Xây dựng Vue của riêng bạn chỉ trong 300 dòng (Phần 1)
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 4 năm
Xin chào các bạn,
Nhân đợt dịch COVID-19 này, khá rảnh cho nên mình quyết định xây dựng thử lại Vue phiên bản minimal theo đúng với những suy nghĩ, hiểu biết của bản thân về Vue.
Concept chính
Để hoàn thành được Vue minimal này, mình sẽ lần lượt đi qua các mục như sau:
- Như thế nào là Reactivity System?
- Giải pháp xây dựng Reactivity System để có thể mở rộng sau này?
- Bước đầu xây dựng Vue của riêng mình.
- VNode là gì?
- Từ VNode đến DOM HTML.
- Bước đầu hoàn thiện Vue của riêng mình.
- Xây dựng component cho Vue của mình.
1. Như thế nào là Reactivity System?
Đối với các bạn đã sử dụng Vue, hoặc những frameworks tương tự thì cũng sẽ thấy được các frameworks này có một điểm chung đó là khi cập nhật state thì nội dung trên web cũng sẽ được cập nhật lại.
Vấn đề
Mình có ví dụ như sau:
let price = 12
let quantity = 2
let total = price * quantity
console.log(total) // 24
quantity = 4
console.log(total) // 24
Trong ví dụ trên, mình định nghĩa total được tính bằng tích của số lượng và giá. Tuy nhiên sau khi mình cập nhật số lượng thì total lại không được cập nhật. Đấy chính là cách mà JavaScript hoạt động.
Giải quyết
Để giải quyết vấn đề xảy ra bên trên, mình sẽ lưu lại những hàm tính giá trị, để sau khi cập nhật giá trị một biến mình sẽ gọi để nó cập nhật lại các biến cũ.
let price = 12
let quantity = 2
let total = price * quantity
let memo = []
const saveTarget = (target) => {
memo.push(target)
// save this target for run later
}
const reUpdate = () => {
for (let i = 0, l = memo.length; i < l; ++i) {
const target = memo[i]
target()
}
}
let target = () => {
total = price * quantity
}
// save calculate function for later use
saveTarget(target)
// call to calculate for the first time
target()
console.log(total) // 24
quantity = 4
reUpdate()
console.log(total) // 48
Như trong ảnh bạn sẽ thấy, mình tạo ra một mảng memo dùng để lưu tất cả các hàm tính giá trị để sau này mình có thể gọi cập nhật lại. Đi kèm với memo mình có định nghĩa thêm 2 hàm saveTarget và reUpdate để lưu lại các hàm tính giá trị và gọi lại tất cả các hàm tính giá trị đó để cập nhật lại toàn bộ giá trị các biến.
Lần này khác với lần trước, mình định nghĩa việc tính total bằng một hàm target, sau đó mình tiến hành lưu lại target. Sau khi cập nhật lại số lượng, mình chỉ cần gọi reUpdate là việc tính toán lại total của mình đã được thực hiện.
2. Xây dựng Reactivity System như thế nào để có thể dễ tái sử dụng?
Tuy ở trên đã giải quyết được việt cập nhật lại giá trị nhưng chúng ta vẫn cần một cách hiệu quả hơn, cần một cái gì đó quản lý những target phụ thuộc trên biến đó để gọi lại mà thôi. Nếu như cách ở trên thì dù có cập nhật những biến không ảnh hưởng gì bên trên, nhưng khi chúng ta gọi reUpdate chúng vẫn đều tính lại các giá trị mà bản thân nó không bị thay đổi.
Chúng ta cần một class quản lý các phụ thuộc (dependencies) vào một biến, và khi cập nhật biến nào thì chỉ gọi update lại các giá trị phụ thuộc trên biến đó mà thôi.
Ở bên dưới là cách mình cài đặt class quản lý các phụ thuộc.
class Dep {
constructor() {
this.subs = []
}
depend() {
if (Dep.target && !this.subs.includes(Dep.target)) {
this.subs.push(Dep.target)
}
}
notify() {
const subs = this.subs.slice()
for (let i = 0, l = subs.length; i < l; ++i) {
subs[i].call()
}
}
}
Dep.target = null
Lúc này đoạn code ban đầu sẽ thay đổi như sau:
let price = 12
let quantity = 2
let total = 0
let quantityDep = new Dep()
Dep.target = () => {
total = price * quantity
}
// save calculate function for later use
quantityDep.depend()
// call to calculate for the first time
Dep.target()
// reset dependency target for another use
Dep.target = null
console.log(total) // 24
quantity = 4
quantityDep.notify()
console.log(total) // 48
Sau khi thay đổi thì các bạn sẽ thấy nó vẫn hoạt động đúng theo ý của mình và trông code có thể tái sử dụng hơn đúng không? Nhưng có một thứ mà mình vẫn thấy khó chịu đó chính là cứ phải set và reset lại cái target. Mình sẽ tạo thêm một hàm là useEffect để làm việc đó.
function useEffect(fn, deps) {
Dep.target = fn
fn()
deps.forEach((dep) => dep.depend())
Dep.target = null
}
Hàm useEffect này mình sẽ truyền vào một hàm target và các dependencies của target. Lúc này code lại tiếp tục thay đổi như sau.
let price = 12
let quantity = 2
let total = 0
let quantityDep = new Dep()
let priceDep = new Dep()
useEffect(() => {
total = price * quantity
}, [quantityDep, priceDep])
console.log(total) // 24
quantity = 4
quantityDep.notify()
console.log(total) // 48
price = 10
priceDep.notify()
console.log(total) // 40
Như vậy khi dùng useEffect mình sẽ truyền vào một hàm target và các Dep của những biến mà nó phụ thuộc. Và có lẽ các bạn cũng đều thấy cách dùng này vẫn chưa tối ưu. Mình muốn nó "thông minh" hơn nữa. Đó là mình chỉ cần useEffect truyền vào hàm target, và các biến được sử dụng trong đó sẽ tự thêm target vào Dep của chính nó chứ không cần mình tạo quantityDep hay priceDep nữa.
Đây chính là lúc mình sử dụng Object.defineProperty(). Object.defineProperty cho phép mình định nghĩa thêm getter và setter cho mỗi key trong object.
Lúc này, để sử dụng Object.defineProperty mình sẽ đưa dữ liệu về một object. Và cách mình sử dụng Object.defineProperty như sau.
function defineReactiveData(data) {
// apply getter, setter for each key of the object
Object.keys(data).forEach((key) => {
// create new dep
let dep = new Dep()
let value = data[key]
Object.defineProperty(data, key, {
get: function reactiveGetter() {
// if target get value of this key
// add target to dependencies
dep.depend()
return value
},
set: function reactiveSetter(newValue) {
value = newValue
// when value has changed
// call all subscribers for re-update state
dep.notify()
},
})
})
}
Lúc này sau khi mình đã định nghĩa getter và setter cho mỗi key trong data, thì lúc này mình có cũng thay đổi useEffect một chút như sau.
function useEffect(fn) {
Dep.target = fn
fn()
Dep.target = null
}
Lúc này bạn chỉ cần thực hiện cập nhật giá trị như bình thường, các giá trị phụ thuộc trên giá trị vừa cập nhật cũng sẽ tự cập nhật lại. Những đoạn code ban đầu sẽ trở nên gọn gàng như sau.
let total = 0
let data = {
price: 12,
quantity: 2,
}
defineReactiveData(data)
useEffect(() => {
total = data.price * data.quantity
})
console.log(total) // 24
data.quantity = 4
console.log(total) // 48
data.price = 10
console.log(total) // 40
Lời kết
Vậy là chúng ta đã hoàn thành xong một Reactivity System. Nếu các bạn có tìm hiểu qua thì cũng sẽ thấy Vue 2 cũng sử dụng Dep và Object.defineProperty để làm Reactivity System.
Ở phần sau mình sẽ cùng các bạn chuẩn bị cho Vue của riêng mình nhé.
Cảm ơn các bạn đã đọc, mong là bài viết này sẽ giúp được các bạn phần nào tiếp cận với Reactivity System và bước đầu hiểu sâu hơn về các frameworks như Vue,...
All rights reserved