+32

Bài 15: Scoped CSS trong VueJS và các kĩ thuật liên quan

Chào mừng tất cả các bạn đã quay trở lại với series học VueJS với Laravel của mình, ở bài trước mình đã hướng dẫn các bạn cách xử lý các sự kiện khi người dùng tương tác bằng chuột hoặc bàn phím với VueJS, các bạn có thể xem lại ở đây. Ở bài này chúng ta sẽ tìm hiểu về một trợ thủ rất đắc lực trong quá trình phát triển các ứng dụng Vue nữa đó là thiết lập phạm vi cho CSS trong Vue.

Vấn đề

Trong quá trình phát triển ứng dụng, theo thời gian càng ngày code càng phình to theo thời gian, số lượng component tăng lên vùn vụt, các thiên tài trong group liên tục commit code lên branch, ngày mới đến công ty chào buổi sáng bằng command git pull ... xem lại project thì đã thêm một đống component, code mới. Ngại ngùng không muốn động vào mớ code ấy. Các bạn tiếp tục code phần của mình.

Dẫu vậy đời không như là mơ, đến một ngày các bạn tạo một component Vue mới, viết code ngon lành, dẫu vậy lúc load lại trang chạy thử thì dòng text màu xanh mà liên tục bị chuyển thành màu đỏ. Bực mình sửa mãi không được thế là đánh bài cùi, sửa lại phần css ở component đó cho toàn bộ là !important cho chắc 😃.

Vấn đề ở đây là sau này code phình to hơn lần nào bạn cũng phải set !important hay sao? Hay sẽ ra sao nếu một thiên tài khác ở trong team khi code lại set !important cho class giống như của bạn? Chính bởi những điều đó nên các bạn nên nghĩ tới scoped trong Vue.

Cập nhật 2020: do có sự thay đổi của các package nên bài này mình phải update theo cho đúng nên comment của 1 số bạn comment trước đây trông có thể sẽ khác và nội dung ko còn đúng nữa nhé các bạn 😃

Cách sử dụng

Ở bài này chúng ta tạo ra 2 file để làm ví dụ như sau:

Parent.vue

<template>
    <div>
        <h1 class="welcome-text">
            This is parent
        </h1>
        <Child></Child>
    </div>
</template>

<script>
    import Child from './Child.vue'
    export default {
        components: {
            Child
        }
    }
</script>

<style>
.welcome-text {
	color: red;
}
</style>

Child.vue

<template>
    <h1 class="welcome-text">
        This is child
    </h1>
</template>

<script>
    export default {

    }
</script>

<style>
.welcome-text {
    color: blue;
}
</style>

Sau đó các bạn khai báo component Parent trong file app.js rồi thêm component đó vào welcome.blade.php nhé, nhớ luôn chạy php artisan servenpm run watch nha.

Sau khi các bạn load trang lên có thể thấy kết quả như sau:

Có thể thấy rằng 2 dòng text in ra 1 của Parent và 1 của Child đều có cùng màu đỏ theo css ở trong Parent, thử inspect HTML ta thấy rằng css class welcome-text đã ghi đè thuộc tính color thành red

Để khắc phục điều này ta có thể làm như sau, sửa lại phần CSS ở Child.vue như sau:

<style scoped>
//your CSS
</style>

Ở đây khi chúng ta thêm thuộc tính scoped vào thẻ style thì CSS sẽ ChỈ được áp dụng duy nhất cho component đó. Bằng cách này các component khác nhau có CSS trùng nhau sẽ không bị ảnh hưởng đến nhau.

Vue_Scope_CSS

Các bạn có thể thấy ở hình trên, ở component Child.vue khi render đã được thêm 1 định danh data-v..., định danh này sẽ được Vue tự sinh

Nom có vẻ ổn đấy nhỉ ? 😃

Vậy giờ ở Parent.vue ta cũng thêm scoped thì sao? các bạn thêm scoped vào Parent như sau nhé:

<style scoped>
.welcome-text {
	color: red;
}
</style>

Vậy là ta có scoped ở cả ChildParent, thử load lại trình duyệt và xem nhé:

Vue_Scope_CSS

Ô mai gốt, lại bị ghi đè !??!!?? đầu bài thi quảng cáo scoped thế này thế kia mà nom ra cuối cùng vẫn bị ghi đè 😤😤

Đây là lúc ta tận dụng thêm 1 sức mạnh nữa Vue mang lại: css modules 😃

CSS modules

Cấu hình

Phần này chỉ dành riêng cho Laravel, nếu project các bạn tạo bằng vue-cli thì không cần nhé Các bạn mở file webpack.mix.js và sửa lại như sau:

mix.js('resources/js/app.js', 'public/js')
   .sass('resources/sass/app.scss', 'public/css')
   .webpackConfig({
      module: {
        rules: [
          {
            test: /\.css$/,
            loaders: [
              {
                loader: 'css-loader',
                options: {
                  modules: true,
                  localIdentName: '[local]_[hash:base64:8]', // số 8 ở đây là độ dài của chuỗi băm lát nữa mình sẽ giải thích, các bạn thích đổi thành bao nhiêu cũng đc nhé
                },
              },
            ],
          },
        ],
      },
    })

Thực hành

Parent.vueChild.vue các bạn sửa lại cho mình như sau nhé Parent.vue

<template>
    <div>
        <h1 :class="[$style.welcome_text]">
            This is parent
        </h1>
        <Child></Child>
    </div>
</template>

<script>
    import Child from './Child.vue'
    export default {
        components: {
            Child
        }
    }
</script>

<style scoped module>
.welcome_text {
	color: red;
}
</style>

Và ở Child.vue

<template>
    <h1 :class="[$style.welcome_text]">
        This is child
    </h1>
</template>

<script>
    export default {

    }
</script>

<style scoped module>
.welcome_text {
    color: blue;
}
</style>

Sau đó F5 lại trình duyệt:

CSS modules

Các bạn có thể thấy bây giờ trên trình duyệt đã hiển thị đúng những gì ta muốn, bằng cách sử dụng CSS modules, mỗi class ở mỗi component bây giờ đi kèm đằng sau là 1 chuỗi băm định danh duy nhất và không trùng nhau.

Nom có vẻ ok đấy nhỉ? Vậy thì scoped ở đây thì làm vai trò gì ta? 😃

Theo mình thấy, thì khi dùng tới css modules thì vai trò của scoped khá là thừa thãi và các bạn có thể bỏ đi, thử xem và load lại trình duyệt nhé 😉.

Vậy thì bài này nói về scoped CSS để làm gì??

Sau khi tới phần này, chắc các bạn đang nghĩ: "thôi tôi cứ củ chắc, chơi luôn css modules cho lành, yên tâm không bị đụng độ CSS.

Vấn đề ở đây là:

  • Ta phải tự tay cấu hình webpack để có thể chạy được css modules, điều này có thể xảy ra lỗi trong tương lai nếu như package như laravel-mix thay đổi, ta sẽ phải check lại thay đổi của họ và sửa lại code tương ứng
  • Hiện tại nếu bạn dụng css modules thì Laravel-mix chưa support pre-processor như scss, sass... Chỉ chạy được ở project tạo bằng Vue-cli, Ví dụ như sau:
<style lang="scss" module> // không hoạt động ở project Laravel, chạy ok ở project tạo bằng vue-cli
  • Dùng css modules thì ta sẽ phải bind class với biến $style nên cũng sẽ có phần dài dòng thêm
  • Thường theo trải nghiệm bản thân thì thấy dùng scoped css là cũng rất ok rồi, rất hiếm khi mình rơi vào trường hợp phải dùng với module, và nếu có thì mình thường sửa lại tên class css để vẫn đủ dùng scoped là xong 😄

Các lời khuyên khi viết CSS cho component

Sử dụng scoped cho tất cả các component

Mình khuyến khích các bạn thêm scoped vào tất cả các component trên ứng dụng VueJS của các bạn (thực ra đối với những component là layout hay component root các bạn không để scoped cũng chấp nhận được). Nhưng để an toàn nhất, tránh việc sau này có những ảnh hưởng xấu có thể xảy đến khi 5-10 người cùng code và thay đổi.

Viết CSS sử dụng pre-compiled SCSS

Khi viết CSS cho component Vue hỗ trợ chúng ta viết bằng SCSS, các bạn có thể tuỳ chỉnh bằng cách thay đổi tham số lang="scss" trong thẻ style.

Bằng cách viết này thay vì viết dài dòng như trước:

<style scoped>
.welcome-text {
    color: red;
}

.welcome-text .text {
    color: blue;
}
</style>

Giờ đây code đã gọn hơn rất nhiều như sau:

<style lang="scss" scoped>
.welcome-text {
    color: red;
    .text {
        color: blue;
    }
}
</style>

Bên cạnh đó viết bằng SCSS giúp ta dễ quan sát hơn CSS được áp dụng lồng nhau như thế nào. code gọn hơn nhiều, lúc cần tìm một selector cũng sẽ dễ hơn.

Kết luận

Qua bài này có 2 kĩ thuật mình muốn gửi tới các bạn đó là scoped CSSCSS module, đồng thời mình khuyến khích các bạn nên áp dụng các kĩ thuật ấy một cách thích hợp vào trong các ứng dụng của riêng các bạn, bên cạnh đó mình có đưa ra một số lưu ý cho các bạn trong quá trình viết CSS cho component.

Cám ơn các bạn đã theo dõi, ở bài sau mình sẽ hướng dẫn các bạn cách chúng ta gọi API từ backend Laravel nhé (oh finally, tên series là học ..... với Laravel mà đến tận bài này mới ra đc 1 bài 😄). Nếu có gì thắc mắc các bạn để lại dưới phần comment nhé ^^!


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí