+3

Phân biệt Coaching và Mentoring

GIỚI THIỆU

Coaching và Mentoring là hai khái niệm được nhắc đến thường xuyên và cũng là hai hoạt động phổ biến trong các công ty, tổ chức ngày nay. Tuy vậy, trong thực tế nhiều người hay nhầm lẫn coaching với mentoring hoặc ngược lại. Trong bài viết này, tôi sẽ giải thích rõ từng khái niệm, để giúp các bạn hiểu đúng về coaching và mentoring, đồng thời hiểu được vai trò của coach và mentor trong hai hoạt động này. Bài viết này không đi sâu phân tích về kỹ năng của từng phương pháp.

(1) Mentoring – Cố vấn

Định nghĩa

Mentor là người thầy hoặc cố vấn giúp chuyển giao lại kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của mình cho người được mentor, hay còn gọi là mentee.

Mentor phải là người tinh thông kiến thức và có nhiều trải nghiệm hơn mentee ở lĩnh vực mà mình đang cố vấn. Trong hoạt động mentoring, mentor thường là người nói nhiều hơn để truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, giải pháp, giúp mentee đạt được những thành tựu nhất định.

Nguồn gốc

Công việc mentoring và chức danh mentor có nguồn gố từ thời Hy lạp cổ đại. Trước khi lên đường phiêu lưu tới thành Troy để tham gia chiến tranh, Odysseus, vị vua xứ Ithaca, giao con trai mình Telemachus cho một người bạn cũ tên là Mentor để chăm sóc và dạy dỗ.

Các hình thức mentoring

  • One-on-one mentoring (cố vấn 1-1): Đây là khái niệm chung về hình thức mentoring chỉ gồm mentor và mentee.
  • Group-based mentoring (cố vấn theo nhóm): Đây đơn giản là hình thức một mentor cố vấn cho nhiều mentee cùng lúc.
  • Situational mentoring (cố vấn tình huống): Đây là hình thức mentoring để giúp một hoặc nhiều mentee có kỹ năng làm được một công việc cụ thế nào đó.
  • Developmental & Career mentoring (cố vấn nghề nghiệp): Đây là hình thức mentoring dài hạn, như một quản lý cấp cao cố vấn cho nhân viên cấp dưới đạt được thành tựu nhất định trong sự nghiệp sau vài năm.
  • Reverse mentoring (cố vấn ngược): Khi nhân viên mới sở hữu kỹ năng và kiến thức mà các đồng nghiệp cũ còn thiếu, họ trở thành cố vấn cho nhân viên cũ, hoặc đồng nghiệp cao cấp hơn.
  • Peer-based mentoring (cố vấn chéo): Đây là hình thức mentoring mà một cố vấn thực sự không tồn tại. Các đồng nghiệp mentor lẫn nhau bằng cách chia sẻ và phản hồi.

Ví dụ tình huống mentoring cho một người tập lái xe đạp:

  • Tôi sẽ cho bạn thấy cách lái một chiếc xe đạp như thế nào
  • Tôi đã từng là một vận động viên đua xe đạp

(2) Coaching – Khai vấn

Định nghĩa

Có 02 định nghĩa phổ biến về coaching:

Coaching là việc khai phóng tiềm năng một người để tối đa hóa năng lực của họ. Coaching là để giúp mọi người học hơn là dạy họ. (Sir John Whitmore)

Coaching là việc hợp tác với khách hàng trong một quá trình khơi gợi tư duy và sự sáng tạo nhằm truyền cảm hứng giúp khách hàng phát huy tối đa tiềm năng của mình trong cuộc sống cá nhân cũng như công việc. (International Coaching Federation – ICF)

Coaching là quá trình mà Coach đặt câu hỏi và lắng nghe để từ đó Coachee tự tìm ra giải pháp, giải quyết vấn đề đang gặp phải. Người coach phải có niềm tin cơ bản là coachee có tiềm năng to lớn để tạo ra nhiều giá trị tuyệt vời hơn bản thân họ hiện tại. Coach không nhất thiết phải là chuyên gia về lĩnh vực mình coach, nhưng là người có kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu người khác và khơi gợi những tiềm năng ở coachee.

Nguồn gốc

Thuật ngữ "coach" xuất hiện vào khoảng năm 1830 ở Đại học Oxford, là một tiếng lóng ám chỉ việc một gia sư hỗ trợ một học sinh vượt qua một kỳ thi. Do đó, từ "coach" được hiểu như một quy trình để vận chuyển một người từ nơi hiện tại đến nơi họ muốn đến.

Ngày nay, thuật ngữ “coach” được dùng phổ biến để chỉ vai trò của huấn luyện viên các môn thể thao như bóng đã, bóng rổ, quần vợt, etc. Bên cạnh đó, “coach” còn là loại xe buýt được sử dụng cho các chuyến đi dài, hoặc một toa xe lửa du lịch. Có thể bạn ngạc nhiên, nhưng hình ảnh chuyến xe buýt hay toa tàu chở khách trên hành của nó liên quan đến coaching nhiều hơn là các huấn luyện viên thể thao. Coaching là một hành trình có đích đến, coaching không liên quan nhiều đến hướng dẫn hoặc giảng dạy.

Các mô hình coaching

Có nhiều mô hình coaching nhưng phổ biến nhất là mô hình coaching GROW của Sir John Whitmore.

GROW là viết tắt của Goal – Reality – Options – Will

Goal: Thiết lập mục tiêu

  • Xác định mục tiêu của coachee

Reality: Tình hình hiện tại như thế nào?

  • Đánh giá tình hình hiện tại, các kế hoạch đã thực hiện
  • Làm rõ kết quả và tác dụng của các hành động đã thực hiện trước đó
  • Nêu rõ những trở ngại nội bộ và các khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ

Options: Bạn đã có những giải pháp, lựa chọn gì?

  • Coachee nêu lên các giải pháp, kế hoạch dự định
  • Coach gợi mở, phản biện để giúp coachee làm rõ, củng cố, bổ sung các lựa chọn

Will: Bạn sẽ làm gì?

  • Tóm tắt các kế hoạch hành động để đạt được mục tiêu;
  • Phác thảo những trở ngại có thể gặp trong tương lai;
  • Đưa ra cam kết đối với các kế hoạch hành động đã thống nhất.

Trong hầu hết thời gian một phiên coaching, coach sử dụng các câu hỏi khám phá (powerful questions) để giúp coachee tự tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề cần giải quyết.

Ví dụ tình huống coaching cho một người tập lái xe đạp:

  • Bạn đã lái thử bất kỳ chiếc xe đạp nào chưa?
  • Điều gì làm bạn lo lắng khi lái xe?
  • Bạn đã tập như thế nào?
  • Bạn có kế hoạch để thay đổi cách tập luyện không?
  • Tôi tin bạn sẽ là một tay lái giỏi.

(3) On the job training (OJT) – “Cầm tay chỉ việc”:

Trong thực tế công việc, mentoring còn hay bị nhầm lẫn với một hoạt động khác là “On the Job Training” – OJT.

OJT là quá trình hướng dẫn cụ thể cách thực hiện công việc tại môi trường làm việc. Người hướng dẫn thường là người nhân viên có kinh nghiệm hơn, chung nhóm hoặc khác nhóm. Việc hướng dẫn được thực hiện trực tiếp trên các công việc thực tế nên tính hiệu quả cao. Điểm yếu của phương pháp này là thiếu sự cải tiến, sáng tạo từ người được hướng dẫn.

Mô hình phổ biến của phương pháp này là EDAC:

  • Explan – Giải thích;
  • Demonstrate – Làm mẫu;
  • Apply – Áp dụng;
  • Consolidate – Đúc kết.

LỜI KẾT

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ giải thích 03 hoạt động phổ biến nhất trong nội bộ một công ty, tổ chức. Các phương pháp khác counseling hay consulting thường được thực hiện như những dịch vụ thuê ngoài, do những người có bằng cấp chuyên nghiệp thực hiện. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về counseling và consulting trong các bài viết khác.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này

Khiem Huynh, Certified Agile Coach, Certified Agile Practitioner, PSM III


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí