Tăng sức mạnh cho "Infinity gauntlet" JavaScript bằng "power stone" Lodash
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 5 năm
Nếu như coi JavaScript là chiếc găng tay vô cực huyền thoại, thì Lodash chính là viên đá vô cực "Power". Khi kết hợp 2 thứ trên lại với nhau thì người sử dụng găng tay JavaScript - chính là các Developers sẽ giải quyết được các bài toán 1 cách nhanh gọn nhất có thể (chưa đến mức chỉ cần 1 cái búng tay như Thanos trên phim đâu nhé )
Trong bài viết ngày hôm nay mình sẽ giới thiệu với các bạn 1 thư viện của bên thứ 3 cực kỳ mạnh mẽ cho JavaScript đó chính là Lodash.
Giới thiệu về Lodash
Tiền thân của Lodash là thư viện underscorejs, có thể xem Lodash là phiên bản mở rộng hơn của underscore, nó cung cấp rất nhiều tính năng linh hoạt cho các lập trình viên ví dụ như: chức năng xử lý Array, chức năng xử lý Object, chức năng xử lý Array, nhóm xử lý Date, Function, Number...
Các bạn có thể truy cập trang chủ https://lodash.com/ để xem đầy đủ và chi tiết các chức năng của Lodash nhé!
Tại sao nên dùng Lodash
Các lý do mà chúng ta nên sử dụng Lodash cho dự án của mình:
- Lodash làm cho code JavaScript trở nên ngắn gọn và sạch sẽ hơn.
- Với lodash ta có thể xử lý các Array, Object, String, Number... 1 cách nhanh chóng.
- Có hỗ trợ Functional Programming (dành cho những tín đồ của FP ).
- Với hơn 40.000 sao trên github thì Lodash nhận được sự support rất lớn từ cộng đồng người dùng trên thế giới.
Cài đặt và sử dụng
Để cài đặt Lodash cho dự án thì mọi người có thể dùng npm
như sau:
$ npm i -g npm
$ npm i --save lodash
Sau khi cài đặt xong thì chúng ta sẽ import Lodash:
import _ from 'lodash'; // Load the full build.
hoặc sử dụng Lodash functional programming
import fp from 'lodash/fp'; // Load the FP build for immutable auto-curried iteratee-first data-last methods.
Cá nhân mình thì thích dùng lodash/fp hơn bởi vì ngoài việc sử dụng cú pháp functional programming ra thì nó còn có những đặc tính rất là thú vị như là immutable, auto-curried, iteratee-first, data-last... Để hiểu rõ hơn về những đặc tính trên của lodash/fp các bạn có thể tìm hiểu thêm ở đây
Về cách sử dụng thì lodash cũng gần tương tự như là Array.prototype nên mình sẽ không trình bày ở đây nữa, mình sẽ chủ yếu nói về thằng lodash/fp. Mọi người cùng xem ví dụ bên dưới về lodash/fp nhé:
import { filter } from 'lodash/fp';
const users = [
{ 'user': 'barney', 'active': true },
{ 'user': 'fred', 'active': false },
{ 'user': 'pebbles', 'active': false }
];
filter(user => user.active)(users); // [{ 'user': 'barney', 'active': true }]
Như mọi người có thể thấy thì lodash/fp nó sẽ yêu cầu người dùng truyền tham số đầu vào làm last argument, còn những action mà mình sẽ thực hiện với data sẽ là first argument, nó ngược lại hoàn toàn so với lodash thông thường.
Việc thực hiện 1 chuỗi các thao tác liên tiếp đối với lodash/fp cũng sẽ trở nên rất tường minh và đơn giản với flow:
import { filter, flow, sortBy } from 'lodash/fp';
const users = [
{ 'user': 'barney', 'active': true, 'age': 23 },
{ 'user': 'fred', 'active': true, 'age': 20 },
{ 'user': 'pebbles', 'active': false, 'age': 21 }
];
flow([
filter(user => user.active),
sortBy(['age']),
])(users);
// [{ 'user': 'fred', 'active': true, 'age': 20 }, { 'user': 'barney', 'active': true, 'age': 23 }]
So sánh với ES6 method
Lúc đầu khi mới tiếp xúc với lodash thì chắc hẳn ai cũng sẽ thắc mắc rằng tại sao không sử dụng các method có sẵn trong ES6, vừa đơn giản, vừa tiện lợi lại vừa làm giảm được dung lượng của app. Tuy nhiên thì chúng ta cần phải chú ý đến 1 số vấn đề sau:
- Thứ nhất là thư viện Lodash rất nhẹ (~69 KB) nên nó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến dung lượng của app.
- Thứ hai: Như đã nói ở trên thì Lodash có hỗ trợ Functional Programming - 1 xu hướng công nghệ trong tương lai
- Thứ ba: thư viện Lodash phong phú hơn ES6 method rất nhiều, ngoài Array, Object nó còn có hỗ trợ cho cả việc xử lý Date, Function, Number...
Kết luận
Qua bài viết này mình đã giới thiệu với mọi người về 1 thư viện cực kỳ nổi tiếng là Lodash cũng như Lodash/fp. Bài viết chỉ mang tính chất giới thiệu về Lodash cho những ai chưa biết để dễ hình dung Lodash là gì và làm việc như thế nào. Hy vọng các bạn có thể tận hưởng được những trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng Lodash trong dự án của mình nhé.
References:
https://lodash.com/
https://hackernoon.com/function-composition-with-lodash-d30eb50153d1
https://github.com/wahengchang/lodash-vs-es6
All rights reserved