Lỗi ngụy biện trong phim 12 Angry Men
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 8 năm
Trước khi đi vào nội dung chính, xin được phép làm rõ khái niệm "ngụy biện" và giới thiệu qua một chút về 12 Angry Men trong trường hợp các bạn chưa biết^^
Giới thiệu chung
Khái niệm về "Ngụy biện": Ngụy biện, nói một cách đơn giản nhất, là tranh luận bằng những lời lẽ, phát biểu vô căn cứ, những lập luận cá nhân sai lầm, vi phạm quy tắc logic, được đưa ra nhằm giành ưu thế trong những cuộc tranh luận, đối thoại, và xuất hiện dưới rất rất nhiều dạng khác nhau.
Tiếp theo là về 12 Angry Men
12 Angry Men là một bộ phim đen trắng của điện ảnh Mỹ, ra đời năm 1957 (để phân biệt với phiên bản kịch truyền hình lên sóng vào năm 1954 và bản phim dài tập ra đời năm 1997). Câu chuyện lấy bối cảnh ở thành phố New York, trong phiên toàn xét xử một thanh niên 18 tuổi lớn lên trong khu ổ chuột, bị kết tội sát hại cha mình. Sau khi đã xem xét các bằng chứng, nghe lời khai từ các nhân chứng, đến phiên bồi thẩm đoàn phán quyết xem bị cáo có tội hay không. Nếu phán quyết là có tội, bị cáo sẽ bị phạt mức cao nhất, là tử hình. Trong phòng họp bồi thẩm, một cuộc bỏ phiếu diễn ra, và 11 trong số 12 bồi thẩm đồng ý rằng cậu bé có tội. Toàn bộ phần còn lại của phim diễn ra trong phòng họp bồi thẩm, nơi vị bồi thẩm #8 đưa ra những lí lẽ, tranh luận và thuyết phục 11 người còn lại thay đổi lá phiếu của mình từ "Có tội" sang "Vô tội".
Dù thất bại ở các hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất, Phim hay nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất ở Oscar 1958, 12 Angry Men vẫn luôn đứng trong top 10 trong top 250 phim có rating cao nhất của IMDB, được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ chọn lưu trữ vào Viện lưu trữ phim quốc gia vì sự "quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử, hay thẩm mỹ".
Dưới đây, mình sẽ đi sâu phân tích một số những lỗi ngụy biện xuất hiện trong cuộc tranh luận của 12 vị bồi thẩm trong phim.
1.Ngụy biện cứng đầu
Là loại ngụy biện mặc kệ và bỏ ngoài tai tất cả mọi lý luận của đối phương, chỉ khăng khăng giữ ý kiến của mình dù ý kiến đó có bị chứng minh là sai đi nữa. Điều này thể hiện rất rõ ở tuyên bố của vị bồi thẩm #7, khi bồi thẩm #8 đề nghị một sự xem xét kĩ lưỡng và cẩn thận hơn của bồi thẩm đoàn, trước khi đưa ra phán quyết đẩy cậu bé bị cáo vào chỗ chết.
I think the guy is guilty. you could't change my mind even if you talked for a hundred years." (Tôi cho là thằng nhóc này có tội. Dù anh có nói cả ngàn năm đi nữa tôi cũng sẽ không nghĩ khác đi đâu)
2. Ngụy biện bất khả tri
Là kiểu suy luận rằng nếu một phát biểu không thể bị chứng minh là sai, thì nó phải là đúng. Nó hoàn toàn bỏ qua khả năng thứ ba, rằng thiếu thông tin để chứng minh phát biểu đó là đúng hay sai. Nó cũng không chấp nhận rằng khả năng không chỉ có hai khả năng (đúng hoặc sai), nhưng có thể có nhiều hơn thế ví dụ như đúng (1), sai (2), không xác định giữa đúng và sai (3), hoặc chưa biết được chính xác câu trả lời nào trong ba khả năng trước (4).
Loại ngụy biện này có hình thức tiêu biểu như sau:
- Không thể chứng minh là A đúng => A sai
- Không thể chứng minh là B sai => B đúng
Kiểu ngụy biện này được thể hiện trong phim qua phát biểu của vị bồi thẩm #2
I just think he's guilty. ...Nobody proved otherwise. (Tôi nghĩ là cậu ta có tội...Chẳng ai chứng minh cậu ta vô tội cả.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngụy biện bất khả tri được chấp nhận là hợp lý, việc xét xử có tội - vô tội của bị cáo trong một vụ án là một ví dụ. Theo quy định của luật hình sự, nếu không có bằng chứng chứng minh một bị cáo đã thực sự phạm tội, thì bị cáo đó vẫn được tuyên là vô tội. Tất nhiên, suy luận này không đúng trong chiều ngược lại, là nếu không có bằng chứng chứng minh bị cáo vô tội thì tức là bị cáo đó có tội.
3.Ngụy biện chế giễu
Là kiểu ngụy biện giễu cợt lời người trao đổi là nhảm nhí, là tầm bậy, kì quặc hay khôi hài, để hạ thấp giá trị các lời nói đó.
Bối cảnh: Con dao được dùng để giết cha của bị cáo là một con dao gấp, có cán chạm khắc khá đặc biệt, và trùng khớp với nhận dạng con dao mà bị cáo mua từ một cửa hàng vũ khí. Tuy nhiên, trên con dao gây án không có dấu vân tay bị cáo, và bị cáo đã khai là mình đã đánh rơi con dao ở đâu đó không biết. Vị bồi thẩm #8 đã chứng minh được là con dao đó không đặc biệt đến mức chỉ có 1 chiếc duy nhất, bằng cách đưa ra một con dao khác giống hệt con dao gây án mà ông mua được trong khu dân cư gần nhà cậu bé. Trong hoàn cảnh này, vị bồi thẩm #3 đã thốt lên:
So what does that mean? It's the same kind of knife. So what's that? The discovery of the age or something? ( Thì sao nào? Nó cùng một loại dao. Rồi sao nữa? Phát minh của thế kỉ à? )
Rõ ràng, việc châm chọc phát hiện của bồi thẩm #8 ở đây không liên quan gì đến việc con dao hung khí có thực sự là của cậu bé hay không.
Tương tự, trong đoạn sau, khi vị bồi thẩm #8 đưa ra giả thuyết rằng nạn nhân hoàn toàn có khả năng bị sát hại bơi một người ông ta từng gây gổ hay một phụ nữ ông ta từng dan díu, bởi nạn nhân vốn là người có hoàn cảnh và quá khứ phức tạp. Bồi thẩm #10 đã thốt lên ngán ngẩm:
Boy-oh-boy, that's the biggest crap I ever.....
Một lần nữa, việc chỉ trích giả thuyết của bồi thẩm #8 là vớ vẩn, nhảm nhí, là phát biểu hoàn toàn không có căn cứ hay logic nào hết, chỉ là một nhận định mang tính cá nhân nhằm hạ thấp đối phương mà thôi.
Thêm một dẫn chứng khác, là khi các bồi thẩm tranh luận về việc người đàn ông nhân chứng ở tầng dưới đưa ra lời khai rằng ông nghe thấy cậu bé bị cáo hét lên, đe dọa sẽ giết ông bố, và sau đó là tiếng người ngã xuống sàn. Sau khi bồi thẩm #8 đưa ra thông tin và lập luận nghi ngờ lời khai người đàn ông ở tầng dưới, rằng có thể ông ta đã nghe nhầm vì cùng lúc đó, có một đoàn tàu đang chạy qua sát hiện trường và kéo còi ầm ĩ liên tục trước và sau khi có tiếng hét. Và bồi thẩm #3 phản biện lại bằng phát ngôn dưới đây:
That's idiotic. Sure he could have heard it. - Thật ngu ngốc. Ông ta hoàn toàn có thể đã nghe được (cậu bé hét lên).
Ở đây, bồi thẩm #3 chỉ trích lập luận của bồi thẩm #8 là ngu ngốc, và đồng thời mắc thêm một lỗi ngụy biện khác, là ngụy biện cứng đầu, khi khăng khăng khẳng định chắc chắn người đàn ông đã nghe được tiếng cậu bé, mà không đưa ra lí lẽ lập luận gì chứng minh cho ý kiến của mình.
(To be continued)
*Tham khảo
Screenplay: http://screenplayexplorer.com/wp-content/scripts/12-Angry-Men.pdf
Những Trò Ngụy Biện - Biến Sai Thành Trái - Alpha Books biên soạn - NXB Lao động Xã hội - 2012
Các ví dụ về ngụy biện - Fallacy Facebook page - https://www.facebook.com/nguybienVN/?fref=ts
Ngụy biện - http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/logic-hoc-tu-duy-phan-bien/nguy-bien_499.html
Vạch mặt 25 kiểu ngụy biện phổ biến của người Việt - https://www.ohay.tv/view/vach-mat-25-kieu-nguy-bien-pho-bien-cua-nguoi-viet/SS8XC
All rights reserved