0

Nghề comtor hay còn gọi là phiên dịch viên Tiếng Nhật

Trước khi vào nghề hiện tại, tôi đã từng làm công việc phiên dịch viên. Tôi làm công việc này trong khoảng thời gian không dài nhưng nó đã để lại cho tôi rất nhiều kinh nghiệm đáng quý. Vậy nên với bài viết dưới đây, tôi muốn share cho các bạn những kinh nghiệm mà tôi có được cũng như tôi học được từ những bài viết, từ những bậc tiền bối trong nghề.

Trước hết, các bạn có biết để trở thành nhà phiên dịch thì cơ bản cần phải có những kỹ năng gì ?

  • Vốn ngoại ngữ: Bạn phải thông thạo tiếng mẹ đẻ và tất nhiên là ngoại ngữ chuyên môn để phiên dịch. Ngoài ra, bên cạnh việc tạo nền tảng cho kiến thức ngoại ngữ chung tại nhà trường, bạn cũng cần phải nỗ lực nghiên cứu thêm về ngoại ngữ chuyên ngành để có thể truyền tải tốt hơn nội dung cần phiên dịch.
  • Khả năng giao tiếp: Công việc phiên dịch đòi hỏi rất cao khả năng diễn đạt vấn đề một cách rõ ràng và mạch lạc. Bạn cũng nên tạo thói quen sử dụng câu và từ một cách chỉnh chu để không gây hiểu nhầm hoặc gây cho người nghe cảm giác khó chịu về cách dùng từ không hợp ngữ cảnh. Tự tin trong giao tiếp cũng giúp người phiên dịch tạo nên ấn tượng tốt. Bạn hãy vui vẻ, giao tiếp tự nhiên và tự tin với những gì bạn có, điều đó sẽ tạo tâm lí thoải mái cho cả bạn và những người được phiên dịch. Bên cạnh đó, mở rộng phạm vi giao tiếp với nhiều người để có thể học hỏi nhiều thứ không chỉ về vốn ngoại ngữ, mà còn về cả kiến thức chuyên ngành.
  • Kiến thức tổng quát: Bạn cần phải chuẩn bị một kiến thức tổng hợp cho chính bản thân mình để có thể xoay sở trong mọi tình huống. Trong một công ty có rất nhiều phòng ban, nhiều lĩnh vực, vì vậy một vốn kiến thức rộng sẽ giúp bạn tiến xa hơn trong nghề. Hơn nữa, người phiên dịch phải có sự am hiểu về văn hoá của các bên được phiên dịch. Điều này sẽ giúp bạn không chỉ hiểu được sâu sắc ngôn ngữ mà còn có thể truyền đạt theo đúng cách mà ngôn ngữ đó cần được thể hiện. Ngoài ra, trong quá trình phiên dịch, bạn nên có sẵn viết và sổ tay để có thể ghi chú lại các từ vựng mới mà bạn lần đầu tiên biết được nhé. Có thể nói, trong mỗi lần tham gia phiên dịch, phiên dịch viên như một thí sinh tham dự kì thi quốc gia mà ban giám khảo chính là khách hàng của mình.

Những lợi ích nghề phiên dịch mang lại

  1. Luôn được khám phá những kiến thức mới. Ngôn ngữ là tinh hoa quan trọng nhất của mỗi nền văn hóa. Bởi vậy, khi hiểu và sử dụng tốt thêm một ngôn ngữ nghĩa là bạn gần như đã khám phá thêm một nền văn hóa mới. Khi thông thạo một ngôn ngữ mới, phiên dịch viên sẽ có cơ hội tìm hiểu nhiều lĩnh vực của một quốc gia mà mình quan tâm.

  2. Bạn sẽ giữ vai trò quan trọng trong công việc. Mọi người có cho rằng chẳng có nghề gì mà lại việc nhàn lương cao như nghề phiên dịch cả. Cứ chỉ cần dịch lại y nguyên như người ta nói rồi nói lại với bên kia, quá là đơn giản ! KHÔNG PHẢI NHƯ VẬY ĐÂU NHÉ ! Trong câu chuyện, bạn giữ vai trò quan trọng và trách nhiệm nặng nề dù chỉ thật sự chuyển đổi lại ngôn ngữ nhưng tinh thần trách nhiệm của bạn sẽ quyết định sự thành bại của công việc. Sự bất đồng về ngôn ngữ dễ dẫn đến những điều không hay. Thậm chí, chiến tranh cũng có thể nổ ra bởi những hiểu lầm về ngôn ngữ. Đặc biệt là với những phiên dịch viên ngoại giao, những buổi hội nghị hợp tác sẽ thật sự đem lại những hợp tác có ý nghĩa giữa các bên. Và bạn chính là cầu nối về ngôn ngữ, ý tưởng, là người giúp dòng chảy thông tin giữa những người tham gia giao tiếp được liền mạch. Tôi nói thật chứ nếu đã nhận làm phiên dịch viên cho những cuộc trao đổi mang tính chất ngoại giao thì thật sự người đó phải có trình độ cũng như gan dám làm trình độ cao siêu như thế nào.

  3. Có cơ hội gặp gỡ, làm việc và học hỏi với những con người nổi tiếng và thành đạt. Là phiên dịch viên, bạn sẽ được đi nhiều nơi trên thế giới và làm việc trong môi trường hấp dẫn với những người thành đạt và nổi tiếng. Nếu là một phiên dịch viên ngoại giao, bạn còn được gặp gỡ những nhân vật hàng đầu của chính phủ hay tổ chức quốc tế.

  4. Cơ hội việc làm rất lớn Khi hội nhập đang trở thành xu thế tất yếu của tất cả các nước trên thế giới và hiện tại Việt Nam đã đầy mạnh hợp tác bằng việc gia nhập vào nhiều tổ chức thế giới như LHQ, WTO, ASEAN….Các công ty, tổ chức, cơ quan quốc tế sẽ tìm đến thị trường Việt Nam và họ luôn cần những phiên dịch viên giỏi. Khi xu thế toàn cầu hóa còn hữu dụng thì nghề phiên dịch viên sẽ càng dễ tìm việc làm. Đặc biệt là với tình trạng “sính” Nhật như ở Việt Nam nói chung và công ty tôi nói riêng thì chỉ cần bạn có tiếng Nhật, đã từng đi Nhật dù chỉ 1 năm thì khả năng bạn pass phỏng vấn vào công ty chiếm đến 70%.

  5. Thu nhập cao và ổn định. Mức thu nhập của nghề phiên dịch viên là tương đối cao so với mặt bằng chung của cả xã hội hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là nghề nghiệp có tính cạnh tranh và đào thải lớn. Bởi ngày nay, ngoại ngữ đã trở thành một công cụ được rất nhiều bạn trẻ nỗ lực trau dồi trong hành trang lập nghiệp của mình. Tính cạnh tranh sẽ giúp bạn không ngừng trau dồi kĩ năng và phát triển bản thân.

  6. Sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến Chính vì tính cạch tranh cao và công việc luôn khát nhân lực, phiên dịch viên sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến. Khi bắt đầu từ nghề phiên dịch, với cơ hội được đi nhiều nước, tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau và luôn được ở bên những vị quan chức cấp cao, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều. Để từ đó với hành trang phong phú của nhiều năm kinh nghiệm, rất có thể bạn sẽ trở thành một nhà ngoại giao có tài thuyết khách, một vị chính khách uyên bác và lịch lãm, một nhà quản lý tài năng. Và cơ hội thăng tiến chỉ đến với những ai thực sự nỗ lực vươn lên, tìm được phương pháp làm việc hiệu quả, sáng tạo nhất. Chính nhờ lý do này mà bạn sẽ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi bạn không ngừng phát triển hiểu biết của mình. Cá nhân tôi thì không nghĩ tới chuyện có thể trở thành nhà thuyết khách tài ba hay một nhà chính khách uyên bác, nói thực chứ mục tiêu trước mắt của tôi là có thể trở thành master trong chính công việc đang làm hiện tại đã là cả một thử thách lớn lao rồi. Còn bạn thì sao ?

  7. Công việc bền vững lâu dài Trong rất nhiều nghề, bạn phải sớm rẽ hướng để tìm đất sống mới. Nhưng với phiên dịch viên, càng nhiều kinh nghiệm bạn sẽ càng tiến xa, tiến cao trong nghề nghiệp. Việc làm phiên dịch luôn mang tới những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn và cao cấp. Với kinh nghiệm lâu năm và kiến thức uyên bác, các phiên dịch viên còn được mọi người kính nể và tin tưởng hơn trong công việc. Phiên dịch viên có thể gắn bó lâu dài với nghề bằng nhiều cách. Khi đến một giới hạn tuổi tác, không thể đi nhiều và tham gia vào những hội nghị lớn, bạn có thể chuyên vào các công việc như dịch sách báo, tài liệu hay dịch phim v.v... cho các cơ quan truyền thông. Công việc dịch thuật này cũng mang tới cho bạn cơ hội học hỏi nhiều điều. Tuy nhiên, dịch thuật là một ngành nghề đòi hỏi sự trau dồi không ngừng nghỉ. Bên cạnh tính hấp dẫn, đây là một công việc đòi hỏi nhiểu kĩ năng và kiến thức. Thách thức sẽ không nhỏ chút nào.

Vậy có nên chọn nghề phiên dịch?

Những thách thức trong nghề phiên dịch

• Liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức và am hiểu nhiều lĩnh vực: Có thể khi mới vào nghề, bạn không thể ngay lập tức trở thành một người phiên dịch tinh thông, nhưng nếu biết cách chuẩn bị kiến thức trước mỗi chủ đề dịch, bạn vẫn vượt qua thời gian đầu với thành quả tốt nhất. Thách thức đầu tiên của việc làm phiên dịch là bạn luôn phải cẩn thận tìm hiểu những gì mình cần dịch vì không ai có thể am hiểu hết tất cả kiến thức.

• Không được tự thỏa mãn với kiến thức và kĩ năng của bản thân: Ngôn ngữ luôn luôn phát triển. Bởi vậy, nghề phiên dịch đòi hỏi phải liên tục học tập để trau dồi ngoại ngữ mà mình đang sử dụng và cả tiếng Việt nữa. Nước ta đang trong thời kì đổi mới và phát triển về các mặt nên nhiều khái niệm, từ ngữ và cách nói mới xuất hiện. Nếu không cập nhật, bạn sẽ lạc hậu và đi sau sự phát triển.

• Tính kỉ luật cao trong nghề nghiệp: Khi dịch nói và viết, bạn cần nhất thiết trung thành với văn bản gốc. Bạn phải coi đó như vấn đề “lương tâm nghề nghiệp” của người dịch. Nếu bạn dịch sai, có thể mọi người không phát hiện được ngay lúc ấy, nhưng ai dám chắc rằng lỗi sai đó sẽ lại không gây ra những hậu quả lớn như hiểu lầm nghiêm trọng giữa các bên đối tác. Với những cuộc hội đàm quan trong, người phiên dịch chính là chìa khóa quyết định sự hợp tác của đôi bên. Vì vậy, làm nghề phiên dịch bạn phải thật sự cẩn thận và đặt lương tâm mình lên cao nhất.

• Áp lực công việc cao: Công việc phiên dịch thường chịu sức ép từ nhiều phía: sức ép và căng thẳng cao độ của dịch đồng thời (vừa nghe vừa dịch), sức ép của việc dịch đuổi, sức ép về kiến thức và thông tin mới…. Áp lực lớn nhất là bạn phải dịch thật chính xác, thật đúng ý người nói hoặc người viết (kể cả khi họ có ý mập mờ) thành một bản dịch hay, có duyên, hấp dẫn và dễ tiếp nhận nhất. Thế nhưng, những áp lực của công việc phiên dịch sẽ giúp bạn trở nên bản lĩnh hơn, quyết đoán hơn trong cuộc sống. Đây là công việc có tần suất thành công rất lớn.

• Cần hiểu tâm lý người nói: với những phiên dịch viên nói, bạn phải vừa dịch vừa quan sát cử chỉ, thái độ, nét mặt của người nói để chọn lựa từ ngũ thích hợp nhất cho ngôn ngữ đích của mình. Đây được coi là kỹ năng quan trọng của người dịch nói. Sự khéo léo này sẽ mang lại nhiều thành công rực rỡ cho cả cơ quan bạn làm việc và của bản thân. Để trở thành một thông dịch viên chuyên nghiệp, trước hết phải có chất giọng tốt, kế đến là phải hiểu tâm lý, văn hóa và phong cách của người Nhật.

Mức lương phiên dịch

Về khoản này thì tôi không dám chắc. Vì lương còn tùy thuộc vào trình độ, vào lĩnh vực dịch, vào khách hàng, và vào những yếu tố khác nữa. Nếu tò mò thì các bạn cứ tự nhiên bước chân vào nghề rồi biết nhé. ^^


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí