5 lí do khiến bạn tốn thời gian trong quá trình testing.
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 5 năm
Đôi lúc khi kết thúc một ngày làm việc, tôi luôn tự cảm thấy mình có thể làm việc hiệu quả hơn trong ngày hôm đó. Tôi đã ngồi tự phân tích và tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực testing thì có thể đưa ra được một kết luận như sau: Không phải toàn bộ thời gian mà bạn bỏ ra trong quá trình testing đều đạt hiệu quả như mong đợi, muốn đạt được hiệu quả tốt nhất bạn phải khắc phục 5 điều dưới đây:
1. Bạn không thực sự hiểu rõ được mục tiêu trong mỗi phần việc testing mà bạn làm.
Mỗi khi bắt đầu một phần việc về testing, bạn cần hiểu rõ được tại sao bạn cần bỏ thời gian ra để làm phần việc đó và nó đang hướng tới cái gì.
Hiểu rõ được các mục tiêu là con đường duy nhất để bạn có thể chắc chắn rằng mình đang bỏ công sức ra một cách đúng đắn và không bị phí phạm.
Rất nhiều lần tôi thấy các bạn testers thực hiện xong các phần việc testing của mình một cách rất nhanh chóng mà không hiểu được mục tiêu chứa đựng trong nó. Hậu quả là có thể sẽ dẫn đến các thiếu xót và không thể hoàn thành được một cách trọn vẹn phần việc đó.
Hãy bỏ ra 1 hoặc 2 phút thôi để làm rõ ràng các mục tiêu trước khi bắt đầu lao vào phần việc mình được giao, điều đó không những sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức mà còn đem lại hiệu quả cao trong công việc.
2. Bạn không hiểu được giá trị của chức năng đó với người dùng cuối.
Testing không phải chỉ đơn giản là bạn kiểm tra xem cái nút lưu đó có thực sự lưu được những thay đổi trong màn hình đó không mà bạn phải hiểu rằng người dùng cuối có muốn ấn vào cái nút đó để lưu hay không hay còn có cách khác để lưu hiệu quả hơn.
Một trong những mục tiêu lớn nhất khi chúng ta kiểm tra một chức năng hay một thay đổi nào đó của hệ thống là đem lại những giá trị mong muốn cho khách hàng cuối hay nói cách khác là làm họ cảm thấy vui vẻ thoải mái hơn khi sử dụng hệ thống.
Cách duy nhất để cho hệ thống thỏa mãn được những gì khách hàng cần là chúng ta phải hiểu được khách hàng định làm gì với nó.
Tuy nhiên vấn để ở đây là rất nhiều các bạn tester không chiụ bỏ thời gian để nghiên cứu điều này. Hoặc thậm chí tệ hơn, các bạn không hề quan tâm đến nó, dẫn đến các bạn không hề có bất cứ phán đoán gi về chức năng mới của hệ thống sẽ giúp cho người dùng nhiều hơn hay làm họ bị khó chịu hơn.
Có một sự thật là những người tester không thể hiểu được hết tất cả người dùng và cũng không thể đánh đồng họ như nhau để đánh giá sản phẩm của mình. Tuy nhiên nếu bạn không bỏ công sức của mình ra để tìm hiểu họ, để hiểu họ hơn dù chỉ một chút thì khi bạn xây dựng hệ thống bạn sẽ không thực sự biết rằng nó có thực sự quan trọng hay cần thiết đối với người dùng cuối không.
Khi không đi guốc trong bụng khách hàng của bạn thì có thể sẽ dẫn đến các sai lầm lớn hơn tất cả những gì bạn tưởng tượng.
3. Bạn không có tính linh động, sáng tạo trong công việc.
Tôi thực sự tin rằng testing vừa là một ngành kỹ thuật mà lại vừa là một bộ môn nghệ thuật.
Tính kỹ thuật ở đây có nghĩa là bạn phải chuẩn bị đầy đủ mọi phương pháp của mình để hoàn thành việc thực hiện các trường hợp kiểm thử mà mình đã đặt ra. Tuy nhiên song song với đó là tính nghệ thuật, bạn phải luôn sáng tạo, phải thay đổi bản thân để có được tư duy testing phù hợp nhất dựa trên những kinh nghiệm thực tế bạn đã trải qua.
Có nghĩa là một tester giỏi là phải luôn sẵn sàng để thay đổi chỉnh sửa các kế hoạch testing mình đặt ra dựa trên tình hình thực tế. Và để làm được điều đó, bạn phải luôn có được sự chuẩn bị tốt nhất, luôn luôn theo dõi chặt chẽ các phần việc testing mình đang làm đồng thời cũng luôn nhìn lại, tự kiểm tra lại những quyết định mình đã đưa ra, những thay đổi trong kế hoạch của mình để không bị lạc hướng.
Việc này cũng có thể so sánh một cách thú vị như bạn đang đi một con đường mòn theo tấm bản đồ trên tay đã được định sẵn vậy. Bạn phải sẵn sàng ra khỏi con đường đó nếu cảm thấy có một thứ nào đó thú vị ẩn nấp ở đâu đó ven đường.
Vậy làm thế nào để tiến hành được điều này mà vẫn đạt được các mục tiêu mình đặt ra trước đó. Bạn phải luôn luôn tập trung bám sát các vấn đề và trả lời được các câu hỏi: những công việc đã đặt ra theo kế hoạch là gì, những công việc thực tế mình đang làm là gì và những thay đổi trong kế hoạch của mình là gì.
Bạn nên luôn mang theo một quyển sổ tay tiện dụng để ghi chép các điều cần thiết trong quá trình testing của mình. Từ đó có thể đưa ra được các thay đổi trong kế hoạch một cách hiệu quả nhất, phù hợp với thực tế nhất.
4. Bạn không tham khảo các thông tin từ các phase testing trước đó để phục vụ cho phase testing hiện tại của hệ thống.
Thực sự có rất nhiều bạn tester không chịu tìm hiểu về những bộ test cases đã chạy trước đó hay những bug đã phát hiện trước đó của hệ thống để có thể thực hiện việc testing một cách tốt nhất cho hệ thống ở phase hiện tại.
Các bạn phải hiểu rằng testing không chỉ là một quá trình để tìm ra lỗi của sản phẩm mà testing là một quá trình chúng ta xác nhận hệ thống đem lại những giá trị thực sự cho khách hàng chứ không phải những bất lợi hay những điều khó chịu khi khách hàng sử dụng hệ thống.
Vì vậy bất cứ thông tin cũng như bài học từ các phase testing trước đó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều, tránh được các sự cố đáng tiếc cho sản phẩm ở phase hiện tại.
5. Bạn không thực hiện việc peer review với đồng nghiệp.
Nhiều cái đầu bao giờ cũng hơn một cái đầu.
Thật vậy, bạn có chắc chắn rằng việc testing của mình đã hoàn thành thật sự. Đấy chỉ là từ quan điểm của bạn mà thôi.
Review chéo đôi khi chỉ là bạn nêu ra những quan điểm của mình hoặc những việc bạn đã làm được cho đồng nghiệp cũng như cho team, để từ đó họ có thể bổ sung thêm những quan điểm cần thiết cho phần việc testing của mình. Đây thực sự là một bước đơn giản nhưng nó đem lại hiệu quả to lớn cho công việc của chính bạn.
Trên đây là 5 điều có thể giúp bạn cải thiện được nhiều hơn trong công việc. Hi vọng trong tương lại khi bạn khắc phục được 5 điều trên thì bạn sẽ đạt được hiệu quả tích cực như mong đợi.
Link tham khảo: https://qablog.practitest.com/5-reasons-you-are-wasting-your-testing-time/
All rights reserved