+2

Văn hoá "xấu hổ" của người Nhật

Văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại Nhật Bản luôn mang trong mình một sức hấp dẫn hết sức đặc biệt. Song, trong quá trình tiếp xúc với người Nhật, không ít người nước ngoài đã hiểu lầm những giá trị rất riêng của nền văn hóa đảo quốc Nhật Bản, do không lý giải được những đặc thù ấy, ngay cả khi họ có cơ hội sinh sống trên đất nước mặt trời mọc. Trong số đó, Văn hóa xấu hổ không chỉ đáng lưu tâm trong khi nghiên cứu văn hóa Nhật Bản, mà còn có những ảnh hưởng khá tiêu cực tới quá trình lý giải lẫn nhau với các nền văn hóa khác của người Nhật.

Xấu hổ là một trạng thái tâm lý của con người khi bản thân mắc lỗi sai hoặc cảm thấy kém cỏi so với người khác. Trong thành ngữ của Nhật Bản không thiếu những câu nói về sự xấu hổ như: “Hito wa ichidai, na wa matsudai” (人は一代、名は末代. Tạm dịch: Sống chỉ một kiếp, tiếng để muôn đời). Với người Nhật Bản, văn hóa xấu hổ không phải sự tự nhận thức hoặc kiểm điểm mang tính đạo đức đối với các hành vi của bản thân. Mà nó là việc quyết định hành vi của mình dựa trên những cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá, phán xét của người khác. Hay nói một cách dễ hiểu và đơn giản thì văn hóa xấu hổ đối với người Nhật Bản đến từ  tâm lý e ngại sự đánh giá của người khác mà điều chỉnh hành động của bản thân.

Có thể giải thích cho nét văn hóa đặc biệt này của người Nhật là do Nhật Bản là một quốc gia theo Thần giáo, do vậy họ rất e ngại việc phải đương đầu với dư luận của xã hội. Từ nguồn gốc này mà nhiều người thường nhận xét rằng, không một quốc gia, dân tộc nào đặt nặng việc giữ thể diện trước mặt người khác như người Nhật.    Hình ảnh điển hình cho nét văn hóa xấu hổ của người Nhật chính là các võ sĩ Samurai. Người Nhật từng có câu nói rằng: “Võ sĩ khi đói thì ngậm tăm” có nghĩa là cho dù có nghèo đói, túng thiếu tới mức nào đi chăng nữa thì các võ sĩ Samurai vẫn không đươc để lộ sự túng thiếu của mình mà vẫn phải giả vờ ngậm tăm như đã ăn no nê để giữ thể diện... Một ví dụ khác vẫn về những người anh hùng của dân tộc Nhật Bản chính là tục mổ bụng để bảo toàn danh dự của giới võ sĩ Nhật Bản. Nhiều người cho rằng đây là hành động mang tính cực đoan nhưng với người Nhật thì quan niệm sinh tử như vậy là một “mỹ đức”. Luật tự mổ bụng (切腹) hay còn gọi là harakiri, cho phép một samurai bị hạ nhục phục hồi danh dự cho mình bằng cái chết.

Thời Samurai, khi bị địch bắt hoặc trước khi bị địch phát hiện, thất bại hay sai phạm điều gì luôn seppuku rạch bụng tự tử chứng tỏ nghĩa khí, lòng trung thành, trách nhiệm... Mặc dù người Nhật khi làm gì luôn tự chịu trách nhiệm bản thân nhưng khi để ảnh hưởng tới tập thể thì cấp trên sẽ là người đứng ra nhận lỗi và xin đối phương tha thứ. Có lẽ tinh thần của các võ sĩ ngày xưa vẫn còn lưu truyền đã làm nên văn hóa lễ nghĩa, trọng danh dự và nhất là phải sống đẹp của người Nhật và xã hội Nhật Bản ngày nay chăng?

Gần đây, những vấn đề xã hội nghiêm trọng có liên quan tới văn hóa xấu hổ của Nhật Bản ngày một gia tăng.. Do tính cách ngại giao tiếp trong lần đầu gặp mặt và không dám bày tỏ ý kiến hoặc quan điểm thực của bản thân của người Nhật. Nghiêm trọng hơn, tính cách dân tộc như vậy đã gây ra những vấn đề sâu sắc hơn như hội chứng né tránh giao tiếp, từ chối tham gia vào các hoạt động xã hội (như Hikokomori - 引きこもり) đang lan rộng ở một bộ phận giới trẻ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không muốn kết hôn của thanh niên mà ẩn sâu trong đó chính là tâm lý xấu hổ của người Nhật.

Giá trị văn hóa của Nhật Bản luôn mang trong mình sức hấp dẫn đặc biệt với người nước ngoài. Bởi vậy, văn hóa xấu hổ tuy là một khái niệm lạ lẫm nhưng lại có ảnh hưởng lớn tới suy nghĩ và nếp sống của những con người sinh ra và lớn lên tại đây , trở thành một nét rất riêng biệt của xứ sở Hoa Anh Đào này...


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí