0

5 lý do hàng đầu khiến CIO của bạn nên quan tâm đến công việc Testing.

Mở đầu bài viết có lẽ chúng ta nên tìm hiểu một chút CIO là ai, vai trò của người đó là gì vì có thể rất nhiều người chỉ từng nghe đến CTO chứ chưa từng nghe đến CIO bao giờ.

CIO là viết tắt của cụm từ Chief Information Officer, đây là chức vụ điều hành trong công ty phụ trách về chiến lược cũng như triển khai công nghệ thông tin. Vai trò của CIO chủ yếu là giám sát phần cứng, phần mềm, dữ liệu, nghiên cứu công nghệ mới và cách áp dụng nó để mang lại giá trị kinh doanh cũng như các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin.

Nói đến đây có thể nhiều người cho rằng CIO và CTO khá giống nhau nhưng thực chất không phải vậy. CIO thường chú trọng tập trung về mặt công nghệ thông tin trong nội bộ, quản lý cơ sở hạ tầng. “CIO không cần phải hiểu đầy đủ về cách thức hoạt động của công nghệ, nhưng hiểu những gì nó có thể làm và làm thế nào nó có thể tác động đến doanh nghiệp.” - Jeff Bittner, người sáng lập và chủ tịch của Exit Technologies nói. Còn về một CTO ông có nhận định: “CTO đắm chìm trong công nghệ và có hiểu biết ở cấp độ kỹ thuật về cách thức hoạt động của công nghệ và vị trí của nó”

Quay trở lại với chủ đề của chúng ta hôm nay thì nhiều khi quá trình Testing đối với các sản phẩm bị CIO xem nhẹ, dưới đây là 5 lý do để cân nhắc lại điều này:

1. Giảm thiểu đáng kể rủi ro.

Khi một phần mềm được đưa vào sử dụng mà chưa trải qua quá trình testing hoặc là testing một cách chưa đầy đủ, qua loa, đại khái thì điều đó đồng nghĩa với việc chính những người dùng cuối hay nói cách khác là khách hàng sẽ làm phần việc đó. Và chắc chắn họ sẽ cảm thấy không hài lòng khi phát hiện ra các lỗi, các vấn đề trong quá trình họ trải nghiệm.

Chính vì vậy việc thực hiện quá trình testing một cách nghiêm túc, đầy đủ sẽ góp phần đảm bảo chất lượng của sản phẩm ở mức cao nhất và giảm thiểu được tối đa các rủi ro khi đưa sản phẩm ra ngoài thị trường.

2. Đo lường được lợi tức mang lại.

Không chỉ CIO mà bất cứ nhà lãnh đạo nào của bạn cũng sẽ quan tâm đến số vốn khi đầu tư vào một sản phẩm và lợi tức của nó mang lại sẽ như thế nào. Nếu trong quá trình phát triển phần mềm mà không có quá trình testing, nó sẽ giống như bạn cứ rót tiền vào một cái hố mà không bao giờ dừng lại để xem kết quả của nó như thế nào, không biết dừng lại lúc nào.

Chắc chắn một điều rằng, các CIO sẽ muốn ít nhất là thu lại hoàn toàn được số tiền đã đầu tư vào một dự án phần mềm khi sản phẩm đó ra thị trường. Để đảm bảo được điều đó thì việc testing những gì mà đội phát triển xây dựng nên là không thể thiếu để có được một sản phẩm đúng với những yêu cầu của khách hàng và hoạt động một cách hiệu quả, trơn tru.

3. Cải thiện được các mốc thời gian.

Khi chúng ta xây dựng nên một sản phẩm, không phải chúng ta cứ làm từ đầu đến cuối đến khi nào xong thì thôi. Nó cũng như việc xây một ngôi nhà vậy, chúng ta phải làm móng nhà xong trước, kiểm tra có ổn định có đạt tiêu chuẩn không rồi mới đến các phần tiếp theo, nếu không thì ngôi nhà khi xây xong rất có thể nứt gãy và thậm chí là sập. Việc phát triển phần mềm cũng vậy, sẽ cũng có những mốc thời gian như thế. Nếu thiếu quá trình testing thì chúng ta cũng không xác định được các mốc thời gian để nghiệm thu như khi xây dựng một ngôi nhà vậy và có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng.

4. Khắc phục các lỗi có thể gặp phải.

Điều này thì thực sự không thể bàn cãi rồi, có testing thì nhất định sẽ có lỗi, có vấn đề, không bao giờ một phần mềm có thể hoàn hảo 100% được. Khi có lỗi có vấn đề thì sẽ được khắc phục và như vậy thì chất lượng của sản phẩm sẽ được nâng cao. Đây là một logic dễ hiểu và là lợi ích cốt lõi mà testing mang lại trong việc sản xuất phần mềm.

5. Đóng góp các ý kiến để cải thiện.

Khi nhiệm vụ testing được giao cho lập trình viên thì chắc chắn họ sẽ chỉ kiểm tra đúng theo những gì họ được khách hàng yêu cầu, thậm chí họ sẽ không phát hiện được ra những lỗi trong những gì họ lập trình. Nhưng đối với các kiểm thử viên thì lại khác, nhiệm vụ của họ không những là phát hiện ra lỗi mà họ còn đưa ra thêm những gợi ý để cải thiện thêm về phần chức năng cũng như giao diện để thân thiện nhất với người dùng. Đây cũng có thể nói là một cách để nâng cao chất lượng của sản phẩm phần mềm khi đưa ra thị trường.

Tóm lại, có thể nói quá trình testing không những là một quá trình không thể thiếu mà còn là một quá trình vô cùng quan trọng trong việc phát triển phần mềm. Qua bài viết này, hi vọng những CIO, CTO sẽ có cái nhìn cao hơn trong viêc testing phần mềm.

Link tham khảo: https://www.qasymphony.com/blog/your-cio-should-care-about-testing/ https://bstyle.vn/cio-la-gi.html


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí