[Trải nghiệm] Những vấn đề khó khăn khi làm việc với người nước ngoài
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 4 năm
Mở đầu
Mới ngày đầu đi làm, quả thật tôi không hề nghĩ rằng mình có thể làm việc với những người nước ngoài, những người mà khác với tôi về tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, cũng có khi là do xã hội ngày nay đã hội nhập hơn trước. Một phần là do có một số quốc gia quá nhiều nhân lực, trong khi một số khác lại không có đủ. Đôi khi là vì áp lực kinh tế khiến cho một số người phải làm việc xa quê hương. Tuy nhiên cũng có một số người là do yêu thích một quốc gia nào đó, hoặc cảm thấy mình có thể phát triển sự nghiệp tốt hơn ở bên ngoài tổ quốc của họ.
Hiện nay, các doanh nghiệp thành lập công ty ở các quốc gia khác cũng rất phổ biến. Chẳng hạn như Việt Nam, hiện nay cũng đã có nhiều công ty được đầu tư vốn hoàn toàn từ ngước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.... Bên cạnh đó, nước ta còn hỗ trợ việc làm cho những người lao động đến từ các nước anh em như Lào hay Campuchia, hoặc một số nước bạn khác cũng có nhu cầu về việc làm do thừa nhân lực.
Mặc dù phần lớn thời gian tôi cũng chỉ làm việc với những người cùng quốc gia với mình, tuy nhiên tôi cũng có một số đồng nghiệp là người ngoại quốc trong cùng văn phòng. Thỉnh thoảng tình cờ cũng phải giao tiếp với họ, hoặc đôi khi là 2 bên giúp đỡ nhau gì đó. Tôi cũng dần nhận ra được một vài khó khăn, mà cũng có thể coi là thuận lợi cũng hợp lý khi làm việc với họ.
Rào cản về ngôn ngữ
Khi làm việc, chúng ta chắc chắn sẽ cần giao tiếp với người khác. Giao tiếp có thể là bằng văn bản hoặc lời nói. Nếu là văn bản thì thật ra rất đơn giản, hiện tay chúng ta có google translate, cũng như rất nhiều các loại từ điền, các mẫu câu tiện dụng để có thể áp dụng được ngay trong các văn bản thông thường, hoặc qua các tin nhắn.
Tuy nhiên cái khó khăn là về mặt giao tiếp bằng lời nói, khi mà bạn cần ngay lập tức phản hồi lại đối phương để tránh cho thời gian làm việc bị lãng phí. Nếu như đôi bên nói cùng một ngôn ngữ mẹ đẻ, thì chỉ cần đối phương nói là chúng ta có thể ngay lập tức hiểu được do đã quá quen với ngôn ngữ đang sử dụng từ nhỏ. Nhưng mặt khác, nếu là hai ngôn ngữ khác nhau, chúng ta sẽ cần phải hiểu được đối phương nói gì bằng việc chuyển ngôn ngữ của họ thành ý hiểu của chúng ta, và rồi đưa ra câu trả lời, cuối cùng là chuyển câu trả lời thành ngôn ngữ họ có thể hiểu được. Chúng ta vẫn đảm bảo phải phản ứng nhanh và có thể đưa ra câu trả lời được ngay, và đôi khi cần phải ghi nhớ để dùng làm tài liệu làm việc sau này.
Tôi nhớ đã có một lần tôi trao đổi với đồng nghiệp người Bangladesh. Tôi và anh ấy dùng một ngôn ngữ chung là Tiếng Anh để giao tiếp. Tuy nhiên trở ngại là khi anh ấy nói hơi nhanh, còn tôi lại nghe không tốt. Nên một thời gian trao đổi không đem lại được nhiều hiệu quả, chúng tôi lại phải chuyển sang giao tiếp bằng văn bản, hiệu quả và nhanh chóng hơn, tuy nhiên chúng tôi cũng đã mất rất nhiều thời gian để nói chuyện trước đó rồi.
Hay một lần khác, khi cả nhóm họp với nhau, chỉ có một người là người ngoại quốc trong khi tất cả phần còn lại là người Việt Nam. Và chúng tôi quyết định là mọi công việc sẽ trao đổi bằng Tiếng Anh hết để cho đồng nghiệp người ngoại quốc có thể dễ dàng hiểu được hơn. Tuy nhiên cách này cũng không đem lại được hiệu quả cao cho lắm. Và cuối cùng cả nhóm quyết định dùng tiếng Việt, và về đồng nghiệp ngoại quốc kia thì sẽ có 1-2 người hỗ trợ dịch các câu nói hoặc sẽ có trao đổi sau khi cuộc họp kết thúc.
Dù có khá nhiều khó khăn gặp phải do bất đồng ngôn ngữ, tuy nhiên cuối cùng tôi nhận ra được là ít nhất khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ (cụ thể là Tiếng Anh) cũng đã tăng lên đáng kể.
Rào cản về văn hóa
Mỗi quốc gia sẽ có một nền văn hóa khác nhau, và khi chúng ta làm việc cùng những người từ quốc gia khác thì đôi khi cũng có một vài vấn đề biến thành trở ngại, mặc dù nó có thể không gây hiệu quả đáng kể. Điển hình là lịch nghỉ lễ tết. Khi mà đến kì nghỉ lễ của người này thì với người kia lại là ngày làm việc bình thường và ngược lại. Thời gian làm việc của chúng ta đôi khi sẽ bị rút ngắn lại vì những ngày nghỉ đó.
Tôi còn nhớ đến một kỉ niệm, một lần vào đêm giao thừa trước tết nguyên đán. Theo lịch thì tôi cũng đã được nghỉ và trở về nhà rồi. Tuy nhiên với những người Nhật thì họ không như vậy. Họ đón tết dương lịch trong khi tôi là người Việt Nam và đón tết âm lịch. Tôi vẫn thấy họ làm việc trong thời điểm nghỉ lễ của tôi. Và cũng vì công việc thôi, tôi cố gắng xong hết các việc chuẩn bị tại nhà để cùng họ trao đổi một số vấn đề cần thiết.
Đôi khi có những lúc liên hoan của cả nhóm cũng gặp một ít trục trặc về văn hóa. Như tôi đã kể ở trên, nhóm tôi có một vài đồng nghiệp là người Bangladesh. Và theo như phong tục của quốc gia ấy thì sẽ không ăn các loại thịt gia súc cũng như gia cầm. Đồng thời họ cũng không dùng các đồ uống có cồn trong các buổi tiệc. Dù vậy chúng tôi vẫn có cách để buổi tiệc liên hoan vẫn diễn ra thuận lợi bằng việc gọi cho họ những món làm từ cá hoặc các loại thủy hải sản, và dùng đồ uống là nước ngọt ^^. Buổi tiệc vẫn vui vẻ cho dù có một chút khác biệt về ẩm thực.
Thấu hiểu lẫn nhau
Làm đồng nghiệp với nhau, tuy nhiên nhóm chúng tôi không phải lúc nào cũng nói về công việc. Ngoài những giờ làm căng thẳng, chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi với nhau về các vấn đề thú vị trong cuộc sống. Đôi khi là về gia đình, về các sở thích cá nhân hay những chuyến đi để có thể hiểu nhau hơn. Nhóm chúng tôi cũng đi nghỉ dưỡng với nhau mỗi năm 1 lần, cùng dự những bữa tiệc ngoài trời. Hoặc là đi du lịch cùng công ty vào dịp nào đó.
Cho dù là gặp phải bất cứ trở ngại như thế nào, thì ít nhất chúng tôi cũng vẫn có thể làm việc cùng nhau. Sẽ luôn có cách để khắc phục vấn đề khó khăn gặp phải khi làm việc với người nước ngoài. Và đôi lúc, sau khi nhìn lại thời gian đã qua, làm việc cùng các đồng nghiệp đó, tôi cũng thấy khá là vui.
Kết luận
Trên đây chỉ là một số vấn đề mà tôi đã trải qua khi làm việc. Đa phần là góp nhặt từ trải nghiệm của bản thân mà không phải dựa vào bất cứ một tài liệu nào khác. Có thể đôi khi sẽ nghĩ mình không thể làm việc khi có bất đồng ngôn ngữ hay văn hóa, nhưng chung quy lại chỉ cần ta sẵn sàng chấp nhận và thấu hiểu lẫn nhau thì chúng ta đều có thể hợp tác làm việc tốt. Cảm ơn mọi người đã đọc.
Tài liệu tham khảo
- Bài viết không có tài liệu tham khảo vì hoàn toàn là trải nghiệm của người viết bài.
All rights reserved