lúc đấy đứa nào cũng chỉ chăm chú học để thi đại học chứ chẳng ai biết CNTT sau này làm gì. Thậm chí danh sách định hướng nghề nghiệp cho các thí sinh Trung học phổ thông quốc gia năm 2016, công nghệ thông tin vẫn chưa phải là xếp hàng đầu. Cuối cùng tôi đã quyết định theo CNTT và đã bắt đầu trải nghiệm giai đoạn mơ hồ vô cùng khó khăn của thời đại học.

Tôi bị trượt môn nhập môn tin học

Với tâm lý của một sinh viên năm nhất vẫn còn mải chơi, tôi không thể nào học được môn nhập môn tin học, dù cho môn này là bước chân đầu tiên. Nhập môn tin học mà tôi được học có vẻ khá giống với hầu hết giáo trình đại học của Việt Nam, đó là lập trình ngôn ngữ C. Tôi chẳng thể hiểu nổi là printf, scanf, if, else, while, do while, for, return là cái gì. Mặc dù cấp 3 tôi cũng đã được học qua ngôn ngữ lập trình Pascal nhưng tôi vẫn không thể hiểu tôi đang học cái quái quỷ gì, và để làm gì. Nó khác hoàn toàn với những công thức Toán, Lý, Hóa mà tôi được học, và thực sự không biết bắt đầu từ đâu, tôi chỉ biết là gõ theo giáo trình và các bạn sau đó chạy chương trình lên nhập số a và b hiện ra màn hình theo yêu cầu. Kết quả thì đương nhiên là bị học lại môn đấy. Tôi đã có một học kỳ đầu tiên của đại học không thể nào tệ hơn. Tôi thực sự đã bị choáng ngợp với những gì đang diễn ra ở môi trường đại học, không hề giống như những gì tôi được nghe từ các anh chị khóa trước kể. Ở đây thầy cô cũng không giống như thời trung học, và điểm số chính là minh chứng cho mọi sự nỗ lực vào thời điểm ấy.

Phải nỗ lực ngay khi sắp hết động lực

Phải thừa nhận rằng, tôi đã nhiều lần hỏi ý kiến phụ huynh về việc dừng việc học đại học khi tôi nhận ra, công nghệ thông tin không phải là đam mê của tôi. Chính xác hơn, lúc đó tôi chẳng biết mình đam mê gì cả, chỉ đơn giản là muốn thoát khỏi sự ràng buộc của não bộ về mấy môn học quái quỷ này. Nhưng rồi vẫn tiếp tục đối mặt bởi vì "có vẻ như ai cũng giống mình", thậm chí trong lớp đại học của tôi còn nhiều bạn chẳng bằng mình, có lẽ đó là động lực đầu tiên mà tôi phấn đấu. Việc đầu tiên làm cho tất cả là tôi học lại môn lập trình C, tự làm code, giải toán bằng code, hiểu rõ những gì mình đã được học ở trên lớp và may mắn thay, sau đó tôi thi lại môn này và được điểm A, đó là niềm khích lệ vô cùng to lớn sau chuỗi ngày bết bát và chán chường. Sau này tôi cũng đạt hầu hết điểm A và B trong các môn chuyên ngành mà tôi được học cho đến khi ra trường vì tôi đã cố biến nó thành sở thích và đam mê chứ không còn đơn thuần là các môn học nhàm chán nữa.

Đại học chỉ dạy những thứ nền tảng

Tại đại học, tôi được học những thứ cơ bản về lập trình, lập trình web, máy chủ, được học những công nghệ sơ khai mà bây giờ ra ngoài đi làm chẳng mấy ai còn dùng. Tôi đã không ít lần đặt câu hỏi là tại sao mình lại bỏ tiền ra để học những cái này, trên mạng có nhiều cái hay như NodeJS, Golang, React, Angular tại sao trường không dạy mà lại dạy C# web form, mvc, Java win form ? Những thứ này chẳng phải đã cũ rồi sao ? Ngoài kia rất ít việc cho những công nghệ này, hoặc họ chỉ tuyển những người rất giỏi về công nghệ này để tiếp tục phát triển và bảo trì các hệ thống cũ mà vẫn còn kiếm được nhiều tiền thôi. Sau này tôi được thầy giáo phân biệt giữa học nghề và học đại học thì tôi đã hiểu. Đúng là như vậy, học nghề thì có thể chẳng cần hiểu bản chất sâu xa, chỉ cần học để làm ra được sản phẩm với một công nghệ duy nhất được học trên lớp là được, còn khi đã nắm vững nền tảng, chúng ta sau này có thể làm ra nhiều thứ hơn chứ không bị bó bọc bởi điểm xuất phát ban đầu. Đến khi chuẩn bị đi làm, tôi vẫn phải học NodeJs, ReactJs, Angular như những người được học nghề, và mặt bằng hành nghề của người học đại học và học nghề là như nhau. Chỉ là khi có tấm bằng đại học trong tay thì tự tin hơn thôi, vì tôi nghĩ nếu phải lựa chọn giữa 2 người tay nghề giỏi như nhau và một người có bằng đại học sau 4 năm rưỡi thì không có lý do gì mà doanh nghiệp lại chọn một người chỉ học trường nghề trong 2 năm để vào làm, hay sâu xa hơn trong tương lai là làm vị trí lãnh đạo.

Gặp may mắn

Tôi đã có những ngày tháng học đại học vô cùng đáng nhớ và nhiều kỷ niệm, tôi có những người bạn giỏi, ngoan ngoãn, chăm chỉ. Tôi được học cùng với những thầy cô xuất sắc với học hàm cao. Họ đều là những người ưu tú và tôi cũng cố gắng để trở nên như vậy, ít nhất là trong tư tưởng. Sau này ra trường tôi có những đồng nghiệp thế hệ anh chị đi trước có tay nghề tốt không ngại giúp đỡ tôi, sếp của các công ty mà tôi từng làm họ đều là những điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp của họ. Tôi thực sự đã học được rất nhiều từ những người như thế. Khi đã học xong trường học và tiếp theo là trường đời thì tôi vẫn cảm thấy đó là những giá trị vô hình mà không có khoản học phí nào tôi từng đóng có thể trả nổi.

Trở nên ưu tú hơn so với bản thân của ngày hôm qua

Khi đi làm, tôi luôn cố gắng thấu hiểu xem doanh nghiệp đang thực sự nhận được điều gì từ mình và số tiền lương hàng tháng là nhiều hơn hay ít hơn so với những gì mình đang làm. Tôi không giống như hầu hết các bạn trẻ khác, họ luôn đòi hỏi tăng lương một cách vô lý trong khi chưa cống hiến hay đạt được các thành tựu to lớn gì trong công việc. Rõ ràng là tùy vào từng thời điểm mà chúng ta cho đi và nhận lại các giá trị khác nhau, nhưng đối với tôi, một sinh viên mới ra trường thực sự cần kiến thức và kinh nghiệm hơn là một khoản tiền lương lớn. Khi bạn đắm chìm vào số tiền từ thu nhập khủng của ngành IT thì cũng là lúc bạn đang dậm chân tại chỗ về mọi mặt. Chỉ có cách rèn luyện và học tập để tốt hơn, tạo ra sản phẩm tốt hơn để bản thân ưu tú hơn so với ngày hôm qua, từ đó mà thu nhập cũng tăng lên. Nếu là bạn, khi mới ra trường, bạn sẽ chọn một công ty nước ngoài với lương cao hơn mặt bằng chung nhưng ít việc, quanh năm chỉ làm một vài tính năng mới và bảo trì duy trì sản phẩm, hay là một công ty trả ít lương hơn, nhưng được học, được làm nhiều cái mới, nhanh nâng cao trình độ ?

Là công nhân lập trình hay là kỹ sư phần mềm

Khi lần đầu tiên OpenAI giới thiệu công cụ ChatGPT, tôi lại một lần nữa bị thức tỉnh. Vô số bài báo nói rằng ngành lập trình có thể bị thay thế bởi AI (Trí tuệ nhân tạo), tuy nhiên tôi lại không cho rằng điều đó hoàn toàn chính xác. Công bằng mà nói đối với một kỹ sư phần mềm, AI chỉ là công cụ hỗ trợ, còn đối với một công nhân lập trình đi làm theo mặc định những gì đã được biết và hoàn thành task theo đúng yêu cầu, thì hoàn toàn có thể bị thay thế một phần hoặc hoàn toàn trong tương lai. Để phân biệt giữa hai khái niệm công nhân lập trình và kỹ sư phần mềm thì cũng có nhiều điểm tương đồng và khác biệt, cụ thể là ở hai mặt trình độ và thái độ. Để biết bản thân là công nhân lập trình hay kỹ sư phần mềm bạn chỉ cần trả lời được mấy câu hỏi sau.

  • Khi gặp vấn đề mới trong công việc, bạn sẽ cố tự tìm cách giải quyết trước hay là đi hỏi người giỏi hơn mình trước ?
  • Tiếp nữa, trong các cuộc họp và phân chia công việc, bạn có hay đóng góp các ý tưởng để giải quyết các vấn đề tốt hơn so với lãnh đạo chỉ ra ban đầu hay là nghe và làm theo ?
  • Bạn có thường xuyên trau dồi thêm kỹ năng và kiến thức công nghệ mới để giải quyết các vấn đề khó hơn ở tương lai hay chỉ cố nắm vững những gì mình đang có trong đầu và đi làm qua ngày ?
  • Bạn đã bao giờ tự tối ưu lại chính code của mình, hay chỉ code để chạy được và kéo task sang mục hoàn thành ?
  • Ngoài giờ làm việc bạn có để tâm đến những gì mình đã làm trong ngày đó không hay là chờ đến sáng mai và bắt đầu một vòng lặp vô hạn cho đến khi nghỉ hưu ?
  • Bạn đã bao giờ làm thuê cho chính ý tưởng của mình với thù lao là 0 đồng ?

Cái nhìn đầu tiên

Trong tình yêu, cái nhìn đầu tiên rất quan trọng. Cái nhìn đầu tiên của doanh nghiệp và ứng viên cũng như thế. Theo cảm nhận của bản thân, các bạn trẻ GenZ ngày càng ưa nhìn hơn, nói năng hoạt bát hơn, thông minh hơn, ít bị đụt so với các anh chị khóa trước. Các bạn ấy được tiếp xúc nhiều, được trải nghiệm sớm, có nhiều công cụ hiện đại để giỏi hơn. Tôi có cơ hội được trò chuyện và tiếp xúc các bạn trẻ mới ra trường trong 2 năm vừa qua và cảm thấy bản thân phải cần phải chạy nhanh hơn nữa và thực sự ấn tượng với những gì mà các bạn ấy có thể làm được. Những CV chỉn chu, nhiều kỹ năng nghề nghiệp được học và làm thành thạo ngay khi mới chỉ đang ngồi trên ghế nhà trường. Doanh nghiệp thực sự cần những người như thế, thậm chí kỹ năng nghề nghiệp của bạn chưa đáp ứng được công việc hiện tại, thêm một chút may mắn nữa có thể bạn vẫn sẽ được nhận vào và đào tạo rồi làm việc cho họ.

Có vẻ như mọi người sẽ nhảy việc sau năm đầu tiên đi làm

Thường thì trong năm đầu tiên, các bạn sinh viên sẽ được học nhiều hơn là làm. Vậy nên kiến thức sẽ tăng rất nhanh sau khoảng thời gian này. Có 2 khả năng dẫn đến nhảy việc đó là tìm một chỗ khác để học kiến thức mới, hoặc tìm nơi trả lương cao hơn hiện tại. Nhưng đừng áy náy vì việc này, doanh nghiệp họ không thực sự bị chi phối quá nhiều từ điều đó. Bởi lẽ, khi bạn nhảy sang công ty khác, người với trình độ ngang bạn sẽ lại nhảy vào doanh nghiệp của họ thôi. Giống như trong bóng đá, dù mùa chuyển nhượng có sôi động đến mấy thì trong sân đá vẫn phải là 11 người từ thủ môn đến tiền đạo và ngoài sân là hàng ghế dự bị.

Trong khi còn là level fresher, các bạn sẽ được làm các task nhỏ trong cả một dự án lớn. Có thể các task mà các bạn làm trong 1 tuần, senior chỉ làm trong 1 ngày. Tuy nhiên doanh nghiệp sẽ luôn kiên nhẫn để giữ lại các bạn, trừ khi doanh nghiệp đó gặp vấn đề về tài chính...

Đừng nhầm lẫn giữa khái niệm đánh giá (review) và tăng lương

Trong hợp đồng lao động hoặc trong JD, các nhà tuyển dụng thường ghi là: "Review một năm hai lần". Điều đó có nghĩa là một năm bạn được sếp tổng đánh giá lại 2 lần, tùy vào năng lực thì mới xem xét có được tăng hay giảm lương, và con số mới là bao nhiêu. Thường thì mọi người sẽ được tăng hoặc giữ nguyên và đợi kỳ review tiếp theo. Nhưng nếu thành quả lao động của bạn giảm đi theo thời gian, thì họ sẽ tìm cách để giảm thu nhập của bạn qua nhiều lý do, hoặc "đuổi khéo" khi không còn thấy phù hợp với doanh nghiệp của họ nữa. Dưới góc độ của chủ doanh nghiệp, họ luôn khao khát tìm đủ mọi cách để nhân viên của mình giữ nguyên lương và tạo ra nhiều của cải cho họ hơn. Hoặc là tăng cho nhân viên 1 triệu, nhân viên phải tạo ra thêm 4 triệu.

Bạn cần phải đáp ứng tối thiểu cái mà doanh nghiệp cần

Năng lực và trình độ của mỗi người là khác nhau, từ đó mà mức lương cũng khác nhau. Tuy nhiên khi đã là nhân viên, dù có ở cấp bậc nào thì cũng sẽ có công việc phù hợp. Nếu khó hơn so với bản thân thì đó là thử thách, nếu dễ hơn so với bản thân, thì rất có thể lúc đó bạn không còn được sếp trọng dụng. Nhưng ít nhất hãy thể hiện đúng năng lực với khoản tiền lương đã nhận hàng tháng. Đó là cách tốt nhất để duy trì quan hệ giữa bạn và sếp cũng như đồng nghiệp trên cùng chiến tuyến.

Doanh nghiệp cần thế hệ trẻ mang đến làn gió mới

Thế hệ già thì đã lên làm lãnh đạo, trung trung thì cũng làm quản lý trưởng phòng, phó phòng, team leader hết rồi. Duy trì công nghệ cũ, con người cũ, văn hóa cũ đâu phải là cách tốt để vận hành một doanh nghiệp. Lúc này là lúc cần thay đổi, con người mới, công nghệ mới, văn hóa mới, trẻ trung, năng động, sáng tạo, cống hiến của thế hệ trẻ. Ngoài lề, đi du lịch, team building, liên hoan, mấy ông sếp già ngồi với nhau mãi mãi một câu chuyện về làm ăn kinh doanh, nhưng có người trẻ song hành thì sẽ có nhiều điều hay ho mới mẻ dành cho cả hai bên.

Cảm ơn

Nếu bạn đã đọc đến đây, tôi cảm ơn vì bạn đã đọc. Nếu bạn tổng hợp được hết những ý của các mục phía trên, có lẽ bạn là người mà các doanh nghiệp đang săn đón. Với thời kỳ suy thoái kinh tế, ngành IT cũng có tỷ lệ thất nghiệp khá cao và tăng dần trong các năm qua. Mong rằng sau bài viết này, bạn sẽ tốt hơn !


All Rights Reserved

Viblo
Let's register a Viblo Account to get more interesting posts.