Từng bước học lập trình PHP cơ bản qua dự án website giới thiệu sản phẩm (Phần 5: Thông tin cấu hình website)
Kể từ phần này tôi bắt đầu hướng dẫn các bạn từng bước hoàn thành dự án website giới thiệu sản phẩm và qua đó tôi sẽ hướng dẫn các bạn nắm rõ các kiến thức về lập trình PHP cơ bản.
Một điều quan trọng tôi cần lưu ý với các bạn là trong quá trình lập trình thì tôi sẽ đưa ra nhiều khối lệnh và tôi sẽ lựa chọn ra một số kiến thức trong khối lệnh đó để trình bày, giải thích cho các bạn nắm kiến thức lập trình PHP. Những kiến thức mới nhưng tôi không hướng dẫn, giải thích là do những kiến thức đó chưa tới lúc phải truyền đạt cho các bạn biết và mặc nhiên các bạn chấp nhận viết mã lệnh giống như tôi đưa ra. Tất nhiên những kiến thức mới đó tôi sẽ trình bày, giải thích cho các bạn ở những phần sau.
Những kiến thức tôi đề cập trong phần này bao gồm:
- Tập tin PHP.
- Câu lệnh PHP.
- Hằng.
- Ghi chú.
Và để bắt đầu lập trình website các bạn cần khai báo thông tin cấu hình website (Thông tin cấu hình DB và một số thông tin cần thiết khác). Các thông tin cấu hình được khai báo trong tập tin PHP cấu hình (Tôi gọi là tập tin config.php) đặt trong thư mục configs của web.
Nội dung tập tin configs/config.php như sau:
<?php
//Thông tin website
define('SITE_URL', 'http://localhost/');
//Thông tin cấu hình DB
define('DB_SERVER', 'localhost');
define('DB_USERNAME', 'root');
define('DB_PASSWORD', '');
define('DB_DATABASE', 'training_php_01');
?>
1. Tập tin PHP:
Để viết lệnh PHP các bạn cần phải viết mã lệnh PHP trong tập tin có phần mở rộng là ".php". Ví dụ như tập tin config.php tôi vừa tạo.
Lưu ý khi các bạn đặt tên tập tin cần tuân thủ theo quy tắc sau:
- Tên tập tin đồng nhất Tiếng Việt không dấu hoặc Tiếng Anh.
- Chỉ sử dụng các số từ 0 đến 9, từ a đến z (Không phân biệt hoa, thường), dấu gạch dưới "_", dấu gạch giữa "-". Như vậy, khoảng trắng không được phép dùng để đặt tên tập tin.
2. Câu lệnh PHP:
Trong khối lệnh trên, toàn bộ các câu lệnh PHP đều được đặt trong cặp ký hiệu bắt đầu là "<?php" và kết thúc là ký hiệu "?>". Cặp ký hiệu này để khai báo cho trình PHP biết để biên dịch các câu lệnh bên trong.
Mỗi câu lệnh được viết trên một dòng và kết thúc câu lệnh là dấu chấm phẩy ";".
3. Hằng:
Ở đây, tôi đã khai báo 5 hằng sau:
- SITE_URL: Địa chỉ liên kết tuyệt đối tới website.
- DB_SERVER: Tên server chạy DB (Mặc định là localhost).
- DB_USERNAME: Tài khoản kết nối DB (Đối với ứng dụng WampServer thì tài khoản này mặc định là root).
- DB_PASSWORD: Mật khẩu kết nối DB (Đối với ứng dụng WampServer thì mật khẩu mặc định là rỗng).
- DB_DATABASE: Tên DB mà các bạn khởi tạo (Tôi đặt tên là "training_php_01").
Như vậy, để định nghĩa một hằng các bạn sử dụng hàm define (Hàm là gì tôi sẽ giải thích ở những phần sau). Hàm define có hai tham số (Tham số cũng sẽ được giải thích ở những phần sau):
- Tham số đầu tiên là tên hằng (Ví dụ SITE_URL, DB_SERVER...) được viết toàn bộ bằng chữ in hoa.
- Tham số thứ hai là giá trị của hằng (Ví dụ localhost...).
Khi định nghĩa hằng, các bạn lưu ý là không thể định nghĩa một hằng hai lần (Tức hằng là duy nhất).
Để sử dụng hằng đã được định nghĩa, các bạn chỉ việc gọi tên là được (Ví dụ là SITE_URL, DB_SERVER...).
4. Ghi chú:
Trong đoạn lệnh trên, các bạn còn thấy hai dòng bắt đầu bằng dấu "//". Đây là hai dòng ghi chú giúp nhắc nhở cho người lập trình ghi nhớ chứ trình PHP không biên dịch hai dòng này và hai dòng này cũng không ảnh hưởng hay gây ra lỗi gì cho khối lệnh PHP.
Để ghi chú các bạn có nhiều cách như sau:
- Để ghi chú trên một dòng, các bạn sử dụng ký hiệu "//".
- Để ghi chú trên nhiều dòng, các bạn sử dụng ký hiệu "/**/".
Ví dụ:
//Ghi chú một dòng
/*
Ghi chú dòng 1
Ghi chú dòng 2
*/
Qua bài này, hi vọng các bạn nắm được những câu lệnh PHP đầu tiên.
All rights reserved