Android - Bước tiến dài của cách mạng công nghệ
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 3 năm
Android - Bước tiến dài của cách mạng công nghệ
“Google thường dùng các món đồ ngọt (Petit Four, Lolipop, Marshmallow...) để đặt tên cho các phiên bản mới của mình.”
Cách đây 10 năm nếu smartphone còn là một khái niệm mơ hồ, thị trường di động cầm tay đơn thuần chỉ xoay quanh những thay đổi về kiểu dáng, màu sắc, thì ngày nay, những chiếc điện thoại thông minh đã chiếm lĩnh hoàn toàn cuộc sống hiện đại. Theo thống kê trên thế giới, cứ 3 người lại có 1 người sử dụng smartphone cho các mục đích công việc, liên lạc và giải trí. Trong số đó có tới 80% là thiết bị Android. Vậy Android là gì? Sự ra đời của Android có ảnh hưởng tới đội ngũ nhà phát triển (developer) như thế nào? Hi vọng bài viết giới thiệu chuyên môn trong ấn phẩm này sẽ phần nào giải đáp được những thắc mắc của bạn đọc yêu công nghệ.
Hậu sinh khả úy
Android là một hệ điều hành có mã nguồn mở dựa trên nền tảng Linux, được thiết kế dành riêng cho các thiết bị di động có màn hình cảm ứng như điện thoại thông minh và máy tính bảng. Ban đầu, hệ điều hành này được phát triển bởi Android Inc., một công ty nhỏ mới thành lập có trụ sở ở Palo Alto, California, Mỹ, dưới sự hỗ trợ tài chính từ Google. Cho đến tháng 7 năm 2005, quyết định mua lại công ty này đã làm dấy lên tin đồn rằng ông lớn công nghệ tìm kiếm đang muốn bước chân vào lĩnh vực di động và tạo ra chiếc điện thoại thông minh mang thương hiệu riêng của mình. Sau một thời gian dài phát triển, Google đã lên danh sách các thành phần phần cứng và các đối tác phần mềm, đồng thời ra hiệu với các nhà mạng rằng họ sẵn sàng hợp tác ở nhiều cấp độ khác nhau. Ngày 22 tháng 10 năm 2008, chiếc điện thoại đầu tiên chạy trên nền tảng Android - HTC Dream chính thức xuất hiện trên thị trường. Tuy ra mắt muộn màng khi những chiếc iPhone đầu tiên chạy hệ điều hành iOS đã tạo được chỗ đứng nhất định, nhưng với ưu điểm vượt trội về yếu tố nhẹ nhàng, dễ dàng tùy chỉnh đã khiến Android lội ngược dòng và vươn lên nhanh chóng, thậm chí chỉ cần hai năm sau khi chào làng để đánh bại Symbian trở thành nền tảng di động phổ biến nhất toàn cầu.
Gót chân Achilles
Được thiết kế tối ưu cho các thiết bị cảm ứng, giao diện ứng dụng (app) của Android dựa trên nguyên tắc tác động trực tiếp, cho phép người dùng dễ dàng tương tác với màn hình thông qua những động tác đơn giản vuốt, chạm, kéo dãn và thu lại để xử lý các đối tượng. Không chỉ vậy, kế thừa tính mở của Linux, Android còn cho phép tùy ý chỉnh sửa mà không có sự can thiệp hay ràng buộc pháp lý từ Google. Qua đó, người dùng được tự do với những gì mình muốn, các nhà phát triển thỏa sức sáng tạo thương mại hóa các ứng dụng, còn các hãng sản xuất có thể tuỳ biến lại những trải nghiệm Android cho khách hàng của riêng mình. Điều này cho phép Android hỗ trợ rất nhiều các mẫu thiết bị từ phân khúc bình dân đến cao cấp, mang đến nhiều lựa chọn cho người sử dụng, khác hẳn với việc iOS chỉ dành riêng cho iphone hay Windows phone chỉ hỗ trợ dòng điện thoại của Microsoft.
Để đáp ứng được nhu cầu đông đảo của người dùng, kho ứng dụng Google Play Store vô cùng đồ sộ và hữu ích. Trong đó lượng ứng dụng từ bên thứ ba cũng rất phong phú đang không ngừng gia tăng. Về phía các developer, Android ngày càng trở nên thân thiện hơn bởi cộng đồng phát triển đông đảo cùng nhiều thư viện hỗ trợ. Như vậy chỉ cần một chi phí nhỏ để học lập trình và phát triển, bạn có thể dễ dàng tự lên một module hay tạo OS tùy biến. Tính đến nay, đã có hơn 800.000 app dành cho Android, còn số lượng ứng dụng tải về từ Google Play Store ước tính lên tới 25 tỷ lượt.
Tuy nhiên ưu điểm cũng chính là nhược điểm, gót chân Achiles của Android nằm ở chính tính năng “mở” của mình. Càng dễ dàng phát hành một app, lại không bị ràng buộc nhiều về pháp lý, các ứng dụng rác và vi phạm bản quyền càng tràn lan trên hệ điều hành này. Không dừng lại ở đây, người dùng Android luôn phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn cao khi bị dính virus hoặc cài phải các phần mềm độc hại khi sử dụng các ứng dụng hoặc ROM không rõ nguồn gốc xuất xứ. Không nói đâu xa, vào thời điểm trò chơi Pokemon Go! Chưa được phát hành tại Việt Nam, không ít người dùng đã phải nếm quả đắng khi cài đặt game bằng file .apk chứa mã độc trôi nổi trên mạng. Tiếp tục xét dưới góc nhìn của nhà phát triển, Android chạy trên máy ảo java nên thực thi lệnh/app chậm hơn, tốn nhiều RAM và render hình ảnh lâu hơn nhiều so với iOS hay OS viết từ C. Tuy đáp ứng được nhiều phân khúc khách hàng, nhưng chính sự phân mảnh quá lớn do được phát triển trên nhiều thiết bị khách nhau đã làm xuất hiện những nhược điểm về giới hạn phần cứng. Điều này thực sự gây khó khăn cho developer khi xây dựng ứng dụng mới cũng như buộc người dùng phải mua thiết bị mới để đạt được những trải nghiệm như kỳ vọng.
Android tại Framgia
Tự hào có một đội ngũ phát triển sáng tạo và giàu kinh nghiệm, đặc thù của team Android tại Framgia là viết các app theo yêu cầu chi tiết của khách hàng dựa trên ngôn ngữ Java và bộ công cụ Android SDK do Google phát hành. Trong lập trình, có thể sử dụng nhiều ngôn ngữ, công cụ bổ trợ khác như C++ (để viết thư viện lib.so), SQL ( là một ngôn ngữ để thực hiện các truy vấn lấy thông tin từ cơ sở dữ liệu), XML ( để mô tả dữ liệu, thiết kế giao diện người dùng (UI) và phân tích dữ liệu lấy từ internet)... Tuy nhiên, Java là một trong những ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất được sử dụng bởi các nhà phát triển phần mềm hiện nay, vì vậy việc thông thạo nó sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, thậm chí vượt ra ngoài nền tảng Android.
Quay lại với những con người đang ngày đêm miệt mài dự án, lý do lựa chọn lập trình Android của họ có thể khác nhau: người thì nhìn thấy tương lai triển vọng, người yêu thích từ những game xuất hiện trên smartphone thời kỳ đầu, người lại chọn chỉ vì sự dễ dàng tiếp cận. Nhưng quy lại một mối, họ đều đang dùng hết khả năng để giải quyết các vấn đề kỹ thuật từ cơ bản đến phức tạp, không kể dự án lớn nhỏ, những mong đưa ra một sản phẩm hoàn chỉnh và ít lỗi nhất tới tay người dùng. Sự say mê ấy còn được thể hiện ở tinh thần ham học hỏi khi chủ động tổ chức các buổi seminar, các buổi hội thảo cũng như trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên. Tại đây, mỗi vấn đề sẽ được tìm hiểu và nghiên cứu một cách nghiêm túc, qua đó rút ra kinh nghiệm để hoàn thiện kỹ năng cá nhân nói riêng cũng như thúc đẩy sự phát triển của team Android nói chung.
Tựu chung, khó lòng có thể đòi hỏi một sản phẩm công nghệ hoàn hảo không một khuyết điểm, không thể mong Android vừa thân thiện, dễ tùy biến mà nằm ngoài tầm ngắm của các hacker. Chính vì vậy, khi được hỏi phần lớn developer vẫn lựa chọn Android làm môi trường phát triển yêu thích. Bên cạnh việc kỳ vọng Google sớm có những động thái tích cực kiểm soát vấn đề trên và ứng dụng rác trên Google Play Store, không ít ý kiến cho rằng chính các developer cần tự trang bị cho mình kiến thức vững chắc về bảo mật để bảo vệ sản phẩm trí tuệ của mình.
Cố vấn chuyên môn: Phạm Quý Hải, Lưu Hoàng Trúc
Tổng hợp: Hoàng Phương Loan
All rights reserved