+2

React+Redux for Dummies - Part 2

Đây là phần thứ hai của series React+Redux tiếp sau của phần một về ReactJS (React+Redux for Dummies - Part 1).

Lần này mình xin giới thiệu về redux.

Hi vọng tài liệu này sẽ giúp các bạn nắm được một phần tổng quan và cơ bản khi tìm hiểu về redux.

1. Giới thiệu

Trong bài trước mình đã giới thiệu về React và các khái niệm cơ bản component, stateprops. Trong đó State chính là các dấu mốc đánh dấu mỗi khi có sự thay đổi. Các thay đổi đó có thể là trạng thái ẩn/hiện của các thành phần trên giao diện hoặc cập nhật lại dữ liệu. Mỗi khi sử dụng state, chúng ta đều sẽ phải khai báo trạng thái ban đầu của state đó.

Các bạn có bao giờ tự hỏi làm cách nào để chúng ta có thể quản lý các state một cách hiệu quả? Liệu các state có vô tình bị thay đổi bởi các xử lý logic khác không? Liệu có một thư viện nào giúp chúng ta hay không?

Đây chính là vấn đề redux sẽ giúp chúng ta giải quyết.

2. Redux

State tồn tại khắp nơi trong web applications, đặc biệt trong React application và bất cứ một kiến trúc frontend nào.

Ngay trong single page app đơn giản nhất cũng có thể vượt ngoài tầm kiểm soát nếu như không có giới hạn chặt chẽ giữa các layer và trong React cũng như vậy.

Ban đầu bạn có thể giữ các state trong một React component cha nếu như đó chỉ là một ứng dụng nhỏ. Tuy nhiên khi bạn bổ sung thêm các tính năng mới đến một mức nào đó, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn. Bạn sẽ muốn có một phương pháp thống nhất để theo dõi các state chưa kể đến việc cần tách bạch giữa các frontend component và tầng logic.

Redux sẽ giải quyết tất cả các vấn đề nêu trên bằng cách chỉ cung cấp đúng các statecomponent cần. Hơn thế nữa, redux còn có thể giữ riêng phần logic trong các tầng riêng (được gọi là middleware) cùng với các phần code để lấy dữ liệu. Chính vì thế, lợi ích mà redux mang lại là rất to lớn.

Tuy nhiên bên cạnh các lợi ích, React có rất nhiều phương pháp khác để tránh sử dụng reduxredux cũng khiến cho ứng dụng trở nên phức tạp hơn bởi nó sẽ thêm một lớp abstraction vào trong. VÌ thế trước khi chúng ta có thể cùng xem cách áp dụng redux vào trong ứng dụng như thế nào, chúng ta sẽ cần phải tìm hiểu các nguyên lý cơ bản của redux.

Trong redux chúng ta sẽ nói đến 4 khái niệm: action, reducer, middlewarestore. Trong đó store là thứ gắn kết và giữ tất cả các state của ứng dụng.

1. Store

Ban đầu chúng ta sẽ tạo file store/index.js và khởi tạo một store như sau

import { createStore } from "redux";
import rootReducer from "../reducers/index";

const store = createStore(rootReducer);
export default store;

Có thể thấy, store chính là kết quả trả về khi gọi phương thức createStore() từ thư viện của redux, trong đó rootReducer chính là một reducer chúng ta cần phải đưa vào làm tham số đầu tiên

Bạn cũng có thể dùng một state khởi tạo cho createStore() dể load trước render từ phía server. Tuy nhiên, điểm cốt lõi chúng ta nhận ra ở đây là state trong redux được tạo ra từ reducer và chúng ta sẽ cần tạo một reducer trong phần tiếp theo

2. Reducer

Redux reducer đơn giản chỉ là một phương thức JavaScript. Trong đó nó cần hai tham số là state hiện tại và action

Thông thường trong React component, state cục bộ có thể đc thay đổi ngay tại chỗ. Tuy nhiên điều đó tuyệt đối bị cấm trong redux. State phải luôn là bất biến và không thể thay đổi tại chỗ.

Từ đó có thể thấy reducer là một phương thức thuần túy (pure function), phương thức sẽ luôn cho một đầu ra duy nhất tương ứng với mỗi đầu vào.

Ở đây chúng ta sẽ tạo ra một reducer cho state khởi tạo cùng với một action làm tham số trong file reducers/index.js

const initialState = {
  articles: []
};

function rootReducer(state = initialState, action) {
  return state;
};

export default rootReducer;

Có thể thấy state khởi tạo ở đây là một tham số mặc định và reducer chưa có bất kì một chức năng nào ngoài trừ trả về state khởi tạo. Trong phần tiếp theo chúng ta sẽ tạo thêm và đưa action vào tham số

3. Action

Chúng ta có thể thấy reducer là khái niệm quan trọng nhất trong redux. Reducer tạo ra các state nhưng action mới là tín hiệu được gửi tới store để làm thay đổi state. Và thực tế thì action cũng chỉ đơn giản là một JavaScript object.

{
  type: 'ADD_ARTICLE',
  payload: { title: 'React Redux Tutorial', id: 1 }
}

Ở đây action chỉ là một JavaScript object với hai thuộc tính: typepayload.

Thuộc tính type giúp chỉ ra state nên được thay đổi sang state nào vì thế nên nó là thuộc tính bắt buộc trong redux. Trong khi đó thuộc tính payload giúp mô tả các thành phần thông tin sẽ bị thay đổi và nó có thể bị loại bỏ nếu như không có dữ liệu mới cần lưu lại trên store.

Ở đây chúng ta nên đóng gói tất cả các action vào trong một phương thức và làm ảo hóa việc khởi tạo object như ví dụ sau đây trong file actions/index.js:

export function addArticle(payload) {
  return { type: "ADD_ARTICLE", payload }
};

Bạn có thể thấy thuộc tính type là một string và có thể có lỗi trùng lặp hoặc gõ sai ngữ pháp, vì thế chúng ta nên khai báo các action là các hằng số trong file constants/action-types.js.

export const ADD_ARTICLE = "ADD_ARTICLE";

Lúc đó action của chúng ta sẽ có dạng như sau

import { ADD_ARTICLE } from "../constants/action-types";
export function addArticle(payload) {
  return { type: ADD_ARTICLE, payload };
}

Việc tiếp theo là chúng ta sẽ đưa action vào xử lý trong reducer. Reducer sẽ dựa trên type của action để đưa ra state tiếp theo đồng thời sẽ cập nhật dữ liệu trong payload cho state mới.

Chúng ta sẽ cần thêm câu lệnh if để kiểm tra type trong reducer (file reducers/index.js)

import { ADD_ARTICLE } from "../constants/action-types";
const initialState = {
  articles: []
};
function rootReducer(state = initialState, action) {
  if (action.type === ADD_ARTICLE) {
    state.articles.push(action.payload);
  }
  return state;
}
export default rootReducer;

Đồng thời bạn có thể thấy chúng ta đã thêm dòng lệnh để đưa payload vào state khởi tạo. Trông có vẻ đó là hành động đúng nhưng thực ra nó đang vi phạm nguyên tắc không được thay đổi của redux.

Array.prototype.push là một phương thức không thuần túy bởi nó sẽ làm thay đổi chuỗi ban đầu và bên cạnh đó chúng ta còn thay đổi state khởi tạo một cách cục bộ

Ở đây chúng ta cần phải sửa lại bằng cách trả về một state mới với Object.assign, tức là một JavaScript object mới. Như vậy chúng ta đã giữ cho state ban đầu không bị thay đổi. Đông thời chúng ta nên sử dụng Array.prototype.concat thay vì Array.prototype.push để giữ lại chuỗi ban đầu

import { ADD_ARTICLE } from "../constants/action-types";
const initialState = {
  articles: []
};
function rootReducer(state = initialState, action) {
  if (action.type === ADD_ARTICLE) {
    return Object.assign({}, state, {
      articles: state.articles.concat(action.payload)
    });
  }
  return state;
}
export default rootReducer;

Bây giờ state khởi tạo đã được giữ nguyên vẹn và state trả về chỉ là một bản sao của state khởi tạo. Chúng ta phải rút ra hai điểm chính để tránh làm thay đổi các object trong redux

  • Sử dụng concat(), slice() hoặc các spread operator cho xử lý chuỗi
  • Sử dụng Object.assign() hoặc object spread cho các object

4. Các phương thức trong store

Thư viện của redux rất nhỏ (khoảng 2KB) và chủ yếu chỉ có 3 phương thức quan trọng nhất

  • getState để lấy state hiện tại của ứng dụng.
  • dispatch để gửi action
  • subscribe để nghe việc state thay đổi

Để có thể tiếp cận với storeaction ở trên, chúng cần phải được tạo thành các biến toàn cục trong file js/index.js

import store from "../js/store/index";
import { addArticle } from "../js/actions/index";
window.store = store;
window.addArticle = addArticle; 

Như vậy trong file index.js chúng ta có thể cập nhật

import index from "./js/index";

Bây giờ chúng ta khởi động server bằng lệnh npm start thông qua http://localhost:8080/ và thực hiện các lệnh trên console. Bắt đầu bằng việc đọc state hiện tại

store.getState();
// output: {articles: Array(0)}

Hiện nay chúng ta có chuỗi articles với 0 phần tử, nghĩa là chưa hề cập nhật state khởi tạo. Từ đây chúng ta có thể dùng subscribe() để lắng nghe các thay đổi từ state

Phương thức subcribe() sẽ gọi tới một callback mỗi khi một action được gửi đi. Việc gửi đi một action tới cho store đồng nghĩa với việc bạn muốn thay đổi state

Chúng ta sẽ cần đăng kí một callback như sau

store.subscribe(() => console.log('Look ma, Redux!!'));

Để gửi đi một action chúng ta cần sử dụng dispatch để gửi action addArticle và cập nhật thêm 1 phần tử mới

store.dispatch( addArticle({ title: 'React Redux Tutorial for Beginners', id: 1 }) );

Và bạn sẽ thấy tin nhắn “Look ma, Redux!! xuất hiện trên console. Chúng ta có thể kiểm tra lại trạng thái của state và xem article được cập nhật

store.getState();
// output: {articles: Array(1)}

5. Kết nối giữa React và redux

Phần này chúng ta sẽ nói về cách để Reactredux có thể bắt tay được với nhau. Như các bạn đã thấy, redux là một framework, có thể tùy chỉnh với JavaScript hoặc Angular hay React. Và với React chúng ta sẽ cần thư viện react-redux để kết nối giữa một React component và một redux store.

Để làm dduwocjw như vậy, chúng ta cần chuẩn bị một vài tham số như sau

  • Hàm mapStateToProps() (Hay còn được gọi là select) sẽ kết nối một phần của redux state tới các prop của React component. Như vậy React component có thể truy cập đến đúng phần store chúng cần.

  • Hàm mapDispatchToProps() cũng có chức năng tương tự nhưng là để cho action, nó sẽ kết nối redux action tới React prop. Như vậy React component có thể gửi tin đến cho store.

Chúng ta đã sẵn sàng để tạo ra một ứng dụng đơn giản từ ba component

  • App component
  • List component để hiển thị thông tin
  • Form component để thêm thông tin mới

1. App component và store

Ban đầu chúng ta sẽ cần tạo ra một Provider component để làm root trong file index.js

import React from "react";
import { render } from "react-dom";
import { Provider } from "react-redux";
import store from "./js/store/index";
import App from "./js/components/App";
render(
  <Provider store={store}>
    <App />
  </Provider>,
  document.getElementById("root")
);

Như vậy Provider sẽ đóng gói toàn bộ ứng dụng và có thể kết nối tới redux store. Tiếp theo chúng ta sẽ tạo ra App component có thể tự render trong file js/components/App.js

import React from "react";
import List from "./List";
const App = () => (
  <div>
    <h2>Articles</h2>
      <List />
  </div>
);
export default App;

2. List component và state

Giờ chúng ta sẽ cần List component để lấy ra một danh sách thông tin từ một state nhất định trong file /js/components/List.js

import React from "react";
import { connect } from "react-redux";
const mapStateToProps = state => {
  return { articles: state.articles };
};
const ConnectedList = ({ articles }) => (
  <ul>
    {articles.map(el => (
      <li key={el.id}>{el.title}</li>
    ))}
  </ul>
);
const List = connect(mapStateToProps)(ConnectedList);
export default List;

Ở đây List component sẽ nhận prop articles là bản sao của chuỗi articles mà ta thấy trong redux state nhờ vào reducer

const initialState = {
  articles: []
};
function rootReducer(state = initialState, action) {
  if (action.type === ADD_ARTICLE) {
    return Object.assign({}, state, {
      articles: state.articles.concat(action.payload)
    });
  }
  return state;
}

Cuối cùng List component sẽ được trả ra là kết quả của kết nối không có state (stateless) giữa List componetredux store.

Chúng ta đã sẵn sang cho phần tạo Form component.

3. Form component và action

Phần Form component sẽ có chút phức tạp hơn List component do chúng ta sẽ cần phải sử dụng lớp của JavaScript. Phần component này sẽ cần lưu trữ một số state cục bộ, như nhập thông tin form. Nó cũng sẽ cần phần logic để cập nhật state cục bộ khi submit form.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần một redux action để cập nhật state toàn cục bằng việc gửi action addArticle . Chúng ta sẽ tạo thêm file js/components/Form.js

import React, { Component } from "react";
import { connect } from "react-redux";
import { addArticle } from "../actions/index";
function mapDispatchToProps(dispatch) {
  return {
    addArticle: article => dispatch(addArticle(article))
  };
}
class ConnectedForm extends Component {
  constructor(props) {
    super(props);
    this.state = {
      title: ""
    };
    this.handleChange = this.handleChange.bind(this);
    this.handleSubmit = this.handleSubmit.bind(this);
  }
  handleChange(event) {
    this.setState({ [event.target.id]: event.target.value });
  }
  handleSubmit(event) {
    event.preventDefault();
    const { title } = this.state;
    this.props.addArticle({ title });
    this.setState({ title: "" });
  }
  render() {
    const { title } = this.state;
    return (
      <form onSubmit={this.handleSubmit}>
        <div>
          <label htmlFor="title">Title</label>
          <input
            type="text"
            id="title"
            value={title}
            onChange={this.handleChange}
          />
        </div>
        <button type="submit">SAVE</button>
      </form>
    );
  }
}
const Form = connect(
  null,
  mapDispatchToProps
)(ConnectedForm);
export default Form;

Bên cạnh việc kết nối giữa redux actionReact prop bằng mapDispatchToProps(), chúng ta sẽ gửi action thông qua hàm handleSubmit(). Và cuối cùng là Form đã được hoàn thành, giờ chúng ta sẽ đưa vào App

import React from "react";
import List from "./List";
import Form from "./Form";
const App = () => (
  <>
    <div>
      <h2>Articles</h2>
      <List />
    </div>
    <div>
      <h2>Add a new article</h2>
      <Form />
    </div>
  </>
);
export default App;

Giờ chúng ta có thể kiểm tra bằng cách khởi động server với npm start và xem List component được kết nối với Redux store. Nó sẽ được render lại mỗi khi có phần tử mới được thêm vào.

Tiếp theo đây chúng ta sẽ tiếp tục sang phần middleware.

6. Middleware

Như vậy chúng ta đã tạo ra

  • Store, thành phần điều phối trong redux
  • Reducer, thành phần tạo ra state
  • Action, bản tin cập nhật state

Cuối cùng chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thành phần sẽ tạo ra các bản tin action còn gọi là middleware

Theo như ví dụ ở trên, giả định rằng chúng ta cần kiểm duyệt và ngăn người dùng tạo ra thông tin với một số từ nhất định trên tiêu đề. Hãy cùng nhìn lại hàm handleSubmit() trong Form.js.

  handleSubmit(event) {
    event.preventDefault();
    const { title } = this.state;
    this.props.addArticle({ title });
    this.setState({ title: "" });
  }

Đơn giản chúng ta có thể kiểm tra this.props.addArticle như sau

  handleSubmit(event) {
    event.preventDefault();
    const { title } = this.state;
    const forbiddenWords = ['spam', 'money'];
    const foundWord = forbiddenWords.filter(word => title.includes(word) )
    if (foundWord) {
      return this.props.titleForbidden();
    }
    this.props.addArticle({ title });
    this.setState({ title: "" });
  }

Nhưng như vậy thì phần logic sẽ nằm trong component và không thể tách ra được. Chúng ta cũng có thể kiểm tra thuộc tính title bên trong reducer và gửi đi một bản tin khác khi tìm thấy các từ bị cấm nhưng chúng ta không thể gọi dispatch từ bên trong một reducer. Như vậy chúng ta sẽ cần kiểm tra phần payload của action trước khi nó được gửi tới reducer và đây chính là phần việc của middleware.

Redux middleware là một phương thức có thể ngăn chặn và xử lý các action tùy theo tình huống trước khi chúng tới được reducer. Nó một phương thức trả về một hàm sẽ lấy next làm tham số. Và trong hàm trả về đó sẽ trả lại một hàm khác lấy action làm tham số và trả về action cuối cùng có dạng như sau

function forbiddenWordsMiddleware({ getState, dispatch }) {
  return function(next){
    return function(action){
      // do your stuff
      return next(action);
    }
  }
}

Middleware sẽ giúp chúng ta ảo hóa tầng logic, đông thời có thể gọi trực tiếp tới getState()dispatch(). Nếu chúng ta sử dụng middleware

  • Phần logic sẽ hoàn toàn nằm ngoài UI
  • Có thể tái sử dụng các phần logic
  • Có thể được kiểm tra độc lập phần logic

Bây giờ chúng ta sẽ tạo file /js/middleware.js như sau

function forbiddenWordsMiddleware({ dispatch }) {
  return function(next){
    return function(action){
      // do your stuff
      return next(action);
    }
  }
}

Ở đây chúng ta không cần tới getState() nên sẽ chỉ có dispatch() là tham số duy nhất. Tiếp theo chúng ta cần kiểm tra phần payload và chặn các bản tin có tiêu đề chứa từ bị kiểm duyệt như sau

import { ADD_ARTICLE } from "../constants/action-types";
const forbiddenWords = ["spam", "money"];
export function forbiddenWordsMiddleware({ dispatch }) {
  return function(next) {
    return function(action) {
      // do your stuff
      if (action.type === ADD_ARTICLE) {
        const foundWord = forbiddenWords.filter(word =>
          action.payload.title.includes(word)
        );
        if (foundWord.length) {
          return dispatch({ type: "FOUND_BAD_WORD" });
        }
      }
      return next(action);
    };
  };
}

Ở đây chúng ta sẽ kiểm tra các actiontypeADD_ARTICLE và tìm các action.payload.title có chứa từ kiểm duyệt. Nếu như tìm được các từ bị kiểm duyệt chúng ta sẽ gửi đi một action FOUND_BAD_WORD và bỏ qua next(action)

Chúng ta cần phải chú ý luôn trả về next(action) nếu không thì không có action nào khác có thể tới được reducer. Bước tiếp theo chúng ta sẽ đưa forbiddenWordsMiddleware vào trong js/store/index.js thông qua hàm applyMiddleware() của redux như sau

import { createStore, applyMiddleware } from "redux";
import rootReducer from "../reducers/index";
import { forbiddenWordsMiddleware } from "../middleware";
const store = createStore(
  rootReducer,
  applyMiddleware(forbiddenWordsMiddleware)
);
export default store;

Giờ chúng ta sẽ chạy server và kiểm tra lại logic cho tiêu đề. Nếu như tiêu đề có chứa các từ spam hoặc money bị chặn thì middleware đã làm việc hiệu quả.

3. Kết luận

Thông qua các ví dụ ở trên, bạn đã có thể hiểu được các khái niệm cơ bản về redux và sử dụng React-redux

Mình xin hoan nghênh và xin cám ơn tất cả các ý kiến đóng góp cho bài viết thêm chính xác và sinh động hơn.

Mình cũng xin giới thiệu một bài viết khá hay và sinh động đã giúp mình hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của redux: Redux cho người mới bắt đầu - Part 1 Introduction

Tài liệu tham khảo:


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí