+3

Android Q: Gesture Navigation

Từ thủa sơ khai, Android đã được thiết kế để người dùng thao tác với những nút bấm - đừng quên rằng mục tiêu ban đầu của Android khi nó được sinh ra là để cạnh tranh với BlackBerry. Kể cả sau này, khi Google không còn coi BlackBerry là đối thủ của Android nữa mà thay vào đó là iPhone và màn hình cảm ứng, những nút bấm điều hướng vẫn xuất hiện trên điện thoại Android và tiếp tục là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm người dùng của hệ điều hành này.

Khi Android 9 Pie ra mắt vào năm 2018, Google bắt đầu cho thấy những nỗ lực đầu tiên trong việc loại bỏ nút bấm điều hướng. Lý do thôi thúc Google làm điều này, không ai khác chỉ có thể là Apple: trước trào lưu điện thoại màn hình viền mỏng đang lên ngôi, thao tác cử chỉ của iPhone là phù hợp, hiện đại và tân tiến hơn rất nhiều so với những nút bấm ảo của Android.

Mặc dù vậy, Android Pie nhận được nhiều lời chỉ trích hơn là khen ngợi khi tất cả những gì Google làm là loại bỏ nút Recents và gán nó vào thao tác vuốt từ nút Home trong khi nút Back vẫn giữ nguyên vị trí. Kết quả là thanh điều hướng vẫn còn đó nhưng nay lại trở nên lệch lạc vì thiều đi nút Recents mà thao tác sử dụng lại khó khăn hơn trước. Không những không thể giải quyết vấn đề chính là loại bỏ thanh điều hướng, Android Pie còn mở ra những vấn đề mới mà người dùng chưa từng gặp phải.

Năm nay với Android Q, Google lại làm lại hệ thống điều hướng thêm một lần nữa. Nếu như năm ngoái, Google còn cố "giữ thể diện" và làm khác một chút so với iPhone thì năm nay, Google đã không ngần ngại sao chép toàn bộ thao tác của iPhone, loại bỏ tất cả các nút và điều hướng hoàn toàn bằng cử chỉ (tầm này thì liêm sỉ gì nữa 🤣).

Bằng cách chuyển sang chế độ điều hướng bằng cử chỉ, các ứng dụng của bạn có thể được cung cấp thêm màn hình giúp tạo ra nhiều trải nghiệm tuyệt vời hơn cho người dùng.

Điều hướng bằng cử chỉ là gì?

Nếu có bạn nào chưa biết thì điều hướng bằng cử chỉ là tính năng cho phép bạn thực hiện một số tác vụ nhất định mà không cần thao tác trên các nút, phím bấm của thiết bị. TÍnh năng này sẽ được thực hiện ngay trên màn hình. Tuy mang lại sự thông minh, nhanh chóng nhưng điều hướng bằng cử chỉ cũng gây khó chịu bởi độ chính xác có thể không cao trong lúc thao tác và cần mất thời gian để làm quen.

Cách vận hành của hệ thống điều hướng cử chỉ trên Android Q

Nếu các bạn đã từng sử dụng điều hướng hệ thống bằng cử chỉ trên một chiếc iPhone không nút Home (X/XS/XR), thì trên Android Q cũng sẽ hoàn toàn tương tự:

  • Home: Nếu bạn muốn về màn hình chính, tất cả những gì phải làm là vuốt nhanh từ phía dưới màn hình.

  • Cửa sổ đa tác vụ: Khi đang vuốt để về màn hình chính, nhấn giữ ngón tay trên màn hình một giây thay vì bỏ tay ra sẽ đưa bạn đến cửa sổ đa tác vụ. Từ đây bạn sẽ thấy một danh sách bao gồm những ứng dụng gần đây và có thể cuộn ngang để xem tất cả những gì bạn đã mở.

  • Chuyển đổi giữa các ứng dụng: Vuốt qua trái hoặc phải trên thanh điều hướng để chuyển giữa các ứng dụng thay vì phải vào cửa sổ đa tác vụ.

  • Back: Đây là thứ mà Google không thể sao chép được từ iPhone, hay nói một cách khác là iPhone không có để mà sao chép. Vì vậy, Google chuyển sang sao chép các hãng sản xuất của Trung Quốc như Xiaomi, Huawei với thao tác vuốt từ cạnh màn hình. Dù vậy Google co thay đổi đôi chút khi cho phép người dùng vuốt không chỉ riêng cạnh trái mà là cả cạnh phải màn hình nữa.

  • Kích hoạt Google Assistant: Do không còn nút Home nên để kích hoạt trợ lý ảo, bạn phải vuốt chéo từ góc dưới bên trái hoặc góc dưới bên phải màn hình. Sẽ có những chỉ báo ở hai cạnh để giúp bạn nên vuốt từ phía nào.

Ảnh hưởng đến menu điều hướng của ứng dụng

Với nút Back, việc vuốt từ cạnh trái hay cạnh phải có thể gây ra vấn đề với một số ứng dụng có menu trượt ra từ hai cạnh của màn hình khiến menu này không thể trượt ra được (các hãng sản xuất như Xiaomi, Huawei cho phép người dùng vuốt từ cạnh trái để quay lại nhưng chỉ là ở nửa dưới màn hình còn khi vuốt ở nửa trên menu vẫn sẽ hiện ra).

Để khắc phục vấn đề này, kể từ Android Q Beta 5, Google đã giới thiệu một tính năng gọi là "peek behaviour" để người dùng mở được menu trượt này. Có hai cách thực hiện:

  • Giữ ngón tay ở cạnh màn hình, đợi cho menu trượt lộ ra, sau đó tiếp tục vuốt ngón tay để kéo menu ra.

  • Sử dụng hai ngón tay để kéo menu ra.

Như bạn có thể thấy, giải pháp này thực sự không ổn. Chúng quá phức tạp và không hề trực quan. Thao tác chờ và vuốt có xác suất thành công 50%. Nó đòi hỏi bạn phải thực hiện thật chính xác và nếu bạn không làm đúng bạn sẽ thực hiện thao tác quay lại thay vì mở menu. Phương thức dùng hai ngón tay dễ thực hiện hơn nhưng nếu bạn đang dùng điện thoại bằng một tay thì đó là điều bất khả thi.

Có rất nhiều các ứng dụng có menu trượt, trong đó có cả các ứng dụng chính chủ Google như Photos, Drive, Play Store,... Điều đó có nghĩa là Android Q không chỉ gây xung đột chức năng này, mà "giải pháp" của Google còn khiến sự bực bội tăng gấp nhiều lần.

Có lẽ đây là một "con sâu làm rầu nồi canh", khi mà các thao tác cử chỉ còn lại hoạt động khá hiệu quả. Không hiểu Google nghĩ gì khi nhiều công ty khác trước đó đã phát triển các hệ thống điều hướng bằng cử chỉ của riêng họ với khả năng hoạt động hoàn hảo và không hề xung đột với cách thức bạn sử dụng các ứng dụng.

Có thể chuyển sang hệ thống điều hướng khác không?

Trên các bản Android Q Beta, ngoài hệ thống cử chỉ đầy đủ, người dùng vẫn có thể chuyển sang hệ thống điều hướng khác như hệ thống điều hướng hai nút của Android Pie hay hệ thống điều hướng ba nút cổ điển.

Chỉ cần đi tới Settings > System > Gestures > System Navigation, từ đó bạn có thể chuyển đổi giữa bất kỳ hệ thống điều hướng nào.

Có hoạt động với laucher của bên thứ ba không?

Bắt đầu từ phiên bản Android Q Beta 6, hệ thống điều hướng bằng cử chỉ của Google sẽ không hoạt động nếu bạn dùng laucher của bên thứ ba.

Hệ thống này được thiết kế gắn chặt với Pixel Laucher của riêng Google và ngay khi bạn chuyển sang các laucher khác như Action, Nova, Evie Laucher hay bất kỳ thứ gì khác bạn sẽ bị chuyển ngược lại hệ thống điều hướng ba nút cổ điển, không thể bật được hệ thống điều hướng cử chỉ trừ khi quay về Pixel Laucher.

Điều này không chỉ gây khó khăn cho người dùng có thói quen chuyển đổi qua lại giữa Pixel Laucher và các laucher của bên thứ ba nó còn là đòn giáng mạnh vào bất kỳ ai hứng thú với cử chỉ trên Android Q và các laucher tùy biến khác do các nhà phát triển tài năng tạo ra.

Google cho biết sẽ cung cấp một bản cập nhật nhỏ sau khi ra mắt bản chính thức để mở khóa hệ thống điều hướng bằng cử chỉ cho các laucher bên thứ ba nhưng điều đó có nghĩa Android Q sẽ ra mắt mà không có sẵn tùy chọn đó. Hơn nữa vẫn chưa rõ thời điểm cụ thể của bản cập nhật nhỏ kia.

Hoạt động như thế nào trên điện thoại của các hãng sản xuất khác?

Tương tự như Android Pie, rất khó để hệ thống điều hướng bằng cử chỉ của Android Q có thể xuất hiện đầy đủ trên phần mềm tuỳ chỉnh riêng của từng hãng sản xuất. Hệ thống này chắc chắn sẽ xuất hiện trên các điện thoại Pixel hay điện thoại chạy Android One còn với Samsung Galaxy S10 hay OnePlus 7 Pro thì vẫn sẽ tiếp tục sử dụng hệ thống điều hướng riêng mà Samsung và OnePlus tạo ra

Tổng kết

Từ Pie năm ngoái đến Q năm nay, chúng ta có cảm giác như Google vẫn chưa biết chính xác bản thân họ muốn gì với hệ thống điều hướng bằng cử chỉ trên Android. Việc Google thử nghiệm nghiệm những thứ mới mẻ (đối với họ) là rất đáng khen ngợi. Nhưng điều đó đồng thời lại biến người dùng thành những chú chuột bạch và buộc phải thích nghi với nhiều vấn đề đi kèm với thử nghiệm đó. Hy vọng trong tương lai không xa có thể là Android R, Google sẽ phát triển và hoàn thiện hệ thống điều hướng bằng cử chỉ của riêng mình.

Tài liệu tham khảo

https://www.androidcentral.com/android-q-gesture-faq


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí